Lập dàn ý bài Đất nước của Nguyễn Đình Thi: 1. Hoàn cảnh ra đời của bài thơ; 2. Trong đoạn 1, mùa thu Hà Nội được tái hiện như thế nào qua nỗi nhớ của nhà thơ?; 3. Niềm tự hào và ý thức làm chủ đất nước được biểu hiện như thế nào trong đoạn 2 của bài thơ;
1. Bài thơ Đất nước được Nguyễn Đình Thi ấp ủ trong nhiều năm kháng chiến chống Pháp (1948 – 1955). Phần chú giải SGK Văn 12 đã trình bày quá trình nhà thơ suy ngẫm về đất nước và con người Việt Nam từ Sáng mát trong như sáng năm xưa (1948) và Đêm mít tinh (1949) đến Đất nước (1955). Mặc dầu vậy, đây vẫn là một chỉnh thể nghệ thuật được cấu tứ công phu bằng hàng loạt hình ảnh vừa có tính khái quát cao vừa có sức gợi cảm sâu xa, tác động mạnh mẽ đến suy nghĩ và tình cảm của người đọc.
2. Trong đoạn đầu, Hà Nội hiện ra trong tâm tưởng của người thanh niên trí thức phải xa thủ đô để đi theo tiếng gọi của cách mạng (ở đây là chính nhà thơ). Vì vậy, cảnh ở đây chất chứa tâm trạng.
– Cảnh Hà Nội còn dưới ách thực dân đẹp nhưng buồn và tĩnh lặng, thể hiện cái cảm giác xao xuyến bâng khuâng của người ra đi, choáng ngợp cả không gian và thời gian: “Sáng chớm lạnh”, “phố dài xao xác hơi may”, “Thềm nắng lá rơi đầy”.
– Hình ảnh người ra đi: Tư thế và dáng đi tỏ ra kiên quyết (đầu không ngoảnh lại) nhưng tâm hồn thấm thía cái “chớm lạnh” của khoảnh khắc đầu thu, in sâu những gì thơ mộng của thủ đô yêu dấu đang lùi phía sau.
– Hà Nội được tái hiện trong suy tư của người đã hòa nhập vào cuộc sống kháng chiến. Vì vậy, lời thơ hoài niệm tuy còn chút bâng khuâng, vẫn toát lên niềm tự hào của con người đã biết vượt lên chính mình: Khi Tổ quốc kêu gọi, sẳn sàng từ biệt căn nhà góc phố thân thương, ra đi làm nghĩa vụ của một công dân.
3. Khổ thơ đầu của đoạn 2 diễn tả niềm tự hào được làm chủ bầu trời xanh này, núi rừng Việt Bắc này. Chú ý cụm từ của chúng ta được láy lại như một sự khẳng định chủ quyền chính đáng với đất nước mình. Chú ý điệp từ những được đặt ở đầu các dòng thơ để chỉ không gian rộng lớn của quê hương đất nữớc Việt Nam từ “mùa thu nay” cũng thuộc về chúng ta.
– Từ niềm hân hoan đến say mê vô tận như vậy, nhà thơ như lắng lại để suy ngẫm thâm trầm về nguồn gốc sâu xa của sức mạnh tinh thần đã tạo nên sự đổi thay vĩ đại ấy:
Nước chúng ta
Nước của những người chưa bao giờ khuất
Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất
Những buổi ngày xưa vọng nói về
4. Đoạn cuối có nhiều hình ảnh độc đáo có tính sáng tạo mang ý nghĩa khái quát. Cần chọn ra một số hình ảnh vừa có ý nghĩa lại vừa gợi cảm. Ví dụ:
a)
Ôi những cánh đồng quê chảy máu
Dây thép gai đâm nát trời chiều
Đó là hình ảnh đất nước đau thương, con người uất hận vì bọn thực dân xâm lược. Đây là bức tranh đặc tả một Việt Nam có chiến tranh. Nó vừa cụ thể đến nhức nhối (đâm nát, chảy máu) vừa thật khái quát, vừa hư vừa thực: Cánh đồng quê một buổi chiều sẫm màu máu, dây thép gai của đồn thù tua tủa mọc lên như chọc nát bầu trời bình yên của Tổ quốc.
Ẩn sau bức tranh là tình yêu quê hương xa xót (yêu những gì thân thương với cuộc sống con người: bầu trời cho không khí, cánh đồng cho hạt lúa, củ khoai) và lòng căm thù quân xâm lược đã đảo lộn cuộc sống bình yên.
b)
Từ gốc lúa bờ tre hồn hậu
Đã bật lên những tiếng căm hờn
Đó là hình ảnh có tính biểu tượng của một đất nước quật khởi, con người vùng lên. Câu thơ đã khái quát sự chuyển biến trong nhận thức của con người Việt Nam, một sự chuyển biến mang tính quy luật ở một đất nước của những con người hiền lành rất mực. Chú ý động từ bật lên, sự đối lập không chỉ thuần túy về ngữ nghĩa (hồn hậu – căm thù). Đó là sự thông nhất biện chứng của hai phẩm chất không hề đối lập nhau: giặc đến xâm lược quê hương đất nước mình, những con người hiền lành hồn hậu ấy đã trở thành những con người cháy bỏng căm thù.
c)
Ôm đất nước những người áo vải
Đã đứng lên thành những anh hùng
Đó là hình ảnh sinh động về chủ nghĩa anh hùng Việt Nam: Những người anh hùng áo vải, những nông dân mặc áo lính đứng lên bảo .vệ đất nước vô cùng yêu dấu. Chú ý động từ ôm thể hiện tình yêu trìu mến của con người Việt Nam đối với Tổ quốc mình.
d)
Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa
Đây là khổ thơ cuối kết thúc bài thơ với nhịp điệu chắc khỏe, tự tin. Hình ảnh gây ấn tượng mạnh, mang tính tạo hình. Nó tái hiện một sự thật đã diễn ra ở chiến dịch Điện Biên Phủ mà chính nhà thơ đã chứng kiến: dưới mưa bom lửa đạn của thực dân Pháp, bộ đội ta đào chiến hào để tiến công đồn thù. Bọn giặc điên cuồng chống trả nhưng không cản nổi bước tiến của quân dân ta. Chiến dịch kéo dài 56 ngày đêm gian khổ. Người trước ngã xuống nhưng người sau vẫn tiến lên. Khi chiến hào “bò” đến sát đồn địch, các chiến sĩ từ lòng hào rũ bùn nhảy lên trên mặt đất chói lòa ánh sáng xung phong công đồn.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi