Soạn bài Sống chết mặc bay
Soạn bài Sống chết mặc bay
Bài tập
1. Hãy nhận diện các hình thức ngôn ngữ văn học trong truyện ngắn Sống chết mặc bay bằng cách đánh dấu X (có) và tìm dẫn chứng điền vào theo bảng sau :
Hình thức ngôn ngữ
Có
Không
Dẫn chứng
Ngôn ngữ tự sư
Ngôn ngữ miêu tả
Ngôn ngữ biểu cảm
Ngôn ngữ người kể chuyện
Ngôn ngữ nhân vật
Ngôn ngữ độc thoại nội tâm
Ngôn ngữ đối thoại
2. Nhận xét về sự khác nhau trong ngôn ngữ đối thoại giữa nhân vật quan phủ và nhân vật thầy đề trong đoạn văn từ “Rồi ngồi xếp bài lại” đến “Ù ! Thông tôm, chi chi nảy ! … Điếu, mày”. Từ đó nêu nhận xét về mối quan hệ giữa ngôn ngữ của nhân vật và tính cách của nhân vật trong thể loại truyện.
3. Phân tích đoạn văn từ “Thưa rằng : Đang ở trong đình kia” đến “chánh tổng sở tại cùng ngồi hầu bài” với yêu cầu :
– Nhận diện hình thức ngôn ngữ trong đoạn văn.
– Nêu ý đổ tư tưởng của tác giả và nghệ thuật được thể hiện trong đoạn văn.
4. Hãy suy nghĩ và phát biểu về nhan đề của truyện ngắn Sống chết mặc bay.
5. Hãy phân tích nhân vật quan phụ mẫu.
Gợi ý làm bài
1. a) Bài tập này nhằm rèn luyện phương pháp học Ngữ văn theo hướng tích hợp, biết vận dụng những kiến thức về Tiếng Việt và Tập làm văn để hiểu văn bản sâu sắc hơn. Riêng với Văn, biết coi trọng việc hiểu ngôn ngữ để hiểu Văn, bởi ngôn ngữ là yếu tố đầu tiên của Văn.
b) Để làm bài tập này, hãy tiến hành các hoạt động sau :
– Đọc lại : SGK Ngữ văn 6, tập một, trang 15 (Giao tiếp, văn bản và phương thức biểu đạt), trang 27 (Tìm hiểu chung về văn tự sự) ; SGK Ngữ văn 6, tập hai, trang 15 (Tìm hiểu chung về văn miêu tả) ; SGK Ngữ văn 7, tập một, trang 84 (Đặc điểm của văn bản biểu cảm). Từ đó tìm định nghĩa thế nào là ngôn ngữ tự sự, ngôn ngữ miêu tả, ngôn ngữ biểu cảm, ngôn ngữ người kể chuvện. Ngoài ra em hãy tự định nghĩa, hoặc hỏi người có hiểu biết, hoặc tra Từ điển tiếng Việt, Từ điển thuật ngữ văn học để hiểu các khái niệm : ngôn ngữ nhân vật, đối thoại, độc thoại, độc thoại nội tâm.
– Từ những hiểu biết trên, đánh dấu (x) vào bảng liệt kê.
– Tìm dẫn chứng từ truyện ngắn Sống chết mặc bay cho các hình thức ngôn ngữ mà văn bản này đã có rồi ghi vảo bảng liệt kê. (Chỉ cần ghi tắt mấy chữ đầu, mấy chữ cuối, giữa có chấm lửng, đặt trong ngoặc kép)
Ví dụ :
+ Ngôn ngữ tự sự : “Gần một giờ đêm… không khéo thì vỡ mất”.
+ Ngôn ngữ miêu tả : “Dân phu kể hàng trăm nghìn… lướt thướt như chuột lột”.
+ Ngôn ngữ biểu cảm : “Than ôi ! Sức người khó lòng… Khúc đê này hỏng mất”.
+ Ngôn ngữ đối thoại : Bẩm, dễ có khi đê vỡ !”
“- Mặc kệ!”
Hãy tìm thêm các dẫn chứng khác.
2. a) Bài tập này nhằm rèn luyện khả năng hiểu ngôn ngữ để hiểu văn học, và nhận biết mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tính cách của nhân vật trong thể loại truyện. Ngôn ngữ (phong cách; giọng điệu…) là một phương diện rất quan trọng trong việc bộc lộ tính cách của nhân vật.
b) Để làm bài tập này, hãy tiến hành các hoạt động sau :
– Đọc kĩ đoạn văn và liệt kê đầy đủ các câu đối thoại theo mẫu sau :
Ngôn ngữ đối thoại của quan phủ
Ngôn ngữ đối thoại của thầy đề
– Có ăn không thì bốc chứ !
– Dạ, bẩm, bốc.
– Đê vỡ rồi… Không còn phép tắc gì nữa à ?
– Dạ, bẩm…
– Đuổi cổ nó ra !
– Nhận xét phong cách, giọng điệu đối thoại của từng nhân vật: quan phủ, thầy đề.
– Nhận xét về mối quan hệ giữa ngôn ngữ đối thoại của nhân vật và tính cách của nhân vật trong thể loại truyện.
3. a) Bài tập này nhằm rèn luyện kĩ năng phân tích văn học. Ở đây là phân tích một đoạn văn với yêu cầu nhận diện được hình thức ngôn ngữ của nó, phát hiện được ý đồ nghệ thuật, tư tưởng của tác giả.
b) Hãy làm bài tập theo trình tự sau :
– Nhận diện hình thức ngôn ngữ của đoạn văn bằng cách trả lời các câu hỏi:
+ Ở đoạn văn này, có ngôn ngữ người dẫn chuyện (cũng gọi là người kể) không ? Nếu có thì ngôi kể là gì ? Ngôn ngữ người kể được thể hiện như thế nào ?
+ Ở đoạn văn này, có ngôn ngữ miêu tả không ? Nếu có thì ngôn ngữ miêu tả đó có quan hệ như thế nào với ngôn ngữ người dẫn chuyện trong trạng thái tồn tại ? Nội dung được miêu tả gồm những chi tiết gì ? Hãy lần lượt kể ra một cách đầy đủ.
– Tìm ý đồ tư tưởng của tác giả qua đoạn văn bằng cách trả lời các câu hỏi sau :
+ Cảnh tượng sinh hoạt của quan phủ ở trong đình được miêu tả như thế nào ? Tác giả có dụng ý gì khi đưa ra nhiều chi tiết như thế ?
+ Việc miêu tả cảnh tượng sinh hoạt đó có liên quan gì đến biện pháp nghệ thuật tương phản đã được tác giả sử dụng một cách sắc sảo trong truyện ngắn Sống chết mặc bay ?
+ Qua đoạn văn, ý đồ phê phán hiện thực của tác giả là gì ?
4. – Cần hiểu mục đích của bài tập này là rèn luyện năng lực đọc văn bản, trong đó cần hiểu được ý nghĩa của nhan đề tác phẩm vốn là một điều rất quan trọng đối với tác giả khi viết tác phẩm. Có rất nhiều cách đặt nhan đề tác phẩm, nhưng nói chung là nhằm thể hiện điều tác giả muốn nói nhất trong tác phẩm của mình.
– Cách làm : Em hãy vừa đọc tác phẩm vừa nghĩ đến mối liên hệ giữa nhan đề tác phẩm và nội dung tác phẩm để từ đó hiểu ý tưởng mà nhan đề tác phẩm muốn thể hiện. Tiếp đó, nhận xét về cách đặt nhan đề của tác giả Phạm Duy Tôn ở truyện ngắn này. (Hướng trả lời : Dựa vào một thành ngữ của dân gian “Sống chết mặc bay”. Cách đặt nhan đề đơn giản nhưng đã báo trước nội dung tác phẩm muốn nói là thái độ, cách xử sự vô trách nhiệm đến mức táng tận lương tâm của viên quan phụ mẫu trước sinh mạng của người dân.)
5. – Cần thấy mục đích của bài tập này là nhằm tiếp tục rèn luyện kĩ năng phân tích nhân vật vốn là một yêu cầu rất quan trọng trong việc học văn, đặc biệt là với thể loại truyện bao gồm truyện ngắn và tiểu thuyết mà lần lượt em sẽ được học trong những thời gian sau.
– Cách làm : Để phân tích nhân vật quan phụ mẫu trong truyện ngắn Sống chết mặc bay, em hãy đọc kĩ tác phẩm rồi trả lời các câu hỏi sau đây :
a) Quan phụ mẫu đã xuất hiện trong hoàn cảnh nào ? Tại địa điểm nào ? Quang cảnh ở địa điểm đó cụ thể là thế nào ? Hãy nhận xét về hoàn cảnh xuất hiện và nơi xuất hiện đó.
b) Những vật liệu, đồ dùng để phục vụ quan phụ mẫu là gì ? Từ đó, hãy nhận xét về cuộc sống của quan phụ mẫu.
c) Những hành vi và lời nói của quan phụ mẫu được tác phẩm lần lượt cho biết là gì ? Từ những hành vi, lời nói, kể cả kiểu nói, cách nói của quan phụ mẫu, cho thấy tính cách của quan là thế nào ?
d) Quan hệ đối xử của quan phụ mẫu với đám nha lại có mặt là thế nào ? Qua đó, cũng cho thấy điều gì về tính cách của quan ?
e) Qua tất cả sự phân tích trên, có thể rút ra những nhận xét gì về quan phụ mẫu ? Mối tương quan giữa tính cách của quan phụ mẫu với cuộc sống của nhân dân cụ thể ở đây là thế nào ?
g) Thái độ của tác giả đối với quan phụ mẫu ra sao ?
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi