Phân Tích Nỗi Đau Xót Tiếc Thương Bác Trong Bài Thơ Bác Ơi Của Tố Hữu
Contents
Đề bài: Nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn của tác giả và mọi người khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời trong phần đầu của bài thơ “Bác ơi!” (Tố Hữu)?
Mở bài Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài thơ Bác ơi của Tố Hữu
Nỗi đau xót, tiếc thương vô hạn của tác giả và mọi người khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời đã được diễn tả hết sức chân thực, cảm động trong bốn khổ thơ đầu tiên:
Suốt mấy hôm rày đau tiễn đưa
Đời tuôn nước mắt, trời tuôn mưa
Chiều nay con chạy về thăm Bác
Ướt lạnh vườn cau, mấy gốc dừa!
Thân bài Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài thơ Bác ơi của Tố Hữu
Những câu thơ đầu tiên là lời xót thương, tiếc nuối được bộc lộ trực tiếp, giống như tiếng nức nở tuôn trào trước sự ra đi của Bác. Tác giả đặt hai vế: “đời tuôn nước mắt” và “trời tuôn mưa” trong cùng một câu thơ đã làm nổi bật nỗi đau đớn của lòng người. Lấy mưa của đất trời, lấy nước của thiên nhiên để sánh đôi với nước mắt, nỗi đau của con người, câu thơ đã khái quát được những cảm xúc tiếc thương của con người và cuộc đời trước sự mất mát lớn lao này. Cách xưng hô “con – Bác” tạo nên một sự thân thương, gần gũi, càng làm câu thơ thêm lắng sâu, nghẹn ngào.
Con lại lần theo lối sỏi quen
Đến bèn thang gác, đứng nhìn lên
Chuông ôi chuông nhỏ còn reo nữa
Phòng lặng, rèm buông, tắt ánh đèn!
Con người như không tin vào nỗi mất mát, sự xót đau này, lần theo những kí ức, kỉ vật, không gian quen thuộc để như hồi tưởng, để như kiếm tìm bóng dáng thân quen ấy. Cảnh sắc, đồ vật, không gian vẫn còn đây, nhưng đã không còn sự hiện hữu của Người. Bởi thế mà “lối sỏi quen, thang gác, chuông nhỏ, phòng, rèm, đèn” đều như trống rỗng, lặng câm, vô hồn. Những câu thơ không chỉ dừng nên những cảnh sắc, không gian, đồ vật quen thuộc của Người mà còn diễn tả được sự im lặng, nỗi trống trải của không gian, cảnh sắc ấy khi Bác ra đi.
Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!
Mùa thu đang đẹp, nắng xanh trời
Miền Nam đang thắng, mơ ngày hội
Rước Bác vào thăm, thấy Bác cười
Con người khó có thể tin và chấp nhận sự thật này, nỗi mất mát này, nên lần theo sỏi quen, đến bên thang gác,… mà vẫn thảng thốt cất lên tiếng hỏi. Câu hỏi đưa ra mà không có câu trả lời, giống như một lời nghẹn đắng, một nỗi nức nở trào dâng trong xúc cảm của người nghệ sĩ: “Bác đã đi rồi sao, Bác ơi!” Những câu thơ tiếp theo mở ra một không gian tươi sáng của mùa thu, sự náo nức chiến thắng của miền Nam và ước vọng được “rước Bác vào thăm, thấy Bác cười” càng nhấn mạnh, khẳng định sự mất mát, nhói đau khi không còn Bác.
Trái bưởi kia vàng ngọt với cà
Thơm cho ai nữa, hỡi hoa nhài
Còn đâu bóng Bác đi hôm sớm
Quanh mặt hồ in mây trắng bay…
Tố Hữu gợi nhắc đến trái bưởi, đến hoa nhài, là những thứ cỏ cây, hoa trái gần gũi bên Bác trong những câu hỏi tu từ đầy xót xa. Sự vàng ngọt của trái bưởi, hương thơm, của hoa nhài, dường như đã trở thành vô nghĩa khi Bác ra đi. “Còn đâu” là một sự kiếm tìm đầy tiếc nuối hình ảnh đẹp đẽ, thân quen: “bóng Bác đi hôm sớm. Quanh mặt hồ in mây trắng bay”. Hình ảnh càng rõ nét, các sự vật càng thân thuộc thì nỗi xót xa, mất mát càng được đẩy cao.
Kết luận bài văn Phân tích nỗi đau xót tiếc thương Bác trong bài thơ Bác ơi của Tố Hữu
Những câu thơ là tiếng lòng nức nở, dâng trào, nỗi đau xót, ngẩn ngơ, tiếc nuối của Tố Hữu trước sự ra đi của Bác.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi