Viết một bài văn nghị luận nêu suy nghĩ của em về lợi và hại về hiện tượng sử dụng blog trong giới trẻ hiện nay
… Hãy tưởng tượng một chút…
Hôm nay là một ngày trời không đẹp và đô’i với bạn có nhiều điều thật tồi tệ. Bạn sẽ làm gì? Giải pháp của thế kỉ trước: Bạn ngồi trầm tư, ủ rũ một mình trong căn phòng tối… Người của thế kỉ trước làm vậy, còn bạn và tôi, chúng ta đang sống ở thập niên đầu của thế kỉ XXI để giải tỏa những khó chịu của một ngày “không đẹp” ta đến với Blog.
Tuy mới xuất hiện mấy năm gần đây, nhưng trào lưu viết blog đã sớm xâm nhập và khuây động một “thế giới ảo”, trở thành phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của 8X, 9X Việt. Không quá cầu kì và khoa học như website, cũng đôi chút giông với một forum, nhưng bản chất blog là một cuốn nhật kí trực tuyến được sắp xếp theo trình tự thời gian. Nhờ đó mà thế hệ teen năng động hoạt bát chúng ta không cần thêm một khoản chi phí chăm chút cho những quyển nhật kí nặng trịch, lủng lẳng móc khoá này nọ. Blog giúp bạn trẻ chúng ta có một thế giới nội tâm phong phú hơn, sâu sắc hơn và gần gũi với đời sông thực hơn.
Theo một tờ báo của Mĩ viết về “hiện tượng” blog thì blog là biểu thị sự trò chuyện. Người tạo và người đọc cũng tham gia vào cuộc hội thoại phi thể thức, thậm chí cọ thể viết rất tự do, đề tài được thay đổi chuyển hướng liên tục. Hiện nay cứ một giây lại xuất hiện một blog mới. Lãnh địa blog đang nhân đôi về quy mô theo chu kì năm tháng. Sức lan của blog đã đạt đến chóng mặt.
Sớm nay vào một blog của một người lạ, tôi bắt gặp những dòng nhật kí tràn ngập lòng thương nhớ quê hương của một người con xa nhà. Nơi xứ sở hoa anh đào, người con ấy khát khao được nâng niu một đoá mai vàng nơi mảnh đất quê hương. Trang blog ấy đã gửi đi thông điệp yêu thương, đánh thức trong tôi những cung bậc cảm xúc bâng khuâng, xao xuyến khi chợt nhìn thấy trên đường phố ngoài kia đã thấp thoáng những cánh đào Nhật Tân hồng tươi đang khoe sắc…
Người ta đã nói rất nhiều đến cái hay, cái thú vị của blog, có nhiều tờ báo đã lấy văn hoá blog làm tiêu điểm nóng cho nhiều tuần. Với tư cách là một cuốn sách điện tử, ở đó họ có thể chia sẻ mọi tâm tư tình cảm của mình với mọi người một cách nhanh chóng nhất, cùng đưa ra bàn bạc, mổ xẻ một vấn đề để tìm cách tháo gỡ… Thậm chí blog còn là nơi ta có thể tìm kiếm nhanh nhất sự giúp đỡ của cộng đồng với một cá nhân nào đó đang phải chịu nỗi bất hạnh. Ta không thể không nói lời cảm ơn với những người con đã tạo nên “bức tranh blog” sinh động diệu kì, để cho “thế giới ảo” không đơn thuần là một xa lộ đầy ắp thông tin, mở đầu bằng một tiếng “buzz” rung cả màn hình và kết thúc chỉ bằng một cái nhấp chuột. Với blog dù đã đóng lại, ta phải suy nghĩ trăn trở với bao câu hỏi mà ta chưa bao giờ tự hỏi mình. Đóng lại rồi, ta vẫn ngồi vu vơ tự mường tượng ra khuôn mặt của người đã viết nên những dòng tâm sự thấm đẫm xúc cảm kia. Họ hết thảy là những người như tôi, như bạn nếu có gặp nhau ngoài phố chắc chỉ là người không quen biết, nhưng nhờ blog mà ta đã quen họ, quen một thê’ giới tâm hồn trong con người ấy… Thật kì diệu khi con người được xích lại gần nhau, để thấu hiểu, thông cảm cho nhau và tấm lòng được rộng mở để đón lấy ánh sáng từ những tâm hồn khác.
Nhưng mỗi phát minh khoa học đến với con người đều có hai mặt và blog cũng không ngoại lệ. Dù là một dạng nhật kí cá nhân thì blog vẫn là một dạng nhật kí “mở”, nghĩa là nếu chủ nhân của blog đồng ý thì bất kì ai cũng có thể vào đọc và xem thông tin trên blog đó. Người ta đang kháo nhau rầm rộ về những blog quá “độ” mà trên đó người ta thấy những cơ man nào là những bức ảnh chụp cảnh ăn chơi thác loạn của các bạn trẻ nơi thành thị. Nào là những tấm ảnh hở hang của những cô gái trẻ trong vũ trường, rồi những kiểu ăn mặc hết sức “mát mẻ” ngay trên phố, nơi công cộng; những pha “bốc đầu” ngoạn mục của mấy cậu choai choai, đánh võng, lạng lách,… thôi thì đủ cả. Tóm lại, những thói hư tật xấu của giới trẻ đều được các blogger bày ra trên blog của mình, coi đó như một thứ hàng “độc” mà mình sưu tầm được. Sau đó chủ nhân của những blog này lại thêm thắt những “mĩ từ”, những bài viết kèm theo để “tôn vinh” các thói hư tật xấu này.
Các ngôn ngữ mà nhiều bạn trẻ sử dụng để thể hiện trên blog cũng khá đa dạng và ít nhiều được cách tân theo hướng hiện đại, giản đơn, nhưng đôi khi hơi “quái dị” khiến nhiều người phải lo lắng cho sự trong sáng của tiếng Việt. Chưa kể trong một số blog chủ nhân thoải mái văng tục, chửi bậy, chửi thề,… có khi muốn thể hiện thái độ bực dọc của mình, nhưng có phần không nhỏ là do xuất phát từ thói quen, cách cư xử thiếu văn minh trong giao tiếp. Thật nguy hiểm biết mấy khi người ta đi ngược lại chức năng chính của blog và dùng nó làm công cụ để tuyên truyền những văn hóa phẩm phản động, những suy nghĩ, chính kiến chính trị sai lạc với đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước ta.
Vâng, xã hội là như vậy các bạn ạ. Luôn có những “con sâu làm rầu nồi canh” như thế. Blog đen và blog phản động thậm chí cả những website, diễn đàn với một nội dung xấu đều chỉ là một phần phức tạp trong muôn vàn những phức tạp trong “thế giới ảo” mà con người tạo ra. Một tấm huy chương bao giờ cũng có hai mặt, cái lợi và cái hại luôn đi liền nhau. Xã hội càng đi lên, các công nghệ tiên tiến ngày càng phát triển để phục vụ đời sông con người thì cũng theo đó, con người lại trở thành “nô lệ” cho biết bao những tha hóa và tiêu cực phát sinh. Blog không phải là một cái gì đó quá gần với tệ nạn, chức năng của blog không hề xấu, nhưng hãy thử nhìn lại xem, con người đã làm gì với chúng?
Tôi vẫn nhớ rõ trong cuộc thi Miss World trong những năm qua, các hoa hậu Việt Nam tự tin xuất hiện tại đấu trường sắc đẹp trong bộ áo dài truyền thống quê hương mình. Trong tà áo dài truyền thống, vẻ đẹp Việt Nam vẫn tỏa sáng rực rỡ bên bao bộ dạ phục rực rỡ màu sắc… Việt Nam muôn hội nhập thế giới, nhưng cái gốc Việt vẫn phải bền, thuần phong mĩ tục ngàn đời không dễ gì thay đổi được. Người ta biết đến đất nước mình không phải là để xem chúng ta bắt chước nền văn hóa của họ thế nào mà muốn xem chúng ta gìn giữ bản sắc dân tộc mình ra sao. Và hãy tưởng tượng nếu họ trong một lần “lang thang” Internet và bắt gặp hình ảnh mấy cô cậu học trò Việt tuổi “ô mai”, tiệc tùng, đàn dúm chơi bời trong trang phục thiếu vải trầm trọng, tóc xanh đỏ đủ màu; mấy cu cậu choai choai tóc dựng ngược, quần bò mái bạc rách tứ tung say mê “bô’c đầu”,… thì họ sẽ nghĩ gì về tuổi trẻ của đất nước minh?
Trong khi xã hội còn tồn tại những mảng tối, những cái xấu vẫn phơi bày nhan nhản trên blog như vậy thì ánh sáng của con người vẫn tràn ngập và lan rộng khắp. Ngày ngày các bạn trẻ vẫn chuyền tay nhau đường link đến blog của một người Canada viết về Việt Nam vô cùng tỉ mỉ, chân thực, cảm động với một văn phong rất Á Đông, rất Việt Nam. Những blog quyên góp ủng hộ cho các bạn nghèo, cho trẻ em nhiễm chất độc màu da cam., vẫn ngày ngày nhận được những dòng phúc đáp chân tình đầy thiện chí, những con người ấy đã vô tình xóa đi ranh giới giữa “con người thật” và “thế giới ảo” bằng lòng nhân ái – đặc trưng của người dân Việt Nam.
Với trình độ quản lí và an ninh mạng như hiện nay, chúng ta đã phát hiện và hủy bỏ nhiều blog có hại. Hàng loạt “tường lửa” firewall được thiết lập tại các tụ điểm Internet nhằm ngăn chặn vào blog “đen”… Nhưng đó chỉ là biện pháp trên lí thuyết, còn thực tế, sự nảy sinh những blog nguy hiểm như vậy là không thể kiểm soát mà chỉ có thể ngăn chặn, huỷ bỏ. Cái quan trọng nhất vẫn là ý thức của mỗi công dân và sự quan tâm, chăm sóc tới thế hệ 8X, 9X ngày nay, để các em tránh xa những cám dỗ tiêu cực kia, để cuộc sông của các em là cuộc sốhg văn minh, lành mạnh nhất. Có như thế, xã hội mới có quyền hi vọng ở các em, các em mới đủ tự tin để ngẩng cao đầu nhìn bạn bè khắp năm châu…
Sớm nay tôi cũng vào blog, cái blog yêu quý của tôi… Còn nick tôi để sáng “Availble”. vẫn “buzz” tôi một cái rõ to: “Làm văn chưa ấy?”. “Rồi” (enter) “viết về cái gì?” (cười toe toét). Àh, “BLOG” (cười toe!) (enter!!!).
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi