Em đã đọc bài thơ “Lượm” của Tố Hữu. Em hãy chuyển nội dung bài thơ thành một câu chuyện
Contents
DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
1. TÌM Ý, CHỌN Ý
a. Nhân vật của truyện
– Em Lượm.
– “Tôi”, người mà Lượm gọi là chú.
– Người đưa tin về Lượm.
Trong các nhân vật trên, chỉ có Lượm là nhân vật cần được kể ra. Còn “tôi” và người đưa tin chỉ là người kể chuyện về em Lượm. Như vậy, muôn kể chuyện này, em hãy đóng vai người chú và người đưa tin mà kể về Lượm.
b. Sự việc trong truyện
Bài thơ giới thiệu cho ta biết về em Lượm qua hai sự việc:
– Cuộc gặp gỡ với Lượm ở Huế.
– Lượm đi liên lạc và bị hy sinh.
Em hãy tưởng tượng, hình dung hai sự việc ấy.
c. Cách xưng hô: Đây là thay mặt người chú để kể chuyện về em Lượm thì em phải gọi Lượm là emy hoặc cháu. Không thể gọi Lượm là bạn hay anh được.
2. DÀN BÀI SƠ LƯỢC
a) Mở bài: Giới thiệu khái quát về Lượm.
b) Thân bài: Kể về hai sự việc:
– Cuộc gặp Lượm tại Huế.
– Cuộc gặp người quen, nghe kể việc hy sinh của Lượm.
c) Kết bài: Lòng thương tiếc và ý nghĩ về cái chết của em.
3. DÀN BÀI CHI TIẾT
a) Mở bài: Giới thiệu về em Lượm.
– Trong kháng chiến, nhiều thiếu nhi đã tham gia và hy sinh anh dũng.
– Lượm là một trường hợp rất đáng thương và cảm phục.
b) Thân bài:
– Cuộc gặp Lượm tại Huế
+ Giới thiệu cuộc gặp
+ Miêu tả chân dung Lượm.
+ Trò chuyện với Lượm.
+ Chia tay.
– Trường hợp hy sinh của Lượm
+ Giới thiệu người chứng kiến ra kể.
+ Lượm nhận nhiệm vụ liên lạc.
+ Lượm hi sinh, cảnh tượng hi sinh.
c) Kết bài:
– Lòng thương tiếc.
– Ý nghĩ của em về cái chết của Lượm.
BÀI LÀM
Trong cuộc kháng chiến anh dũng của dân tộc ta chống quân xâm lược, tôi đã biết nhiều trường hợp hi sinh. Trong số đó, sự hi sinh của các em thiếu nhi làm tôi rất xúc động.
Ngày ấy, khi giặc Pháp đánh đến Huế, thì tôi vừa ở Hà Nội về, tình cờ gặp cháu Lượm. Đó là chú bé nhỏ loắt choắt, đeo cái xắc bé xíu. Đặc biệt chú thích đội nghiêng chiếc mũ calô trên đầu, vừa huýt sáo, vừa nhảy chân sáo, nom hệt như một chú chim chích trên đường những buổi sớm mai.
Tôi hỏi:
– Cháu đi làm liên lạc cho cơ quan kháng chiến, có nhớ nhà không?
Cháu cười rạng rỡ, hai mắt híp lại, hai má đỏ hồng như trái bồ quân, nói:
– Ở đồn Mang Cá vui lắm chú ạ, còn vui hơn ở nhà nhiều!
Tôi từ biệt cháu, lại lên đường ra Bắc, còn cháu lại trở về Mang Cá. Từ đó công việc liên miên tôi không còn dịp nào trở về Huế nữa.
Một hôm, tôi gặp một người quen từ Huế ra công tác. Trong giờ nghỉ, người ấy nói:
– Cháu Lượm hi sinh rồi, anh biết không?
– Sao? Lượm hi sinh rồi sao, trong trường hợp nào? Tôi hấp tấp hỏi đôi mắt như nhòa đi.
Người quen ấy kể:
– Cháu Lượm vẫn làm liên lạc cho cơ quan chúng tôi. Một hôm có công văn khẩn phải đưa đi gấp. Đường đi băng qua đồn địch, rất nguy hiểm. Chúng tôi căn dặn:
– Phải cẩn thận, đường nguy hiểm lắm đấy, qua đồn cháu phải coi chừng mới được.
Cháu mỉm cười, bừng đỏ đôi má bồ quân.
– Nguy hiểm cháu cũng không sợ, việc cần thì phải đi.
Nói rồi cháu bỏ thư vào bao, đội mũ ca lô ra đi. Từ xa tôi trông theo vẫn thấy cái mũ ca lô nhấp nhô trên đồng lúa như thể cháu vừa đi vừa nhảy, vừa huýt sáo vậy. Bỗng từ phía đồn địch một chớp đỏ lóe lên rồi một tiếng nổ vọng lại. Cái mũ ca lô biến mất. Khi chúng tôi tìm đến thì cháu đã hi sinh. Máu đỏ thấm ướt ngực cháu, nhưng nét mặt thanh thản như là đang ngủ, một tay nắm chặt bụi lúa bên đường. Đồng lúa đang trổ đòng đòng, hương thơm ngào ngạt như đang ấp cho cháu ngủ.
Tin cháu Lượm hi sinh làm tôi xót xa bàng hoàng. Từ độ kháng chiến đến nay, tôi đã nghe nhiều tin tức hi sinh của đồng bào đồng chí, nhưng tin cháu Lượm bỏ mình làm tim tôi xao xuyến mãi. Cháu còn bé bỏng quá, vô tư quá, đã hiểu thế nào là sống chết đâu. Trước mắt tôi bỗng xuất hiện lên hình ảnh một chú Lượm nhỏ bé, đeo cái xắc xinh xinh, đội cái mũ ca lô lệch, vừa huýt sáo vừa nhảy tâng tâng như con chim chích của vườn ruộng Việt Nam.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi