Review sách Khuyến Học
Khuyến Học
Tác giả: Fukuzawa Yukichi
Khuyến Học, hay những bài học về tinh thần độc lập tự cường của người Nhật Bản, là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất tại Nhật, được sáng tác bởi học giả Fukuzawa Yukichi.
‘Khuyến học’ là một cuốn sách rất hay do Fukuzawa Yukichi viết trong những năm 1872-1876. Nó được đánh giá là tác phẩm có ảnh hưởng sâu rộng nhất đến công chúng Nhật Bản. Và cho dù đã hơn một thế kỷ từ khi được ra mắt, “Khuyến học” vẫn luôn chiếm vị trí trang trọng trên kệ sách gia đình của người Nhật bản.
“Nói tới Fukuzawa Yukichi, không người Nhật nào lại không biết. Họ nói về ông như một trong những bậc “khai quốc công thần” của nước Nhật Bản hiện đại, hình ảnh của ông được in trên đồng tiền có mệnh giá cao nhất ở Nhật, tờ mười nghìn yên. Fukuzawa Yukichi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với xã hội Nhật Bản thời cận đại.
Người Nhật tôn vinh ông là “Voltaire của Nhật Bản”, không chỉ vì tính triệt để và tầm mức vượt trội trong tư tưởng của ông, mà còn vì cũng như danh nhân người Pháp, Fukuzawa Yukichi cùng những người đồng chí của mình là những người khai sáng tinh thần quốc dân Nhật Bản, đem lại linh hồn, động lực và sự hậu thuẫn tinh thần cho công cuộc Duy tân của chính phủ Minh Trị. Những tác phẩm của ông dù viết từ hơn một thế kỷ trước nhưng vẫn được người Nhật Bản ngày nay hết lòng ngưỡng mộ.”
Khuyến Học là tác phẩm có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến công chúng Nhật Bản của tác giả Fukuzawa Yukichi. Cuốn sách này được in lần đầu với 3, 4 triệu bản, so sánh với dân số Nhật Bản khoảng 35 triệu người tại thời điểm đó, rồi lại so sánh với lượng bản in trung bình chưa tới 5 ngàn bản của các đầu sách hiện đại, mới thấy được sức ảnh hưởng của nó. Người dân Nhật thời Minh Trị thuộc Khuyến Học như sách vỡ lòng, đâu đâu cũng thấy người ta cầm Khuyến Học, trên tàu điện, ở thư viện, trên xe buýt… Có thể nói không ngoa rằng đâu là cuốn sách gối đầu giường của mọi người dân Nhật trong thời kỳ Duy Tân.
Quyển sách khẳng định tầm quan trọng của việc học và việc nâng cao dân trí quốc gia. Xuyên suốt các chương sách, tác giả đề cao sự phát triển của chí khí dân tộc, khuyến khích quốc dân hợp tác với chính phủ để xây dựng đất nước, nhấn mạnh sự thống nhất của tinh thần quốc dân. Với văn phong phê phán, Fukuzawa Yukichi đả kích tâm lý bàng quan thờ ơ với vận mệnh đất nước, ỷ lại vào chính phủ. Ông lên án những phong tục lạc hậu, đánh trực diện vào tư tưởng xưa cũ vốn coi trọng đẳng cấp thứ bậc, trọng nam khinh nữ, những thói quen kém văn minh vốn chịu ảnh hưởng của Nho giáo đã ăn sâu vào tính cách người Nhật.
Mỗi phần trong sách đưa ra những ví dụ thực tiễn để vạch ra thực trạng tiêu cực, đả kích những điều mâu thuẫn bất hợp lý trong phong tục cũ, nhằm đánh đổ tâm lý sợ hãi tự ti và lối tư duy lạc hậu của người Nhật sau bao nhiêu năm bị phong kiến đô hộ. Từ đó tác giả hướng dẫn sâu sát, tỉ mỉ, mục đích hướng người đọc khỏi lối mòn suy nghĩ, xóa đi lối tư duy tiêu cực, mà hướng tới sự bình đẳng, tự do cá nhân để khuyến khích sự học, phát triển văn minh. Một vài đoạn phân tích đến từng khía cạnh nhỏ của cuộc sống, đôi khi chi tiết một cách quá mức, chủ yếu để loại bỏ tận gốc thói suy nghĩ cũ, làm sáng rõ sự quan trọng của tư duy logic, lý trí, khoa học.
Khuyến Học đề cao vai trò của việc tự giáo dục, nhắc mình nhớ rằng thực học là sự nghiệp cả đời, rằng kiến thức không phải để làm giàu cho bản thân mà để giúp đời, và rằng mỗi người dân ngoài chăm lo cho bản thân, gia đình thì còn có bổn phận với xã hội, với đất nước.
Sách chứa đựng nhiều tư tưởng cấp tiến và gây sửng sốt cho độc giả, ngay cả độc giả thuộc thế kỷ hai mươi mốt. Những ý tưởng sau của ông khiến mình thực sự tâm đắc:
Trời không tạo ra người đứng trên người. Mọi người sinh ra đều bình đẳng về quyền lợi. Nếu có khác biệt là do học vấn.
Dân ngu tự chuốc lấy chính sách bạo tàn. Người dân tử tế nghiêm túc thì buộc chính phủ cũng phải tử tế nghiêm túc.
Có những người còn trẻ mà lại muốn lựa chọn những công việc an nhàn, tự cảm thấy thỏa mãn chẳng khác gì loài sâu kiến.
Việc tìm kiếm chân lý thường bắt đầu từ sự hoài nghi.
Đọc Khuyến Học, có thể hình dung rõ sự kinh ngạc của công chúng trước những tư tưởng mới mẻ đến lạ lùng này. Chúng như những nhát dao chặt mạnh vào luồng suy nghĩ truyền thống, cắt đứt những tư tưởng lạc hậu, cổ hủ trong đời sống người Nhật. Những ý tưởng khai sáng vĩ đại làm thức tỉnh người đọc khỏi những tham vọng tầm thường, khiến họ tâm phục khẩu phục. Nhiều lần khi đọc sách, mình đã phải vỗ đùi thán phục, thực sự ngưỡng mộ những suy nghĩ cách tân của Fukuzawa Yukichi.
Đây là quyển sách mà mọi người Việt Nam đều nên đọc. Đọc để biết người dân Nhật Bản đã xây dựng đất nước như thế nào để biến một quốc gia lạc hậu thành cường quốc năm châu chỉ sau ba mươi năm công cuộc duy tân. Đọc để biết vì sao sự học nên là một quá trình của cả đời người. Đọc để biết hổ thẹn và phấn đấu xây dựng đất nước ngang bằng với láng giềng, sánh vai với phương Tây.
Nhưng cuốn sách này lại không hề là một cuốn sách dễ đọc. Bởi vì cứ sau một vài trang sách, ta sẽ thấy những hình ảnh minh họa cho thói hư tật xấu của quốc dân lại ẩn hiện bóng dáng của chính ta. Bởi cuốn sách khiến ta thấy xấu hổ với chính mình. Kuzukawa Yukichi đề cập đến hiện trạng xã hội Nhật cách đây hơn một trăm năm, nhưng khi đọc, cứ ngỡ như ông đang ám chỉ xã hội Việt Nam thời hiện đại. Hãy xem một vài trích đoạn đắt giá của sách:
“Đa phần các trí thức đều thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiều nào che chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng quan chức, sa vào các sự vụ quản lý vặt vãnh tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”
“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tác độc lập, tự do thì dù có biến cả thế giới thành kẻ thù chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúng ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền?”
“Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, nhập khẩu hàng hóa cũng bởi trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi nguồn ngoại tệ nước Nhật Bản tích góp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết… Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã…”
Bàn một chút về văn phong. Trải dài Khuyến Học là những ngôn từ bay bổng, gợi mở, tạo cảm hứng, giàu hình tượng. Từ ngữ súc tích, cô đọng, tạo cảm hứng và động lực mạnh mẽ để tiến theo con đường của học giả Fukuzawa. Ông sử dụng nhiều lời lẽ đơn giản, dễ hiểu, nhiều hình ảnh mang tính liên tưởng cao, khiến người đọc ở mọi trình độ có thể dễ dàng tiếp thu mà không cảm thấy nhàm chán. Cách viết như đang thân tình trò chuyện với độc giả thể hiện một tính cách khiêm tốn với vốn kiến thức uyên thâm.
Quả thật, nước Nhật trở thành cường quốc như ngày hôm nay, sánh vai với phương Tây và được cả thế giới ngả mũ kính phục, nhờ vào công của những người như Fukuzawa Yukichi.
Câu nói hay:
“Dũng khí của con người không sinh ra từ sách vở.
Đọc sách là phương tiện năng cao học vấn.
Học vấn là phương pháp tiến tới thực tiễn.
Chính kinh nghiệm, sự từng trải sản sinh ra lòng quả cảm.”
“Đã quyết chí học hành thì phải học cho đến nơi đến chốn.
Còn nếu theo nghề nông thì phải quyết trở thành hào phú.
Nếu làm thương nghiệp thì phải quyết trở thành thương gia.
Sinh viên không được mãn nguyện vì sợ ổn định CỎN CON!”
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi