Soạn bài Vợ nhặt – Kim Lân
Câu 1: Dựa vào mạch truyện có thể chia tác phẩm thành 4 đoạn:
– Đoạn 1: từ đầu đến “…thành vợ thành chồng”.: Tràng đưa vợ về nhà.
– Đoạn 2: tiếp đến đẩy xe bò về: kể lại chuyện hai người gặp nhau và nên vợ nên chồng.
– Đoạn 3: tiếp đến nước mắt chảy ròng ròng:cuộc gặp gỡ giữa bà cụ Tứ và nàng dâu mới.
– Đoạn 4: còn lại: buổi sáng hôm sau ở nhà Tràng.
Mạch truyện được dẫn dắt hết sức khéo léo. Các cảnh được miêu tả trong truyện đều được xuất phát từ tình huống anh Tràng lấy được vợ giữa những ngày đói.
Câu 2:
– Mở đầu truyện Vợ nhặt, tác giả giới thiệu nhân vật Tràng đưa vợ về nhà trong con mắt đầy ngạc nhiên của cả xóm ngụ cư. Người ta ngạc nhiên vì:
+ Thứ nhất, một người nông dân nghèo, xấu xí, lại là dân ngụ cư như Tràng mà cũng lấy được vợ, mà lại còn là vợ theo.
+ Thứ hai là thời buổi đói kém ấy, người như Tràng, nuôi thân, nuôi mẹ còn chẳng xong mà dám đèo bòng thêm cô vợ nữa.
Tuy nhiên sự việc này diễn ra lại rất hợp lí. Bởi lẽ, nếu bình thường không phải là năm đói kém, thì có ai thèm lấy Tràng.
– Mọi người trong xóm đều hết sức ngạc nhiên khi thấy Tràng lấy được vợ. Nhìn theo bóng Tràng và bóng người đàn bà lủi thủi đi về bến, người trong xóm lạ lắm. Người tài xào bàn tán với nhau: Biết có nuôi nổi nhau qua được cái thì này không? Ngay cả mẹ của Tràng cũng hết sức ngạc nhiên: Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên. Quái sao lại có ngưoiừ đàn bà ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Tâm trạng của bà cụ Tứ đầy mâu thuẫn, vì “Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”. Bà mừng vì dù sao con mình cũng đã có vợ, một mặt lại tủi vì gặp phải lúc đói kém này người ta mới lấy đến con mình. Chuyện Tràng lấy vợ cũng còn là chuyện bất ngờ với chính anh ta. Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư? Hà! Việc xảy ra thật hắn cũng không ngờ, hắn cũng chỉ tầm phơ tầm phào đâu có hai bận ấy thế mà thành vợ thành chồng…
– Tình huống éo le trên đã mở đầu cho sự phát triển của truyện và tác động đến diễn biến tâm trạng và hành động của các nhân vật trong tác phẩm.
Câu 3:
– Hai chữ “vợ nhặt” đã tạo được ấn tượng, kích thích sự chú ý của người đọc. Đây không phải là cảnh lấy vợ đàng hoàng, có ăn hỏi, cưới xin theo phong tục truyền thống của người Việt Nam mà là một hạnh phúc do vô tình mà có, do nhặt nhạnh mà thành.
– Chỉ qua hiện tượng “nhặt được vợ” của Tràng, tác giả đã làm nổi bật tình cảnh và thân phận của người nông dân nghèo trong nạn đói khủng khiếp năm 1945. Tràng “nhặt được vợ” như người ta nhặt được cái rơm, cái rác vứt ở ven đường. Cái giá của con người chưa bao giờ lại rẻ rúng đến vậy. Tình cảnh anh cu Tràng nhặt được vợ đã phơi bày tình cảnh thê thảm và thân phận tủi nhục của người nông dân nghèo, khi mà vấn đề cái đói, miếng ăn trở thành vấn đề sinh tử, hiện thực khủng khiếp đối với con người. Vấn đề miếng ăn không chỉ mang yếu tố vật chất, khẳng định sự sinh tồn mà còn đẩy tới việc khẳng định ý thức, nhân phẩm của con người. Miếng ăn được Kim Lân nhìn rộng ra vấn đề tình người, cái đói đẩy con người ta vào chỗ cùng đường, tuyệt lộ. Hạnh phúc, tình yêu dẫu nhỏ bé, mong manh, tội nghiệp nhưng vẫn rất đáng trân trọng.
Câu 4: Niềm khát khao hạnh phúc gia đình được thể hiện hết sức chân thực và sâu sắc qua nhân vật Tràng. Kim Lân đã có những phát hiện tinh tế và sâu sắc về niềm khát khao hạnh phúc gia đình của Tràng:
– Lúc quyết định lấy vợ: Thoạt đầu Tràng có chút phân vân, do dự: Mới đầu anh chàng cũng chọn, nghĩ thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng. Nhưng rồi sau đó anh chàng đã tặc lưỡi “Chậc, kệ”. Điều này thể hiện dụng ý nghệ thuật của tác giả: Khi đói người ta không nghĩ đến con đường chết mà chỉ nghĩ đến con đường sống. Dù ở trong tình huống bi thảm đến đâu, dù kề bên cái chết vẫn khao khát hạnh phúc, vẫn hướng về ánh sáng, vẫn tin vào sự sống và vẫn hi vọng vào tương lai, vẫn muốn sống, sống cho ra người (nhà văn Kim Lân nói về truyện Vợ nhặt).
– Khi dẫn vợ về qua xóm ngụ cư. Phút này, Tràng như đã thành một con người khác, phớn phở lạ thường, môi cười tùm tỉm, mắt sáng hẳn lên, mặt vênh vênh tự đắc, nhưng cũng có lúc cứ “lúng ta lúng túng” đi bên vợ. Nhưng chủ yếu vẫn là cảm giác mới mẻ khác lạ mơn man như một bàn tay vuốt nhẹ.
– Buổi sáng đầu tiên khi có vợ Tràng cảm thấy êm ả, lửng lơ, như người vừa trong giấc mơ đi ra, xung quanh mình có cái gì thay đổi mới mẻ khác lạ. Từ cảm giác sung sướng hạnh phúc Tràng ý thức trách nhiệm, bổn phận của mình “bỗng nhiên hắn thấy thương yêu gắn bó với căn nhà của hắn lạ lùng”. Một nguồn vui sướng phấn trấn đột ngột tràn ngập trong lòng. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ cho con sau này.
Khát khao hạnh phúc gia đình đã đưa đến sự trưởng thành, chín chắn trong suy nghĩ và bao dung, hi sinh trong tâm hồn của nhân vật. Con người trở nên người hơn với những yêu thương, khát khao sâu thẳm, những ước mong gắn bó và xây đắp lâu dài.
Câu 5:
* Phân tích tâm trạng buồn vui xen lãn của bà cụ Tứ
1. Sự ngạc nhiên đến sững sờ
Tình huống đặc biệt làm cho bà cụ Tứ ngạc nhiên, ây là việc con trai mình lấy vợ. Bà cụ ngạc nhiên vì con mình nghèo, xấu xí, dân ngụ cư lại đang thời buổi đói khát, nuôi thân chẳng xong. Tràng còn dám lấy vợ, rước thêm miệng ăn. Khi bà cụ đi làm về muộn, thấy người đàn bà ngồi ở đầu giường con mình rất ngạc nhiên, càng ngạc nhiên hơn khi được người đàn bà chào bằng u và được Tràng giới thiệu: “Kìa nhà tôi nó chào u”..”Nhà tôi nó mới về làm bạn với tôi đấy u ạ”. Bà ngạc nhiên đến mức không còn tin được vào mắt và tai mình : “Bà lão hấp háy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn thì phải. Bà lão nhìn kĩ người đàn bà lẫn nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay sang nhìn con tỏ ý không hiểu”.
2. Vừa mừng vừa tủi
– Khi đã vỡ lẽ, đã hiểu ra con mình “nhặt” được vợ, bà “cúi đầu nín lặng”. Bà liên tưởng đến bao cơ sự “oái ăm” “ai oán” “xót thương” cho số kiếp của đứa con mình. Bà liên tưởng đến người chồng quá cố, đến đứa con gái đã qua đời, lòng bà trĩu nặng tủi buồn, xót xa.
– Bà cụ Tứ mừng cho con từ nay yên bề gia thất, tủi thân làm mẹ không lo nổi vợ cho con. Giờ đây giữa lúc người chết đói “như ngả rạ” lại có người theo con trai bà về làm vợ. Cái tủi, cái buồn của người mẹ bị dồn vào cảnh nghèo cùng quẫn. Biết lấy gì để cúng tổ tiên, đế trình làng khi con đã có vợ. Bà cụ Tứ khóc vì mừng con có vợ, khóc vì thương con dâu không biết làm sao vượt qua nổi khó khăn này.
“Trong kẽ mất kèm nhèm của bà rủ xuống hai dòng nước mắt”. “Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá!…”, “ừ thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng…”. “Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”. Bao nhiêu tình yêu thương chân thành tha thiết của ngưòi mẹ thể hiện trong những lời giản dị mộc mạc ấy.
– Bà cụ xót xa thương dâu, thương con, tủi phận mình: “bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng”. Bao nhiêu lo lắng ngổn ngang trong lòng.
3. Nỗi lo
Bà cụ Tứ lo lắng thực sự cho con trai, con dâu, lo cho cái gia đình nghèo túng của bà giữa lúc đói kém này liệu có nuôi nổi nhau? Tương lai rồi sẽ ra sao… Bà chấp nhận cái “hạnh phúc” oái oãm éo le của gia đình. Ngẫm cái phận nghèo bà tự nhủ: “Có gặp bước khó khăn, đói khổ này người ta mới lấy đến con mình. Mà con mình mới có vợ được..”. Bà chỉ biết khuyên con, khuyên dâu thương yêu nhau, ăn ở hoà thuận với nhau để cùng vượt qua cơn khốn khó. Đó là nỗi lo, nổi thương của người mẹ từng trải, hiểu đời có tấm lòng sâu thẳm đối với mình. Trong sự lo lắng tủi hờn vẫn nhen nhóm một niềm tin.
4. Niềm tin
– Trong cái mừng, cái tủi, cái lo, người đọc vẫn thấy được niềm vui của cụ. Một niềm vui tội nghiệp không sao cất cánh lên được, cứ bị cái buồn, cái lo níu kéo xuống. Nhưng bà cụ Tứ cố vui và gắng làm cho con, cho dâu vui.
+ Vui trong ý nghĩ tốt đẹp về tương lai: “Rồi ra may mà ông giời cho khá…” ai giàu ba họ ai khó ba đời. Có ra thì con cái chúng mày về sau. Bà cụ “nói toàn: chuyện vui, toàn chuyện sung sướng sau này”.
+ Vui trong công việc sửa sang vườn tược, nhà cửa. Bà cụ giẫy cỏ cho sạch vườn. “Cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên. Bà lão xăm xăm thu dọn, quét tước nhà cửa”.
+ Vui trong bữa cơm sáng, bữa cơm đầu liên có con dâu đó là một bữa “tiệc với món cháo loãng và món “chè khoái” đắng chát – một bữa ăn ngày đói rất thảm hại nhưng bà cụ cố tạo ra niềm vui để động viên an ủi con trai, con dâu.
– Mặc dù cuộc sống khắc nghiệt, ngặi nghèo đến tàn bạo đã đầy đoạ mẹ con bà. Bà vẫn cố tạo không khí hoà thuận ấm cúng trong gia đình và kể chuyện làm ăn, nuôi gà… tươi cười đon đả múc cho con dâu những bát cháo cám.
* Tấm lòng của bà cụ Tứ: Trong cái thân hình khẳng khiu, tàn tạ, với “cái mặt bủng beo, u tối” ‘”bà vẫn nung nấu một ý chí sống mãnh liệt. Bà là hiện thân của những người mẹ nghèo khổ mà từng trải, hiểu biết: hết lòng thương yêu con, yêu thương những cảnh đời tội nghịêp, oái oăm. Bà nung nấu một khái vọng về cuộc sống gia đình hạnh phúc.
Câu 6: Đặc điểm nghệ thuật truyện ngắn của Kim Lân qua truyện ngắn Vợ nhặt:
– Cách tạo tình huống truyện độc đáo, tự nhiên, kết hợp nhuần nhuyễn hai yếu tố hiện thực và nhân đạo.
– Bút pháp phân tích tâm lí nhân vật tinh tế, sâu sắc.
– Nghệ thuật đối thoại, độc thoại nội tâm làm nổi rõ tâm lí của từng nhân vật.
– Cách kể chuyện tự nhiên, giọng điệu chậm rãi thể hiện vốn sống, sự hiểu biết phong phú về đời sống nông thôn và người nông dân. Cách kể nhiều khi hóm hỉnh, sắc sảo nhưng vẫn đôn hậu.
– Kết cấu truyện khá đặc sắc, kết thúc mở. Kim Lân có tài sử dụng những chi tiết nghệ thuật, thể hiện sinh động tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm.
Luyện tập
Câu 1: Chi tiết nồi cháo cám trong “Vợ nhặt”
– Vị trí của chi tiết trong truyện ngắn: nằm trong phần cuối của truyện ngắn, đó là món ăn duy nhất của cả nhà trong buổi sáng ngày hôm sau.
– Ý nghĩa
+ Chi tiết trên thể hiện tình trạng cùng cực của người dân lao động trong nạn đói 1945
+ Qua chi tiết nồi cháo cám, tính cách của nhân vật được bộc lộ :
● Bà cụ Tứ: người mẹ đảm đang, yêu thương con hết mực ( mặc dù đã già nhưng bà vẫn dậy sớm chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà; hơn thế nữa khi cái đói đang rình rập bà vẫn cố gắng để có được bữa tiệc cưới giản dị cho con trai của mình) .
● Tràng: “Tràng cầm đôi đũa, gợt một miếng bỏ vội vào miệng. Mặt hắn chun ngay lại, miếng cám đắng chát và nghẹn bứ trong cổ”, cách ứng xử này vừa cho thấy Tràng là người chồng có trách nhiệm với nỗi thẹn không thể dành cho người vợ mới cưới của mình một bữa ăn đủ đầy, một tiệc cưới sang trọng ; vừa cho thấy Tràng là người con hết sức khéo léo trong cách cư xử với mẹ, hiểu rõ được hoàn cảnh của gia đình mình.
● Vợ Tràng: qua chi tiết này ta càng khẳng định được sự thay đổi về tính cách của vợ Tràng, hết sức ngạc nhiên trước nồi cháo cám nhưng người con dâu mới vẫn điềm nhiên và vào miệng để làm vui lòng mẹ chồng. Điều đó cũng cho thấy vợ Tràng không còn nét cách đỏng đảnh như xưa nữa mà cô đã chấp nhận hoàn cảnh, đã thực sự sẵn sàng cùng gia đình vượt qua những tháng ngày khó khăn sắp tới.
+ Trong hoàn cảnh của nạn đói năm 1945, khi mà “Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy”, nồi cháo cám trong buổi sớm đầu tiên đón cô dâu mới thật sự nồi cháo của tình thân, tình người, niềm tin và hy vọng.
+ Chi tiết thể hiện tài năng của nhà văn Kim Lân trong việc lựa chọn chi tiết trong truyện ngắn.
Câu 2: Ý nghĩa của kết thúc truyện ngắn Vợ nhặt
– Ý nghĩa nội dung
+ Hình ảnh “đám người đói và lá cờ đỏ” hiện lên trong tâm trí Tràng vừa gợi ra cảnh ngộ đói khát thê thảm vừa gợi ra những tín hiệu của cuộc cách mạng, cả hai đều là những nét chân thực trong bức tranh đời sống lúc bấy giờ.
+ Kết thúc truyện góp phần thể hiện tư tưởng nhân đạo của Kim Lân: trân trọng niềm khát vọng sống ngay bên bờ vực cái chết của người lao động nghèo; niềm tin bất diệt vào tương lai tươi sáng.
– Ý nghĩa nghệ thuật
+ Hình ảnh dùng để kết thúc truyện là triển vọng sáng sủa của hiện thực tăm tối, đó là tương lai đang nảy sinh trong hiện tại, vì thế nó quyết định đến âm hưởng lạc quan chung của câu chuyện.
+ Đây là kiểu kết thúc mở giúp thể hiện xu hướng vận động tích cực của cuộc sống được mô tả trong toàn bộ câu chuyện; dành khoảng trống cho người đọc suy tưởng, phán đoán.
Giaibaitap.me
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi