Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập dễ nhớ cực hay

0

Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập dễ nhớ cực hay vừa được thuthuat.tip.edu.vn cập nhật mới nhất. Các em học sinh hãy tham khảo và tải đề thi theo thông tin bên dưới nhé. Chúng tôi hi vọng với đề thi này sẽ giúp các em củng cố kiến thức của mình cho những kì thi sắp tới.

A. Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập

Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập

Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập

B. Tìm hiểu bài Sơ đồ tư duy Tựa Trích diễm thi tập

I. TÁC GIẢ

– Hoàng Đức Lương (? – ?)

– Quê quán: ở huyện Văn Giang (Hưng Yên), trú quán ở Gia Lâm (Hà Nội).

– Đỗ tiến sĩ năm 1478.

– Là một trí thức giàu lòng yêu nước thời Lê, coi nền văn hiến dân tộc như là một bộ    phận cấu thành của ý thức độc lập dân tộc.

II. TÁC PHẨM

1. Hoàn cảnh sưu tầm

Năm 1497, phong trào phục hưng nền văn hóa dân tộc sau chiến thắng chống giặc Minh xâm lược thế kỉ XV.

2. Thể loại: Bài tựa.

3. Bố cục: 2 phần.

– Phần 1 (Từ đầu đến…rách nát tan tành): Những nguyên nhân làm cho thơ văn không   lưu truyền hết ở đời.

– Phần 2 (Còn lại): Tâm sự và công việc sưu tầm thơ văn của tác giả.

4. Giá trị nội dung

Bài tựa thể hiện niềm tự hào, sự trân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

5. Giá trị nghệ thuật

– Nghệ thuật lập luận:

+ Phương pháp quy nạp.

+ Dùng hình ảnh.

+ Câu hỏi tu từ.

→ Tính chất chặt chẽ, tác động mạnh vào trí tuệ và tình cảm của người đọc.

– Lời lẽ thiết tha.

III. DÀN Ý PHÂN TÍCH

I. Mở bài

– Giới thiệu về tác giả Hoàng Đức Lương (đôi nét về tiểu sử, tài năng, …).

– Giới thiệu khái quát về bài “Tựa “Trích diễm thi tập””(hoàn cảnh sáng tác, giá trị nội dung, nghệ thuật).

II. Thân bài

1. Giới thiệu khái quát về “Tựa “Trích diễm thi tập””

– “Trích diễm thi tập”:

+ Là tuyển tập các bài thơ hay (Hoàng Đức Lương sưu tầm).

+ Gồm các tác phẩm từ thời Trần đến đầu Lê, phần cuối là một số bài thơ của Hoàng Đức Lương.

– Bài tựa:

+ Là bài viết thường đặt ở đầu sách.

+ Do tác giả (người khác) viết: giới thiệu sách, tâm sự của tác giả, hoặc đánh giá về cuốn sách (người khác viết).

+ Viết bằng thể văn nghị luận, thuyết minh, biểu cảm hoặc thể hỗn hợp.

+ Bài tựa này viết theo kiểu nghị luận kết hợp biểu cảm nói rõ quan điểm của tác giả và giới thiệu sách với người đọc.

2. Những nguyên nhân làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở đời.

 * Nguyên nhân chủ quan

– Chỉ có thi nhân, người có trình độ học vấn mới thấy được cái hay, cái đẹp của thơ ca.

+ Hình ảnh liên tưởng so sánh: Thơ văn- khoái chá → cái hấp dẫn, gấm vóc → cái đẹp.

– Nhưng vẻ hấp dẫn, vẻ đẹp của thơ văn lại còn như là “sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được” → vẻ đẹp, vẻ hấp dẫn đặc biệt, trừu tượng, khó nắm bắt.

→ Cần phải là người có trình độ, học vấn mới nắm bắt được nhưng số người đó trong xã hội ta không nhiều” không phải ai trong xã hội cũng yêu quý, cũng quan tâm sưu tầm, lưu giữ.

– Người có học, có hiểu biết (bậc danh nho, người làm quan, các sĩ tử) hoặc vì bận việc hoặc không quan tâm đến việc sưu tầm văn thơ.

– Người yêu thích thơ văn lại không đủ trình độ, năng lực và tính kiên trì.

– Nhà nước (triều đình, nhà vua) không khuyến khích việc in ấn (khắc ván) thơ văn mà chỉ in kinh Phật.

* Nguyên nhân khách quan

– Sức phá huỷ của thời gian đối với sách vở.

– Chiến tranh, hỏa hoạn.

→ Nghệ thuật lập luận:

+ Phương pháp quy nạp.

+ Dùng hình ảnh so sánh (đoạn 1;5).

– Câu hỏi tu từ: “Huống chi…tan tành?”

* Tác giả nêu nguyên nhân khiến thơ văn thất truyền trước nhằm:

– Nhấn mạnh vào mục đích của việc sưu tầm, biên soạn cuốn sách của mình là xuất phát từ yêu cầu cấp thiết của thực tế chứ không phải chỉ do sở thích cá nhân.

– Đó là một công việc khó khăn nhưng đáng quý, cần thiết, nằm trong trào lưu chung của thời đại phục hưng dân tộc thế kỉ XV.

3. Tâm sự  và công việc sưu tầm văn thơ của tác giả

– Tâm sự của tác giả trước thực trạng thơ văn của ông cha bị thất truyền, hủy hoại:

+ Xót xa, thương tiếc trước di sản quý báu bị tản mát, hủy hoại, đắm chìm trong quên lãng khi đặt nền văn hóa dân tộc mình sánh với văn hóa Trung Quốc.

+ Khó khăn trong việc khảo cứu thơ văn Lí – Trần làm tác giả phải thường thở than, có ý trách lỗi các trí thức đương thời.

– Công việc sưu tầm, biên soạn của tác giả:

+ Sưu tầm: Công phu tìm tòi, thu lượm: “tìm quanh hỏi khắp”; thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay.

+ Biên soạn: Chia xếp theo từng loại, đặt tên sách, phần cuối sách có phụ thêm thơ văn của mình.

→ Cách giới thiệu việc làm sưu tầm, chia bố cục, nội dung cuốn sách của tác giả ngắn gọn, đủ ý, giọng kể giản dị, khiêm nhường.

III. Kết bài

– Khái quát lại giá trị nội dung và nghệ thuật.

+ Nội dung: Bài tựa thể hiện niềm tự hào, sự trân trọng và ý thức bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

+ Nghệ thuật: Nghệ thuật lập luận, lời lẽ thiết tha.

– Liên hệ tới trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày nay với việc bảo tồn các giá trị văn học.

IV. MỘT SỐ CÂU HỎI ĐỌC HIỂU VÀ BÀI PHÂN TÍCH

Câu hỏi: Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi từ 1 đến 4:

“Đối với thơ văn, cổ nhân ví như khoái chá, ví như gấm vóc; khoái chá là vị rất ngon trên đời, gấm vóc là màu rất đẹp trên đời, phàm người có miệng, có mắt, ai cũng quý trọng mà không vứt bỏ khinh thường. Đến như thơ văn thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp, ăn mà biết được vị ngon ấy thôi. Đấy là lí do thứ nhất làm cho thơ văn không lưu truyền hết ở trên đời.”

(Hoàng Đức Lương – Tựa “Trích diễm thi tập”)

1/ Nêu nội dung chính của văn bản?

2/ Xác định biện pháp tu từ (về từ) trong văn bản ? Nêu hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ đó.

3/Xác định thao tác lập luận chính của văn bản?

4/ Viết đoạn văn ngắn (5 đến 7 dòng) bày tỏ suy nghĩ về trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc bảo tồn di sản văn hoá dân tộc.

Trả lời:

1/Nội dung chính của văn bản: Tác giả trình bày lí do thơ văn không lưu truyền hết ở đời

là do thơ văn có vẻ đẹp riêng chỉ thi nhân mới cảm nhận hết được.

2/ Biện pháp tu từ ( về từ) trong văn bản : so sánh : Đối với thơ văn, cổ nhân ví như khoái chá, ví như gấm vóc.

Hiệu quả nghệ thuật: Làm cho câu văn mang tính gợi hình ảnh, gợi cảm xúc, thái độ rõ ràng của tác giả khi ông mượn lời của người xưa để bàn về thơ ca.

3/ Thao tác lập luận chính của văn bản: So sánh

4/ Gợi ý:

+ Di sản văn hóa Việt Nam là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa nhân loại, đóng vai trò to lớn trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta. Đó là những sản phẩm vật chất, sản phẩm tinh thần có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác với niềm tự hào của dân tộc.

+ Thế hệ trẻ cần chủ động tìm kiếm và học hỏi về các giá trị nghệ thuật lâu đời của dân tộc.

+ Cần tuyên truyền cho người dân  hiểu biết về từng giá trị của các di sản văn hóa, giúp họ hiểu được ý nghĩa lịch sử, ý nghĩa dân tộc sâu sắc của từng di sản. Qua đó, họ ý thức được trách nhiệm và quyền lợi đóng góp vật chất và tinh thần trong sự nghiệp bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc. Đặc biệt là đối với thế hệ trẻ, ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường, những giá trị lịch sử này cũng cần được bổ sung trong các bài học về văn hóa của dân tộc ta.

Bài phân tích

Đề bài: Phân tích bài “Tựa “Trích diễm thi tập”” của Hoàng Đức Lương.

Sau khi chiến thắng oanh liệt quân Minh xâm lược, nhân dân Đại Việt bước sang giai đoạn hòa bình, xây dựng đất nước. Các tác phẩm thơ văn sáng tác từ những thế kỉ trước nay được một số người sưu tầm và in thành sách. Học giả Hoàng Đức Lương đã tuyển chọn những bài thơ hay từ thời Trần đến đời Lê, đặt tên là “Trích diễm thi tập” ông trực tiếp viết lời Tựa cho cuốn sách này để giới thiệu với người đọc.

Tựa là bài viết đặt ở đầu sách, do chính tác giả hoặc người khác (thường là người am hiểu về nội dung cuốn sách) được tác giả mời viết. Bài Tựa thường nêu lên quan điểm của người viết về những vấn đề liên quan đến cuốn sách. Ví dụ như lí do và phương pháp làm sách, đặc điểm của sách… Thời xưa, khi phê bình văn học chưa phát triển thì các bài Tựa thường thực hiện chức năng này. Về độ dài ngắn, có bài dài vài trang, nếu giới thiệu tỉ mỉ; có bài chỉ vài chục dòng, nếu giới thiệu sơ lược.

Chúng ta hãy thử phân tích bài “Tựa” cuốn “Trích diễm thi tập” của Hoàng Đức Lương để hiểu rõ hơn thế nào là một bài Tựa?

Mở đầu bài Tựa, tác giả nêu lên những nguyên nhân khiến cho văn thơ không được lưu truyền rộng rãi.

Nguyên nhân thứ nhất là do đặc điểm của văn thơ là kén chọn người đọc. Một món ăn ngon, một miếng gấm vóc đẹp, người bình thường có thể cảm nhận và thưởng thức được. Đến như văn thơ, thì lại là sắc đẹp ngoài cả sắc đẹp, vị ngon ngoài cả vị ngon, không thể đem mắt tầm thường mà xem, miệng tầm thường mà nếm được. Chỉ thi nhân là có thể xem mà biết được sắc đẹp ăn mà biết được vị ngon ấy thôi. Có nghĩa là thơ văn chỉ để dành riêng cho tầng lớp trí thức chiếm số ít trong xã hội.

Nguyên nhân thứ hai là việc sưu tầm và phổ biến thơ văn hầu như chưa được mấy ai coi là cần thiết. Những bậc danh nho làm quan to ở trong quan các, hoặc vì bận việc không rỗi thời giờ để biên tập, còn viên quan nhàn tản chức thấp cùng những người lận đận về khoa trường, thì đều không để ý đến.

Nguyên nhân thứ ba là thỉnh thoảng, cũng có người thích thơ văn, nhưng lại ngại vì công việc nặng nề, tài lực kém cỏi, nên đểu làm được nữa chừng rồi lại bỏ dở.

Nguyên nhân thứ tư là sự quản lí chặt chẽ của triều đình. Thơ văn nếu chưa được lệnh vua, không dám khắc ván lưu hành.

Do vậy mà tác giả thấy cần thiết phải sưu tầm, biên soạn và giới thiệu những bài thơ có giá trị để lưu truyền rộng rãi, nhằm mục đích bảo tồn tinh hoa văn hóa của dân tộc. Đó là việc làm chính đáng, xuất phát từ nhiệt tâm, nhiệt huyết của tác giả đối với đất nước. Giữa suy nghĩ và hành động của Hoàng Đức Lương có mối quan hệ lôgic chặt chẽ. Vì bốn lí do kể trên bó buộc, trải qua mấy triều đại lâu dài, dẫu đến những vật bền như đá, như vàng, lại được quỷ thần phù hộ, cũng còn tan nát trôi chìm. Huống chi bản thảo sót lại, tờ giấy mỏng manh để trong cái níp cái hòm, trải qua mấy lần binh lửa, thì còn giữ mãi thế nào được mà không rách nát tan tành?

Tác giả cũng bày tỏ tâm sự bức xúc của mình. Đức Lương này học làm thơ, chỉ trông vào thơ bách gia đời nhà Đường, còn như thơ văn thời Lí – Trần, thì không khảo cứu vào đâu được. Mỗi khi nhặt nhạnh ở giấy tàn, vách nát được một vài câu, thường cầm sách than thở, có ý đổ lỗi bậy cho hiền nhân quân tử lúc bấy giờ. Than ôi! Một nước văn hiến, xây dựng đã mấy trăm năm. Chẳng lẽ không có quyển sách nào có thể làm căn bản, mà phải tìm xa xôi để học thơ văn đời nhà Đường. Như thế chẳng đáng thương xót lắm sao! Trong tâm sự đó vừa ẩn chứa lòng tự hào dân tộc, vừa ẩn chứa nỗi xót xa về những điều chưa làm được để tôn vinh nền văn hiến có tự lâu đời của dân tộc.

Tất cả những yếu tố đó thôi thúc tác giả phải mạnh dạn mà làm, dẫu biết khả năng của mình có hạn: Tôi không tự lượng sức mình, muốn sửa lại điều lỗi cũ, quên rằng sách cũ không còn bao nhiêu, trách nhiệm nặng nề mà tài hèn sức mọn, tìm quanh hỏi khắp nhưng số thơ thu lượm được cũng chỉ một hai phần trong số muôn nghìn bài.

Sau đó ông giới thiệu sơ lược về cấu trúc của cuốn sách. Tôi còn thu lượm thêm thơ của các vị hiện đang làm quan trong triều, chọn lấy bài hay, chia xếp theo từng loại, được 6 quyển, đặt tên sách là “Trích diễm thi tập”. Ở cuối các quyển ấy, mạn phép phụ thêm những bài vụng về do tôi viết, cốt để làm sách dạy trong gia đình.

Kết thúc bài Tựa, Hoàng Đức Lương bày tỏ ước nguyện chân thành: Rồi những người thích bình phẩm thơ ca đem truyền rộng, may ra tránh được lời chê trách của người đời sau, chẳng khác gì hiện nay ta chê trách người xưa vậy.

Như vậy là bài Tựa cuốn sách “Trích diễm thi tập” đã đạt được yêu cầu về hình thức và nội dung của một bài Tựa nói chung đã nêu lên ở phần đầu bài viết này.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment