Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội hay nhất

0

Đề bài: Phân tích đoạn trích Ra-ma buộc tội (trích sử thi Ra-ma-ya-na).

Bài văn mẫu

Ra-ma buộc tội được trích từ sử thi Ra-ma-ya-na của Ấn Độ, đoạn trích đã tái hiện cảnh tái ngộ đầy bi kịch, éo le của hai vợ chồng Ra-ma và Xi-ta. Qua cách ứng xử, hành động của hai nhân vật sau những ngày xa cách đã phần nào bộc lộ những phẩm chất đẹp đẽ của họ.

Vợ của Ra-ma là Xi-ta bị quỷ vương Ra-va-na bắt đi. Sau cuộc đấu tranh quyết liệt của Ra-ma với quỷ vương, chàng đã cứu được vợ, nhưng lại nghi ngờ sự trong trắng của Xi-ta trong những ngày bên cạnh quỷ vương, cơn ghen tuông nổi lên và bản thân chàng không muốn nhận lại Xi-ta làm vợ mình.

Không gian gặp gỡ giữa hai người là không gian cộng đồng, diễn ra trước sự chứng kiến của tất cả mọi người. Lấy không gian này, Ra-ma nhằm công khai hóa lời buộc tội với vợ, đồng thời thể hiện uy tín và danh dự của một đức vua trong tương lai. Chính bối cảnh này cũng có tác động mạnh mẽ đến ngôn ngữ, tâm lí của hai nhân vật. Ra-ma đứng trên hai tư cách, một là người chồng, hai là tư thế một vị anh hùng phải bảo vệ danh dự của bản thân. Điều đó khiến cho tâm trạng chàng có sự đấu tranh giằng xé giữa lí trí và tình cảm. Xi-ta vô cùng đau đớn, xấu hổ khi bị chính chồng mình buông ra những lời buộc tội trước cộng đồng. Nàng cảm thấy mình bị sỉ nhục. Đây chính là hoàn cảnh thử thách mà hai nhân vật chính phải vượt qua để khẳng định danh dự, phẩm chất của bản thân.

Trước hết về diễn biến tâm trạng của Ra-ma. Sau khi đánh thắng quỷ vương, nếu như Xi-ta khao khát được gặp chồng bao nhiêu thì Ra-ma lại tìm cách trì hoãn cuộc trùng phùng bấy nhiêu. Khi gặp lại vợ trong chàng là hai trạng thái cảm xúc đan xen nhau vừa vui mừng vừa buồn đau. Ngay từ giây phút đầu tiên gặp mặt, Ra-ma đã tỏ thái độ xa cách qua ngôn ngữ: “Hỡi phu nhân cáo quý!”, đồng thời Ra-ma cũng phủ nhận lí do chiến đấu với quỷ vương không phải vì Xi-ta mà bởi chính bản thân Ra-ma mà thôi: “Ta đã trả thù kẻ lăng nhục ta và cơn giận của ta đã hả”. Chàng muốn thông báo cho Xi-ta và tất cả mọi người về cuộc chiến đã thành công, ngầm khẳng định tài năng của mình trước tất cả dân chúng, còn với Xi-ta chàng cũng muốn gửi tới nàng bức thông điệp về vị trí của Xi-ta đã thay đổi, chàng phải sống với danh dự và bổn phận của một đức vua tương lai.

Mặc dù nói những lời như vậy, nhưng khi buộc tội Xi-ta lòng Ra-ma lại đau như cắt, dù vậy chàng vẫn phải nói những lời lạnh lùng, “nàng muốn đi đâu tùy nàng, ta không ưng có nàng nữa”. Trong lời cáo buộc, Ra-ma chỉ nói đến danh dự, nhân phẩm mà quên đi tình nghĩa vợ chồng. Lí do chàng đưa ra chính là do Xi-ta đã lưu lại quá lâu trong nhà của một kẻ xa lạ. Trong lời buộc tội Ra-ma dùng rất nhiều từ ngữ có tính khẳng định “ta biết chắc điều này” “phải biết chắc điều này…” thể hiện một tâm trạng đau đớn, dường như nói những điều đó ra, lòng Ra-ma còn đau đớn hơn Xi-ta gấp ngàn lần. Trong những lời buộc tội đó ta không chỉ thấy sự lạnh lùng mà còn thấy một trái tim yêu đương cháy bỏng đang ghen tuông, chẳng có người chồng nào lại không ghen khi thấy vợ mình bị bắt bởi một người đàn ông khác.

Nhưng đau đớn nhất là giờ phút Ra-ma phải chứng kiến Xi-ta bước lên giàn lửa, lúc ấy “trông chàng khủng khiếp như thần chết vậy”. Chàng ngồi đó mắt dán xuống đất. Chắc hẳn trong thời khắc đó, Ra-ma đã đau đớn, dằn vặt hơn bất cứ người nào khác. Qua đoạn trích ta có thể thấy Ra-ma hiện lên là một người anh hùng có sức mạnh phi thường, một bậc quân vương trọng danh dự, nhân phẩm, nhưng chàng cũng là người giàu tình nghĩa, luôn yêu thương vợ.

Xi-ta một người phụ nữ xinh đẹp, thủy chung, nàng bị quỷ vương bắt đi. Khi nghe tin Ra-ma đã giành chiến thắng, Xi-ta vô cùng vui mừng, hạnh phúc, điều nàng mong mỏi nhất chính là được gặp Ra-ma. Nhưng khi gặp Ra-ma trước tất cả mọi người Xi-ta vô cùng ngạc nhiên, đồng thời nàng cũng nhanh chóng hiểu ra tình thế của mình, nàng tỏ ra khiêm nhường trước Ra-ma. Trước những lời buộc tội của Ra-ma, nàng “mở tròn đôi mắt đẫm lệ” trong nỗi ngạc nhiên, đau đớn đến tột cùng. Sau khi nghe xong nhuững lời buộc tội hết sức tàn nhẫn, nàng “đau đớn đến nghẹt thở” “như một cây dây leo bị vòi voi quật nát”. Mỗi lời Ra-ma nói như “xuyên vào trái tim nàng một mũi tên” “nước mắt đổi như suối”. Hàng loạt các câu văn miêu tả với biện pháp so sánh sinh động đã cho thấy nỗi đau đớn, tủi hổ đến tận cùng của Xi-ta. Nhưng ngay sau đó nàng lấy lại bình tĩnh và cất lên lời thanh minh cho chính mình. Nàng trách Ra-ma đã không suy xét mà đánh đồng nàng với những phụ nữ tầm thường: “giống như kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”. Và nàng khẳng định phẩm hạnh, tư cách của mình, với những lời lẽ thanh minh hết sức sắc sảo: khi Ra-va-na bắt nàng, nàng ngất đi. Nàng phân biệt giữa điều tùy thuộc vào số mệnh nàng và quyền lực của kẻ khác. Nàng cũng khẳng định chắc chắn trái tim mình chỉ thuộc về Ra-ma. Nhưng dù dùng tất cả nỗ lực, cố gắng Xi-ta vẫn không minh chứng được sự trong sạch của mình.

Bị dồn đến bước đường cùng, Xi-ta đưa ra quyết định mang cả tính mệnh của mình để minh chứng cho tấm lòng, phẩm hạnh của bản thân, nàng nhờ thần lửa A-nhi chứng minh cho tấm lòng trong trắng, thủy chung. Đây là hành động dũng cảm, tự tin của Xi-ta về phẩm giá, đức hạnh của mình. Có thể nói chi tiết Xi-ta nhảy vào lửa là chi tiết đẹp nhất, huyền thoại nhất trong đoạn trích. Với hành động đó nàng đã chứng minh được lòng thủy chung, sự trong trắng bản thân trong những ngày bị quỷ vương bắt, đồng thời khẳng định phẩm giá của một một phụ nữ cáo quý, qua đó giải tỏa được mối ghen tuông của Ra-ma.

Đoạn trích thành công trong nghệ thuật tạo dựng tình huống giàu kịch tính qua đó buộc lộ tâm trạng, tính cách của mỗi nhân vật. Nghệ thuật khắc họa tâm lí qua ngôn vật tài tình. Ngôn ngữ, giọng điệu đa dạng, phong phú thể hiện được tâm trạng nhân vật. Xây dựng các chi tiết mang tính huyền thoại vô cùng đặc sắc.

Tác phẩm đã ghi lại thành công diễn biến tâm trạng phức tạp của Ra-ma và Xi-ta trong cuộc gặp gỡ của họ trước cộng đồng. Ra-ma một mặt là người anh hùng trong danh dự, nhân phẩm nhưng đồng thời là người chồng biết yêu, biết ghen tuông. Xi-ta lại là điển hình cho người phụ nữ có tình yêu sâu sắc, sự thủy chung và ý thức về danh dự. Hai nhân vật là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp con người Ấn Độ.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment