Có ý kiến nhận định: “Trong lịch sử văn học ta có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ đã viết được về nỗi đau của con người, nhất là nỗi đau của người phụ nữ như là nỗi đau riêng của chính bản thân mình”. Em hãy làm sáng tỏ nhận định trên
Nỗi niềm xưa, nghĩ mà thương
Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng
Nhân tình nhắm mắt chưa xong
Biết ai hậu thế khóc cùng Tố Như?
Mai sau, dù có bao giờ.
{Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu)
Gần ba thế kỉ trôi qua.
Thời gian đóng dày trên những trang thơ ngày nào một lớp bụi mờ như năm tháng đi qua còn để lại dâu chân.
Gần ba thế kỉ trôi qua… vẫn những vần thơ đẫm đầy máu và nước mắt ấy, sáng long lanh và sáng đến đau buốt cả lòng người…
Tố Như! Là tiếng khóc của Người ấy ư? Ba thế kỉ trôi qua, Kiều vẫn còn đây, Sở kiến hành vẫn còn đây, bao nhiêu người đang khóc Người và khóc cùng Người những nỗi đau thuở ấy.
Nên đã có nhận định cho rằng: Trong lịch sử văn học, ta có thể nói Nguyễn Du là nhà thơ đã viết được về nỗi đau của chính mình.
Vươn lên trên hạn định không gian và thời gian, Tố Như đã hỏi cả nhân loại mai sai và một câu nhức nhối:
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
(Độc Tiểu Thanh kí)
Người ta hỏi tất cả. Hỏi chúng ta, hỏi từng vòng quay lịch sử, hỏi đến cả ngàn năm mai sau và hỏi đến mãi mãi. Một câu hỏi đau xót không chỉ cho mình mà còn cho tất cả những con người đau khổ trong xã hội. Người đã sống. Ta khóc cho Người hay khóc chung với Người? Có lẽ cả hai, bởi vì Người chính là hiện thân cao cả của nỗi đau đời vĩ đại, nỗi đau cho thân phận con người, nhất là nỗi đau của người phụ nữ, trong đó có nỗi đau riêng của chính bản thân Người. Xã hội ấy là như vậy đó, một xã hội vùi dập tài hoa, vùi dập phẩm giá, vùi dập tiết hạnh con người và Tố Như, với trái tim đầy lòng nhân đạo cao cả và trong sáng. Người đã nhận ra nỗi đau của mọi người trong nỗi đau của chính cuộc đời mình.
Tố Như đã sống và đã biết vị mặn nhất của nước mắt và màu đỏ nhất của máu trong tim. Văn tế thập loại chúng sinh là một tiếng khóc lớn cất lên tiếng khóc ấy cho tất cả những số phận rỗng bạo tàn, Tố Như cất lên tiếng khóc ấy cho tất cả những số phận bi thảm của con người. Tất cả họ khi sống dù là mũ cao áo rộng, là những thư sinh nho sĩ, là những người cùng đinh chân lấm tay bùn… nhưng khi chết đi đều là những cô hồn thất thểu, vất vưởng, khổ đau không nơi nương tựa. Tố Như khóc họ, khóc cho tất cả, dù khi họ sống ông vẫn phân biệt rõ ràng kẻ ngay người gian, kẻ ông yêu người ông ghét. Nhưng họ chết đi, Tố Như thương tất cả. Não nùng biết mây những câu thơ đầy máu và nước mắt:
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ lìa cha
Lấy ai bồng bế xót xa
U ơ tiếng khó thiết tha nỗi lòng.
Chúng chỉ là những đứa trẻ chết yểu thôi, nhưng Tố Như đã khóc chúng như khóc những con người thực sự, bởi cuộc sống thật tàn nhẫn, đã cướp các em đi khi vừa được nhìn thấy ánh mặt trời. Tố Như đã thay những người cha, người mẹ mất con mà đau thương nấc nghẹn trong tiếng khóc. Lấy ai để bồng bế yêu thương các em? Chỉ có tiếng khóc của Nguyễn Du, người cha vĩ đại của các con mà thôi.
Bởi vì Nguyễn Du, người đã sống và khóc cho tất cả, người hiểu từng nỗi đau của từng loại người trong xã hội. Trước và sau Người đã có ai cảm được cái gánh nặng cuộc đời đè lên trên vai người lao động như thế không?
Đòn gánh tre chín dạn hai vai.
Tưởng như tất cả nỗi đau, nỗi trăn trở về cả thể xác lẫn tinh thần đang hội tụ lại trong một từ chín dạn. Tưởng như chính Người, chính Tố Như đã ghé vai gánh cái gánh nặng mưu sinh, cái gánh nặng cuộc đời ấy để bây giờ lặng đi mà nghe nó đè trĩu lên trái tim mình. Đôi vai họ chín dạn trong gian truân vất vả hay trái tim Nguyễn Du đã chín dạn trong niềm cảm thương, trong nỗi đau khổ cao cả và tột cùng ấy?
Tố Như đang sống trong cõi sống mà dường như lại đã chìm hẳn vào cõi chết để tìm đều chia sẻ với trăm ngàn oan hồn bạc mệnh:
Sống đã chịu một đời phiền não
Chết lại nhờ hớp cháo lá đa.
Tất cả ân oán cuộc đời đã tan đi hết và chỉ còn đây niềm cảm thương đầy cao thượng và chân thật của Tố Như. Người như chết lặng trong dòng nước mắt, những lời thơ nghẹn ngào không thể trào ra thành dòng mà lại như nấc lên đau đớn. Nỗi đau ấy vùi sâu trong lòng đã lâu, mà nay khi Tố Như nhìn thấy như là tận mắt cái cảnh từng đoàn cô hồn thất thểu lang thang và vất vưởng trong cõi âm, đi lặng lẽ về một nơi vô định, không ánh sáng mà chỉ toàn bóng tối thăm thẳm mịt mùng. Nỗi đau sao không thể vỡ oà ra, không thể chảy tràn ra mà lại âm thầm tắc nghẹn trong tim? Người đang đứng trước cái vô hạn của cuộc đời tuần hoàn biến chuyển, trước cái lạnh lẽo của ngàn năm đời người vô thuỷ vô chung… Vậy mà tiếng khóc của người đã lặng lẽ chảy theo thời gian, theo đoàn cô hồn khổ đau ấy đến tận ngày nay để làm nhức nhối vạn triệu người về một vết thương đã lành mà vẫn chưa hết đau…
Tố Như mang theo khối tình đau đớn ấy suốt đời. Bao nhiêu lần Người đã xót xa thốt lên những lời thống thiết cho số phận con người:
Già giang một lão một trai
Một dây vô loại buộc hai thâm tình
…
Rường cao rút ngược dây Gan
Dẫu là đá cũng nát gan lọ người.
(Truyện Kiều)
Khối tình ấy đã từng giờ từng phút làm quặn thắt trái tim Người, không thể nào nguôi:
Hồn không thấy mấy trăm châu ở Hồn Nam đó sao
Chỉ toàn những người gầy gò, không ai béo tốt.
(Phản chiêu hồn)
Và khối tình ấy, không có thể làm nguôi tan, cho dù gần ba thể kỉ trôi qua…
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
(Truyện Kiều)
Phải, gần ba thế kỉ trôi qua…
Nhưng có lẽ, nổi bật nhất trong thơ Nguyễn Du, không ai khác mà chính là người phụ nữ, tầng lớp chịu nhiều đau khổ nhất trong xã hội. Hơn một lần Người đã thống thiết nỗi đau khổ ấy cho những con người bạc mệnh:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung.
(Truyện Kiều)
Cũng có kẻ lỡ làng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt bán hoa
Đau đớn thay phận đàn bà
Kiếp sinh ra thế, biết là tại đâu?
(Văn chiêu hồn)
Từ một người con gái tài hoa bi cuộc đời vùi dập, trong cơn thương hải tang điền trong Độc Tiểu Thanh kí, Long Thành cầm giả ca, đến hạng người có thể nói là bị coi rẻ, bị chà đạp nhất đó là những cô gái lầu xanh… Tất cả đều được Nguyễn Du yêu thương, xót xa và cất lên một tiếng khóc vĩ dạ.
Truyện Kiều, kiệt tác bất hủ của Nguyễn Du là biểu hiện cao nhất của tình thương và nỗi đau trong trái tim Tố Như. Người đã thực sự hoá thân vào Kiều để làm sống lại một cách rất sáng tạo và nhân đạo tác phẩm của Thanh Tâm Tài Nhân một cách trọn vẹn, nói như Xuân Diệu thì, Tố Như đã đẻ Kiều ra từ trong trái tim. Đúng, nếu không như vậy, thì làm sao ông viết được nên nhừng câu thơ thông thiết và nhức nhối lòng người đến vậy:
Cậy em, em có chịu lời Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa.
Đòn gánh cuộc đời oằn xuống bởi hai chữ cậy và chịu ấy. Tất cả nỗi đau, tất cả tình cảm của Kiều được dằn xuống cho lí trí lên tiếng, để rồi tình yêu bừng dậy khi giở đến những kỉ vật ngày xưa thì Kiều bỗng nhiên chới với như thể trái tim bị xé làm đôi:
Duyên này thì giữ, vật này của chung.
Và tất cả những hãi hùng thảng thốt đổ ập lên trái tim nàng:
Hồn còn mang nặng lời thề
Nát thân bồ liễu đền ghì trúc mai
Nợ tình chưa trả cho ai
Khối tình mang xuống tuyền đài chưa tan.
Không, không chỉ là lời Kiều, mà chính Nguyễn Du đang chới với thét lên! Chính là nỗi đau của Người, trái tim của người đang xé làm đôi: tình cảm và lí trí. Người là Kiều và Kiều chính là Người. Lời Kiều nói hay cũng chính là lời Người đang than cho số phận của mình:
Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh
Giật mình, mình lại thương mình xót xa
Mặt sao dày gió dạn sương
Thân sao bướm chán ong chường bấy thân.
Thân sao thân đến thế này…
Những câu hỏi sao, sao… cứ xoáy vào lòng người đau buốt, nhức nhối, ngàn năm không thể có lời đáp. Trời ơi! Nguyễn Du đang tự hỏi mình, hỏi người, hỏi tất cả, hỏi cả lịch sử những câu đau xé đấy ư? Những lần Kiều bị đánh, có phải mỗi ngọn roi giáng lên người nàng cũng là một ngọn roi vô hình giáng lên trái tim Nguyễn Du đó không:
– Thịt da ai cũng là người
Lòng nào hồng rụng thắm rời chẳng đau.
– Một sân lầm cát đã đầy
Gương lờ nước thuỷ mai gầy vóc xương.
Tố Như ơi! Có phải không, nỗi đau trong cuộc đời Kiều không phải là một bi kịch mà là một chuỗi những bi kịch kế tiếp nhau, mà mỗi lần nàng cố ngoi đầu lên, muốn vươn lên để gọi là được sống thì lại một lần bị dìm xuống sâu hơn nữa? Có phải không. Kiều đã tự tử vì nàng hiểu rằng cả xã hội đó không còn chỗ nào cho nàng sống, cho Từ Hải sống? Cũng như Nguyễn Du vậy. Bao lần Người đã thốt lên kiếp hồng nhan, đời thông minh… Đau khổ, nặng nề biết bao, như chính cuộc đời của Nguyễn Du cũng đau khổ như vậy. Đó là tiếng khóc vĩ đại của cả một đời người, của cả một vĩnh hằng.
Trong xã hội ấy, cuộc đời ấy, Tố Như đã sống, đã yêu, và đã khóc:
Ba trăm năm, Nguyễn ở đâu?
Ba ngàn năm, trái tim đau … chín chiều.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi