Phân tích hình tượng “sóng” trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh
Các ý chính:
1. Sóng là bài thơ tình đặc sắc của Xuân Quỳnh. Sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của nhà thơ cũng như những sáng tạo nghệ thuật trong bài thơ đều gắn liền với hình tượng trung tâm – hình tượng “sóng”. Cả bài thơ là những con sóng tâm tình của tác giả được khơi dậy khi đứng trước biển cả, đối diện với những con sóng vô hạn vô hồi. Sóng là một hình tượng ẩn dụ, nó là sự hóa thân của cái tôi trữ tình của nhà thơ, lúc thì hòa nhập, lúc lại là sự phân thân của “em”. Người phụ nữ trong bài thơ soi vào sóng để thấy rõ lòng mình, nhờ sóng để thể hiện tâm trạng của mình. Với hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã tìm được một cách diễn tả và biểu hiện tâm trạng của mình một cách chân thành, trong sáng.
2. Cả bài thơ, hình tượng “sóng” được gợi ra bằng âm điệu. Bài thơ có một âm điệu nhịp nhàng, lúc dạt dào sôi nổi, lúc thầm thì lắng sâu, gợi lên âm hưởng những đợt sóng liên tiếp, miên man, được tạo nên bằng thể thơ năm chữ với những câu thơ liền mạch hầu như không ngắt nhịp và được nối vần qua các khổ thơ liên tiếp. Nhịp sóng đó cũng là nhịp lòng của tác giả, một điệu tâm hồn không thể yên định, đầy biên động, chảy trôi và chất chứa những khao khát rạo rực.
3. Mỗi đặc tính của sóng đều tương hợp với một khía cạnh trạng thái của tâm hồn. Sóng “Dữ dội và dịu êm – On ào và lặng lẽ”, những trạng thái thật là đối cực, cũng như tâm tình, tính khí của người con gái đang yêu: họ sống với những trạng thái thật trái ngược trong lòng, nó chứa đựng những khát khao và sức mạnh ẩn tàng. Với khát vọng lớn lao như thế, sóng không chịu dừng lại ở sông, vì “Sóng không hiểu nổi mình”, sóng phải “tìm ra tận bể”. Hành trình ra bể rộng, từ bỏ những giới hạn chật hẹp, tìm đến chân trời bao la của tâm hồn. Ra đến bể rộng, con sóng mới thực sự tìm thấy mình, nhận thức được sức mạnh và mọi khát khao của nó.
Sóng là vĩnh hằng với thời gian, cũng như nỗi khát vọng tình yêu của loài người, nỗi khát vọng bồi hồi trong tim tuổi trẻ:
Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ
Sóng là sự thức nhận về cái “qui luật” không thể cắt nghĩa được tình
yêu.
Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau
Sóng là nỗi nhớ da diết, giày vò. Nó choán đầy cả không gian, nó chiếm cả tầng sâu và bề rộng, nó trải dài trong một thời gian:
Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Như nỗi lòng người con gái:
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Nếu như ở trên, sóng thể hiện sự vô biên và những bí ẩn của tình yêu, thì ở đoạn thơ này, những khát khao của sóng lại thật rõ ràng và giản dị: sóng khao khát tới bờ như em mong có anh. lình yêu của người phụ nữ ở đây thật mãnh liệt, nhưng cũng thật trong sáng, dung dị, một tình yêu thủy chung và trọn vẹn.
Cuối cùng, sóng cũng nói giúp cho nhà thơ nỗi khát vọng được sống trọn vẹn, hết mình trong tình yêu, cho tình yêu và được hòa nhập với cái vĩnh hằng bằng chính tình yêu của mình:
Làm sao được tan ra
Thành trăm con sóng nhỏ
Giữa biển lớn tình yêu
Để ngàn năm còn vỗ
4. Qua hình tượng “sóng” và cả bài thơ, chúng ta cảm nhận được sức sống và vẻ đẹp của một tâm hồn phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy mạnh bạo, chủ động bày tỏ những khát khao và rung động rạo rực của lòng mình trong tình yêu. Đó thật là một nét rất mới mẻ, thậm chí “hiện đại” trong thơ ca. Tâm hồn ấy giàu khát khao, không phút nào yên định mà luôn sôi nổi, rạo rực “Vì tình yêu muôn thưở – Có bao giờ đứng yên” (Thuyền và biển). Nhưng đó cũng lại là một tâm hồn thật trong sáng, tha thiết và đắm say, một tình yêu thủy chung, tuyệt đối dâng hiến trọn vẹn đến quên mình. Nó rất gần gũi với mọi người và có gốc rễ trong những quan niệm bền vững của dân tộc.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi