Review sách Giết Con Chim Nhại

0

Giết Con Chim Nhại
Tác giả: Harper Lee

Giới thiệu sách:
To Kill a Mocking Bird từ lâu đã là tác phẩm kinh điển của văn học Mỹ hiện đại, được giảng dạy trong hệ thống trung học lẫn đại học, và nằm trong chương trình dạy tiếng Anh như một sinh ngữ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Sức quyến rũ của nó vẫn còn cho đến tận ngày nay.

Tác phẩm này mang nhiều tính tự truyện, phần nào dựa trên ghi nhận của tác giả về gia đình và thị trấn quê nhà, cũng như một vụ án diễn ra ở thị trấn đó lúc bà lên mười tuổi. Tuy bà không thừa nhận tính tự truyện này, nhưng có nhiều tương đồng giữa truyện và cuộc đời thật của bà.

Về tác giả:
Nelle Harper Lee sinh 28/04/1926, là nhà văn Mỹ nổi tiếng với tiểu thuyết Giết con chim nhại viết về vấn đề phân biệt chủng tộc mà cá nhân tác giả chứng kiến khi còn nhỏ ở thị trấn quê nhà Monroeville, bang Alabama. Mặc dù Giết con chim nhại là tác phẩm duy nhất của Harper Lee, song chính nhờ nó mà tác giả nhận Huy chương Tự do do đích thân Tổng thống Hoa Kỳ trao tặng để ghi nhận đóng góp của bà cho văn chương.

Review sách:
Là một tiểu thuyết được viết dưới góc nhìn con trẻ của cô bé Scout, trong bối cảnh một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Alabama miền Nam nước Mỹ, về vụ án một người da đen bị kết tội cưỡng hiếp một cô gái da trắng do bố của Scout, Atticus Finch, đảm nhận. Atticus Finch là hình ảnh đại diện cho tiếng nói của lương tri và nhân quyền. Ông là một luật sư dũng cảm và chân chính khi dám đứng ra nhận biện hộ cho Tom Robinson – người da đen bị kết án, dù bất lợi cho mình và bản thân bị người dân trong thị trấn dè bỉu, gọi là “kẻ yêu mọi đen”.

Từ đầu đến cuối tác phẩm, trải qua nhiều biến cố và khó khăn, Atticus Finch vẫn không hề thay đổi, trung thành với quyết định của mình và quyết tâm bào chữa cho Tom đến cùng dù biết chắc là có rất ít phần trăm thắng kiện. Atticus cho rằng “cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.”

“Giết con chim nhại” không chỉ dừng lại ở việc vạch trần nạn phân biệt chủng tộc, mà giá trị của nó còn vươn xa hơn rất nhiều nhờ những bài học giáo dục mà bố Atticus dành cho Scout và anh trai của cô. Có lẽ đây là một trong cơ số lí do lí giải cho việc cuốn sách được nhiều người lớn yêu thích đến vậy. Với Atticus, giáo dục con cái là ưu tiên hàng đầu, ông dạy con về lương tâm, công bằng, bác ái, chống thành kiến và nhiều thật nhiều những thứ khác nữa.

Một trong những bài học đắt giá mà Atticus dạy con là “ ta không bao giờ thực sự biết một người chừng nào ta chưa ở vào địa vị của họ và cư xử theo kiểu của họ.” Với cách nhìn này, ông dễ dàng thấu hiểu những mặt hạn chế của con người và cảm thông cho họ khi họ lầm lạc.

Ngoài việc đề cập đế chủ đề chính của tác phẩm là nạn phân biệt chủng tộc trong thời gian mà phong trào đấu tranh của người da màu, nhất là của Martin Luther King, Jr., đang lan rộng cả nước Mỹ. Tác phẩm mở rộng và đề cập đến những thành kiến khác của con người, những thứ vốn là nền tảng dẫn đến thói đạo đức giả, bất công xã hội và nhiều tệ nạn khác.

Nhân vật Atticus luôn nhìn nhận cả mặt tốt lẫn xấu của con người và luôn tin vào khả năng cải thiện của con người. Ông hiểu rằng con người là tốt phần lớn nhờ chưa tiếp xúc với cái xấu, nhưng nếu không được chuẩn bị để đương đầu với cái xấu thì người đó có thể bị sa ngã hoặc hủy hoại.

Tựa đề của cuốn sách là “ Giết con chim nhại” vì hình ảnh chim nhại xuất hiện nhiều lần trong tác phẩm. Đó là một loài chim chẳng làm gì cả ngoài chuyện hót cho chúng ta nghe bằng cả trái tim của nó. Vì thế giết nó là một tội ác, là một điều hết mực tội lỗi. Tác giả muốn dùng hình ảnh con chim nhại như một biểu tượng cho sự ngây thơ trong sạch và những con người vô tội, hiền lành trong xã hội, và việc giết con chim nhại cũng đồng nghĩa với việc hủy hoại những con người lương thiện. Việc kết án một người vô tội chỉ vì anh ta là người da đen cũng đồng nghĩa với việc giết một con chim nhại.

“Giết con chim nhại” là một tiểu thuyết viết về trẻ con nhưng thật khó để có thể nghĩ mình đang đọc sách thiếu nhi vì những vấn đề quá lớn mà nó đặt ra. Song cuốn sách này thật sự rất đáng được dành một chỗ trên kệ sách của bạn vì những bài học của nó vẫn còn nguyên giá trị phổ quát, đúng với mọi xã hội theo thời gian.

Trích đoạn hay:
“Con không bao giờ thực sự biết (hiểu) một người cho đến khi con ở vào địa vị và cư xử theo kiểu của họ”

“Phần lớn mọi người đều tốt cả, chỉ có điều con chưa nhận ra đấy thôi”.

“Khi trẻ con hỏi điều gì hãy trả lời nó, vì thiện chí. Nhưng đừng bịa chuyện. Trẻ con là trẻ con, nhưng chúng có thể phát hiện sự lẩn tránh nhanh hơn người lớn và sự lẩn tránh chỉ làm chúng bối rối… Ngôn ngữ bậy bạ là một chặng đường mà mọi trẻ con đều đi qua, và qua thời gian nó sẽ chết, khi bọn trẻ nhận ra rằng chúng không thể thu hút sự chú ý bằng thứ ngôn ngữ đó…”

“Các con hãy ngẩng cao đầu và hạ nắm đấm xuống. Cho dù ai nói bất cứ điều gì với con, đừng để chúng khiến con nổi giận. Cố mà đấu tranh bằng cái đầu của con cho một sự thay đổi”.

“Bố muốn con thấy lòng can đảm thực sự là gì, thay vì có ý nghĩ rằng can đảm là người đàn ông với khẩu súng trong tay. Đó là khi con biết mình sẽ thất bại từ trước khi bắt đầu nhưng dù vậy con vẫn bắt đầu và con theo đuổi nó tới cùng, dù có chuyện gì xảy ra”.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment