Sơ đồ tư duy Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

0

Nhằm mục đích giúp học sinh dễ dàng hệ thống hóa được kiến thức, nội dung các tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 7, chúng tôi biên soạn bài viết Sơ đồ tư duy Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất dễ nhớ, hay nhất với đầy đủ các nội dung như tìm hiểu chung về tác phẩm, tác giả, bố cục, dàn ý phân tích, bài văn mẫu phân tích, …. Hi vọng qua Sơ đồ tư duy Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất sẽ giúp học sinh nắm được nội dung cơ bản của Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất.

A. Sơ đồ tư duy Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

B. Tìm hiểu Tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất

1. Thể loại: tục ngữ

– Tục ngữ: là những câu nói dân gian ngắn gọn, ổn định, có nhịp điệu, hình ảnh, thể hiện những kinh nghiệm của nhân dân ta về mọi mặt (tự nhiên, lao động, sản xuất, xã hội) được nhân dân vận dụng vào đời sống, suy nghĩ và lời ăn tiếng nói hàng ngày. Đây là một thể loại văn học dân gian.

2. Bố cục:

– Nhóm 1: gồm các câu 1, 2, 3, 4: Câu tục ngữ nói về thiên nhiên

– Nhóm 2: gồm các câu 5, 6, 7, 8: Câu nói về lao động sản xuất

3. Chủ đề: các câu tục ngữ nói về hiện tượng thiên nhiên, lao động, sản xuất

4. Giá trị nội dung

Phản ánh truyền đạt những kinh nghiệm quý báu của nhân dân ta trong việc quan sát hiện tượng thiên nhiên, trong lao động, sản xuất.

5. Giá trị nghệ thuật

– Ngắn gọn, thường dùng phép đối, có vần điệu nhịp nhàng nên dễ đọc dễ nhớ

– Các hình ảnh trong tục ngữ thường cụ thể và sinh động

II. Dàn ý phân tích tác phẩm

1. Những câu tục ngữ về thiên nhiên 

* Câu 1:

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối

– Câu này nói về thời tiết: tháng năm âm lịch ngày dài, đêm ngắn; tháng mười đêm dài, ngày ngắn. Tri thức này dựa trên cơ sở sự quan sát của nhân dân vào 2 mùa. Tháng 5 thuộc mùa hè, tháng 10 thuộc mùa đông.

– Sử dụng phép đối, cách nói quá:

⇒ Làm nổi bật sự trái ngược tính chất giữa ngày và đêm giữa mùa hạ và mùa đông.

⇒ Bài học về cách sử dụng thời gian trong cuộc sống sao cho hợp lí giữa các mùa để chủ động trong công việc và đi lại

* Câu 2: Mau sao thì nắng, vắng sau thì mưa

– Trời mà nhiều sao thì nắng, ít sao thì mưa

– Hai vế đối nhau, cách nói vần, dễ nhớ

– Sử dụng từ ngữ dễ nhớ: thì nắng, thì mưa trên cơ sở quan hệ nhân quả.

⇒ Giúp con người có ý thức biết nhìn sao để dự báo thời tiết, sắp xếp công việc

* Câu 3: Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ.

– Trên trời mà xuất hiện ráng có sắc vàng màu mỡ là sắp có bão. Công việc của mọi người là cố giữ nhà, tức là tìm cách chống bão.

⇒ Kinh nghiệm dự báo bão từ đó có ý thức chủ động giữ gìn nhà cửa hoa màu.

* Câu 4: Tháng bảy kiến bò, chỉ lo lại lụt.

– Khi thấy kiến bò, thường là bò “lên cao”, ấy là sắp có lụt.

– Câu này dựa trên sự quan sát như sau: Ở nước ta, mùa lụt thường xảy ra vào tháng bảy (âm lịch) có khi kéo dài sang tháng tám. Các loài côn trùng, nhất là kiến vốn hay làm tổ dưới đất, khi cảm nhận được sự thay đổi thời tiết, chúng sẽ tìm cách tránh lụt. Như vậy, nhìn vào hàng đàn kiến nối đuôi nhau tìm nơi trú ẩn, nhân dân ta biết trước để lo chống lụt.

2. Những câu tục ngữ về lao động sản xuất

* Câu 5: Tấc đất, tấc vàng

– Đất coi là quý như vàng

– Vì đem lại lợi ích to lớn cho con người (trồng trọt, xây dựng nhà ở, các công trình công cộng, nhà máy xí nghiệp…)

– Hình thức ngắn gọn, 2 vế đối nhau để nói lên giá trị của cái được so sánh. Tấc đất là chỉ một mảnh đất nhỏ (khoảng 2,4m vuông nếu đo theo tấc Bắc Bộ và 3,3m vuông theo tấc Trung Bộ. Vàng là kim loại quý. Tấc vàng là lượng vàng lớn, vô cùng quý giá.

⇒ Như vậy nhân dân ta đã lấy cái rất nhỏ để so sánh với cái rất lớn nhằm khẳng định giá trị của đất.

⇒ Có ý thức bảo vệ, giữ gìn và sử dụng đúng mục đích đất đai, ra sức chăm bón đồng ruộng, phê phán hiện tượng lãng phí đất.

* Câu 6: Nhất canh trì, nhị canh viên, tam canh điền.

– Trì: đào ao nuôi cá; viên: làmvườn. trồng cây ăn trái; điền: ruộng, trồng lúa, hoa màu

⇒ Nêu lên thứ tự các nghề, các công việc đem lại lợi ích kinh tế cho con người. Làm ruộng là nghề căn bản, lâu đời, nên được xếp vào hàng thứ ba.

* Câu 7: Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống.

– Khẳng định thứ tự quan trọng của các yếu tố: nước, phân, lao động, giống lúa đối với nghề trồng lúa.

⇒ Thấy được tầm quan trọng và mối quan hệ của các yếu tố trồng lúa

* Câu 8: Nhất thì, nhì thục.

– Khẳng định tầm quan trọng của đất đai và thời vụ

⇒ Sản xuất phải đúng thời vụ, đúng loại đất.

III. Bài phân tích

Trong kho tàng văn học dân gian Việt Nam, tục ngữ chiếm một vị trí quan trọng và có số lượng khá lớn. Nó được ví là kho báu của kinh nghiệm và trí tuệ dân gian. Khác với ca dao – dân ca thiên về biểu hiện tình cảm con người, tục ngữ mang tính trí tuệ, triết lí. Những triết lí, trí tuệ trong tục ngữ bắt rễ từ cuộc sống sinh động phong phú nên nội dung cũng như hình thức của tục ngữ không khô khan mà nó vẫn như cây đời xanh tươi. Tục ngữ Việt Nam có rất nhiều chủ đề. Trong đó nổi bật là những câu tục ngữ về thiên nhiên, lao động sản xuất, về con người và xã hội.

Nhân dân ta sáng tác tục ngữ để làm gì? Tục ngữ được nhân dân sử dụng vào mọi hoạt động đời sống để nhìn nhận, ứng xử, thực hành và để cho lời nói thêm hay, thêm sinh động, sâu sắc, gây ấn tượng đối với người nghe. Với tám câu tục ngữ trong bài, ta có thể chia làm hai nhóm: nhóm 1: Câu 1,2, 3, 4 là những câu tục ngữ về thiên nhiên, nêu kinh nghiệm nhận xét, dự báo thời tiết. Nhóm 2: các câu 5, 6, 7, 8 là những câu tục ngữ nói về lao động sản xuất, đúc kết những kinh nghiệm cấy trổng, chăn nuôi nhằm đem lại ấm no, hạnh phúc cho con người.

Trước đây nhân dân ta chưa có dụng cụ máy móc để đo thời gian, nhưng chỉ bằng kinh nghiệm, bằng trực giác và vốn sống họ đã có những nhận xét rất đúng về độ dài ngày và đêm, mùa hè và mùa đông:

Đêm tháng năm chưa nằm đã sáng

Ngày tháng mười chưa cười đã tối

Với cách nói hồn nhiên, hóm hỉnh lấy giấc ngủ chưa nằm đã sáng để đo chiều dài đêm tháng năm, chỉ ra đêm mùa hè là ngắn; lấy tiếng cười để đo chiều dài ngày tháng mười, ngày mùa đông là ngắn, rất ngắn, chưa chiều đã tối. Suy luận ra câu tục ngữ chỉ rõ: ngày mùa hè dài, đêm mùa đông rất dài. Do ánh sáng mùa hè, do mây mù mùa đông, do kinh nghiệm cuộc sống của nhân dân ta nêu lên nhận xét rất đúng đắn: đêm mùa hè ngắn, ngày mùa đông ngắn. Nắm được độ dài thời gian theo ngày và đêm, theo mùa để chủ động bố trí công việc làm ăn và nghỉ ngơi là rất cần thiết.

Có thi sĩ đã viết: “Nắng mưa là bệnh của trời …” thì tục ngữ cũng có câu nói về hiện tượng mưa nắng “Mau sao thì nắng, vắng sao thì mưa”. Câu tục ngữ có hai vế, mỗi vế có 4 chữ đối nhau, nhấn mạnh ý: Sự khác biệt về mật độ sao trên bầu trời đêm trước sẽ dẫn đến sự khác biệt về hiện tượng mưa, nắng trong những ngày sau đó. Mau có nghĩa là dày, nhiều. Đêm nhiều sao thì hôm sau trời nắng. Vắng có nghĩa là ít, thưa… Đêm ít sao thì ngày hôm sau trời sẽ mưa. Nghĩa cả câu: Đêm trước nhiều sao báo hiệu ngày hôm sau sẽ nắng. Đêm trước ít sao báo hiệu ngày hôm sau sẽ mưa.

Nhà nông, dân chài lưới, dân đi rừng ở nước ta chỉ có nhìn mây, nhìn ráng, nhìn cầu vồng mà đoán được gió bão, lũ lụt, … Câu tục ngữ “Ráng mỡ gà, có nhà thì giữ” là một kinh nghiệm quý báu về dự báo thời tiết. Ráng là màu vàng xuộm của mây do mặt trời chiếu vào. Ráng mỡ gà thường xuất hiện ở phía chân trời trước khi có giông bão. Nó như điềm báo trước để con người biết mà lo chống giữ nhà cửa cho chắc chắn nhằm giảm bớt tác hại ghê gớm do bão gây ra. Câu tục ngữ này đã lược bỏ một số thành phần để thành câu rút gọn, nhấn mạnh vào nội dung chính để mọi người dễ nhớ. Dân gian không chỉ dựa vào hiện tượng ráng mỡ gà mà còn dựa vào hiện tượng chuồn chuồn bay để đoán bão. Câu tục ngữ: Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão cũng đúc kết kinh nghiệm này.

Là kinh nghiệm về hiện tượng thời tiết trước khi có lụt:

Tháng bảy kiến bò chỉ lo lại lụt

Cứ đến tháng bảy (Âm lịch) mà kiến rời khỏi tổ từng đàn lớn, kéo nhau từ chỗ đất thấp lên chỗ đất cao thì nhất định thể nào cũng xảy ra lụt lội. Ở nước ta, mùa lũ thường xảy ra vào tháng tám nhưng có năm kéo dài sang cả tháng chín, tháng mười. Từ thực tế quan sát được nhiều lần, nhân dân tổng kết thành quy luật. Kiến là loại côn trùng rất nhạy cảm với những thay đổi của khí hậu, thời tiết. Khi trời sắp có những đợt mưa to kéo dài, các loại kiến từ trong tổ kéo ra đàn đàn lũ lũ, di chuyển chỗ ở lên cao để tránh bị ngập nước và để bảo tồn nòi giống. Câu tục ngữ này chứng tỏ người xưa quan sát tỉ mỉ những biểu hiện nhỏ nhất trong thế giới tự nhiên, từ đó rút ra những nhận xét chính xác, lâu dần thành kinh nghiệm. Kinh nghiệm này nhắc nhở mọi người phải chuẩn bị phòng chống lũ lụt sau tháng bảy âm lịch.

Bốn câu tục ngữ tiếp theo nêu lên những nhận xét, những kinh nghiệm hay sâu sắc, xác đáng về đất đai, ngành nghề, kĩ thuật trồng trọt, làm ruộng của bà con nông dân.

Tấc đất, tấc vàng

Hình thức câu tục ngữ này được rút gọn tối đa chỉ có bốn tiếng chia thành hai vế đối xứng rất dễ hiểu, dễ nhớ. Nội dung của nó nêu bật giá trị của đất đai canh tác. Tấc là đơn vị đo lường cũ trong dân gian bằng 1/10 thước. Đất là đất đai trồng trọt chăn nuôi. Tấc đất: mảnh đất rất nhỏ. Vàng là kim loại quý thường được cân đo bằng cân tiểu li, hiếm khi đo bằng tấc thước. Tấc vàng chỉ lượng vàng lớn, quý giá vô cùng. Câu tục ngữ đã lấy cái có giá trị rất nhỏ (tấc đất) để so sánh với cái có giá trị rất lớn (tấc vàng) để khẳng định giá trị của đất đai đối với nhà nông. Nghĩa của cả câu là: một mảnh đất nhỏ bằng một lượng vàng lớn đất cũng quý giá như vàng, có khi còn quý hơn vàng. Đất quý giá vì đất nuôi sống con người. Con người phải đổ bao mồ hôi, xương máu mới có được đất đai. Đất là một loại vàng đặc biệt có khả năng sinh sôi vô tận. Vàng thật dù nhiều đến đâu nhưng ngồi không ăn mãi cũng hết (Miệng ăn núi lở), còn chất vàng của đất đai khai thác hết thế hệ này sang thế hệ khác, mãi mãi không bao giờ vơi cạn. Vì thế con người cần sử dụng đất đai sao cho có hiệu quả nhất.

Nhà nông quê ta có nhiều kinh nghiệm quý báu phát triển các ngành nghề: làm ruộng, làm vườn, chăn nuôi, thả cá, xây dựng làng nghề,… Câu tục ngữ “Nhất canh trì, nhì canh viên, tam canh điền” thể hiện trí tuệ và kinh nghiệm trong làm ăn của người dân. Chuyển câu tục ngữ này từ tiếng Hán Việt sang tiếng Việt thì nó có nghĩa là: thứ nhất nuôi cá, thứ nhì làm vườn, thứ ba làm ruộng. Trong các nghề kể trên, đem lại nhiều lợi ích nhất là nuôi cá (canh trì), tiếp theo là nghề làm vườn (canh viên), sau đó là làm ruộng (canh điền). Bài học rút ra từ câu tục ngữ trên là: Muốn làm giàu, cần phải phát triển nuôi trồng thủy sản. Trong thực tế, bài học này đã được áp dụng triệt để. Nghề nuôi tôm, cá ở nước ta ngày càng được đầu tư phát triển, thu lợi nhuận lớn gấp nhiều lần trồng lúa. Nhưng không phải thứ tự trong câu tục ngữ áp dụng nơi nào cũng đúng mà chúng phụ thuộc vào đặc điểm địa lí tự nhiên của từng vùng. Ở vùng nào có đặc điểm địa lí phong phú thì cách sắp xếp theo trật tự đó là hợp lí nhưng đối với những nơi chỉ thuận lợi cho một nghề phát triển, chẳng hạn nghề làm vườn hay làm ruộng, thì vấn đề lại không như vậy. Nói tóm lại, con người phải linh hoạt, sáng tạo trong công việc để tạo ra nhiều của cải vật chất nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Câu tục ngữ “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” đã tổng kết và khẳng định bốn bài học lớn, kinh nghiệm hay về làm ruộng cho năng suất cao. Phép liệt kê có tác dụng vừa nêu rõ thứ tự, vừa nhấn mạnh vai trò của từng yếu tố. Các chữ nhấtnhịtamtứ có nghĩa là: thứ nhất, thứ hai, thứ ba, thứ tư. Nghĩa cả câu là: Thứ nhất là nước, thứ hai là phân, thứ ba là chuyên cần, thứ tư là giống. Kinh nghiệm này được đúc kết từ nghề trồng lúa nước là phải bảo đảm đủ bốn yếu tố: nước, phân, cần, giống, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là nước. Nước có đủ thì lúa mới tốt, mùa màng mới bội thu. Câu tục ngữ trên giúp người nông dân thấy được tầm quan trọng của từng yếu tố cũng như mối quan hệ chặt chẽ giữa các yếu tố đối với nhau.

“Nhất thì, nhì thục” là câu tục ngữ nêu lên kinh nghiệm về kĩ thuật trồng trọt, làm lúa nước. Nội dung nhấn mạnh hai yếu tố thì và thụcThì: là thời vụ; thục: là đất canh tác phù hợp với từng loại cây. Nội dung câu tục ngữ này khẳng định trong trồng trọt, quan trọng nhất là thời vụ (thời tiết), thứ hai là đất canh tác. Kinh nghiệm này đã đi sâu vào thực tế sản xuất nông nghiệp ở nước ta. Nghề trồng lúa nhất thiết phải gieo cấy đúng thời vụ và sau mỗi vụ thu hoạch phải tập trung cải tạo đất để chuẩn bị tốt cho vụ sau. Có như vậy thì công sức lao động vất vả của người nông dân mới được đền bù xứng đáng bằng những mùa lúa bội thu.

Như vậy thông qua các câu tục ngữ về thiên nhiên và lao động sản xuất chúng ta đã phần nào hiểu được hình thức lưu lại những kinh nghiệm hiểu biết của cha ông ta bao đời nay. Mặc dù đến nay những kinh nghiệm ấy có thể không còn được chính xác, thế nhưng nó vẫn mang những giá trị văn học, văn hóa, truyền thống quý cần được gìn giữ và lưu truyền để nhớ đến một nét đẹp độc đáo trong đời sống nhân dân ta từ ngàn đời.

IV. Một số nhận định về tác phẩm

1. Những câu tục ngữ nói về thiên nhiên, lao động sản xuất

a. Vàng mây thì gió, đỏ mây thì mưa.

b. Ếch kêu uôm uôm, ao chuôm đầy nước.

c. Quạ tắm thì ráo, sáo tắm thì mưa.

d. Tháng bảy heo may, chuồn chuồn bay thì bão.

e. Đầu năm sương muối, cuối năm gió nồm.

f. Ăn kĩ no lâu, cày sâu tốt lúa.

g. Lúa chiêm lấp ló đầu bờ/ Hễ nghe tiếng sấm phất cờ mà lên.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment