Tại bến Bình Than, Nhà vua đã phán xét như thế nào về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản và em có đồng tình với lớp phán xét của nhà vua
Đề bài:
Tại bến Bình Than, Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản, vì tuổi còn trẻ, không được tham dự cuộc hội họp của các vương hầu bàn kế hoạch đánh giặc, đã có những hành động trái phép nước, không thể dung tha. Nhưng Vua Thiệu Bảo tha không bắt tội, còn thưởng cho Hoài Văn một quả cam. Nhà vua đã phán xét như thế nào và em có đồng tình với lớp phán xét của nhà vua về Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản.
DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
A. MỞ BÀI:
Giới thiệu việc làm của Hoài Văn Hầu: Vượt qua lệnh cấm, xuống bến Bình Than.
B. THÂN BÀI:
– Hoài Văn phạm tội coi thường quân lệnh.
– Hoài Văn biết mình có tội, xin chịu tội.
– Hoài Văn đáng thương, đáng trọng.
– Xét lí lẽ để đánh giá chung về Hoài Văn.
C. KẾT LUẬN:
Đồng tình với lời phán xét của nhà vua, đồng tình với chí khí của Trần Quốc Toản.
BÀI LÀM
Quân Nguyên, sau lần thất bại trước, đã đổ quân rầm rộ vào xâm lược nước ta lần thứ hai. Vua Thiệu Bảo họp các vương hầu tại bến Bình Than bàn kế hoạch đánh giặc cứu nước. Hoài Văn chưa đến tuổi đế bàn việc nước, nhưng tuổi trẻ chí lớn, Hoài Văn không thể ngồi yên và đã có những hành động trái phép nước, phạm quân lệnh, liều chết xuống bến Bình Than là nơi đang diễn ra cuộc họp lớn của triều đình bàn việc hòa hay chiến.
Tội Hoài Văn là tội tày trời, tội coi thường quân lệnh, tội coi thường phép nước. Hoài Văn hiểu rõ điều đó, bằng chứng là trước mặt nhà vua, Hoài Văn đã tự đặt thanh gươm lên gáy và xin chịu tội. Nhưng tại sao biết vậy mà Hoài Văn vẫn cứ làm và nhà vua tha tội, thưởng cam cho người thiếu niên ấy? Em hoàn toàn đồng tình với lời phán xét mà cũng là suy nghĩ của nhà vuạ về Hoài Văn Trần Quôc Toản: “Hoài Văn còn trẻ, tình cũng đáng thương, lại biêt lo cho vua, cho nước, chí ấy đáng trọng”
Chí ấy là gì? Chí ấy là ngọn lửa yêu nước cháy bỏng trong tâm hồn Trần Quốc Toản, chí ấy là chí độc lập, tự do ngàn đời của người Việt Nam chúng ta, chí ấy càng được đáng trọng ở một thiếu niên chưa đầy mười sáu tuổi đời. Chí ấy chi phối toàn bộ con người Trần Quốc Toản, từ suy nghĩ, tình cảm đến hành động.
Trần Quốc Toản đã suy nghĩ như thế nào trước cảnh sơn hà xã tắc lâm nguy? Hoài Văn đã nói rõ tâm cam của mình khi bị quân Chiêu Thành Vương quở trách ở bến Bình Than.
– Cháu biết là mang tội lớn, nhưng cháu trộm nghĩ rằng khi quốc biến thì đến đứa trẻ cũng phải lo, huống hồ cháu đã lớn. Cháu chưa đến tuổi bàn việc nước, nhưng cháu có phải là giống cỏ cây đâu mà ngồi yên được.
Hoài Văn cũng nói lên như thét với nhà vua những suy nghĩ bừng bừng lửa cháy nung nấu tâm can, khi chàng liều chết chạy xuống bến gặp nhà vua:
– Xin quan gia cho đánh, cho giặc mượn đường là mất nước.
Hoài Văn đã thấy trách nhiệm của tuổi trẻ, nguy cơ của đất nước, con đường dân tộc phải đi. Vấn đề hòa hay chiến là dứt khoát trong câu nói ngắn gọn, đanh thép của Hoài Văn.
Hoài Văn còn ít tuổi nhưng chí lớn vầng nhật nguyệt, nhà vua thấu hiểu, cảm phục, tha thứ và ban thưởng. Hoài Văn tự tiện xông vào nơi cấm địa ư? Chàng xô lính cận vệ, dọa chém tướng lĩnh, gây náo động bến sông, nhưng vận nước chông chênh. Tổ quốc lâm nguy, lòng chàng như lửa cháy, không thể làm khác được.
“Chí cứu nước của Hoài Văn thật ngàn lần đáng trọng”. Lời nhận xét của nhà vua là một lời sáng suốt. Em đồng tình với nhà vua, vì lẽ em đồng tình với chí khí và hành động của Trần Quốc Toản.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi