Về đoạn trích “Trao duyên” (trích “Truyện Kiều”)

0

Có thể xem đây là một mặt cắt của tình yêu trên hai bình diện. Trước hết là ở cái đẹp và sự xót xa, ở hi vọng và đổ vỡ. Tình yêu ấy lại không dàn trải đều đều trong phân bố tự nhiên của kiểu văn tự sự. Nó đậm đặc, nó khoan sâu trong mỗi hành động, lời nói của nhân vật trung tâm. Phương thức trữ tình hoá ngôn ngữ kể chuyện ở đây là ở đầu cho một hệ thống biến cố mà Thuý Kiều đã một lần cảm nhận trong cục đàm tâm độc thoại với hồn Đạm Tiên, để từ đó trở đi, nó như một ám ảnh. Cuộc đụng độ giữa tài hoa và số mệnh bắt đầu. Hệ quy chiếu của xung đột giúp nàng Kiều bớt đi phần đột ngột, nhưng do tự thân nếm trải, do va đụng vào thực tế phũ phàng, cảm nhận ấy tự nó gia tăng cường độ thấm đẫm, xót xa. Bút lực của Nguyễn Du như Mộng Liên Đường chủ nhân nhận xét là dụng tâm đã khổ, tự sự đã khéo, tả cảnh đã hệt, đàm tình đã thiết và phải có con mắt trông thấu cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt cả nghìn đời.

Bản song tấu tự sự và trữ tình vừa cất lên thì cái tôi rụt rè xuất hiện. Nói rụt rè vì nó lần đầu tự ý thức, lần đầu nghĩ đến con người thân phận ở góc độ cá nhân sau khi đã hoàn thành trọng trách trên phương diện xã hội, với cộng đồng. Đó là cái bổn phận làm con “Làm con trước phải đền ơn sinh thành”. Giờ đây, ở cái phần sở hữu riêng, nó cất lên run rẩy. Run rẩy và cái tất yếu sau những độc thoại vô ngôn một mình một bóng:

Một mình nương ngọn đèn khuya

Áo đầm giọt lệ tóc se mái đầu

Phong cách chủ yếu của Trao duyên vẫn là tự sự, thậm chí như một hoạt cảnh đầy đủ lớp lang, nhưng sự vận động tự thân của nhân vật và cốt truyện thì lại biến hoá khôn lường. Hình như ở một chừng mực nào đấy, nó vượt khỏi phạm vi dự kiến của nhà thơ! Chẳng hạn như việc dặn em thay lời diễn ra trên hai cấp độ. Bốn câu đầu là ngôn từ thông báo. Sáu câu tiếp theo thêm một chút nội tâm. nhưng rốt cuộc thì, vẫn là day dứt cái lời nhờ cậy:

Ngày xuân em hãy còn dài

Xót tình máu mủ thay lời nước non

Thực ra, đó là sự nhắc lại, thêm một thiết tha so với ngôn từ thông báo trên đây ở hai yếu tố: Cậy em, em có chịu lời và Keo loan chắp mối tơ thừa mặc em. Nhưng đó là cái nhìn tổng quát. Đi dần vào hai nấc thang tâm trạng, ta mới hiểu cái hạt nhân hợp lí ở bên trong. Cái tôi tâm trạng ấy dường như vừa mới diễn ra một sự giằng xé. Đến lúc quyết định hành động rồi mà giọng điệu vẫn cứ đắn đo:

Cậy em, em có chịu lời

Cân nhắc, đắn đo là phải, vì việc là việc hệ trọng, nhưng lẽ ra nó chỉ có thể là một việc riêng. Ấy thế mà bây giờ, nó không thể còn là riêng được nữa, và như thế điều nhờ cậy còn lớn hơn chính người nhờ cậy. Một chút bối rối ở con người vốn rất bình tĩnh, tự tin còn phảng phất ở nhịp điệu, ở việc dùng từ. Có đến hai từ em trong câu mở đầu và hơi rườm rà động tác ở câu tiếp nối. Tất yếu của cái việc không muốn mà vẫn phải làm. Tính chân thực của nỗi niềm và sự tươi rói của cuộc đời gặp nhau trong hai câu thơ hoàn toàn không khuôn sáo ấy. Và cái lấp lánh nhiều mặt ở một thiên tài đâu chỉ ở cái biểu hiện. Còn cả ở cái được biểu hiện: từ lời nước non và tình máu mủ. Nguyễn Đình Thi đã có lí khi anh viết: Tôi nghĩ rằng cái đẹp nhất của tình nghĩa trong tâm hồn con người, ấy là cái tinh chất quý nhất, cái chất thơ kì diệu của Truyện Kiều. Sự kì diệu ấy có thể cắt nghĩa từng phần sự phi lí ở thái độ trân trọng của Thuý Kiều trong việc cậy em với cách dùng từ có vẻ như nằm ngoài phong cách là mối tơ thừa không cần gì phải chau chuốt cả. Đó chính là cái ưu thế của người làm chị trong cuộc bàn giao. Nhưng tình duyên lại là cái việc người ta không ai có thể áp đặt. Cho nên dù là chị em thật đấy, nhưng Kiều vẫn luôn đặt Vân trong một quan hệ bình đẳng, ngang hàng, em có chịu thì chị mới thưa. Và bao trùm lên bốn câu thơ là tính đơn nhất, sự thắt ngặt, dồn nén ở cái bối cảnh không gian và thời gian: chỉ một người có khả năng lời gửi gắm, gửi gắm cái tài sản duy nhất, cái hi vọng cuối cùng của một người sắp phải đi xa…

Nếu xét về mặt định hướng vừa quan trọng vừa khó khăn thì bốn câu đầu đã hoàn thành viên mãn. Ở đó có cả công việc cần phải bàn giao, cả người nhận bàn giao và hoàn cảnh éo le mà Thuý Kiều cần nhờ cậy. Thế nhưng Thuý Kiều vẫn chưa thấy là đủ? Sự thực, khi tiếp nối sáu câu sau, lượng thông tin không có gì thật mới. Gánh tương tư đến đây được phát triển một đôi lục bát:

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sau đó là hoàn cảnh diễn ra sự đứt gánh giữa đường và lời nhờ cậy. Thì ra, đó không phải là những dữ kiện mà là những cứ liệu tâm hồn. Vì vậy, việc nói lại, ngoài sự mở rộng chút ít lượng thông tin tự sự, cái chính là tạo ra những lớp sóng dư ba đang cồn lên từ một thổn thức nguồn cơn không dễ và không tiện diễn đạt bằng lời với một người dù là em, vẫn là người ngoài cuộc. Đó là một ngẫu hứng ngoài dự kiến ban đầu. Trên một phương diện nào đó, cái tôi đã tự vượt rào bước ra ngoài vùng cấm. Như thế là về mặt cấu trúc, hai đoạn thơ trên vừa có một đồng tâm nhưng không cùng một bán kính, và như thế là chất đã thay thế cho lượng, hiệu quả ít nhất là đã nhân đôi.

Nhưng sự vận động của mạch thơ từ những câu sau mới là một cái mốc:

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây.

Sở dĩ nói là cái mốc vì dù sao ở mười câu trước, nhân vật được tập trung hướng tới vẫn là Thuý Vân, người gánh vác cái trọng trách sâu thì như biển Đông, cao thì như núi Thái. Để tương xứng với lời nước non, Kiều cần đến tình máu mủ. Còn bây giờ, việc chính đã xong. Vân im lặng tức là em đã nhận lời. Kiều đã có thể tạm yên lòng vì nỗi lòng vì nỗi lo đã dường như vợi bớt. Nàng chỉ còn dặn em những công việc cuối cùng. Tuy lời thì vẫn là dặn em, nhưng dường như Vân không mấy vai trò, nếu không muốn nói là cái bóng để một nhân vật khác hiện ra, chính lại là người nói. Kiều nói những gì? Chỉ một nỗi đau được soi từ nhiều phía, và phía nào cũng là đối nghịch giữa còn – mất, hợp – tan trong âm – dương cách trở. Kẻ đáng thương duy nhất chính là nàng. Điều ấy lại do chính nàng tự nhận thức. Một lần nữa cái tôi xuất hiện ở một lắng kết cao hơn. Tính bi kịch dâng dần vào điểm nút. Đó là sự hiện diện bằng cái chết, một cái chết không yên. Bởi nếu nhắm mắt xuôi tay được thì cái tư thế tưởng là vui kia (ngậm cười chín suối) đã có thể là cái dấu chấm cuối cùng. Nhưng mà không, vì cái chết kia bất công phi lí quá! Làm sao có thể chết đi một mối tơ duyên mà kỉ vật của nó vẫn còn nguyên vẹn, vẫn ấm áp hơi người:

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung.

Ông Hoài Thanh viết: Của chung là của ai? Bao nhiêu đau đớn trong hai tiếng đơn sơ! Rõ ràng ở đây Nguyễn Du đã phân biệt vai trò của người giữ và người có quyền sở hữu. Với Thuý Kiều, người giữ ấy có thể, và cần phải là Thuý Vân, nhưng người có quyền sở hữu phải chính là nàng. Bởi lè, kỉ vật kia là nhân chứng của một mối tình say đắm: Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề. Thế mà bây giờ, khách quan và ngẫu nhiên diễn ra một tình hình ngược lại: kẻ hai quả không một ngày trồng cây hai sương một nắng. Sự tàn nhẫn của cuộc đời và cũng là cái uất nghẹn cứ thế tràn đi bằng những cặp câu song trùng giữa hai khái niệm giả và thực. Sự phân hợp chồng chéo, đan gài vào nhau tạo được cái nhức nhối xót xa, có khi ở sự tương phản giữa cái riêng với cái chung (Duyên này thì giữ vật này của chung), giữa hạnh phúc (nên vợ nên chồng) với bất hạnh (người mệnh bạc), giữa mất với còn (Mất người còn chút của tin), giữa tương lai và hiện tại (Mai sau dù có bao giờ).

Như thế, về hình thức thì vẫn là lời dặn em, nghĩa là vẫn tồn tại một logic thông thường, nhưng mạch thơ đã chuyển. Sự thay thế vai trò ở đây không chỉ biểu hiện bằng tương quan còn – mất mà chính là ở tỉ trọng đối sánh giữa tình chị và duyên em. Chẳng hạn trong bốn câu:

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt lòng chẳng quên

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Chủ thể tình chị được tăng trưởng rõ rệt, đẩy lùi cái hiện tại là duyên em bằng quá khứ xa xôi nhưng chưa một lần nhạt phai tâm tưởng. Sự trong trẻo ở chút của tin kết hợp với định tố ngày xưa bền vững tạo được thế liên hoàn trùng điệp. Hoặc giả tám câu miêu tả cảnh hồn người chết hiện về. Đó là một mảnh hồn oan, hồn của nàng Kiều dù lưu lạc nơi góc bể chân trời, dù lướt đi trong gió (vì thịt nát xương mòn) nhưng lời thề vẫn mang nặng trong tim. Đây là một cách khẳng định (Son phấn có thần chôn vẫn hận). Cho dù là không oán hận ai, nhưng mối chung tình bản thân nó đã là lời phán xét, một kiếm chứng nhân văn quyết liệt. Trong tác phẩm Truyện Kiều, có đến hai cảnh oan hồn hiện về trong gió. Nhưng khác nhau nhiều. Ở Đạm Tiên, đó là sự ứng nghiệm tức thời:

Một lời nói chửa kịp thưa

Phút đâu trận gió cuốn cờ đến ngay

Ào ào đổ lộc rung cây

Ở trong dường có hương bay ít nhiều

Đè chừng ngọn gió lần theo

Dấu giày từng bước in rêu rành rành.

Đây là cuộc gặp gỡ của số phận: Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Còn Kiều trở về gặp lại cảnh cũ người xưa vốn từ lâu gắn bó nhưng âm dương cách trở, không nói được với nhau một lời, do đó đau đớn, đứt ruột hơn. Rõ ràng là một cuộc sum họp lạ lùng đầy nghịch cảnh, bao vật vã không yên. Hơn nữa, đây không phải là cảnh thật. Nhưng dù không là cảnh thật, dù mới chỉ là tưởng tượng thế thôi, nó đã vò xé lòng người lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút (Mộng Liên Đường chủ nhân). Lời văn ấy, cách kể và cách tả ấy chung quy lại nhằm làm hiện lên một con người. Gorki có nhận xét về Tôxtôi: Khi đọc Tônxtôi ta có cảm giác là các nhân vật có thật, có xương, có thịt… ta tưởng như nhìn thấy họ trước mắt ta, ta lấy tay sờ họ được. Nhân vật Thuý Kiều của Nguyễn Du có thể nói cũng để lại trong người đọc chúng ta những cảm nhận tưởng mơ hồ mà rõ nét ấy. Cảm nhận này là kết quả của nhiều yếu tố nghệ thuật kết hợp lại một cách nhuần thấm tự nhiên, trong đó có nhịp điệu, các thành ngữ, việc miêu tả thời gian tâm lí trong cái dòng phát triển biện chứng của trạng buồn tâm hồn. về nhịp điệu, nhà thơ đã phối kết thành công giữa hai gam màu tiến bộ, giữa nhịp đôi lục bát bình thường với tiếng đập khác thường của một trái tim đang ở cái cao trào thổn thức. Nhịp đôi bình thường diễn tả cái rành mạch, khoan thai trong cấu trúc câu hai vế trên dưới rõ ràng:

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suối hãy còn thơm lây

Nhịp điệu ngôn từ ở đây có sắc độ của sự khẳng định. Đó là tư duy của lí trí về cái việc phải làm trong muôn một để trả nghĩa çhàng Kim. Nhưng, ngay trong những đôi câu lục bát thông thường này, ý nghĩa của nhịp điệu cùng thật đa dạng.

Chẳng hạn cái cảm giác biết ơn là hãy còn thơm lây của người thiệt phận thì rõ ràng là một khích lệ đối với nàng Vân. vẫn nhịp điệu ấy nhưng ở đôi câu sau lại diễn tả sự cầu xin:

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc ắt người chẳng quên…

Xót người, ắt lòng… nhịp thơ kêu gọi ấy mới thật xót xa vì nó đối lập với cái nền tảng bền vững nhờn tiền là thành ngữ bè đôi nên vợ nên chồng của câu trước. Nhưng để bù đắp vào cái thiếu hụt tự thân kia, phong cách ngôn ngữ kể với nhịp đôi thường lệ đã khéo léo gia tăng sự trường tồn của kỉ vật: phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa. Nhịp điệu ấy nhiều khi cũng giãn ra như một cánh đồng xanh tiếc nuối, có khi cô đúc lại trong một tiếng thở dài cố ghìm nén lại mà âm hưởng cứ trào ra: Mai sau dù có bao giờ. Đó là tổ hợp tâm trạng nhiều tầng, riêng ở đây được bắt vào lớp ý nghĩa đối chứng của sự so tơ phím này, đốt lò hương ấy của cảnh cũ với người xưa, thật là tầng tầng, lớp lớp. Nhưng riêng với hai câu:

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ vật này của chung

Thì nhịp điệu đã không hoàn toàn là bình thường nữa. Nếu ở câu một, nhịp điệu vẫn còn phẳng lặng đều đều thì đến câu sau: Rõ ràng là Thuý Kiều đã bắt đầu lúng túng (Nguyễn Lộc). Biết phân biệt thế nào đây cái không dễ rạch ròi? Tờ mây, chiếc thoa là những vật hữu hình, điều này mới thật là quan trọng, song nó lại vô ngôn. Cái bối rối trong sự phân chia của Thuý Kiều giữa vật này với duyên này là vậy. Kỉ vật có thể là chung, nhưng tình yêu của con người thì dứt khoát khó lòng mà chia sẻ. Ấy thế mà điều này lại đang là một thực tế đặt ra, đang đối diện với nàng như một cái gì quá sức. Nhịp điệu tách bạch phân chia là ngôn ngữ đối thoại, cái lúng túng bên trong của ngôn ngữ tự thoại lại là một biện chứng tâm hồn. Chính sự đan dệt của thứ ngôn từ, nhịp điệu đặc biệt này tạo được bao liên tưởng, dư ba, nhất là sự khắc hoạ diện mạo con người trong bề sâu tư tưởng.

Hệ thống thành ngữ mà Nguyễn Du sử dụng trong đoạn thơ này khá đậm đặc. Điều này là lí do. Bởi vì sự dồn nén của ngôn từ thường đạt đến một hiệu quả tối đa khi nó được đặt vào đúng người, đúng việc. Mảnh đất đúng chỗ ấy làm cho cây trái ngôn từ nảy nở, xanh tươi. Nằm trong hệ thống phi pháp của văn chương trung đại, nhưng so sánh với các tác phẩm văn học bác học cùng thời, Truyện Kiều của Nguyễn Du đã không đi cùng một hướng. Nếu Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm tìm trong kho tàng điển cố Trung Hoa những địa danh, sự kiện… thì Nguyễn Du gần với lời ăn tiếng nói của nhân dân. Tính quy phạm về phương diện này rõ ràng đã diễn ra một cách tân đáng kể. Thêm nữa, phải kể đến sự cân nhắc và biến hoá. Nếu không cân nhắc, đếm đong thì làm sao nhà thơ có thể đặt lên bàn cân hai ngữ danh từ là lời nước non và tình máu mủ? Nếu không biến hoá thì gánh trong ngữ động từ giữa đường đứt gánh vốn là một danh từ làm sao có thêm định tố tương tư. Và như thế Nguyễn Du đã thêm vào kho tàng từ điển nước nhà một khái niệm chữ tình mới. Đường xa gánh nặng anh chờ thì gánh kia chỉ một khối lượng vật chất, còn gánh tương tư ở đây đã ở vào một phạm trù phi vật chất (Duyên tình nặng lắm ai ơi!). Chuyển sang phần sau, khi mạch thơ thấm đẫm nỗi niềm thân phận chủ thể, các thành ngữ được dùng chủ yếu gắn liền với cái chết như: ngậm cười chín suối, thịt nát xương mòn, người bạc mệnh, người thác oan,… Chúng có tác dụng như dựng lên cả một thế giới bên kia đối lập với cái thế giới bên này đầy ắp niềm vui trong thành ngữ nên vợ nên chồng, một hạnh phúc do chính Kiều sắp đặt. Chính những thành ngữ ít có tính chất bác học này đã góp phần mở ra một khả năng tiếp nhận cho hàng triệu người trong thời đại của Nguyễn Du.

Cùng với nhịp điệu, cùng với ngôn từ (chẳng hạn như vai trò thành ngữ), nhà thơ còn đặc biệt thành công trong việc miêu tả thời gian tâm lí. Hiện tại vẫn là nơi hội tụ, là điểm tựa cho nhận thức lạnh lùng, khởi nguyên và kết thúc. Nó khắc khoải, triền miên lạc vào vàng son của quá khứ như một giấc chiêm bao, hãi hùng kinh sợ khi nhìn ra những gì ở phía trước, ở tương lai. Để rồi cuối cùng, khi tự nắm phải tay mình trong hiện tại thì cái hiện tại ấy đã được nâng cấp, đã được hai chiều thời gian soi rọi, nó mới trở thành bi đát, lâm li. Đó là bi kịch của số phận. Nhằm vĩnh viễn hoá những vấn đề về số phận này, Nguyễn Du rất có tài trong việc nới rộng khung thời gian, đẩy tất cả về hai cực: cái hôm nay, hạnh phúc của em ở phía bên này, còn cái sắp tới, những bất hạnh của mình thuộc về phía bên kia.

Tất cả dù mới xảy ra, thậm chí là đang xảy ra cũng đã nhuốm màu sương khói. Chỗ đứng của Thuý Kiều ở đâu thì khi nhà thơ viết hai câu thơ chảy máu:

Mất người còn chút của tin

Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa.

Như ta biết, sự biến trong gia đình Vương ông xảy ra gần như đồng thời với việc Kim Trọng phải về Liễu Dương cách trở sơn khê hộ tang thúc phụ, nghĩa là khi thề hoa chưa rảo chén vàng, thì mọi việc đã làm sao mà cũ? Vậy thì, ở đây, Thuý Kiều đã tự đặt mình ở một chót vót xa xăm thuộc những gì đang đến để nhìn vào cái bây giờ, biến nó thành cái bây giờ. Ngày nay đã trở thành ngày xưa, cả phím đàn, cả lò hương, cả cái đêm thề thốt. Tất cả những gì đẹp nhất, có ý nghĩa nhất vừa như một thứ hào quang óng ánh lên, rạng rỡ lên nhưng chỉ trong một chớp mắt, để sau đó chìm đi, biến thành bóng tối. Đau đớn và tiếc nuối là lẽ đương nhiên, và tự nó tìm ra một hình thức độc đáo để giãi bày. Thời gian, cũng như không gian đâu còn là một cái gì khách quan ngoài cuộc nữa? Đó là quá khứ, còn tương lai? Mai sau dù có bao giờ. Câu thơ như một hun hút xa xôi, một dòng sông không con thuyền, không bến đợi, nó giống như cái ngàn dâu xanh ngắt một màu dưới mắt nhìn của một chinh phụ (Chinh phụ ngâm). Cái quá xa xôi ấy đang từ từ hiện ra như một cơn ác mộng hãi hùng, vẫn là cành lá, gió bay nhưng mang hồn người chết, gió trở thành hiu hiu gió và cả ngọn cỏ, lá cây bất động kia cũng lạnh lẽo âm hồn. Thiên nhiên ảm đạm, thê lương, ủ dột bởi nó gắn với cái khoảng cách thời gian tâm lí rất đặc biệt trong tâm trạng đau đớn và bất lực của nàng Kiều.

Vẫn là nỗi đau, vẫn nguyên vẹn một nỗi đau giữa tan, hợp mà giờ đây là thời điểm phân chia, là ngã ba đường của số phận, nhưng đến đoạn cuối với câu Bây giờ trâm gãy bình tan, chuyển động tâm lí của nàng Kiều mới diễn ra đột biến. Dấu hiệu của nó là sự xuất hiện của nhân vật thứ ba: bóng hình Kim Trọng. Kim Trọng với Thuý Kiều vốn là hai vế của một câu thơ, còn Vân là một cái gạch nối mới thêm vào. Cách gạch nối ấy là một giải pháp tình thế, cũng là một nỗi đoạn trường của nhân vật chính. Chung quy cũng tại bởi người ấy, cái người mà trước khi nhận lời, Kiều đã đắn đo: Một dày một mỏng biết là có nên. Trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân, khi nói với Vân về chàng, Kiều vẫn khẳng định sự cao giá ấy: Cứ như ý chị thì kiếm được người tài tình như thế thật cũng khó khăn. Không trả nghĩa cho con người ấy là không được, nhưng bố trí, sắp đặt xong rồi, Kiều mới nhận ra cái khoảng trống đáng sợ là tự đánh mất đi cái hạnh phúc lớn nhất mà mình vừa có, vừa cầm nắm ở trong tay. Vai trò của Vân mờ đi là vì thế. Kim Trọng hiện ra cũng là vì thế. Thì ra, một thoáng chốc chưa tin vào hạnh phúc ở nàng: Bây giờ rõ mặt đôi ta – Biết đâu rồi nữa chẳng là chiêm bao? đã nhanh chóng hiện thực hoá đến mức không ngờ. Đau đớn vì tan vỡ mối lương duyên đầy hẹn hứa là lẽ thường tình. Nhưng kết cục ấy không hoàn toàn bất ngờ (bằng dự cảm dù mơ hồ) thì nỗi đau của người trong cuộc mới chìm tới đáy của sự chiêm nghiệm cá nhân trước cánh cửa cuộc đời vừa mở ra đã vội vàng đóng lại. Điều này, Vân không thể hiểu, nhưng Kiều tin rằng chàng Kim sẽ hiểu, chàng là người duy nhất có thể chia sẻ, cảm thông. Chính vì vậy, từ cõi lòng sâu kín của nàng, chàng đã hiện ra trong cái đường biên mờ tỏ. Ánh sáng chiếu vào sân khấu lúc này của hoạt cảnh chỉ vừa đủ cho một chân dung, còn tất cả mờ đi và biến mất. Cuộc đối thoại đơn phương giữa nàng với chàng chỉ gói vào trong tám câu hàm súc, nhưng nó là sự liên kết giữa hai mối quan hệ: với chàng Kim, đó là sự kết thúc, còn với văn cảnh sau lúc dặn em thay lời, nàng tự coi mình là người đã ở vào cái thế giới bên kia. Sự đối lập gay gắt giữa tương lai và quá khứ ở vào thời điểm ngã ba đường hiện ra, vỡ ra bằng một tiếng khóc:

Bây giờ trâm gẫy bình tan

Kể làm sao xiết muôn vàn ái ân!

Vỡ ra vì dang dở, dang dở mà không hiểu vì sao. Không hiểu mà lại phải chấp nhận với bao nhiêu uất ức, tủi hờn. Câu thơ đối lập giữa cái bây giờ với cái bao giờ. Bây giờ là hiện tại, còn bao giờ là cái đã qua tốt đẹp. Nếu hiện trạng được diễn tả bằng hình thái xác định (trâm gãy bình tan) thì quá khứ được hình dung bằng một khối lượng không thể đếm đo (muôn vàn ái ân), một hình thái phiếm chỉ, mơ hồ. Thì ra hạnh phúc của người ta chỉ là một giấc mộng hão huyền, một ảo ảnh, chỉ có thể cảm thấy mà không sao nhận được. Khoan sâu mãi vào nỗi đau, nàng tách ra một vỉa ngầm:

Trăm nghìn gửi lạy tình quân

Tơ duyên ngắn ngủi có ngần ấy thôi.

Trăm nghìn là một khái niệm chỉ số lượng. Nó chính là muôn vàn ái ân mà Thuý Kiều nhận được ở chàng, còn sự đền đắp về phía nàng sao mà khiêm nhường, nó chỉ là tơ duyên ngắn ngủi. Lấy cái hữu hạn (có ngần ấy thôi) đối lập với cái vô hạn (trăm nghìn), người con gái vị tha chứ chưa bao giờ vị kỉ là nàng Kiều nói được sự ân hận, day dứt, giày vò – mà lúc này đây không biết tâm sự cùng ai! Vì vậy, trăm nghìn đến đây mang một hàm nghĩa thứ hai: chính là sự đền đáp, sự đền đáp bằng một tình yêu vô hình, vô hạn ẩn chứa trong nỗi niềm ân hận, day dứt trên đây. Tính đa nghĩa của ngôn từ trong câu thơ đem tới người đọc chúng ta bao nhiêu liên tưởng nhiều chiều. Mặc dù chưa hẳn đã trải qua tam bách dư niên hậu, mặc dù chịu bao nhiêu hạn chế của thi pháp một thời, những câu thơ ấy vẫn còn khả năng làm thức dậy ở chúng ta bao nhiêu rung động. Nào có nghĩa gì đâu khi những câu chữ rời ra: bình rơi, trâm gãy, ngần ấy tơ duyên… Lắp ghép lại, gắn kết với nhau, chúng như có linh hồn. Tài năng của Nguyễn Du chính là ở chỗ ấy, chính là ở chỗ vượt qua tất cả, bằng những cái vốn có của một thời nói được một cái gì đó của một người. Nó là tâm huyết cùng với tài năng không dễ mấy ai có được.

Lại nói về mạch thơ trong đoạn. Kiều đối thoại với chàng Kim, sau đó mới tự nói với mình, tự nói về mình. Cũng bằng một câu thôi mà bao nhiêu chua chát:

Phận sao phận bạc như vôi?

Phúc, phận là số trời, là định mệnh, là luật chung. Còn bạc như vôi lại là một thành ngữ. Sức khái quát của câu thơ mở ra nhiều trang đời, thuyết minh cho nhiều số phận, nhiều kiếp người, thậm chí là thừa số chung cho cả kiếp hồng nhan bạc mệnh, ấy thế mà, khi điều ấy được nói ra từ cửa miệng nàng Kiều, ta cảm thấy đây chỉ là một nỗi đau riêng. Phận bạc đã là bất hạnh, đoạn trường, nhưng cấu trúc lặp đi lặp lại: Phận sao phận bạc thì nỗi cay đắng, xót xa chỉ riêng nàng gánh chịu. Nó như một câu hỏi, một cật vấn không có hồi âm đến bây giờ vẫn còn ngơ ngác. Đúng ra thì bản thân Nguyễn Du cũng có một tự biện minh trong câu tiếp là: Đã đành nước chảy hoa trôi lỡ làng. Cách trấn an duy nhất là hoà nhập cái cá thể vào tổng thể, thả cánh bèo trôi trên mặt nước lênh đênh. Đó là lời chủ giải như một dấu ngoặc đơn để không tự cô lập mình. Nhưng lạ thay: càng cố ý hoà tan, nỗi đau riêng càng thêm lắng kết. Nó đọng lại. Nó không tan. Nó chới với, mất đà trước sự xô đẩy có thể là vô tình của số phận. Đó chính là một phương diện thành công trong việc cá thể hoá tâm trạng nàng Kiều. Còn nhớ, trước đây, lần viếng mộ Đạm Tiên, mỗi ý nghĩ của nàng Kiều như Vương Quan nhận xét: Một lời là một vận vào khó nghe, Kiều đã có lí:

Rằng:

“Hồng nhan tự thuở xưa

Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu

Nỗi niềm tưởng đến mà đau

Thấy người nằm đó biết sau thế nào?”

Cái phấp phỏng ấy là có thật, không chỉ thật trong ý nghĩ mà còn rất thật trong cuộc đời. Chứng cớ là cung đàn bạc mệnh mà chính Kiều ứng tác là dành cho tất cả nhừng tài hoa. Còn Đạm Tiên là thêm một nhân chứng cho một dự cảm đã được khơi nguồn từ trước. Nhưng dù sao, Đạm Tiên là một bông hoa đã sống một đời hoa: Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh. Còn Thuý Kiều, dường như nàng còn chưa kịp sống. Đều là sự bất công, nhưng ở mỗi người một khác. Với người nằm xuống trong nấm đất bên đường, đó là cái chết bất đắc kì tử, có thể xót xa với người đang sống, còn với chính nàng, điều ấy chưa hẳn đã xảy ra. Với nàng Kiều, sự tàn nhẫn của cuộc đời được lĩnh hội bởi chính nạn nhân của nó. Con người tài sắc đến mức làm cho trời đất phải ghét ghen kia đang là miếng mồi ngon cho con tạo giày vò!

Mạch thơ trong phần cuối từ câu: Bây giờ trâm gãy bình tan bị xộc xệch dần đi, vụn nát dần ra. Nếu ở cặp câu lục bát đầu tiên, Kiều nhân danh mối tình mà phát ngôn cho đôi lứa, dành cho mình và người, kể cả người ấy chưa hề chính thức có mặt lúc này, thì ở đôi lục bát tiếp theo cặp uyên ương lí tưởng ấy đã tách ra làm hai mảnh đời. Một mảnh đời là bến đợi, là tình quân, còn mảnh đời kia là con thuyền không còn nơi neo đậu nữa. Nhưng dù sao vẫn còn là hai vế cân bằng. Đến sau đó: Phận sao phận bạc như vôi mới thực sự là phút giây độc thoại, tự nói về mình, tự nói với mình. Cái một mình ấy lại tự nó tạo ra trong đó có nhận thức (Đã đành nước chảy…), có tình cảm (Phận sao phận bạc..) như hai con người. Như thế là khi vút lên một tiếng kêu oan, một phẫn nộ trước bất công phi lí, người trong cuộc đã tự đặt mình vào thế cân bằng chứ không hẳn là cực đoan, chủ quan hoá. Để cuối cùng:

Ôi Kim lang! hỡi Kim lang!

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây!

Hình thức có thể dường như là lặp lại, giống cặp câu: Trăm nghìn gửi lạy…, nhưng nội dung hoàn toàn khác. Bởi lẽ, đây là một gắng gượng cuối cùng khi mảnh đất của nàng không còn độ lùi, phía trước mặt kia chỉ còn là một vực thẵm. Tiếng gọi Kim Lang cứ lặp đi lặp lại như tiếng kêu cứu của một người chết đuối bám vào cái cọc hờ như một ảo ảnh. Sự thật là một Thuý Kiều đã chết, cái chết tâm linh, cái chết của mối tình đầy mà sau đó cuộc đời mười lăm năm, nắng không bao giờ còn có được. Đành rằng, khi đoạn trường sổ rút tên ra, họ có gặp lại nhau, nhưng còn đâu là nàng Kiều xăm xăm băng lối vườn khuya một mình trong trẻo, đắm say được nữa. Gặp nhau mừng ít, tủi nhiều riêng lòng đã thẹn lắm thay, phần kết thúc có vẻ lạc quen những trên một ý nghĩa nào đó, nó vẫn là một lời tố cáo…

Nói cho cùng, Nguyễn Du có những hạn chế của Nguyễn Du, của cả cái thời mà ông đã sống. Ngay trên phương diện nghệ thuật – cho dù có rất nhiều sáng tạo, nhà thơ không khỏi tự giam mình trong rất nhiều thắt buộc ngặt nghèo. Nhưng đằng sau những lời có vẻ công thức, không mấy khi không thấy hồi hộp một tấm lòng. Người đọc xưa nay vẫn xem Truyện Kiều như một hòn ngọc quý cơ hồ không thể thay đổi, thêm bớt một tí gì, như một tiếng đàn lạ gần như không một lần nào lỡ nhịp ngang cung. Tiếng đàn ấy, hòn ngọc ấy mang cốt cách riêng của Nguyễn Du, của thời đại Nguyễn Du, ta không thể nào nghe lại, thấy lại một lần thứ hai ncn lại càng quý…

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment