Hãy nêu cảm nhận của em về bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan
Thời gian vẫn trôi đi và bốn mùa luân chuyển. Con người chỉ xuất hiện một lần trong đời và cũng chỉ một lần ra đi mãi mãi vào cõi vĩnh hằng. Nhưng những gì là thơ, là văn, là nghệ thuật đích thực… thì còn mãi với thời gian, có lẽ mãi mãi về sau, chúng ta vẫn gặp cảnh hoàng hôn và tâm sự u hoài trong hồn thơ nữ sĩ Thanh Quan qua sáng văn trác tuyệt:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Cò cây chen đá, lá chen hoa
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Cha của nữ sĩ Thanh Quan là nhà nho ở phường Nghi Tàm (Hà Nội). Dưới triều vua Minh Mạng, vốn hay chữ, giỏi thơ văn nên bà được vua triệu vào cung dạy các cung nữ, cung phi. Rời bỏ gia đinh, chồng con, xa chốn kinh kì náo nhiệt, lòng nữ sĩ không khỏi u buồn.
Bà Huyện Thanh Quan được sống và được chứng kiến sự huy hoàng của triều đại nhà Lê. Hẳn trong lòng nữ sĩ không khỏi nuối tiếc cái vàng son ấy. Lời thơ của bà mang tâm sự hoài cổ. Ngay trong bài thơ Thăng Long thành hoài cổ ta thấy:
Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương
Lối xưa xe ngựa, nền cũ lâu đài, hơi hương ngự, nếp áo chầu… phảng phất u hoài trong hồn thơ trang nhã đài các.
Hầu hết trong các thi phẩm của bà đều mở đầu bằng hình ảnh hoàng hôn. Trong bài thơ Qua đèo Ngang cũng không nằm ngoài mô tip đó – một tứ thơ quen thuộc:
Bước tới đèo Ngang bóng xế tà
Coe cây chen đá, lá chen hoa
ở đây cảnh chiều tà được nữ sĩ chọn để xây dựng tứ thơ, không ồn ào, náo nhiệt mà lặng lẽ âm thầm như bức tranh thuỷ mặc cổ điển. Cùng nói về Đèo Ngang nhưng với Cao Bá Quát thì Hoành sơn vang vọng bài ca với những hình ảnh hùng tráng sóng bể trắng xoá bạc đầu, sấm ran chớp giật rợn người, gió táp xô vỡ thuyền… còn với Vũ Quần Phương thì Đèo Ngang hiện ra rất ấn tượng:
Đèo Ngang gánh hai đầu đất nước…
Đèo Ngang quay cuồng trong gió bão…
Đèo Ngang thật kì vĩ, hoành tráng biết bao. Ngược lại với Bà Huyện Thanh Quan, Đèo Ngang hiện ra hoang sơ vắng vẻ buồn bã. Cây lá chen chúc nhau vươn ra ánh sáng mặt trời, rậm rạp hoang sơ… Gợi nỗi buồn man mác trong cảnh chiều tàn sắp tắt. Hình ảnh trong bài thơ vừa mang tính ước lệ, vừa chọn lọc gây ấn tượng cho người đọc. Nếu như chỉ dừng lại ở hai câu khai ta chỉ thấy không gian và cảnh vật mà chưa thấy hết cái hay của những câu sau. Đọc toàn bài, cảnh vật đan cài vào nhau, lẫn vào nhau như màu mực đậm, nhạt trong một bức tranh cổ điển. Và đằng sau những hình ảnh ấy là tình cảm bâng khuâng, nao nao của thi nhân.
Người xưa thường nói: thơ là cô đặc của ngôn từ hay ý tại ngôn ngoại. Cả bài thơ vẻn vẹn có năm mươi sáu chữ mà ý thì sâu sắc biết bao. Bài thơ mở ra bát ngát một vùng trời mênh mông sông nước và lồng vào đó là tâm hồn nữ sĩ chất chứa riêng tư.
Ta hãy chú ý hai câu cuối:
Dừng chân đứng lại, trời, non, nước
Một mảnh tình riêng, ta với ta.
Cảnh vật được mở ra với trời, non, nước rồi bỗng se sắt lại lòng ta với ta. Đọc bài thơ Qua đèo Ngang ta có cảm giác nhà thơ không tốn công sức để đẽo gọt gia công từ ngữ, câu văn giản dị trong sáng giàu sức biểu cảm, các thủ pháp tu từ sử dụng điêu luyện, nhuần nhuyễn. Ta không bàn đến niêm luật của bài thơ bởi đây là mẫu mực cho một bài thơ thất ngôn bát cú Đường luật. Mà chỉ cảm nhận cái nghệ thuật đặc sắc tả cảnh bốn câu thực và luận.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia
Cái hay của bốn câu này là giản dị, không phức hợp các mệnh đề. Đắt giá nhất phải kể đến nghệ thuật đảo trật tự cú pháp, lom khom, lác đác được sử dụng như những động từ mà lại đặt ở đầu câu, còn các chủ từ đặt cuối câu. Điều này nhằm nhấn mạnh sự vắng vẻ, tiêu điều của cuộc sống và con người chốn đèo Ngang. Ta hãy so sánh với cách viết thông thường:
Vài chú tiều lom khom dưới núi
Mấy nhà chợ lác đác bên sông
Câu thơ trở nên thật tầm thường, mất hẳn cái hay, nét đặc sắc. Do vậy hai câu sau từ nhớ và thương được đặt lên đầu câu. Việc đưa hai từ đó lên đầu câu giúp cho người đọc đồng cảm ngay với cái tình của tác giả.
Ta nghe trong hai câu thơ đó có tiếng của thiên nhiên, của cuộc sống hay chính là tiếng lòng của thi nhân. Tiếng lòng ấy lại gặp chính nó ta với ta.
Gấp trang sách lại mà tâm hồn ta còn đang bâng khuâng cùng nữ sĩ. Thời gian cứ trôi đi vô tận, nhưng bài thơ Qua đèo Ngang vẫn sẽ mãi mãi lắng đọng trong tâm hồn chúng ta.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi