Nghị luận văn học – Một quan niệm về giáo dục

0

Ớ bất cứ nơi đâu, trong bất kì hoàn cảnh nào thì với một quốc gia, giáo dục luôn là vấn đề quan trọng, cần được quan tâm nhất. Không phải tự nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhận định: “Vì lợi ích trăm năm trồng người”, cũng không phải sự trùng hợp hay lặp lại một cách máy móc, mà mỗi năm học cứ đến ngày toàn dân đưa trẻ đến trường thì tất cả các vị lãnh đạo của Nhà nước ta đều đến thăm hỏi, động viên, chúc mừng các thầy cô giáo và học sinh ở các trường học trên cả nước. Tất cả những điều ấy đã chứng minh tầm quan trọng của giáo dục nhà trường đối với một con người. Chính vì thế, trong một bức thư gửi thầy Hiệu trưởng ngôi trường nơi con trai mình theo học, Tổng thống Mĩ Abraham Lincoln (1809 – 1865) đã viết:

“Kính gửi thầy!

… Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ của mình cho người trả giá cao nhất, nhưng không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”.

Đây chính là câu nói thể hiện quan niệm về giáo dục của người lãnh đạo tối cao của Hoa Kì, nó cho thấy một cách nhìn, một yêu cầu không phải chỉ của một tổng thống đối với ngành giáo dục, mà còn là sự mong đợi của một người cha, một bậc phụ huynh đối với người thầy giáo dục con mình.

Như chúng ta đã biết, giáo dục không chỉ có trách nhiệm đem lại kiến thức, hiểu biết trong các lĩnh vực khoa học và đời sống cho học sinh mà quan trọng hơn, giáo dục còn dạy cho một đứa trẻ cách làm người, cách đối nhân xử thế. Trong bức thư gửi người thầy của con mình, tổng thống Lincoln cũng đã thể hiện quan niệm đó, quan niệm về cái cốt lõi trong việc giáo dục một đứa trẻ – một mầm non của đất nước chính là không những phải dạy cho đứa trẻ ấy trí tuệ, sự khôn ngoan mà hơn hết phải dạy chúng luôn giữ bản lĩnh và lòng tự trọng, tâm hồn và phẩm cách của mình. Chỉ với một câu nói ngắn gọn ấy, ông đã khái quát được hai khía cạnh lớn trong việc giáo dục một con người: đó là giáo dục tài năng và nhân cách. Bằng lời lẽ trang trọng và chuẩn mực của một vị tổng thống nhưng cũng với giọng điệu trân trọng, thiết tha của một người cha mong mỏi đứa con của mình được hưởng sự giáo dục tốt nhất từ nhà trường, câu nói của ông trở thành một kim chỉ nam mà ngành giáo dục Hoa Kì nói riêng và thế giới nói chung đặt làm trọng tâm trong công cuộc “trồng người” của mình. Bởi nó mang trong đó cả những yêu cầu của đất nước và sự mong đợi, hi vọng của tất cả phụ huynh không chỉ trên nước Mĩ mà trên toàn thế giới.

Tổng thống Lincoln đã viết: “Xin hãy dạy cho cháu rằng có thể bán cơ bắp và trí tuệ của mình cho người trả giá cao nhắt”, điều đó đồng nghĩa với việc giáo dục cho học sinh sự thống minh và khôn ngoan trong cuộc sống. Bởi “cơ bắp và trí tuệ” là những khả năng vốn có và được trau dồi từng ngày của mỗi con người, đó chính là sức lao động. Chính “cơ bắp và trí tuệ” là thứ của cải quan trọng để mỗi người có thể dùng nuôi sống bản thân trong suốt cuộc đời. Hơn thế nữa, chính từ sức lao động có được ấy sẽ giúp ta cải thiện đời sống, giúp đỡ gia đình, mang lại cho con người không chỉ cơm ăn áo mặc, mà cả tiền bạc, vị thế và hạnh phúc. Vì thế mà “cơ bắp và trí tuệ” là những thứ rất quý giá, mang tầm ảnh hưởng lớn đối với cả đời người, cuộc đời mỗi con người có hạnh phúc giàu sang hay không phụ thuộc vào sức khỏe, tài năng và tri thức của anh ta như thế nào. Vậy nên, nhà trường không chĩ có chức năng đào tạo những người tài giỏi, cung cấp cho học sinh những kiến thức cao quý mà phải dạy cho học sinh ngay khi còn nhỏ về giá trị của sức lao động và sự quý giá của nó, dạy cho đứa trẻ phải có một cách nhìn nhận sáng suốt và cái đầu khôn ngoan để nhận thấy giá trị thực sự của mình và tìm ra người trả giá tương xứng với giá trị ấy. “Cơ bắp và trí tuệ” giống như một món hàng mà khi đưa vào guồng quay của cuộc sống, nó sẽ tuân theo những quy luật kinh tế thị trường khắc nghiệt, và khi đứa trẻ lớn khôn, nó phải học được cách tự đánh giá giá trị của minh một cách cao nhất và chỉ bán “món hàng” quý giá ấy cho những ai trả giá xứng đáng nhất mà thôi.

Tuy nhiên, ngài tổng thống cũng nhấn mạnh một khía cạnh khác không kém phần quan trọng, đó là: “không bao giờ cho phép ai ra giá mua trái tim và tâm hồn mình”. Một người nào đó có thể bán sức lực và trí tuệ của mình để lấy những giá trị vật chất cao quý nhất, nhưng anh ta không thể và không được phép “bán” cả nhân cách, lương tâm của mình. Như chúng ta đã biết, đồng tiền là một thế lực vạn năng, nó mang lại cho con người ta nhiều thứ, từ vật chất đến tinh thần, nó giúp cuộc sống ngày càng trở nên thoải mái, sung túc hơn, nhưng chính nó cũng gieo biết bao tai ương cho nhiều gia đình vốn yên bình, hạnh phúc. Nếu con người ta không bình tĩnh, bản lĩnh để chông lại những cám dỗ phù phiếm của nó, họ sẽ bị sa lầy, lún sâu vào những vấp váp, khổ sở, thậm chí cuối cùng phải bán cả lương tâm và tâm hồn mình. Trong cuộc sống chạy theo cơ chế thị trường ngày nay, đồng tiền lại càng có giá trị cao hơn, người ta lao vào làm việc, học tập không ngừng để nâng cao tay nghề, trình độ và cũng để tìm một mức thu nhập càng cao càng tốt, bởi đi đâu, làm gì đều cần tiền, tiền trở thành điều kiện thiết yếu và căn bản để con người tồn tại được trên cuộc đời này. Những giá trị tinh thần ngày càng mất dần, những giá trị thực dụng thì ngày càng gia tăng, lân át trong xã hội. Và thế là người ta bị lệ thuộc vào những của cải vật chất ấy, để rồi một lúc nào đó phải bán cả linh hồn cho quỷ dữ. Vì tiền mà người ta phạm tội, từ những tội ác tưởng như vặt vãnh nhất cho đến nghiêm trọng nhất. Vì tiền mà những cán bộ lẽ ra phải làm gương, giúp đỡ nhân dân lại tham nhũng, sách nhiễu dân lành. Những vụ tham nhũng hàng tỉ USD, những vụ trộm cướp dẫn tới giết hại người vô tội, tất cả chỉ vì sự hèn yếu và thiếu bản lĩnh của những kẻ phạm tội. Chính vì những điều đó, mà trách nhiệm của giáo dục là phải dạy học sinh ngay từ tuổi ấu thơ biết được rằng cái quan trọng nhất, có giá trị nhất trong mỗi con người là lòng tự trọng, là phẩm cách trong sáng của mình. Khi tất cả những của cải vật chất kia biến mất, cái duy nhất còn giá trị tồn tại trên một con người chính là tư cách của anh ta. Phải dạy cho trẻ biết rằng nếu vì một lợi ích nào đó mà bán đi lương tâm, sự trong sạch của mình thì sẽ đến một lúc, khi có tất cả mọi thứ thì chính cái lương tâm ấy cũng không để chính mình được thanh thản. Cái giá phải trả cho cuộc mua bán ấy là sự kì thị khinh thường của tất cả mọi người, sự xa lánh của gia đình, người thân, bè bạn, và nhất là nỗi dằn vặt ân hận trước tòa án lương tâm trong suốt cuộc đời. Nói cách khác, không chỉ Tổng thống Lincoln mà tất cả các bậc phụ huynh, những người làm cha làm mẹ trên thế giới này đều không bao giờ muốn con minh trở thành kẻ mất hết lương tâm, nhẫn tâm hãm hại người khác chỉ để lấy vài lợi ích cho riêng mình. Tôi đã từng nhìn thấy một người mẹ già ốm yếu chạy theo chiếc xe tù chở đứa con phạm tội trong vụ trọng án Năm Cam ra pháp trường. Bàn tay người mẹ gầy yếu bao năm tần tảo nuôi con khôn lớn thành người giờ đang vươn ra như muốn níu kéo chút sự sống mong manh của đứa con lầm lỗi, nước mắt chảy dài trên gò má nhăn nheo giữa trưa nắng cháy.

Đứa con ấy giờ mới thấy nỗi ân hận muộn màng, nhìn bóng mẹ mà kêu lên thành tiếng nấc nghẹn ngào: “Mẹ ơi…”. Rõ ràng người mẹ ấy, trong suốt quá trình nuôi dạy con của mình, không bao giờ mong đợi đến một ngày đứa con ấy sẽ phạm tội và phải trả giá như thế, bởi chính bà cũng luôn tâm niệm: “Tôi nuôi con tôi nhưng chưa bao giờ tôi dạy nó đi ăn cướp, giết người để làm giàu, đói cho sạch, rách cho thơm..”. Tiếc là xã hội phức tạp, thế lực của đồng tiền luôn là cơn lốc xoáy cuôn đi những tâm hồn mềm yếu, dễ sa ngã, vì thế mà nó đã lấy đi đứa con trai của bà, từ đây phải lìa xa vòng tay bà mãi mãi. Đó chỉ là một trong những trường hợp con người vì một phút yếu lòng mà bán linh hồn, lòng tự trọng của mình cho “quỷ dữ”. Còn đó những bài học đau xót như vụ việc đội tuyển U23 Việt Nam bán độ ở SEAGAMES trong đó có những cầu thủ nổi tiếng như Văn Quyến, Quốc Vượng,… Tất cả họ khi phạm tội đều không bao giờ nghĩ sẽ có một ngày mình gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế. Bởi từ khi còn nhỏ, họ không được người ta quan tâm giáo dục rằng bên cạnh việc đá bóng thế nào còn phải biết giữ gìn lương tâm nghề nghiệp, giữ gìn danh dự, màu cờ sắc áo của quốc gia ra sao? Họ không biết được rằng ngoài việc đi học để lấy bằng cấp, làm việc cho nhà nước còn phải giữ cái tâm trong sáng của người Đảng viên, người cán bộ nhà nước như thế nào? Vậy nên, giáo dục phải luôn đi đầu trong việc giáo dục nhân cách mỗi người, phải dạy cho họ cách đứng vững và chông lại những cám dỗ trong cuộc sống, dạy cho họ giá trị của lòng tự trọng, để giữ được trái tim và tâm hồn trong sáng của mình, bằng cách nêu lên những tấm gương về những con người luôn giữ mình trong sáng như Mạc Đĩnh Chi, Tô Hiến Thành,… thời xưa hay những cán bộ công an, những vị lãnh đạo sáng suốt công bình trong thời đại ngày nay.

Câu nói của Tổng thống Lincoln cũng là một bài học cho cả toàn ngành giáo dục Việt Nam lẫn học sinh chúng ta. Từ câu nói đó, mỗi người chúng ta sẽ luôn có một định hướng cho bản thân mình để cố gắng vươn lên, đạt được những giá trị cao nhất, luôn có ý thức giữ gìn phẩm cách của mình trong xã hội đầy cám dỗ như hiện nay.

Một năm học mới lại đến, ngành giáo dục lại sắp có những chặng đường mới, những bước tiến mới trong công cuộc trồng người. Nhưng dù thế nào đi nữa, trong bản thân mỗi bậc phụ huynh cũng như những lãnh đạo trong ngành giáo dục luôn tâm niệm và mong đợi một “mùa gặt” mới với những lứa học trò ngày càng trưởng thành và bản lĩnh trong cả học tập lẫn trong cuộc sống, trở thành những “con người” đúng nghĩa. Riêng với bản thân mình, là một học sinh, tôi và các bạn cùng trang lứa sẽ luôn cố gắng hết mình học tập và rèn luyện không ngừng để mang lại những thành quả mới thật sự tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà, cũng như không phụ lòng mong đợi và công sức giáo dục của cha mẹ, thầy cô.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment