Kể một sự việc xảy ra mà em nhớ mãi

0

DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG

A. MỞ BÀI:

– Giới thiệu thời gian sự việc xảy ra: xảy ra trong thời thơ ấu (quá khứ), sự việc vui hay buồn.

– Giới thiệu nhân vật: tôi (bản thân) và các nhân vật khác.

B. THÂN BÀI:

Xây dựng các nhân vật, tình tiết phù hợp với nội dung tính chất của sự việc xảy ra.

C. KẾT LUẬN:

Suy nghĩ về sự việc đã xảy ra làm mình nhớ mãi.

BÀI LÀM

Có lẽ bây giờ đã quá muộn khi nói về chuyện của tuổi thơ – một câu chuyện buồn giữa tôi và bà Tám. Dù muộn màng nhưng tôi vẫn phải kể để trong tôi bớt đi nỗi ân hận ngập tràn.

Hồi ấy, khi tôi còn là một cậu bé nghịch ngợm và bướng bỉnh, tôi đã gây ra không biết bao nhiêu là chuyện không hay cho mọi người và có lẽ bà Tám là người gánh chịu không ít những chuyện như thế.

Hồi ấy, bá Tám đã già, bà ở trong một căn nhà nhỏ cạnh nhà tôi. Bà chẳng có chồng con. Tôi nghe đâu ngày xưa bà bị người ta lừa. Từ đó, chẳng ai để ý, rồi bà cứ ở vậy. Tôi nghe chuyện bà, chẳng động lòng thương bà mà ngược lại tôi còn ghét bà là đằng khác. Hằng ngày cứ thấy khuôn mặt nhăn nheo đăm chiêu của bà là tôi khó chịu. Cũng chẳng hiểu rõ vì sao tôi không có cảm tình với bà như vậy. Có lẽ do bà sống lặng lẽ, hay lánh người làng.

Bà chỉ sống bằng mảnh vườn nhỏ. Mảnh vườn nhỏ của bà trồng rất nhiều loại cây ăn quả mà tôi thích. Hằng ngày, bà vẫn lom khom chống gậy ra nhổ cỏ vun xới cho cây. Vì muốn chọc tức bà, tôi quyết tâm lấy một thứ quả gì trong vườn. Tôi rình mò cả buổi chiều, chờ lúc bóng bà khuất hẳn sau bức phên vách nhà, tôi mới lần vào. Nhanh như cắt, tôi thoăn thoắt trèo lên cây ổi. Những trái ổi chín thơm lừng cuốn hút. Tôi bứt và bứt. Lá ổi rơi xào xào, thân cây run run. Nghe tiếng động, con chó già tinh quái nhà bà Tám chạy ra. “Chẳng lẽ lại bị tóm cổ sao”. Chân tay tôi đã bắt đầu run. Con chó sủa inh ỏi. Tôi với tay bứt quả ổi xanh nhắm mắt ném. “Ôi”, tiếng kêu chợt vang lên. Thì ra tôi đã ném trúng bà Tám đang đứng ngay cạnh con chó tự lúc nào không biết. Bà ôm mặt, tuổi già sức yếu, dù một quả ổi trúng người cũng đau lắm chứ! Con chó vẫn sủa. Chân tay tôi càng run. Tôi thét lên: “Cháu không chú ý mà”! Rắc! Rắc! Cành ổi gẫy, tôi ngã nhào và không biết gì nữa. Khi tỉnh lại trời đã nhá nhem tối, tôi đang nằm trong ngôi nhà quen thuộc của mình. Người đầu tiên tôi thấy là bà Tám, trên nét mặt già nua khắc khổ của bà đầy những nét lo âu. Tôi buột miệng kêu: “Bà!”. Bà vỗ nhẹ vào người tôi.

– Cháu nằm yên đi, nghỉ cho lại sức.

Tôi định ngồi dậy nhưng bị khựng lại bởi cái tay đau kinh khủng. Nhìn xuống đã thấy tay mình băng bó. Mẹ bảo tôi bị gãy tay và suốt hai ngày nay, bà Tám bỏ cả ăn, ngủ để ngồi túc trực bên tôi. Tôi nhìn bà vết bầm vẫn còn trên mặt. Tôi định nói lời xin lỗi nhưng không sao nói được. Nước mắt cứ muốn trào ra. Bà cũng rầu rầu:

– Chỉ tại bà thôi cháu ạ.

Tôi không biết thế nghĩa là thế nào. Lúc ấy mẹ tôi đỡ lời:

– Bà đừng nói vậy! Chỉ tại cháu nó nghịch dại mới nông nỗi này. Bây giờ cháu đã đỡ, bà cứ yên tâm về nghỉ.

Bà Tám yên lặng. Ánh mắt già nua nhìn xa vời vợi. Ánh mắt ấy đã ám ảnh tôi suốt một thời gian dài.

Ít lâu sau, nhà tôi chuyển ra thành phố. Nhiều việc bận rộn khiến tôi không có thời gian về thăm bà. Mãi tới hôm vừa rồi tôi mới được trở về thăm chốn cũ. Nhưng đâu còn nữa mái nhà tranh, còn đâu nữa hình bóng bà Tám năm nào. Thay vào đó là một ngôi nhà ba tầng đẹp đẽ. Thì ra bà Tám đã mất. Mảnh vườn của bà, người họ hàng đã bán cho một gia đình khác.

Tôi đứng lặng người nghĩ lại chuyện xưa. Nghĩ về bà Tám, nước mắt tôi ứa ra lúc nào không biết.

– Bà Tám ơi, xin bà hãy tha thứ cho cháu – Đứa trẻ nghịch ngợm này!

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment