Tây Âu từ năm 1945 đến năm 1950
Tây Âu từ năm 1945 đến năm 1950
Chiến tranh thế giới thứ hai đã để lại cho các nước Tây Âu nhiều hậu quả nặng nề.
Nhiều thành phố, bến cảng, nhà máy, các trung tâm công nghiệp bị tàn phá. Hàng triệu người chết, mất tích hoặc bị tàn phế. Ở Pháp, năm 1945 sản xuất công nghiệp chỉ bằng 38%, nông nghiệp chỉ bằng 50% so với năm 1938; ở Italia, khoảng 1/3 tài sản quốc gia bị tổn thất.
Tuy nhiên, với sự cố gắng của từng nước và viện trợ của Mĩ trong khuôn khổ “Kế hoạch Mácsan”, đến khoảng năm 1950, kinh tế của nước tư bản Tây Âu cơ bản được phục hồi, đạt được mức trước chiến tranh.
Về chính trị, ưu tiên hàng đầu của các nước Tây Âu lúc bấy giờ là củng cố chính quyền của giai cấp tư sản, ổn định tình hình chính trị-xã hội, hàn gắn vết thương chiến tranh, phục hồi nền kinh tế, liên minh chặt chẽ với Mĩ, đồng thời tìm cách trở lại các thuộc địa cũ của mình.
Trong thời gian từ năm 1945 đến năm 1947, khi ảnh hưởng của các đảng cộng sản lên cao, giai cấp tư sản Pháp, Anh, Italia v.v. đã tìm mọi cách loại những người cộng sản ra khỏi chính phủ.
Nhiều nước Tây Âu như Anh, Pháp, Italia, Bồ Đào Nha, Bỉ, Hà Lan v.v. đã gia nhập Tổ chức Liên hiệp Bắc Đại Tây Dương (NATO) do Mĩ đứng đầu. Pháp tiến hành xâm lược trở lại Đông Dương; Anh trở lại Miến Điện, Mã Lai; Hà Lan trở lại Inđônêxia v.v.. Cộng hòa Liên bang Đức (chính thức than lập tháng 9-1949) đã trở thành một tâm điểm của sự đối đầu ở châu Âu giữ hai cực Liên Xô và Mĩ.
Như vậy, từ năm 1945 đến năm 1950, các nước tư bản Tây Âu với sự viện trợ của Mĩ đã cơ bản ổn định và phục hồi về mọi mặt, trở thành đối trọng với khối xã hội- chủ nghĩa Đông Âu vừa mới hình thành.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi