Soạn bài Sự giàu đẹp của Tiếng Việt

0

Bài tập
1. Nêu đại ý của bài văn. Bài này có mấy đoạn ? Tóm tắt ý chính của từng đoạn.
2. Trong bài này, tác giả quan niệm như thế nào về cái đẹp, cái hay của tiếng Việt ? Giữa hai phẩm chất đẹp và hay có mối quan hệ với nhau như thế nào ?
3. Trong đoạn sau của bài (từ “Tiếng Việt, trong cấu tạo của nó” đến hết), tác giả đã tập trung chứng minh cái đẹp và cái hay của tiếng Việt. Tìm hiểu trình tự lập luận của tác giả và nêu thành dàn ý chi tiết của đoạn văn.
4. Em hãy nêu một số ví dụ cụ thể về vẻ đẹp của tiếng Việt.
5. Trong bài, tác giả đã sử dụng nhiều câu văn có bộ phận mở rộng câu. Hãy nêu một số ví dụ.
Viết một đoạn văn 4-5 câu, có sử dụng biện pháp mở rộng câu.

Gợi ý làm bài
1.  Bài văn giải thích và chứng minh tiếng Việt có những đặc tính của một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay, cũng tức là sự giàu đẹp của tiếng Việt.
Bài văn có hai đoạn (phần) và ý chính của mỗi đoạn như sau :
–  Đoạn một (từ đầu đến “thời kì lịch sử”) : Nêu nhận định tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp, một thứ tiếng hay, giải thích nhận định ấy.
–  Đoạn hai (phần còn lại) : Chứng minh cái đẹp và sự giàu có, phong phú (cái hay) của tiếng Việt về các mặt : ngữ âm, từ vựng, ngữ pháp. Sự giàu đẹp ấy cũng là một chứng cứ về sức sống của tiếng Việt.

2.  Tác giả đã giải thích về cái đẹp của tiếng Việt : Tiếng Việt là một thứ tiếng hài hoà về mặt âm hương, thanh điệu. Còn về cái hay của tiếng Việt : tế nhị, uyển chuyển trong cách đặt câu, có đầy đủ khả năng diễn đạt tình cảm, tư tưởng của con người, thoả mãn các yêu cầu phát triển của đời sống văn hoá, xã hội.
Phẩm chất đẹp của một ngôn ngữ là khả năng gợi cảm xúc, chủ yếu được tạo nên bởi hệ thống ngữ âm, sự hài hoà về thanh điệu và nhịp điệu. Còn cái hay chủ yếu là ở khả năng diễn tả tình cảm, tư tưởng, phản ánh đời sống phong phú, tinh tế, chính xác. Giữa hai phẩm chất ấy có mối quan hệ gắn bó. Cái đẹp của một thứ tiếng thường cũng phản ánh cái hay của thứ tiếng ấy, vì nó thể hiện sự phong phú, tinh tế trong cách diễn đạt, cũng tức là thể hiện sự chính xác và sâu sắc trong tình cảm, tư tưởng của con người. Ngược lại, cái hay cũng tạo ra vẻ đẹp của một ngôn ngữ. Chẳng hạn, trong tiếng Việt, sự tinh tế, uyển chuyển trong cách đặt câu, dùng từ không chỉ là cái hay mà còn tạo ra vẻ đẹp trong hình thức diễn đạt hài hoà, linh hoạt.
3.  Theo trình tự lập luận của tác giả, có thể lập dàn ý cho đoạn văn này như sau :
–  Tiếng Việt là một thứ tiếng đẹp.
+ Ý kiến của những người nước ngoài : Ấn tượng của họ khi nghe người Việt nói, nhận xét của những người am hiểu tiếng Việt như các giáo sĩ phương Tây.
+ Hệ thống nguyên âm và phụ âm phong phú, giàu thanh điệu (sáu thanh).
+ Uyển chuyển, cân đối nhịp nhàng về mặt cú pháp.
+ Từ vựng dồi dào giá trị thơ, nhạc, hoạ.
–  Tiếng Việt là một thứ tiếng hay.
+ Có khả năng dồi dào về cấu tạo từ ngữ và hình thức diễn đạt.
+ Có sự phát triển qua các thời kì lịch sử về cả hai mặt từ vựng và ngữ pháp. Cấu tạo và khả năng thích ứng với sự phát triển là một biểu hiện về sức sống dồi dào của tiếng Việt.
4.  Các em tự tìm để nêu một số ví dụ về vẻ đẹp của tiếng Việt (vẻ đẹp ngữ âm, từ vựng giàu chất nhạc, chất hoạ, uyển chuyển về cú pháp). Có thể tìm các ví dụ trong bài văn, bài thơ đã học ở lớp 6, lớp 7.
5.  Trong bài, tác giả đã sử dụng biện pháp mở rộng câu ở nhiều câu. Ví dụ : “Họ không hiểu tiếng ta, và đó là một ấn tượng, ấn tượng của người “nghe” và chỉ nghe thôi”, “Một giáo sĩ nước ngoài (chúng ta biết rằng nhiều nhà truyền đạo Thiên Chúa nước ngoài cũng là những người rất thạo tiếng Việt)…”.
(Những chữ in nghiêng trong các câu trên là bộ phận mở rộng câu, nhằm giải thích rõ hơn cho một từ hoặc cụm từ ở vị trí trước đó.)
Em hãy dựa vào những ví dụ trong bài để viết một đoạn văn có sử dụng biện pháp mở rộng câu.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment