Hồ Chủ tịch có dạy: “Học với hành phải đi đôi. Học không hành thi vô ích. Hành mà không học thì hành không trôi chảy”. Em hiểu lời dạy trên như thế nào?

0

Đã qua rồi cái thời học từ chương, sáo mòn cũ kĩ. Cái lối học mà nhà thơ Cao Bá Quát đã từng phê phán:

Không đi khắp bốn phương trời,

Vùi đầu ăn sách uổng đời làm trai.

Nhận thức được sai lầm của cha ông ta thời trước đã làm cản trở bước tiến hóa của xã hội, Hồ Chủ tịch khi nói về công tác huấn luyện và học tập vào tháng 5 năm 1950 có dạy:

“Học với hành phải đi đôi. Học mà không hành thì học vô ích. Hành không học thì hành không trôi chảy”.

Lời dạy trên có ý nghĩa quan trọng đối với việc học của chúng ta ngày nay.

Học là tiếp thu kiến thức đã được tích lũy trong sách vở, là nắm vững lí luận đã được đúc kết trong các bộ môn khoa học, đồng thời tiếp nhận những kinh nghiệm của cha anh đi trước. Học nói chung là sự trau dồi kiến thức, mở mang trí tuệ.

Hành nghĩa là làm, là thực hành, là ứng dụng kiến thức, lí thuyết vào thực tiễn đời sống. Học với hành phải đi đôi có nghĩa là học và hành không thể tách rời nhau mà phải gắn với nhau làm một. Đó là hai công việc của một quá trình thống nhất. Hiểu được mối quan hệ đó là do bản thân Bác đã rút được kinh nghiệm trong việc học tập và vận dụng lí luận cách mạng.

Trải qua thực tế học tập, ta thấy rõ hành chính là mục đích mà còn là phương pháp học tập. Một khi đã nắm vững kiến thức, đã tiếp thu kiến thức mà ta không vận dụng vào thực tiễn, thì học chẳng để làm gì cả. Thật là vô ích vì phí đi biết bao công lao, tiền bạc và thì giờ đầu tư vào việc học. Học mà không hành được có thể do một trong hai nguyên nhân sau: hoặc là học không thấu đáo nên không hành được, hoặc là thiếu môi trường hoạt động. Trong cuộc sống, không phải là không có những người lúc đi học không chuyên chú, nên , lúc ra đời không làm gì được, bị mọi người khinh chê. Ngược lại, nếu hành mà không có lí luận chỉ đạo, lí thuyết soi sáng và kinh nghiệm đã được đúc kết dẫn dắt, thì việc ứng dụng vào thực tiễn thường khó tránh khỏi mò mẫm, lúng túng hoặc gặp khó khăn, trở ngại, thậm chí có khi sai lầm nữa. Việc “hành” như thế rõ ràng là “không trôi chảy”. Thực tế đã không ít trường hợp vô tình trở thành người phá hoại chỉ vì người đó hành mà không học. Như thế đủ để ta thấy được tầm quan trọng của việc học. Nhưng học cái gì và học như thế nào?

Không riêng gì người học sinh ngày ngày cắp sách đến trường mới là học. Một đứa trẻ mới sinh ra cũng phải học, học nhận thức các sự vật xung quanh nó. Sau khi rời khỏi ghế nhà trường, bước vào xã hội, người đó vẫn phải tiếp tục học trong thực tế, học hỏi kinh nghiệm của người đi trước. Bởi thế, nói như lãnh tụ Lê nin: “Học, học nữa, học mãi!” là như vậy.

Đối với học sinh, học nghĩa là tạo thêm những kiến thức mới ở nhà trường, do các thầy cô dạy dỗ. Học sinh đến lớp, nghe thầy cô giảng dạy rồi cố gắng hiểu, nhớ, như thế gọi là học. Cái học đó muốn tiến bộ cần có sự ham thích và chuyên cần. Có ham thích hiểu biết những gì xảy ra trong quá khứ, học lịch sử mới thấy thú vị và dễ ghi nhớ. Có ham thích hiểu biết các định luật chi phối vạn vật, học vật lí mới thấy dễ dàng. Học, lại phải chuyên cần, chăm chỉ thì kiến thức mới đầy đủ, hệ thống, dễ nhớ. Như vậy không có nghĩa là đến lớp ngồi chờ hết giờ đi về, hay tùy thích hôm đi hôm nghỉ. Học theo lối đó không thể gọi là học vì chẳng tiếp thu được điều gì. Ngược lại, những người dù không đi học, nhưng chịu khó tìm tòi, đọc sách, cố gắng ghi nhớ, biết học hỏi ở bậc đàn anh mà biết thêm nhiều điều mới lạ, có thể cho là người đó đang học.

Cũng có người cho rằng, học cốt thi cho đỗ, khi thi đỗ xong, vất đi tất cả sách vở là tự lấy làm mãn nguyện lắm rồi. Họ quên rằng, nhiều điều ta học được ở nhà trường chỉ là những kiến thức lí luận căn bản, cần thiết cho sự trau dồi trí tuệ khi bước vào đời sau này. Phạm vi của sự học là vô hạn. Một người trí thức chân chính luôn luôn tự thấy mình kém cỏi, dốt nát và muốn học thêm mãi. Hơn nữa khoa học ngày càng tiến bộ thì cái học không bao giờ dừng lại mãi một chỗ. Những điều học hỏi hôm qua, cần phải bổ sung cho hợp với hôm nay. Cái học cần phải đi sát với tiến bộ chung của nhân loại mới có ích và mới đúng với ý nghĩa của học hành.

Thực tế ngày nay, học đi đôi với hành đã trở thành nguyên lí, phương châm giáo dục; đồng thời là phương pháp học tập của chúng ta. Thấm nhuần lời dạy của Bác, em càng quyết tâm thực hiện phương pháp học phải hành để có đủ trình độ nhận thức kế tục sự nghiệp cách mạng của cha anh.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment