Vẻ đẹp của bài ca dao Khăn thương nhớ ai

0

Nhà thơ Xuân Diệu đã từng khẳng định: “Không chờ đợi thơ chính quy, thơ chuyên nghiệp diễn tả hộ cho mình, những người lao động đã thế kỉ này qua thế kỉ kia khác, diễn tả trực tiếp lòng mình yêu thương, sướng vui, đau khổ”. Có thể nói, chủ đề yêu thương, tình nghĩa trong ca dao là mảnh đất rộng lớn để các tác giả dân gian thỏa sức sáng tạo và bày tỏ những tâm tư, tình cảm của mình. Đặc biệt, trong hoàn cảnh xã hội lúc bấy giờ – khi đôi lứa yêu nhau nhưng khó có thể có một cuộc sông hạnh phúc bên nhau – thì những âm điệu tha thiết của ca dao lại như chiếc cầu nôi để cho họ ngân lên những khúc hát giao duyên thầm kín, ý nhị. Cũng với cách thể hiện như vậy nhưng bài ca dao Khăn thương nhớ ai đã để lại một dấu ấn riêng trong lòng người đọc với những nét duyên dáng của tình yêu lứa đôi.

Đọc bài ca dao Khăn thương nhớ ai, ấn tượng đầu tiên để lại trong lòng bạn đọc chính là hình thức trình bày đặc biệt với mười câu thơ 4 chữ và một cặp lục bát. Nó khác hẳn với cấu trúc của nhiều bài ca dao khác. Có thể nói, nét đặc biệt về hình thức đó đã tạo nên sự hài hòa, hiệu quả với thể hứng của bài ca dao. Đó là thể loại mượn câu chuyện của ngoại cảnh bên ngoài để bày tỏ những tâm trạng, những nỗi niềm của nhân vật trữ tình. Cụ thể trong bài ca dao này, cô gái đã mượn những hình ảnh về khăn, mắt, đèn dể diễn tả tâm trạng thao thức trong tình yêu. Sự kết hợp giữa thể thơ và thể loại của bài ca dao thật tương xứng và hài hòa. Nếu mười câu thơ 4 chữ ở đoạn đầu với nhịp điệu nhanh cùng một loạt những câu hỏi tu từ thể hiện nỗi nhớ thương chồng chất thì hai dòng thơ sau lại trở về với thể thơ lục bát quen thuộc, nhịp điệu thơ thay đổi từ nhanh sang chậm bởi người con gái giờ đây đang trực tiếp bày tỏ cảm xúc của mình nên câu thơ lại cần trải dài hơn, mượt mà và sâu lắng hơn.

Nỗi niềm tâm sự của cô gái được lần lượt diễn tả qua khăn, rồi chiếc đèn và cuối cùng là đôi mắt. Không phải ngẫu nhiên mà bài ca dao xuất hiện khăn, đèn, mắt và cũng không phải ngẫu nhiên chúng lại được sắp xếp theo một trật tự như vậy. Đọc thật kĩ và suy ngẫm, ta sẽ thấy các sự vật đó đều nằm trong một trạng thái chuyển động, không chỉ là chuyển động về vị trí bề ngoài mà còn là chuyển động cả bên trong. Người con gái xa cách người yêu, phải sông trong nỗi nhớ thương khiến cái không gian cô quạnh cứ miên man trải rộng trên nhiều chiều, nỗi nhớ cứ thế mà quanh quẩn trong tâm trí trăm mối tơ vò, khiến những vật chứng tưởng chùng như vô tri vô giác là “khăn”, “mắt”, “đèn” cũng phải động lòng. Trong bài ca dao khăn, đèn, mắt được nhân hóa, hiện lên hết sức sống động và dường như cũng đồng cảm với những nỗi niềm của cô gái.

Đầu tiên là hình ảnh của chiếc khăn:

Khăn thương nhớ ai,

Khăn rơi xuống đất.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn vắt lên vai.

Khăn thương nhớ ai,

Khăn chùi nước mắt.

Là một vật dụng thân thuộc, gắn liền với người con gái, chiếc khăn hiện ra trong bài ca dao chất chứa nhiều tâm trạng, cảm xúc. Những câu hỏi vang lên rồi lại chìm vào hư vô vắng lặng để rồi cuối cùng trào ra thành những giọt nước mắt. Chiếc khăn ấy phải chăng đã ấp ủ biết bao kỉ niệm của mối tình tha thiết, mặn nồng. Cô gái cầm chiếc khăn lên rồi hỏi: “Khăn thương nhớ ai”. Sự lặp lại từ khăn cùng lối vắt dòng khiến những câu thơ tạo thành một điệp khúc tạo cảm giác dường như nỗi nhớ càng thêm triền miên. Mỗi lần cô gái hỏi chiếc khăn là một lần nỗi nhớ thêm trào dâng cuồn cuộn trong lòng. Cô gái đang hỏi chiếc khăn trao duyên hay là đang đối thoại với bản thân mình? Đằng sau nghệ thuật đảo thanh dấu uyển chuyển, cách sử dụng hình ảnh vận động trái chiều; đằng sau hết thảy các sự “xuống – lên”, “rơi – vắt” của khăn hiện lên hình ảnh người con gái đang sông trong tâm trạng nhung nhớ khôn nguôi về mối tình đẹp đẽ. Nỗi nhớ thương lên đến cao độ khiến người trong cuộc không còn tự chủ được dáng đứng, bước đi, không thể yên ổn. Nó khiến người đọc nhớ đến câu ca dao:

Nhớ ai bổi hổi, bồi hồi,

Như đứng đống lửa, như ngồi đống than.

Sự chuyển động của chiếc khăn diễn tả nỗi nhớ da diết trong lòng cô gái mà biểu hiện cao nhất là những giọt nước mắt nhớ thương, đợi chờ khắc khoải…

Nỗi nhớ người yêu của cô gái trong bài ca dao được thể hiện theo bước đi của thời gian. Ban đêm là thời khắc để con người suy ngẫm về những điều riêng tư thầm kín. Đối với cô gái, đó là lúc nỗi nhớ sống dậy mạnh mẽ, khắc khoải nhất trong cô. Nỗi nhớ ở đây được diễn tả theo một cách riêng, nhất quán và độc đáo. Điệp khúc “thương nhớ ai” được giữ lại trọn vẹn, còn tâm sự được gửi gắm tiếp vào ngọn đèn đêm:

Đèn thương nhớ ai,

Mà đèn không tắt.

Sự chuyển động của đèn cũng giôhg như sự chuyển động của khăn. Hình ảnh chiếc đèn cũng được nhân hóa để diễn tả tâm tình của cô gái. Sự chuyển hóa từ khăn sang đèn đã diễn tả nỗi nhớ kéo dài theo thời gian. Nó triền miên, da diết không phút nào nguôi. Đèn không tắt hay chính là ngọn lửa tình yêu trong lòng cô gái vẫn đang rực cháy bất chấp thời gian và không gian xa cách?

Cô gái mượn các hình tượng khăn, đèn để diễn tả tâm trạng nhớ thương một cách rất biểu cảm theo lối nói vòng đầy cuốn hút, nhưng rốt cuộc khănđèn cũng chỉ là cách nói gián tiếp thông qua biện pháp nhân hóa. Đến dòng thơ thứ 9, không kìm lòng được nữa, thứ cảm xúc không gọi được tên trên kia chực vỡ òa, cô gái tự hỏi chính mình:

Mắt thương nhớ ai,

Mắt ngủ không yên.

Đôi mắt là cửa sổ tâm hồn. Đôi mắt cũng chính là hình ảnh hoán dụ để chỉ cô gái. Đến lúc này, cô không thể kìm lòng được nữa, nỗi nhớ xoáy sâu, trào dâng khiến cô gái phải tìm đến một đối tượng biểu hiện cảm xúc trực tiếp, mãnh liệt hơn là khăn, đèn và cô đã tìm đến đôi mắt. Mắt không ngủ yên cũng chính là nỗi lòng nhân vật nhớ mong khắc khoải.

Ba hình ảnh khăn – đèn – mắt được sắp xếp theo thứ tự đầy ngụ ý: khăn là hình ảnh đại diện cho câu chuyện trao duyên, trao tình của đôi nam nữ; đèn là hình ảnh đại diện cho nỗi tương tư, cho nỗi nhớ khi mà tâm sự không thể giãi bày cùng ai, chỉ có ngọn đèn thấu hiểu; còn mắt là hình ảnh biểu đạt cho khoảnh khắc tình yêu nồng cháy trong lòng, không thể che giấu… Việc sử dụng hình thức câu hỏi “Khăn thương nhớ ai”, “Đèn thương nhớ ai”, “Mắt thương nhớ ai” đã tạo cho bài ca dao một giọng điệu tự vấn. Cô gái hỏi khăn, hỏi đèn, hỏi mắt cũng chính là tự hỏi mình. Nhờ các câu hỏi này mà mạch trữ tình của tác phẩm được liên kết chặt chẽ, diễn tả một cách thấm thìa nỗi nhớ và tình yêu của cô gái. Mười câu thơ 4 chữ gieo vần chân xen kẽ vần lưng, trong đó thanh bằng và thanh trắc lại xoắn xuýt lấy nhau tạo nên âm điệu luyến láy liên hoàn, bâng khuâng. Nếu cứ đi theo cung cách câu tứ như thế thì bài ca dao sẽ trải dài cùng nỗi sầu đến vô tận. Lần theo mạch xúc cảm xuyên suốt, qua mấy lần hỏi, điểm cao trào bất chợt xuất hiện dưới hình thức câu thơ lục bát, biến nỗi nhớ nhung dằng dặc kia thành nỗi lo:

Đêm qua em những lo phiền,

Lo vì một nỗi không yên một bề.

Những câu hỏi trên không được trả lời càng như nén chặt nỗi thương nhớ trong lòng để rồi cuối cùng trào ra thành một nỗi niềm lo âu mênh mang khắc khoải cho hạnh phúc lứa đôi. Tuy cô gái chỉ nói là lo một nỗi, một bề nhưng thực ra trong lòng cô có rất nhiều vấn vương, thao thức. Cô gái lo về tình yêu của chàng trai, lo về phía gia đình, lo vì họ hàng cùng bao nhiêu những lo âu, phiền muộn khác. Đó phải chăng cũng là quy luật muôn đời của tình yêu?

Bài ca dao khá tiêu biểu cho nghệ thuật ca dao với sự lặp lại trong cách diễn tả tâm trạng, cách dùng những hình ảnh biểu tượng, lôi nhân hóa tăng thêm sức sông cho hình ảnh, cách gieo vần linh hoạt… Qua những tâm tình về nỗi thương nhớ và niềm lo âu – những trạng thái tình cảm rất điển hình của tình yêu nam nữ – người đọc thấy được phần nào những nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của mảng ca dao yêu thương tình nghĩa.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment