Hướng dẫn viết bài tập làm văn số 2 – Văn tự sự
Đề 1. Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó.
I – Tìm hiểu đề:
– Thể loại: tự sự ( kết hợp với miêu tả và biểu cảm ).
– Nội dung: kể về một buổi thăm trường vào một ngày hè, sau 20 năm xa cách.
– Hình thức: một lá thư gửi bạn học cùng lớp.
– Yêu cầu: Người viết phải tưởng tượng mình đã trưởng thành,đóng vai một người có một vị trí, một công việc nào đó, nay trở lại thăm ngôi trường. Cần trả lời được các câu hỏi sau:
+ Lí do về thăm trường cũ là gì?
+ Thăm trường vào thời gian nào? Với ai?
+ Đến trường gặp ai? Thấy quang cảnh trường thế nào? Nhớ lại cảnh trường ngày xưa mình học ra sao?
+ Những gì gợi lại cho em những kỉ niệm buồn, vui của tuổi học trò, trong giờ phút đó bạn bè hiện lên như thế nào?….
* Chú ý:
– Bài viết cần tự nhiên, chân thành.
– Để bài văn hấp dẫn, sinh động hơn, trong quá trình làm bài, cần kết hợp các yếu tố miêu tả (hình ảnh ngôi trường với những hang cây,mái ngói, cột cờ, lớp học…) và yếu tố biểu cảm ( tâm trạng bồi hồi, xúc động khi nhớ lại kỉ niệm xưa bên thầy cô, bạn bè; xúc động khi bất ngờ gặp lại thầy(cô) giáo cũ…)
II – Dàn ý chi tiết:
1. Đầu thư:
– Thời gian, địa điểm viết thư.
– Lời chào gửi đầu thư.
– Lí do viết thư.
2. Nội dung bức thư:
– Hỏi thăm tình hình trong những năm qua ( học tập, cuộcsống, công tác của bạn và một số bạn khác trong lớp ).
– Giới thiệu về hoàn cảnh hiện tại của bản thân ( công việc,gia đình…)
– Kể lại tình huống về thăm trường:
+ Lí do về thăm trường cũ ( đi ngang qua, có chủ định về thăm…)
+ Thời gian ( mùa hè); đi một mình hay đi với ai?
+ Tâm trạng trước khi về thăm ( nếu là chủ định ): bồi hồi,xúc động, hồi hộp…
– Quang cảnh ngôi trường khi đếm thăm:
+ Ấn tượng đầu tiên khi nhìn thấy trường.
+ Cảnh vật, thiên nhiên, sự thay đổi của cảnh vật ( hàng cây, cổng trường…)
+ Quang cảnh ngôi trường khi đến thăm: miêu tả đôi nét về ngôi trường ( các dãy nhà, các phòng học, phòng chức năng, cơ sở vật chất của trường…)
+ Cảnh vật gợi nhớ đến những hình ảnh xưa của bạn bè, thầy cô ( những kỉ niệm buồn, vui của tuổi học trò…)
( Chú ý: Lồng cảm nghĩ và nhận xét về sự thay đổi của ngôi trường)
– Kể lại những cuộc gặp gỡ: đã gặp ai ( thầy cô, bạn bè…)?Nói chuyện gì? (tâm sự, ôn lại những kỉ niệm trong quá khứ…)? Cảm nghĩ sau buổi trò chuyện?
– Kết thúc buổi thăm trường: cảm xúc về buổi thăm trường;những suy tưởng; tình cảm; những động lực thúc đẩy bản thân trong tương lai…
3. Cuối thư:
– Lời chào, lời chúc và lời hứa hẹn.
– Ký tên.
Đề 2: Kể lại một giấc mơ, trong đó em được gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.
I – Tìm hiểu đề:
– Thể loại: tự sự ( kết hợp với miêu tả và biểu cảm):
– Nội dung: kể lại một giấc mơ gặp lại người thân đã xa cách lâu ngày.
– Hình thức: bố cục rõ ràng, đủ ba phần mở bài, thân bài, và kết bài.
– Yêu cầu: Đề bài đưa ra giả định em có một người thân đã xa cách lâu ngày, nay trong mơ được gặp lại. Người đó phải là người có những gắn bó sâu nặng, quen thuộc và thân thiết với em , nay đang đi công tác xa hoặc chuyển đến nơi ở khác hoặc đã mất từ lâu… Cần trả lời được các câu hỏi sau:
+ Giấc mơ ấy diễn ra khi nào?
+ Người ấy là ai? Bây giờ ở đâu? Làm gì?
+ Hoàn cảnh gặp lại là gì?
+ Hình dáng, nét mặt, cử chỉ, lời nói… của người ấy khi em gặp lại như thế nào?
+ Khi tỉnh dậy, tâm trạng của em như thế nào?
* Chú ý:
– Đây là dạng bài kể chuyện sáng tạo, người viết cần thể hiện được trí tưởng tượng của mình trong quá trình kể, tưởng tượng nhưng vẫn phải phù hợp, gần gũi với thực tế cuộc sống.
– Câu chuyện về cuộc gặp gỡ ấy phải thể hiện một ý nghĩa nào đó đối với người viết hoặc đối với độc giả ( nhằm ca ngợi một điều gì đó tốt đẹp, khẳng định những ảnh hưởng tích cực mà nhân vật hay cuộc gặp gỡ ấy tác động tới…)
– Để bài văn thêm sinh động, hấp dẫn, người viết nên sử dụng kết hợp với yếu tố miêu tả ( hình dáng, nét mặt, cử chỉ của người thân; khung cảnh nơi gặp gỡ;…), yếu tố biểu cảm (tâm trạng, cảm xúc khi được gặp lại người thân, khi giấc mơ qua đi,…)
II – Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
– Giới thiệu về giấc mơ, về người thân được gặp trong giấc mơ.
2. Thân bài:
* Kể lại hoàn cảnh diễn ra giấc mơ:
– Giấc mơ ấy diễn ra khi nào? Vì sao lại có giấc mơ ấy ( do được gợi nhớ bởi một điều gì đó, do hôm ấy là ngày có liên quan đến người thân…)? Thời gian của giấc mơ?
– Gặp ai? (Người ấy còn sống hay đã mất? Khoảng cách về địa lí? Tình cảm của mình đối với người thân ấy?Đã bao lâu không gặp?)
– Bối cảnh của giấc mơ( không gian, thời gian, màu sắc, cảnh vật chủ đạo trong giấc mơ).
– Gặp người thân như thế nào? (Người ấy bỗng xuất hiện hay tình cờ gặp nhau?).
* Kể lại cuộc gặp gỡ và trò chuyện:
– Chào hỏi giữa mình và người thân đó.
– Miêu tả người thân: khuôn mặt, mái tóc, ánh mắt, dáng điệu, lời nói, cử chỉ ( thay đổi nhiều hay vẫn nguyên vẹn như trong tiềm thức của mình)
– Nội dung cuộc trò chuyện:
+ Hỏi về công việc, cuộc sống hiện tại của người thân ( của mình )
+ Nhắc lại kỉ niệm ( sự gắn bó ) giữa mình và người thân đó.
+ Lời động động, khích lệ, nhắc nhở, dặn dò của người thân với mình.
+ …
* Kể lại tình huống khiến mình tỉnh giấc:
– Chợt tỉnh dậy, nhận ra là mơ.
– Những hình ảnh vẫn còn đọng lại, những chi tiết về giấc mơ in sâu vào tâm trí.
3. Kết bài:
– Cảm xúc, suy nghĩ ( nhớ người thân, mong gặp người ấy…)
– Hứa hẹn với bản thân, với người thân về một điều gì đó trong tương lai.
Đề 3: Kể lại một trận chiến đấu ác liệt mà em đã đọc, đã nghe kể hoặc đã xem trên màn ảnh.
I – Tìm hiểu đề:
– Khi làm bài văn này, người viết cần kể lại được chi tiết,các sự việc chính. Đó là trận chiến đấu nào? Diễn biến của trận chiến ấy ra sao? … Đó phải là một trận chiến đầu có ý nghĩa to lớn trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta hoặc của các dân tộc yêu chuộng hòa bình khác trên thế giới. Lời kể phải tự nhiên, chân thực như em đã từng được tham gia hoặc trực tiếp chứng kiến.
– Để bài viết hay và sinh động hơn, các em nên sử dụng kết hợp với yếu tố miêu tả ( quang cảnh cuộc chiến, hành động của “các nhân vật”…)kết hợp với biểu cảm ( cảm xúc, suy nghĩ của em). Việc miêu tả ( trang phục, vũ khí…) cũng như sử dụng từ ngữ xưng hô cũng phải phù hợp với thời kì lịch sử mà trận chiến diễn ra.
II – Dàn ý chi tiết:
1. Mở bài:
– Đất nước ta đã có bao nhiêu trận chiến đấu các liệt với những chiến công hiển hách.
– Trận chiến đấu… đã để lại cho em những cảm xúc khó phai.
2. Thân bài:
– Kể khái quát về trận chiến đấu:
+ Diễn ra vào năm nào? Ở đâu? Ở thời kì nào? Chống giặc ngoại xâm nào? Mục đích của trận chiến đấu?
+ Em đã được biết về trận chiến ấy từ ông (bà) kể lại haysau khi học môn Lịch sử hoặc sau khi xem phim?
– Kể lại diễn biến chính của trận chiến đấu qua các giai đoạn:
+ Chuẩn bị, phòng ngự.
+ Tấn công: tư thế chủ động, tinh thần dũng cảm, quyết chiến quyết thắng của quân ta; sự chống trả của địch…
( Kết hợp miêu tả tư thế, hành động của ta, của địch; tả quang cảnh của trận chiến… Khi kể, chú ý làm nổi bật vai trò của vị chỉ huy tài giỏi, anh dùng và một vài chi tiết thể hiện tinh thần quả cảm của quân ta).
– Kể lại kết quả của trận chiến đấu:
+ Quân ta: chiến thắng ( kết hợp với miêu tả không khí chiến thắng, nét mặt, nụ cười của những người lính) và những hi sinh mất mát…
+ Quân địch: thất bại ( kết hợp với miêu tả không gian hoang tàn sau trận chiến, hình ảnh những tên lính còn sống sót…)
– Ý nghĩa của trận chiến đấu trong lịch sử.
3. Kết bài:
– Cảm xúc, suy nghĩ của em về trận chiến đấu ác liệt ấy.
– Tự hào về lòng yêu nước của các thế hệ cha ông, về những trang sử vàng của dân tộc ta.
– Suy nghĩ, liên hệ tới bổn phận của cá nhân và thế hệ sau.
Đề 4: Đã có lần em cùng bố, mẹ ( hoặc anh,chị) đi thăm mộ người thân trong ngày lễ, tết. Hãy viết bài văn kể về buổi đi thăm đáng nhớ đó.
Yêu cầu chung : HS nắm vững phương pháp làm bài văn tự sự có kết hợp miêu tả. Bố cục chặt chẽ, rõ ràng, diễn đạt tốt, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.
Yêu cầu cụ thể: HS có thể trình bày nhiều cách khác nhau, nhưng cần phải làm được các yêu cầu sau đây:
1. Mở bài:
– Giới thiệu về buổi đi thăm mộ người thân cùng bố, mẹ…
– Ấn tượng chung của bản thân về buổi đi thăm đó.
2. Thân bài:
* Kể, tả về sự chuẩn bị cho buổi đi thăm: ( thu xếp thời gian, mua sắm lễ vật,…)
* Xuất phát: mấy giờ, đi xe gì? Quang cảnh trên đường đi,tâm trạng lúc đó?
* Đến thăm mộ:
– Miêu tả cụ thể quang cảnh xung quanh.
– Kể lại những việc làm trong buổi đi thăm mộ:
+ Dọn dẹp sạch sẽ xung quanh ngôi mộ.
+ Bày các đồ cúng lễ ( hoa quả, vàng hương…)
+ Thắp hương và làm lễ khấn vái ( nói lên ước nguyện của gia đình, bản thân, như là tâm sự với người đã khuất…)
+ Bố, mẹ ( hoặc anh,chị) đã kể lại những kỉ niệm gì về người thân đã khuất. Kết hợp với miêu tả cảnh hương cháy và tâm trạng của mọi người trong gia đình.
– Nỗi xúc động, thể hiện tình cảm của bản thân với người thân đã mất.
– Kết thúc buổi viếng thăm như thế nào? ( hóa vàng và tiền âm phủ, tưới rượu lên mộ, thắp hương cho những ngôi mộ xung quanh…)
3. Kết bài:
– Khẳng định lại tình cảm của bản thân đối với người thân đã mất.
– Suy nghĩ về đi thăm đáng nhớ đó.
Xem thêm bài làm chi tiết bài viết số 2 lớp 9 (văn tự sự)
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi