Review sách Những Tấm Lòng Cao Cả
Những Tấm Lòng Cao Cả
Tác giả: Edmondo De Amicis
Giới thiểu sách:
Những tấm lòng cao cả là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước.
Xuyên suốt tiểu thuyết là những vấn đề xã hội như sự nghèo đói, Những tấm lòng cao cả được yêu chuộng vì văn phong giản dị và ý nghĩa giáo dục về tình nhân ái.Những tấm lòng cao cả được viết theo hình thức nhật ký của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Gia đình cậu thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico. Ở đó Enrico đã được tiếp xúc với những cậu bé đủ mọi tính cách…
Về tác giả:
Edmondo De Amicis (1846-1908) là nhà văn người Ý. Chưa đầy hai mươi tuổi, nhà văn người Ý ấy đã cầm súng chiến đấu cho độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.
Review sách:
Những tấm lòng cao cả hay Tâm hồn cao thượng (tiếng Ý: Cuore) là một cuốn tiểu thuyết trẻ em của nhà văn người Ý Edmondo De Amicis. Lấy bối cảnh trong lúc nước Ý đang thống nhất cũng như nói về đề tài yêu nước. Tiểu thuyết được xuất bản đầu tiên vào ngày 18 tháng 10, năm 1886, ngày khai trường ở Ý và trở thành một hiện tượng xuất bản ngay lập tức.
Cuốn sách được trình bày theo hình thức một cuốn nhật ký của của Enrico Bottini, một cậu học trò 10 tuổi học tiểu học ở Ý. Gia đình cậu thuộc tầng lớp thượng lưu trong khi nhiều bạn cùng lớp lại xuất thân từ tầng lớp lao động. Cốt truyện diễn ra theo thứ tự thời gian xuyên suốt năm lớp 3 của Enrico.
Trong khoảng thời gian mười tháng là học sinh lớp ba, Enricô đã quan sát và ghi lại những chuyện lớn nhỏ đã xảy ra xung quanh, ở trường học, ngoài đường phố và ở nhà. Không chỉ ghi chép đơn thuần, cậu còn ghi lại suy nghĩ và cảm tưởng của chính mình. Trong cuốn nhật kí nhỏ ấy, là truyện đọc hàng tháng thầy giáo cho phép đọc trong lớp, là những lá thư bố mẹ đã viết cho cậu con trai của mình. Nhân vật trong nhật kí là các thầy giáo, cô giáo, những người bạn học, là bố mẹ của Enricô và cả bố mẹ của những người bạn học. Mỗi người mang một đặc điểm, một tính khác nhau. Tất cả tạo thành một xã hội thu nhỏ trong con mắt của cậu bé.
Enricô không phải ghi lại chỉ những việc xảy ra ở trường, mà cậu còn ghi lại cả những việc ngoài đường phố, những câu chuyện ở nhà mình, và ở nhà của những người bạn học. Nếu trường học là nơi các em được tiếp xúc với tri thức, nhân văn, gặp gỡ bạn bè, thầy cô; thì đường phố sẽ là nơi các em được tiếp xúc với con người ở mọi tầng lớp trong xã hội. Gia đình là nơi để yêu thương và sẻ chia những điều đã thấy. Nhà trường, xã hội và gia đình, tựu chung lại, giúp định hình tri thức và nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ.
Tác giả người Ý – Edmondo De Amicis đã xây dựng hình tượng nhân vật theo hướng hình tượng hóa và gán cho mỗi nhân vật những nét tính cách đặc trưng rất rõ ràng: xấu và tốt. Nên đôi khi tạo cảm giác không hiện thực cho người đọc. Nhưng tác phẩm có một giá trị nhất định và mãi là một tác phẩm nên đọc trong những tác phẩm thuộc loại kinh điển.
Qua “Những tấm lòng cao cả“, Amicis muốn gửi gắm đến các em thiếu nhi những bài học đạo đức sâu sắc cũng như vai trò quan trọng của nhà trường, cha mẹ trong việc dạy dỗ trẻ em.
“Những tấm lòng cao cả” không đơn thuần là những dòng nhật kí của cậu học trò bé nhỏ. Có thể nói tác giả mượn ngòi bút của trẻ em để nói chuyện người lớn. Đó là những mẩu chuyện về tình người, về lòng yêu thương. Đó còn là những bài học về giáo dục con trẻ. Làm sao để dạy các em lòng can đảm, dạy các em tôn trọng bạn bè, thầy cô, bố mẹ và tôn trọng cả những người lớn khác trong xã hội, dù họ có là người lao động nghèo khổ. Vì thế, “Những tấm lòng cao cả” là cuốn sách không chỉ được viết dành riêng cho thiếu nhi, với tôi, “Những tấm lòng cao cả” là cuốn sách dành cho mọi đối tượng, đọc để thấm thía, đọc để hiểu, “Những tấm lòng cao cả” là một cuốn sách hoàn hảo dành tặng cho tất cả quý thầy cô giáo, những người làm nghề giáo dục và cha mẹ.
Đoạn trích hay:
“_ Các con ơi ! Hãy nghe ta ! Chúng ta cùng nhau phải qua một năm học. Chúng ta nên hết sức làm việc để qua năm ấy cho được tốt đẹp. Phải chăm chỉ. Phải ngoan ngoãn. Ta không có gia đình. Các con là gia đình của ta. Năm ngoái, mẹ ta còn, bây giờ người đã khuất. Ta chỉ còn có một mình ta. Ngoài các con ra ở trên đời này, ta không còn có ai nữa ; ngoài sự thương yêu các con, ta không còn thương yêu ai hơn nữa. Các con ví như con ta. Ta sẽ yêu dấu các con. Đáp lại, các con phải yêu dấu ta. Ta không muốn phạt một người nào cả. Các con phải tỏ ra là những trẻ có tâm hồn. Trường ta sẽ là một gia đình, các con sẽ là mối an ủi và mối tự hào của ta. Ta không cần phải hỏi lại các con vì ta tin rằng trong lòng các con, ai ai như cũng “vâng lời”, nên ta có lời cảm ơn các con.”
“_ Các con ơi ! Các con hẳn được vui lòng vì hôm nay mới vào trường ta một người học trò quê ở xứ Calabria cách đây xa lắm, ở mãi tận miền cực nam nước ta. Các con hãy niềm nở tiếp người bạn mới này. Anh là dân một địa phương có tiếng, địa phương ấy đã sinh ra những bậc danh nhân, những tay thợ khéo và những quân nhân dũng cảm. Xứ của anh lại là một xứ đẹp vào bậc nhất nước, có bao nhiêu là núi lớn rừng xanh, dân cư rất thông minh và can đảm. Các con ơi ! Các con hãy yêu quý bạn con cho bạn con khuây nổi nhớ quê. Các con hãy tỏ cho bạn con biết rằng một đứa trẻ nước Ý đi đến trường nào trong nước là cũng gặp được bè bạn, gặp được anh em ở trường ấy.”
“Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn ! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào ! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi ! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.”
“Trước mặt cô giáo của em con, con đã tỏ ra vô lễ với mẹ con. Enricô ơi ! Lần sau không được thế nữa ! Thái độ hỗn hào của con đã xuyên thấu trái tim cha như một mũi dao. Cha còn nhớ mấy năm trước đây, mẹ con đã thức suốt đêm ở cạnh giường con, nghe hơi con thở, mẹ con đã lo lắng võ người và mỗi khi nghĩ đến nỗi phải “bỏ” con thì lại sụt sùi. Con ơi ! Con nên nghĩ đến những lúc ấy và không nên tệ với mẹ con, một người mẹ sẽ sẵn lòng đem một năm hạnh phúc của mình để chuộc một giờ đau đớn cho con, một người mẹ sẽ vui lòng đi ăn xin để nuôi con và sẵn lòng hy sinh tính mệnh để cứu con sống ! Con ơi ! Trong đời con, con sẽ có những ngày buồn rầu, thảm đạm, nhưng cái ngày buồn thảm nhất, chính là ngày con mất mẹ con.
Rồi đây, con sẽ trưởng thành, những cuộc phấn đấu sẽ rèn con nên người mạnh mẽ. Con sẽ không bao giờ quên được hình ảnh mẹ con và con sẽ ước gì lại được nghe thấy tiếng êm ái và trông thấy nét mặt hiền từ của mẹ con, ví dù lớn đến mực nào, khoẻ đến mực nào, con vẫn thấy là một đứa trẻ chơ vơ và yếu đuối. Con sẽ hồi tưởng lại những lúc đã làm cho mẹ con phải mếch lòng mà con buồn. Lòng hối hận sẽ cắn rứt con. Hình ảnh dịu dàng và từ ái của mẹ con sẽ làm cho con thêm rầu rĩ. Con nên nhớ rằng lòng hiếu thảo là một bổn phận thiêng liêng của con người. Kẻ nào giày xéo lên chữ hiếu là kẻ khốn nạn. Quân giết người nếu biết tôn kính cha mẹ, cũng còn một điểm thành thực trong tâm ; con người dù sang trọng tuyệt vời, nếu làm rầu lòng mẹ, xúc phạm đến mẹ, cũng là kẻ không có nhân cách.
Enricô ơi ! Con van mẹ con đi, để mẹ con hôn con cho cái hôn ấy xoá sách vết vô ơn ở trên trán con. Con ơi ! Lòng cha vẫn yêu con, vì con là mối hy vọng quý báu nhất đời của cha, nhưng cha thà không con còn hơn là có đứa con ở bạc với mẹ!”
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi