Review sách Nhà Giả Kim
Nhà Giả Kim
Tác giả: Paulo Coelho
Giới thiểu sách:
Nhà giả kim – The Alchemist là một cuốn sách được xuất bản lần đầu ở Brasil năm 1988 và là cuốn sách nổi tiếng nhất của nhà văn Paulo Coelho. Nó được dịch ra 67 ngôn ngữ và bán ra tới 65 triệu bản, trở thành một trong những quyển sách bán chạy nhất chỉ sau Kinh Thánh.
Review sách:
Câu chuyện là một chuyến phiêu lưu của Santiago theo đuổi vận mệnh, giấc mơ của mình, trải qua biết bao khó khăn gian khổ để đến với kho tàng trong giấc chiêm bao. Cậu đã không làm một thầy tu mà làm một người chăn cừu để được rong ruổi khắp nơi ngắm nhìn thế giới, để rồi một ngày kia, trong giấc mơ, cậu nhìn thấy kho tàng ở kim tự tháp đang chờ cậu đến khám phá, và cuộc hành trình bắt đầu.
Cậu bán cừu sau đó tìm cách lên đường sang châu Phi, bị lừa bịp hết tiền rồi phải đến cửa hiệu pha lê làm việc. Để dành đủ tiền sau đó lại tiếp tục giấc mơ, cậu gặp chàng trai người Anh – người luôn khao khát trở thành một nhà giả kim, rồi cả hai cùng đồng hành với một lữ đoàn tiến về phía sa mạc mênh mông, và cậu đã gặp định mệnh của đời mình tại đây, cô gái có tên Fatima – cô gái của sa mạc.
Cuốn sách là một câu chuyện về hành trình chinh phục giấc mơ của một chàng trai trẻ, những triết lý về lẽ sống, về ước mơ, về sự vận hành của vũ trụ nhưng không giáo điều, không cứng nhắc, lên gân mà lại rất thi vị, sinh động vô cùng.
Giá trị nhân văn sâu sắc
Ta có thể tìm thấy trong tác phẩm này một số hình mẫu của con người thời đó: những người quen sống một cuộc đời tẻ nhạt, ổn định, ngày qua ngày không gì mới mẻ (cha mẹ chàng Santiago, cô con gái ông chủ cửa hàng vải, chủ cửa hàng pha lê..); những người khao khát khám phá thế giới nhưng lạc lối trong kiến thức (chàng người Anh luôn mang theo một vali sách đầy nhưng chìm đắm và lạc lối trong mê cung kiến thức); những người khám phá thế giới chỉ bằng tất cả sự “dấn thân”, lòng “hiếu tri” và óc quan sát nhạy bén (chàng Santiago, một nhân vật đọc rất ít sách nhưng lại có con mắt và trái tim quan sát vô cùng nhạy bén). Và có lẽ những hình mẫu đó cũng không thay đổi gì nhiều trong xã hội hiện đại ngày nay. Những hình mẫu ấy, với những suy nghĩ, băn khoăn, tâm tư, tình cảm phản ánh chân thật đời sống nội tâm con người.
Câu chuyện ước mơ
Câu chuyện như một tiếng nói khe khẽ, dễ thương nhưng cũng văng vẳng bên tai chúng ta về ước mơ. Trong mỗi chúng ta đều có những ước mơ của riêng mình. Những ước mơ ngày bé đến thật tự nhiên, thật dễ dàng, thật mạnh mẽ. Nhưng dần dà, với những khắt nghiệt của cuộc đời đã bị vùi dập, bị quên lãng. Và giờ đây, chúng ta có còn dám ước mơ? Chúng ta có băn khoăn về cuộc đời mình? Chúng ta có dám đối mặt với chính mình để tìm ra mục đích sống của cuộc đời và sẵn sàng đánh đổi nhiều thứ để thực hiện nó?
Sức mạnh của niềm tin
Qua cuộc hành trình của chàng Santiago, giữa những lúc khó khăn nhất luôn có lẽ như chàng ta đều nhận được sự trợ giúp từ một sức mạnh vô hình nào đó – “vũ trụ”- bằng các “dấu hiệu” chỉ đường. Và nếu nhìn ở góc độ thực tế hơn, ta sẽ nhận ra rằng “vũ trụ” đó chính là “niềm tin mãnh liệt” của chàng, mỗi thời khắc đều như thì thầm chỉ bảo, hay động viên, vỗ về chàng thông qua “ngôn ngữ của trái tim”.
Trong câu chuyện, đã có ít nhất bốn lần chàng Santiago vượt qua những khó khăn trở ngại để đến với Kim Tự Tháp. Lần thứ nhất là thuyết phục bố mẹ không làm linh mục mà chọn nghề chăn cừu để thỏa ước mơ chu du khắp thế giới để mở rộng tầm mắt. Lần thứ hai là khi Santiago đến Tangiers cảm thấy mọi thứ đều xa lạ, bất đồng ngôn ngữ và bị lừa mất hết tiền bạc đi đường. Lần ba khi đến sa mạc cai quản bởi những chiến binh hung dữ, cậu phải vượt qua những cửa ải trổ tài biến thành gió, thấu hiểu ngôn ngữ của vũ trụ thì mới được phép cho qua. Và lần thứ tư là khi đã cận kề Kim Tự Tháp cậu còn gặp bọn cướp hung hãn bị cướp và đánh đập tưởng chừng như chết đi.
Và phải chăng từ câu chuyện của Santiago kết hợp với những tình tiết mang ít nhiều tính thần thoại, huyền bí, ta có được kết luận rằng “Nhiệm vụ duy nhất của mỗi chúng ta là thực hiện sứ mệnh của mình. Tất cả chỉ là một. Rồi khi anh thực sự mong muốn điều gì thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy” ( Nhà giả Kim)
Một tác phẩm đầy chất thơ
Nhà Giả Kim là một tác phẩm đầy lãng mạn, thi vị, lời lẽ giản dị nhưng súc tích và triết lý nhẹ nhàng. Chính yếu tố thần thoại đã làm cho những triết lý được gửi gắm đến độc giả một cách ly kỳ, huyền bí với những cách hiểu, cách chiêm nghiệm khác nhau mỗi người.
Điều cuối cùng để tóm lại những gì rút ra từ cuốn sách Nhà Giả Kim, thì đó chính là: dám ước mơ và dám quyết định cuộc đời mình bằng tiếng gọi con tim!
Đoạn trích hay trong sách:
“Mỗi người dường như đều biết rất rõ về cách người khác nên sống ra sao, nhưng lại không biết gì về chính con đường của mình.”
“ Khi bạn khao khát một điều gì đó, cả vũ trụ sẽ hợp lực giúp bạn đạt được điều đó.”
“Khi yêu, ta luôn nỗ lực để trở thành một người tốt hơn. Khi ta nỗ lực trở thành một người tốt hơn, vạn vật quanh ta cũng trở nên tuyệt vời hơn.”
“Người ta yêu vì yêu, cần gì phải có lý do.”
“Bí mật của cuộc sống chính là ngã bảy lần và đứng dậy tám lần.”
“Cậu sẽ không bao giờ có thể thoát khỏi trái tim mình. Vì vậy tốt nhất hãy lắng nghe những điều nó muốn nói.”
“Hãy tự nhủ với trái tim mình rằng nỗi sợ đau khổ còn tồi tệ hơn cả đau khổ. Nhưng không có trái tim nào lại đau khổ khi lên đường tìm kiếm ước mơ của nó.”
“Bất cứ ai từng đánh mất thứ họ nghĩ sẽ là của mình mãi mãi rồi cũng nhận ra chưa có thứ gì thực sự thuộc về mình.”
“Dù vậy, bí quyết của cuộc sống là vấp ngã bảy lần và đứng dậy tám lần.”
“Con người chúng ta có hai vấn đề lớn: thứ nhất là biết khi nào phải bắt đầu; thứ hai là biết khi nào phải dừng lại.”
“Nên, anh yêu em vì cả vũ trụ đã ngầm định giúp anh tìm thấy em.”
“Hãy nhớ rằng ở bất cứ nơi nào cậu tìm thấy trái tim mình, thì cũng sẽ tìm thấy kho báu của mình.”
“Chúng ta gọi thứ này là tình yêu. Khi được yêu, cậu có thể làm mọi điều trên thế giới. Khi được yêu, không cần hiểu điều gì đang diễn ra, vì mọi thứ đều ở bên trong cậu.”
“Chỉ khi nào có khả năng thực hiện được giấc mơ thì cuộc sống mới đáng sống.”
“Nhà Giải Kim” – Paulo Coelho
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi