Văn biểu cảm về sự vật, con người – Một mùa ta yêu

0

Như là thu gõ vào cánh liếp lúc nửa đêm về sáng khiến ta thức giấc, phải kéo vội chiếc chăn mỏng mà choàng qua bụng. Hay là đấy, tiếng gà gọi những giọt sương khuya. Sáng mai này, mái cây rơm chắc ẩm hoặc sũng những tiếng chưa thành lời của vợ chồng Ngâu còn cách nhau một đoạn đường đầy sóng chia li đôi đoạn nhưng tháng năm dài.

Ta nhớ ra rồi, bao nhiêu em bé dậy sửa soạn cặp da, sách vở giấy bút để chờ đợi tiếng trống trường năm học mới, mở đầu bằng tiết chào cờ phần phật gió thu bay. Ta cũng góp phần, bọc quyển sách giáo khoa, mua thêm thước kẻ, sắm chiếc áo mới, đôi dép và cùng hồi hộp đợi chờ như chính bản thân ta đi học. Mùa thu là thế, có năm học mới trong nắng vàng và gió mát, chứ cần chi giờ tờ lịch xem ngày nào là hạ chí, ngày nào là lập thu, ngày nào nữa ra sao…

Một đời người có bao nhiêu mùa thu? Ai mà biết trước, dù có người sống với mùa thu đời mình, có người thiệt thòi chưa qua mùa hạ và có người may mắn sống dọc mùa đông…

Vườn nhà hàng xóm bỗng thơm như có người trinh nữ lướt qua, để lại chút hương da thịt mơ hồ và bí mật mà nhà văn Thạch Lam phải ngồi đó viết những trang tiểu thuyết “Dưới bóng hoàng lan”. Đúng là hương hoàng lan. Cánh hoa nõn nà, mỏng manh, mềm mại nên hương hoa cũng nõn nà, mỏng manh và mềm mại.

Có ai thu cùng ta mà ta nhớ người cũng rất thu và thành xa vắng. Người đang ở đâu? Nơi ấy thu chưa? Người có cảm được hồn thu như sóng điện từ chiếm lấy bầu trời đang Thu lắm lắm.

Mỗi mùa thu về, đâu chỉ cho riêng một người. Thu là của chục triệu, của trăm triệu… nhưng lòng thu thì ai cảm nhận niềm thu phơi phới dăng đầy tơ nhện của nhớ nhung nối dài tâm tưởng… Phải cùng nhau chứ nhỉ? Ta không có bông hoa móng rồng để khi chiều dâng lên ta kỉ niệm, ta nguyện, ta cầu, ta ước với người như một thuở tương tư… Bây giờ mới sắp vào Ngâu, chị bán rong đầy hương màu hoa thiên lí nhuộm vàng vào xanh, loang xanh vào vàng, vừa thơm vừa ngái, vừa để hít hà vừa để ăn vui…

Chưa hết mùa lũ. Những cơn bão bạo tàn còn rập rình phía kinh độ vĩ nào, định giơ nanh vuốt hành hạ con người và cảnh vật. Thì ra vào thu đâu chỉ có bình yên, có hoa nở và cốm xanh, có quả hồng giòn tan và quả sấu chín ngọt chua náo nức… vào thu còn có rợn rùng và đe doạ, có tàn phá và nguy hại khiến ta có lúc chênh vênh như người diễn viên làm xiếc trên dây giữa nguy hiểm và an toàn…

Chưa phải mùa hoa cúc, dù là cúc trắng hay cúc vàng, vạn thọ hay đại đoá, cúc bướm hay cúc chỉ… Còn dặng mùng tơi rau đay lẫn muớp mà ta với người, người có nhớ chăng, đã có lúc chúng mình ngặt nghèo phải ăn con cáy nấu với nõn cây đay lấy sợi, vừa đắng vừa tanh, vừa nhạt vừa nhớt… nhưng mùa thu đi qua, ta lại cùng nhau chung đón những thu vàng, thu bạc, những thu của Lê – Vi – Tan bằng tranh, những thu của Lưu Trọng Lư bằng thơ, những thu có cây cơm nguội vàng và cánh chim sâm cầm vồ nắng của nhạc sĩ họ Trịnh mới ra đi, có cả giọt vui trong nắng sáng và có cả giọt buồn Đặng Thế Phong u ám mưa buồn chết nỗi lòng Ngâu…

Không hiểu hai đầu Nam Bắc Cực, cứ 6 tháng là đêm rồi 6 tháng là ngày thì thu len vào bằng cách nào, chỗ nào? ở đấy, hồn thu có mang nỗi buồn tình ái chia tay, kẻ cười vui trong hương thỏa mãn, kẻ lại âu sầu một cách âm thầm không chia vơi cùng ai…

Còn ta, ta có thu của mình, đẫm cành long lão trước cửa nhà, lá cứ thơm như thu, mà Bắc Giang có một cây loài đó, gọi là dã hương đã nghìn thu đựng vào lõi gỗ cho lá cứ lấp lánh trong sương, dù bão gẫy cành thì vẫn là dũng sĩ, như một Thạch Sanh đánh con mãng xà thời gian mà chiến thắng…

Ta bước qua cánh liếp có lời thu gõ nhẹ, bước vào khoảng sân ầm hơi trời, chắc là đêm qua, mây đuổi nhau tìm chỗ để về nên thở mạnh khiến bây giờ còn vương chút khói lam trên mái những căn bếp nhọc nhằn có cây mướp leo lên, có hoa vàng còn sót, có ánh lửa bập bùng le lói không nhìn rõ mặt người nhưng ta biết chắc chắn người đó là ai…

Ta không đợi mà thu cứ về đúng hẹn, đúng hương đúng màu, đúng chất như ngón tay nghệ sĩ tài hoa gõ đúng vào phím ngà cần thiết của cây dương cầm lòng ta…

Và ta đợi đấy thu ơi… Ta ôm thu vào lòng như giấc mộng.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment