Bình giảng đoạn thơ Từ câu

0

Contents

YÊU CẦU

1. Về nội dung:

Cần nêu được hai ý lớn (phần giảng) kết hợp nhận xét cảm hứng, nghệ thuật của nhà thơ (phần bình).

a) Khung cảnh núi rừng Việt Bắc hùng vĩ, hiểm trở, nhưng nhiều thuận lợi, hỗ trợ cho quân dân ta đánh giặc.

b) Cuộc ra quân chiến đấu sôi động, hào hứng của các lực lượng: Bộ đội, dân công… hứa hẹn ngày toàn thắng.

2. Về hình thức:

a) Kiểu bài: Bình giảng – học sinh có thể “giảng” chi tiết rồi “bình” tổng hợp, hoặc vừa “bình” vừa “giảng” miễn là nêu được sự thống nhất giữa nội dung, cảm hứng và ngôn ngữ nghệ thuật (như yêu cầu kiểu bài “bình giảng”).

b) Hành văn, diễn đạt cần có cảm xúc, có “chất văn”.

BÀI LÀM

Trong gian khổ, khó khăn, ý chí quật cường và tinh thần đoàn kết của dân tộc ta càng được nhân lên gấp bội. Cũng chính nhờ sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc, nhân dân ta đã bao lần đánh tan mọi thế lực hung tàn. Cuộc kháng chiến trường kì chống thực dân Pháp lần thứ hai của cả dân tộc đã khép lại trong quá khứ, song lớp lớp thế hệ hôm nay và mai sau vẫn được nhắc nhở, được hiểu phần nào về quá khứ hào hùng của cha ông. Theo dòng hồi tưởng của nhà thơ Tố Hữu trong bài Việt Bắc, bạn đọc lại một lần nữa chứng kiên cuộc kháng chiến chống Pháp ấy của đất nước ta với những sức mạnh anh hùng của khối đại đoàn kết, sức mạnh của tình quân dân để tạo nên bao thắng lợi lẫy lừng. Khối đoàn kết và những chiến công, sức mạnh của đội quân anh hùng đó được thể hiện rất đậm nét trong đoạn thơ:

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên…

Những kỉ niệm thời kháng chiến cứ dần dần hiện lên trong tâm trí nhà thơ. Trong nỗi nhớ đó, có nỗi nhớ về những ngày tháng cách mạng còn trong trứng nước, có nỗi nhớ về con người Việt Bắc ân tình, thủy chung và cũng có những nỗi nhớ về những trận đánh.

Nhớ khi giặc đến giặc lùng

Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây

Làm sao quên được cái cảnh càn quét, săn lùng của kẻ thù – một bầy chó săn khát máu. Đã bao lần chúng tắm nhân dân ta trong bể máu, trong tiếng kêu khóc đau thương dậy đất trời. Quân giặc muốn tìm mọi cách đàn áp, khủng bố để nhấn chìm đất nước ta. Không chỉ trong thơ Tố Hữu mà ở những bài thơ khác, bao tiếng thơ ai oán, căm hờn đã bật lên trước tội ác quân xâm lược:

Giặc kéo lên ngùn ngụt lửa hung tàn

Ruộng ta khô

Nhà ta cháy…

… Chó ngộ từng đàn

Lưỡi dài lê sắc máu

(Bên kia sông Đuống – Hoàng Cầm)

Song âm mưu nham hiểm và dã tâm của kẻ thù là không thể cản trở được lòng yêu quê hương đất nước của nhân dân ta, cụ thể là nhân dân Việt Bắc. Trong giờ khắc quyết định số phận của mình, quân dân đã vùng lên. Không chỉ con người mà cả rừng núi cũng chung sức đánh Tây. Thiên nhiên, đất trời, núi rừng Việt Bắc đã trở thành những người đồng đội, những chiến sĩ anh hùng của quân dân ta. Vậy núi, rừng góp gì cho cuộc kháng chiến gian khổ ấy?

Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng vây quân thù

Những dãy núi trùng điệp dàn trải như thành lũy kiên cố mà kẻ thù không thể nào đột nhập. Bên cạnh núi có những cánh rừng vừa bao vây quân thù, vừa chở che cho bộ đội. Núi, rừng vốn là những vật vô tri, song giờ đây dưới con mắt của nhà thơ, hay nói đúng hơn trước cuộc kháng chiến gian khổ của người dân Việt Bắc, núi rừng thiên nhiên cũng trở nên có ý chí, có tình người. Chúng cùng quân dân tham gia chiến đấu. Tư thế hiên ngang kiêu hùng của bao vách núi làm cho kẻ thù bất lực. Cái dáng ngay thẳng của tre nứa đầy dũng khí đâm thẳng lên trời xanh như luôn khiêu khích quân giặc. Với nghệ thuật nhân hóa, Tố Hữu đã biến núi rừng, thiên nhiên thành những người con Việt Bắc anh dũng kiên cường. Hai từ “che” và “vây”, đối lập nhau, càng làm nổi bật vai trò của những cánh rừng. Quả thật Việt Bắc là một vùng đất địa linh quý báu. Để từ đó:

Mênh mông bốn mặt sương mù

Đất trời ta cả chiến khu một lòng

Khung cảnh chiến đấu vừa hùng dũng, vừa mơ mộng. Đất trời bao la chìm trong sương mù dày đặc. Sương như cũng che chở cho quân ta và cản bước quân thù. Cả núi rừng Việt Bắc giờ đây đang cùng chung một nhịp đập trái tim. Tất cả đang hướng về cuộc chiến đấu, hướng về sứ mệnh bảo vệ mảnh đất, bảo vệ quê hương yêu dấu. Cụm từ “cả chiến khu một lòng” đã nhấn mạnh thêm tình đoàn kết quân dân, sự gắn bó con người và thiên nhiên. Mọi cảnh vật, con người đan xen vào nhau, tuy nhiều mà thành một. Tất cả bừng lên một ngọn lửa căm hờn, một ngọn lửa hừng hực quyết chiến. Viết câu thơ này, Tố Hữu như tự hào, hân hoan hết sức trước nhiệt huyết của quân dân, núi rừng. Có thể nói trong lòng bạn đọc cũng dậy lên một dũng khí chiến đấu, quyết thắng. Phải chăng khi Tổ quốc, khi quê hương cần đến, tất cả thiên nhiên và con người đều sẵn sàng? Họ sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng hi sinh vì quê hương, Tổ quốc. Trong hòa bình, họ yêu thương, quý mến nhau. Tình đoàn kết, quyết chí trong họ lại càng được nhân lên gấp bội khi họ cùng đấu tranh. Sáu câu thơ đã phần nào thể hiện lòng yêu mến, tự hào và cảm phục của nhà thơ trước mảnh đất và con người Việt Bắc nói riêng cũng như nhân dân Việt Nam nói chung.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết cộng đồng cùng ý chí anh hùng đã giúp cho nhân dân Việt Bắc làm nên những chiến công anh hùng. Hàng loạt những địa danh vang lên. Mỗi nơi đều gắn với một thắng lợi vinh quang. Đây Phủ Thông, kia đèo Giàng rồi những trận thủy chiến trên sông Lô… Cuọc kháng chiến đã nổ ra ở khắp mọi nơi. Những chiến thắng đó không chỉ trải dài theo chiều rộng không gian mà còn trải cả trong chiều dài nỗi nhớ. Nhà thơ đặt câu hỏi, nói đúng hơn là người ở lại hỏi người ra đi: Ai về ai có nhớ không? Người ra đi làm sao mà quên được những trận đánh, những chiến công. Bởi trong những vinh quang đó còn có bao dòng máu của đồng đội, bạn bè. Có chiến thắng nào mà không phải trả giá. Hơn nữa trong cuộc kháng chiến này, cái giá mà ta phải trả lại quá đắt. Càng đau thương, lòng ta lại càng nhớ, nhớ về những chiến công, cũng là tưởng nhớ về những người anh hùng đã ngã xuống. Để hôm nay, đồng đội, bạn bè và con cháu được sống và được tự hào về thắng lợi, về sức mạnh anh hùng của dân tộc. Bằng biện pháp liệt kê, nhà thơ đã nhắc lại bao chiến công hào hùng của quân và dân ta. Thật tự hào và đáng trân trọng xiết bao.

Từ những chiến công, nỗi nhớ của người ra đi và người ở lại, về những đêm hành quân thật hùng dũng đã hiện về:

Những đường Việt Bắc của ta

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Cả núi rừng, đất trời vang dậy trong bước hành quân. Thiên nhiên chuyển mình hay cũng chính là lúc nước ta chuyển sang giai đoạn mới của cuộc kháng chiến. Từng đoàn quân nối nhau ra tiền tuyến. Trong trái tim họ, những lời thề vang vọng, mãi thúc giục họ đi lên, họ đã quyết một đi không trở lại: “Ba năm mẹ già cũng đừng mong” (Thâm Tâm).

Tất cả những lo toan bề bộn của cuộc sống hằng ngày, họ đều dẹp lại sau lưng. Từng dọng chữ trong câu thơ như cũng đang rung lên theo nhịp bước. Những người chiến sĩ anh hùng cứ tiến lên phía trước, tiến đến một ngày mai tươi sáng, vẻ đẹp hùng dũng của đoàn quân được tái hiện rất cụ thể qua câu thơ so sánh:

Đêm đêm rầm rập như là đất rung

Hình tượng người lính trong đêm hành quân gợi nhớ tới thơ Quang Dũng:

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc

Quân xanh màu lá dữ oai hùm

(Tây Tiến)

Trong bài Tây Tiến, hình ảnh người lính hiện lên hào hùng trong gian khổ. Ở thơ Tố Hữu, những khó khăn gian khổ đã phần nào được gác lại, để chỉ tái hiện lên một đoàn quân dũng mạnh:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

Từng đoàn binh “điệp điệp, trùng trùng” tiến đi. Trong họ là cả một bầu trời đầy dũng khí. Cảnh tượng hành quân dài dặc, đông đảo như những dãy núi kế tiếp trùng lên nhau. Miêu tả cảnh hành quân, nhà thơ sử dụng cụm từ “điệp điệp trùng trùng”. Có lẽ chẳng còn từ ngữ nào có thể diễn đạt được sức mạnh của đoàn binh hơn thế. Trong đoàn quân đó có những con người không chỉ biết cầm súng chiến đấu mà họ còn là những thanh niên đầy lãng mạn. Họ làm bạn với trăng, sao. Trong đêm tối, ánh sao soi đường cho các chiến binh, chia sẻ với họ những tâm tư tình cảm. Cảnh thật đẹp và mơ mộng quá. Không gian đang sục sôi bỗng như lặng đi trước một cảnh tượng đẹp. Nhạc thơ cùng trầm lắng lại khiến hồn thơ bay bổng diệu kì. Hình ảnh “ánh sao đầu súng” không mới. Chính Hữu đã từng viết:

Đầu súng trăng treo

(Đồng chí)

Song sự chuyển đổi nhịp nhàng giữa hai câu thơ:

Quân đi điệp điệp trùng trùng

Ánh sao đầu súng bạn cùng mũ nan

làm câu thơ và hình ảnh người lính bỗng đẹp thêm. Ở họ tiềm tàng hai tâm hồn: Một tâm hồn của người chiến sĩ và một tâm hồn của người thi sĩ. Họ thật đáng cảm phục biết bao. Trong đêm tối, hình ảnh đoàn binh hiện lên càng rõ nét. Họ làm chủ đất trời, vũ trụ bao la. Đó là những con người anh hùng của mảnh đất anh hùng.

Cùng với những chiến binh, bao đoàn dân công xung phong ra tiền tuyến:

Dân công đỏ đuốc từng đoàn

Bước chân nát đá, muôn tàn lửa bay

Ánh đuốc bập bùng sáng lên trong đêm tối. Đoàn dân công ra đi cũng
hùng dũng, hiên ngang không kém. Họ muốn đem tiếng hát của mình, sức lực nhỏ bé của mình góp chung vào cuộc đại chiến của dân tộc. Họ không còn yếu đuối nữa mà trở nên anh dũng, hiên ngang. Khắc họa hình tượng những đoàn dân công, tác giả sử dụng hình ảnh “bước chân nát đá”. Sức mạnh của những con người đó thật phi thường. Qua biện pháp tu từ thậm xưng, sức mạnh của họ được nhân lên gấp bội. Muôn tàn lửa bay sau lưng họ như những khó khăn đã bị dẹp lại phía sau. Đoàn binh và những người dân công là hình ảnh tượng trưng cho con người Việt Bắc anh hùng nói riêng và người dân Việt Nam nói chung. Với sức mạnh phi thường, họ là niềm tin, là tương lai của đất nước. Và trong đoàn binh đó chắc chắn có phần của “người ra đi” hay chính là của Tố Hữu, để cuối cùng sức mạnh anh hùng đã vượt qua:

Nghìn đêm thăm thẳm sương dày

Đèn pha bật sáng như ngày mai lên

Khó khăn gian khổ như những bóng đêm triền miên đã khép lại. Trước mắt đoàn quân, ánh đèn pha bật sáng như ánh nắng của ngày mai. Đoàn quân cứ bước đi trong niềm tin và hi vọng. Họ hi vọng ở một ngày mai tươi sáng. Toàn bộ tâm trí và dũng khí của họ đều vì một ngày mai đó. Có thể nói câu thơ thể hiện niềm lạc quan của nhà thơ cũng như cả quân dân, núi rừng Việt Bắc, những câu thơ âm vang niềm tin và như một dự cảm về ngày chiến thắng.

Chỉ với một đoạn thơ ngắn, Tố Hữu đã tái hiện được vẻ đẹp anh hùng của nhân dân, núi rừng Việt Bắc nói riêng và sức mạnh anh hùng của dân tộc Việt Nam nói chung. Sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng chính là sức mạnh làm nên chiến thắng. Thể thơ lục bát, nhịp điệu trầm hùng, uyển chuyển càng làm bài thơ thêm trang trọng, giàu chất hồi tưởng. Bài thơ cũng chính là “cái tôi trữ tình”, là tấm lòng thi sĩ hướng về con người, đất trời Việt Bắc – cái nôi của cách mạng Việt Nam. Qua bài thơ này, chúng ta có thể phần nào hiểu được Tố Hữu – một nhà thơ của lí tưởng cách mạng. Cái tôi của Tố Hữu luôn hài hòa với cái ta chung của dân tộc. Vì thế, đoạn thơ nói riêng, cả bài Việt Bắc nói chung mang âm hưởng sử thi khá đậm nét. Và đây cũng chính là một phần tiêu biểu của một diện mạo thơ riêng – diện mạo thơ Tố Hữu vừa giàu chất lí tưởng vừa ngọt ngào tha thiết và thấm đẫm chất dân tộc.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment