Một người bạn thân đã chuyển đi nơi khác cùng với gia đình, em hãy viết thư thuật lại một kỉ niệm vui.

0

Mỹ Thạnh, ngày… tháng… năm

Hà thân mến!

Thế là đã một năm xa rồi đấy Hà nhỉ? Hôm nay, sau khi học bài xong thì mình cũng vừa nhận được thư bạn. Bạn nói mình có thể nào quên được những kỉ niệm buồn vui của hai đứa mình không u? Bạn nhắc lại bao nhiêu những chuyện ngày ấy… và mình, mình lại nhớ đến một lần trời đố mưa như hôm nay, cũng là mùa này đấy Hà nhỉ…

Ôi, con đường làng ngày xưa… nó không phải là đường nữa mà trở thành một cái mương nước lòng trũng xuống ở phía dưới, khiến cho ba bốn ngày sau nắng gắt người ta cũng lựa chọn đi xuống ruộng còn hơn là lội sền sệt trong đám bùn còn lố nhố vết chân người.

Thường thì tụi mình về đò, nhưng hôm ấy sinh hoạt lớp hơi dài, cũng bởi cái thằng Hải cà chớn ngồi trong lớp không hiểu vì tật bệnh gì cứ cười một mình như thằng khùng. Thế là tụi mình dẫn nhau về. Hà không tự ái khi mình nói là áp tải bạn thì đúng hơn… Ôi, cái mã dân thành thị mà gặp con đường này…

Hà nhớ không!? Chúng mình cứ vịn nhau mà đi, bàn chân thì tòe ra, ngón chân thì quặp lại bám chặt mặt sình lầy mà đi. Kể lại chuyện thằng Hải dở hơi tụi mình vác mặt lên trời mà cười. Và thế là “ạch”, Hà lôi theo cả mình cùng nằm trên mặt đường trong một hình dáng thật kì khôi. Mình lồm cồm bò dậy, bạn vẫn sóng soài: Cái mặt đỏ gay đang méo xệch nhưng nụ cười lúc nãy chưa kịp chạy đi nên buồn cười quá.

Cả hai lấm lem như ông Táo, Hà nhìn Trí: “Ai hay, Trí ha…” Hà bươn bả xông xáo thì… “ạch”, lần này thì Hà nằm gác đầu lên bờ cỏ, hai chân thì choãi ra trông cũng thật kì khôi, mình cười vang lên, nhưng chưa kịp đi đến chỗ bạn thì “ạch” mình nằm quay lơ nhìn ông mặt trời đang khúc khích sau đám mây.

Thế rồi cứ “ình, ạch” chúng mình bắt không biết bao nhiêu con ếch. Hai đứa càng cười thì số lần bắt ếch lại tăng lên.

Mình còn nhớ bà Tư khệ nệ làm một mẹt bánh cứ quệnh quạng như một con gà say rượu, bà đứng trôn một mô đất còn khô ở chính giữa lòng đường, bà cứ đi đi lại lại, bước tới bước xuôi trôn cái vương quốc của riêng bà ấy để tìm cách sang một bờ đất khác. Miệng bà cứ lầm bầm: “Lầy quá. lầy quá hây!”. Chúng mình đi xa rồi vẫn hình thù kềnh càng của bà đứng giữa đường như công an giao thông chỉ đường cho thiên hạ.

Vui nhộn nhất là đám người ở thành phố về. Giày, vớ thì cầm tay, đã lấm lem, quần áo sang trọng cũng bê bết bùn đất. Cứ người này đứng dậy thì người sau té xuống trông như một làn sóng nhấp nhô hay trò chơi dung dăng dung dẻ của tụi mình vậy. Hà đã nhận xét: “Mấy cô chú này cứ y như người đi bắt cá tôm vậy”. Tụi mình lại phải cười. Ông già hói trán đi đầu đang đỡ tay cho một cô mặc quần áo diêm dúa giờ đã bê bết gắt: “Tụi bây có câm miệng không?”. Vừa nói xong ông ta té cái “ạch”. Làm sao mà tụi mình nhịn cười được phải không Hà?

Tụi mình về nhà thì trời đã chiều, hai đứa như hai chú hề trên sân khấu, mặt mày vằn vện, quần áo thì nhăn nhúm đầy những bùn, cứ y như người tát đìa, người tát mương…
Câu chuyện này sao Hà lại không nhắc nhỉ? Hay là quên rồi? Mỗi lần nhớ tới nó Trí lại bật cười như “thằng Hải cà chớn”.

Thôi mình phải xuống phụ mẹ dọn cơm đây, mình chúc Hà và gia đình an khang hạnh phúc. Nếu có dịp thì về đây, mùa mưa đang còn, chúng mình sẽ bắt ếch như ngày nào…

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment