Soạn văn lớp 11: Tự tình II
Soạn văn lớp 11: Tự tình II
Câu 1:
– Hai câu đầu khái quát không gian, thời gian làm nền cho tâm trạng.
– Thời gian được thể hiện qua câu với âm thanh văng vẳng trống canh dồn. Âm thanh văng vẳng không chỉ đơn thuần là sự cảm nhận âm thanh bằng thính giác mà còn là sự cảm nhận về sự trôi đi của thời gian – thời gian vô thủy, vô chung nhưng thời gian còn chứa đựng sự phá hủy.
– Từ trơ được đặt ở đầu câu với nghệ thuật đảo ngữ vừa nói được bản lĩnh nhưng lại cũng thể hiện được nỗi đau của nhà thơ. Trơ là tủi hổ, là bẽ bàng. Nhưng trơ với Hồ Xuân Hương còn là sự thách thức.
– Hồng nhan: cách nói về người phụ nữ nhưng đi liền với cái, gợi lên sự rẻ rúng, mỉa mai.
– Chén rượu hương đưa say lại tỉnh: Câu thơ gợi lên cái vòng luẩn quẩn, như là sự cảm nhận duyên tình đã trở thành trò đùa của tạo hóa: Hương rượu và hương tình đi qua chỉ để lại vị đắng chát, khổ đau của tác giả.
– Hình ảnh Vầng trăng bóng xế khuyết chưa tròn là hình tượng chứa hai lần bi kịch: trăng sắp tàn (bóng xế) mà vẫn khuyết chưa tròn. Đó là sự tương đồng với thân phận của người phụ nữ. Câu thơ tả ngoại cảnh nhưng chứa đựng nội tâm của tác giả, tạo nên sự thống nhất giữa trăng và người.
Câu 2:
Hai câu 5 – 6 mang đậm cá tính của Hồ Xuân Hương. Hai hình ảnh thiên nhiên rất dữ dội thể hiện sự bức bối trong tâm trạng và khát khao phá vỡ những lối mòn quen thuộc của cuộc sống để được tự do. Rêu là một sinh vật nhỏ yếu, hèn mọn nhưng cũng không chịu khuất phục, mềm yếu; nó phải xiên ngang mặt đất. Đá vốn rất chắc nhưng giờ cũng ngọn hơn để đâm toạc chân mây.
Lối đảo ngữ cùng với những động từ mạnh xiên, đâm kết hợp với các bổ ngữ như ngang, toạc thể hiện rõ hơn nỗi khát khao hạnh phúc, giải thoát khỏi cô đơn của nhà thơ.
Câu 3:
Hai câu kết bỗng nhiên chùng xuống. Dường như mọi cố gắng đều vô ích. Sự thật vẫn là sự thật. Tâm trạng được trực tiếp bộc lộ. Thời gian vô tình cứ trôi chảy, xuân của tự nhiên qua đi rồi trở lại nhưng xuân của người thì không. Từ lại thứ nhất có nghĩa là thêm một lần nữa, từ lại thứ hai là sự trở lại. Vì vậy, hai từ lại giống nhau về âm nhưng khác nhau về nghĩa, về cấp độ nghĩa.
Câu thơ cuối phản phất sự cay đắng chua xót của người phụ nữ bất hạnh, có những cuộc tình duyên không trọn vẹn đủ đầy. Tác giả sử dụng nghệ thuật tăng tiến. Đây không phải là khối tình mà là mảnh tình, tức là hết sức bé nhỏ. Mảnh tình bé nhỏ lại đem san sẻ để chỉ còn tí con con.
Câu 4:
Trong Tự tình, nhà thơ đã dùng nhiều từ ngữ và hình ảnh gây ấn tượng mạnh, đó là các từ thuần Việt giàu hình ảnh, màu sắc với sắc thái đặc tả mạnh, như các động từ dồn, trơ, xế, đâm toạc, xiên ngang, đi, lại lại, san sẻ…, các tính từ say, tỉnh, khuyết, tròn… Các từ ngữ này có khả năng biểu lộ chính xác và tinh tế trạng thái tâm trạng của nhân vật trữ tình. Đó là sự cô đơn, là khát khao được sống, được hạnh phúc. Tâm trạng uất ức bị dồn nén dường như được thoát ra, trải ra cùng những hình ảnh, những từ ngữ táo bạo ấy.
Sự giống nhau và khác nhau giữa hai bài thơ Tự tình I và Tự tình II của Hồ Xuân Hương
– Giống nhau:
+ Cùng sử dụng thơ Nôm đường luật thể hiện cảm xúc của tác giả.
+ Đều mượn cảm thức về thời gian để thể hiện tâm trạng. Điều đó được thể hiện qua kết cấu vòng tròn của hai bài thơ: mở đầu bằng thời gian và kết thúc cũng là thời gian.
+ Đều sử dụng nhiều từ ngữ biểu cảm: văng vẳng, trở, cái hồng nhan, ngán, tí con con, oán hận, rền rĩ, mõm mòn, già tom…
– Khác nhau:
+ Cảm xúc trong Tự tình I là nỗi niềm của nhà thơ trước duyên phận hẩm hiu, nhiều mất mát, trước lẽ đời đầy nghịch cảnh, đồng thời là sự vươn lên của chính bản thân, thách đố lại duyên phận.
+ Còn ở Tự tình II, cũng là sự thể hiện của bi kịch duyên phận muôn màng, cố gắng vươn lên nhưng cuối cùng cũng không thoát được bi kịch. Chính vì thế bi kịch như được nhân lên, phẫn uất hơn. Sự khác nhau đó chính là do cảm xúc chủ đạo trong từng bài thơ.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi