Soạn văn lớp 11: Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản
Soạn văn lớp 11: Thực hành về sử dụng một số kiểu câu trong văn bản
I. DÙNG KIỂU CÂU BỊ ĐỘNG
Câu 1:
– Câu bị động: Hắn chưa được một người đàn bà nào yêu cả.
– Chuyển sang câu chủ động: Chưa một người đàn bà nào yêu hắn cả.
– Thay câu chủ động vào và nhận xét: Câu không sai nhưng không nối tiếp ý và hướng triển khai ý của câu trước. Trong câu trước, từ hắn được chọn làm đề tài, nên câu sau phải dùng từ hắn làm đề tài; do vậy, phải dùng câu bị động trong trường hợp trên.
Câu 2:
– Câu bị động: Đời hắn chưa bao giờ được săn sóc bởi một bàn tay “đàn bà”.
– Tác dụng: Tạo sự liên kết với câu trước đó, tức là tiếp tục đề tài nói về hắn.
Câu 3: Viết đoạn văn về nhà văn Nam Cao có sử dụng câu bị động.
Nam Cao (1915 – 1951) là bút danh của nhà văn – nhà báo – liệt sĩ Trần Hữu Tri. Ông sinh ra trong một gia đình nông dân tại làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Sang, nay thuộc Hòa Hậu, Lí Nhân, Hà Nam (cách thành phố Nam Định chừng hơn 10 km). Học xong thành chung, Nam Cao bôn ba nhiều nơi, nhưng bệnh tật đẩy ông về quê. Từ đó, Nam Cao sống chật vật bằng nghề dạy học và viết văn. Năm 1943, ông vào Hội Văn hoá cứu quốc. Tham gia Tổng khởi nghĩa ở quê hương, ông được cử làm chủ tịch xã. Sau Cách mạng, với tư cách phóng viên – Nam Cao có mặt trong đoàn quân Nam tiến, rồi lên chiến khu Việt Bắc làm công tác văn nghệ. Cuối tháng 11 năm 1951, trên đường đi công tác vào vùng địch tạm chiếm, ông bị giặc Pháp phục kích và bắn chết. Ông hi sinh tại làng Vũ Đại, huyện Gia Viễn, Ninh Bình, khi tài năng đang nở rộ.
* Tác dụng của hai câu bị động trên:
– Nhấn mạnh tài năng và sự yêu mến, tin tưởng của mọi người với nhà văn Nam Cao.
– Nhấn mạnh nguyên nhân của sự hy sinh, gợi niềm thương tiếc về một nhà văn tài hoa nhưng phải bị hy sinh giữa lúc tài năng đang nở rộ
II. DÙNG KIỂU CÂU CÓ KHỞI NGỮ
Câu 1:
Câu có khởi ngữ: Hành thì nhà thị may lại còn.
– Khởi ngữ: Hành
– Chuyển khởi ngữ: Nhà thị may lại còn hành. Câu này không còn khởi ngữ mà chỉ có bổ ngữ (hành), câu có khởi ngữ tạo ra sự đối lập về ý với câu đi trước, do đó nhấn mạnh được vào khởi ngữ.
Câu 2: Chọn câu C: Còn mắt tôi thì các anh lái xe bảo: Cô có cái nhìn sao mà xa xăm.
Câu 3:
a. Câu thứ hai có khởi ngữ: Tự tôi, ngày nào tôi cũng tập.
– Khởi ngữ: Tự tôi
– Vị trí: ở đầu câu, trước chủ ngữ.
– Dấu hiệu nhận biết: có ngắt quãng (dấu phẩy) sau khởi ngữ.
– Tác dụng: nêu một đề tài có quan hệ liên tưởng với điều đã nói trong câu trước (đồng bào – tôi).
b. Câu chứa khởi ngữ là câu: “Cảm giác, tình tự, đời sống cảm xúc, ấy là chiến khu chính của văn nghệ”.
– Khởi ngữ: Cảm giác, tình tự, đời sống cảm xúc.
– Vị trí: đứng ở đầu câu, trước chủ ngữ (ấy)
– Có ngắt quãng: Dấu phẩy
– Tác dụng: Nêu một đề tài có quan hệ với điều đã nói trong câu trước.
III. DÙNG KIỂU CÂU CÓ TRẠNG NGỮ CHỈ TÌNH HUỐNG
Câu 1:
a. Phần in đậm đứng ở vị trí đầu câu
b. Phần in đậm có cấu tạo là một cụm động từ
c. Chuyển về sau chữ ngữ: Bà già kia thấy thị hỏi, bật cười…
– Nhận xét: sau khi chuyển, câu có hai vị ngữ, hai vị ngữ đó cùng cấu tạo là các cụm động từ, cùng biểu hiện hoạt động của cùng một chủ thể là Bà già kia. Nhưng theo kiểu câu đó một cụm động từ ở trước chủ ngữ thì câu tiếp theo sẽ rõ ràng hơn so với câu trước đó.
Câu 2: Chọn câu C là một câu có trạng ngữ chỉ tình huống vì câu này vừa đúng về ý, vừa liên kết ý chặt chẽ lại mềm mại và uyển chuyển.
Câu 3:
a. Trạng ngữ chỉ tình huống: Nhận được phiến trát của Sơn Hưng Tuyên đốc bộ đường.
b. Đây là câu đầu văn bản nên tác dụng của trạng ngữ này không phải là liên kết với văn bản, cũng không phải thể hiện thông tin đã biết, mà là phân biệt tin thứ yếu với tin quan trọng.
IV. TỔNG KẾT VỀ VIỆC SỬ DỤNG BA KIỂU CÂU TRONG VĂN BẢN
– Thành phần chủ ngữ trong câu bị động, thành phần khởi ngữ và thành phần trạng ngữ chỉ tình huống đều chiếm vị trí đầu câu.
– Tất cả các thành phần trên thường thể hiện thông tin đã biết từ những câu đi trước trong văn bản, hay thể hiện một nội dung dễ dàng liên tưởng từ những câu đi trước, hoặc một thông tin không quan trọng.
– Việc sử dụng những kiểu câu trên có tác dụng liên kết ý, tạo mạch lạc trong văn bản.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi