Dòng sông nói với con đường: “Tôi luôn luôn chảy, còn anh thì cứ đứng yên hoài”. Hãy kể câu chuyện trên
DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
A. MỞ BÀI:
Giới thiệu nhân vật và hoàn cảnh
+ Tôi là một dòng sông thấy mình có ích và kiêu hãnh về điều đó.
B. THÂN BÀI:
Dòng sông kể về sự kiêu hãnh và tự phụ của mình đã gây ra hậu quả như thế nào.
1. Đang chán ngán vì buồn thì có người tâm sự, đó là con đường. Thế nhưng ý nghĩ mình phải chiều chuộng, phải dừng lại với đường để trò chuyện làm sông tự ái. Sông từ chối tàn nhẫn.
2. Đường ngơ ngác rất tội nghiệp, không hiểu tại sao thái độ thân thiện của mình lại được đáp ứng như thế.
3. Sông vẫn đi không thèm nghĩ đến đường. Sông gặp sóng nhưng sóng thờ ơ không thèm làm bạn với sông. Thậm chí sóng cưỡi lên mặt sông mà vượt về phía trước.
4. Sông thấy mình cô đơn và bị khinh rẻ, ân hận nhớ lại thái độ của mình với đường lúc nãy.
5. Sông làm bạn lại với đường. Đường hân hoan chào đón tình bạn mà sông dành cho mình.
C. KẾT LUẬN:
Sông rút ra bài học – cần phải kết bạn với mọi người – không nên kiêu căng.
BÀI LÀM
Tôi là một dòng sông, tuy tôi không lớn lắm nhưng cũng có nhiều ghe tàu qua lại. Tôi cảm thấy mình thật có ích và đôi khi lấy làm kiêu hãnh.
Một hôm vắng vẻ hơn mọi hôm, giữa cái nắng cháy da của một ngày oi bức, như thường lệ, tôi vẫn êm ả chảy xuôi ra sông lớn. Không một bóng ghe thuyền đi lại trên dòng, không một đám lục bình trôi lạc trên sông, nhìn cảnh đó mà tôi chán ngán. Bỗng nhiên tôi cảm thấy buồn và muốn tìm một người bạn đường. Chợt có tiếng hỏi: “ Bạn đi đâu giữa trưa nắng thế, sông?”. Tôi lấy làm ngạc nhiên: “Ai hỏi thế?”.
“Tôi đây, tôi là con đường đây mà. Bạn có thể ghé lại, dưới bóng dừa bên sông, nói chuyện với tôi được không?”.
Đang buồn, có bạn để nói chuyện thì thật là vui, lại còn bóng dừa mát rượi kia nữa, ắt hẳn mát lắm, nhưng nếu vậy thì ta sẽ phải lệ thuộc vào nó ư? Tại sao nó không chạy dọc theo để nói chuyện với ta mà bắt ta dừng lại. Không! Không bao giờ! – Tôi nghĩ thế và liền cất tiếng: “Tao không rảnh để nói chuyện với mày đâu. Mày chỉ đứng yên có một chỗ trong khi tao chảy không ngừng, làm sao mày có thể xứng đáng là bạn của tao được”.
Nói rồi, tôi tiếp tục đi trong khi con đường còn đang ngơ ngác và kinh ngạc trước thái độ của tôi. Biết thế, tôi lại chảy uốn lượn trước mặt, không thèm ngoái cổ lại, tỏ vẻ khinh rẻ nó…
Chiều nay, nước sông sao đầy quá! Văng vẳng bên sông những tiếng bìm bịp, kêu báo con nước lớn. Nhiều con sóng lạ trong những bộ quần áo đẹp vượt qua mặt tôi, dường như họ ở đâu mới đến. Tôi muốn làm quen để khỏi bị lẻ loi nhưng họ cứ chạy đến và vượt qua mặt tôi. Không ai để ý đến, tôi cảm thấy cô đơn và bị khinh rẻ. Lúc này tôi mới hiểu ra một điều, mình khinh rẻ người này vì họ thua mình ở một điểm gì đó thì cũng có kẻ khác khinh rẻ mình vì mình chưa chắc đã hơn ai. Tôi chợt nghĩ giá như lúc này tôi ở lại bên gốc dừa, đừng khinh rẻ con đường thì giờ đây tôi không bị ai khinh và còn có bạn nữa. Nghĩ thế, tôi vội chạy nhanh đến bên mõm sông nơi cây dừa đứng và cất tiếng gọi con đường: “Bạn đường ơi! Bạn có đây không?”
Đường ra đón tôi. Quả thật chính vì đường cứ đứng yên mãi mà tôi còn có bạn vào phút cuối cùng để tránh nỗi lẻ loi. Nếu đường cũng đi như tôi thì không biết tôi sẽ ra sao nữa?
Nhìn thái độ ân cần, niềm nở của đường mà tôi hổ thẹn, hổ thẹn cho chính tôi vì sao quá nông nổi, chỉ xét người theo hình thức bên ngoài. Sau đó, chúng tôi kết bạn với nhau và kể từ đó, tôi không còn thái độ khinh ai nữa.
Trong đời sống chúng ta, kết bạn thì dễ nhưng có được một tình bạn đẹp, chân thành thì quả là rất khó. Chính vì thế chúng ta không nên đối xử tệ bạc với ai cả, có như thế chúng ta sẽ không phải hối hận mà luôn có thêm những người bạn tốt.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi