Bình giảng đoạn thơ sau trong bài Bên kia sông Đuống của Hoàng Cầm: Bên kia sông Đuống (…..) Bây giờ tan tác về đâu
Contents
1. MỞ BÀI
Trong bài Bên kia sông Đuống có một đoạn thơ hoài niệm của Hoàng Cầm (vừa là hồi tưởng về quá khứ thanh bình, vừa là tưởng tượng về hiện tại đau thương), qua đó có thể thấy biết bao căm hận, nhớ thương của nhà thơ đối với quê hương, đồng thời đây cũng là biết bao nhiêu đau xót và căm giận trước cảnh quân thù đã tàn phá những giá trị văn hóa cổ truyền không phải chỉ của một miền quê mà còn có ý nghĩa tiêu biểu cho cả đất nước.
2. THÂN BÀI
+ Bốn câu đầu:
Câu thơ “Bên kia sông Đuống” gợi về một điểm nhìn trong tâm tưởng. Dường như nhân vật trữ tình đã trở về và đang ở bên này tức là phía Bắc sông
Đuống – nơi có vùng tự do của ta mà nhìn về bờ bên kia tức phía Nam sông
Đuống – nơi quê hương nhà thơ đang nhìn kẻ thù chiếm đóng và tàn phá.
Đáng chú ý là sau cuộc Cách mạng tháng Tám và trong suốt cuộc trường kì kháng chiến chống Pháp, mỗi người Việt Nam đều có nhận thức sâu sắc về mối quan hệ hòa hợp giữa tình cảm của cá nhân với vận mệnh chung của dân tộc. Do đó, khi Hoàng cầm nói về “Quê hương” thì nó đã động chạm sâu xa tới “quê hương ta”, tới dân tộc Việt Nam. Nói về vùng Kinh Bắc nhưng nó khơi gợi vào cảm xúc, cảm nghĩ gắn bó thiết tha với đồng bào, với cả đất nước nói chung, chứ không giới hạn trong một miền quê cụ thể của nhà thơ.
Ba câu tiếp, Hoàng cầm đã tái hiện được một cách vừa cụ thể vừa khái quát cuộc sống vật chất ấm no và cuộc sống tinh thần yên vui ở một miền quê thanh bình trong những ngày kẻ thù chưa chiếm đóng.
Đời sống vật chất của quê hương ấy được gợi lên từ một hương vị đặc trưng của “lúa nếp thơm nồng”. Đó là hương vị đậm đà của thôn xóm nô nức vào mùa gặt, hương vị ngọt ngào tự nhiên của lúa nếp trên cánh đồng ngút màu xanh, hay là nó bốc khói trong bữa cơm mới đầu mùa ở mỗi căn nhà. Chỉ cái hương vị lúa nếp mà nó gợi luôn khung cảnh làng quê nhộn nhịp với đình đám hội hè. Có thể với mùi thơm ấy, Hoàng cầm đã gợi ra bao nhiêu kỉ niệm sâu sắc, bao nhiêu cảm xúc bồi hồi về quê hương.
Sau những câu thơ êm đềm thơ mộng nói về dòng sông Đuống:
Sông Đuống trôi đi… trường kì
thì đây là những câu thơ đầy tự hào náo nức.
Sau câu “Bên kia sông Đuống”, cụm từ “Quê hương ta” vang lên đầy tự hào, biểu hiện một sự gắn bó máu thịt với quê hương. Ta cảm nhận được sự trù phú và tươi đẹp qua những chi tiết rất đắc. Hàng loạt các tính từ chỉ phẩm chất làm dậy hương, dậy sắc các sự vật: thơm nồng gợi khứu giác, tươi trong gợi thị giác, sáng hừng là linh giác. Vì thế “sáng hừng” đã thực sự làm sáng cả câu thơ, nó làm sáng cả kí ức nhà thơ và thổi sinh khí vào sự vật, nó là diểm nhấn lung linh nhất, đưa cái màu dân tộc bớt vẻ khô cứng và nhập cái màu dân tộc của thế giới Kinh Bắc vào gia tài văn hóa, vào linh hồn xứ sở Việt Nam. Câu thơ được kể bằng giọng đầm ấm mà xúc động. “Lúa nếp thơm nồng” đang còn chưa cụ thể thì tranh Đông Hồ đã là một đặc sản vùng Kinh Bắc. Hiện thực và ước mơ giản dị, chân chất của dân tộc Việt Nam có thể được nhận diện trong tranh dân gian Đông Hồ. Những bức tranh được ra đời ở làng Đông Hồ vùng Kinh Bắc nổi tiếng. Chất liệu của tranh là giấy dó được quết thứ bột vỏ sò óng ánh thành giấy điệp; màu sắc của tranh đều được làm từ đất cát, cây cỏ quê hương; đề tài của tranh hoặc là hướng về lịch sử với hình ảnh uy nghi của Trưng Nữ Vương, Hưng Đạo Vương, Lê Thái Tổ… hoặc là hướng về cuộc sống hàng ngày với cảnh Đánh ghen, Hứng dừa, với Đám cưới chuột và những con lợn Tết mẹ con đề huề béo ục béo tròn đầy xoáy xanh đỏ âm dương hòa hợp… Tranh Đông Hồ là phong tục, là ước mơ, khát vọng và là quan niệm cách nhìn cuộc sống của những con người xứ sở Việt Nam giản dị, lạc quan yêu đời. Cái màu dân tộc quả là một chi tiết vừa có nghĩa đen cụ thể vừa có nghĩa bóng biểu trưng giàu ý nghĩa. Chính linh hồn dân tộc như “sáng hừng” trên những bức tranh Đông Hồ. Chính cái linh hồn dân tộc nó động cựa, thăng hoa khi ta ngắm tranh xứ sở quê nhà… Với hai dòng thơ, Hoàng Cầm đã nêu bật cái hồn dân gian, hồn dân tộc của tranh Đông Hồ từ hoàn cảnh chơi tranh cho đến đề tài, ý nghĩa và chất liệu độc đáo của tranh…
+ 11 câu thơ sau:
Trước hết, điệp ngữ: “Quê hương ta” được nhắc lại để mở ra một khung cảnh hiện tại hoàn toàn đối lập tương phản với quá khứ thanh bình ở bốn câu trên: đó là cảnh quê hương đầy bong giặc và cùng với nó là những ngày khủng khiếp. Những cánh đồng thơm mát, thơm nồng lúa nếp; xanh xanh bãi mía bờ dâu giờ đây “Ruộng ta khô”; những ngôi nhà mấy trăm năm thắp thoáng mộng bình yên giờ là “Nhà ta cháy”. Và hình bóng những con người chen nhau trong buổi chợ, trong hội hè đình đám giờ đây vắng bóng, chỉ còn lũ “chó ngộ từng đàn” – một ẩn dụ rất dân gian chỉ quân giặc vừa hung dữ, cuồng bạo khát máu, vừa nói được thái độ khinh bỉ của nhà thơ, của nhân dân với lũ hung tàn đã thành vật hóa.
Dưới sự thống trị và chiếm đóng thật tàn bạo của kẻ thù, quê hương thật tiêu điều. Bao trùm đoạn thơ là nỗi thương tiếc, đau xót ngậm ngùi. Những câu thơ ngắn như rời rã, nghẹn ngào tức tưởi:
Ruộng ta khô… về đâu!
Tất cả những cảnh tượng này đều nằm trong thế đối lập tương phản, gợi liên tưởng sâu xa về quá khứ ngày nào Bên kia sông Đuống không còn nữa. Tất cả đã chìm trong ngọn lửa hung tàn. Không còn nữa những thôn xóm no ấm yên vui – chỉ còn cảnh “Kiệt cùng ngõ thẳm hờ hoang”. Nhưng gợi đau đớn sâu xa nhất là những câu thơ về tranh Đông Hồ, chúng có sự đan xen giữa thực và ảo, giữa hoàn cảnh trong tranh và sự thật ngoài đời. Nó gợi cho ta một liên tưởng kép: Giặc đã gây tội ác rất cụ thể nhưng sâu xa hơn là nó tiêu diệt văn hóa, văn hiến, tiêu diệt dân tộc… Nhũng ước mơ về cuộc sống thanh bình của nhân dân được gửi gắm vào nghệ thuật bị tan vỡ. Sự sum vầy, ấm áp, tươi sáng, náo nhiệt không còn, thay vào đay lằ sự tiêu tán, tan tác, lưu lạc, mất mát…
Người đọc ít nghĩ tới tình cảnh của “mẹ con đàn lợn” hay “đám cưới chuột” mà tình người, tình quê dễ khiến người ta liên tưởng tới cảnh gia đình đang quây quần đầm ấm đông vui, bỗng nhiên giặc tới phải chia lia trăm ngả, rồi những lứa đôi hạnh phúc “bây giờ tan tác về đâu”. Câu thơ thoáng chút hoang mang bồi hồi. Nó ngậm ngùi đồng thời là niềm hoài vọng không nguôi về những ngày êm đẹp đã mất. Câu hỏi đã biến câu thơ thành côi cút. Cái hụt hẫng choáng váng đã đẩy cảm xúc thơ tới chót đỉnh tê tái.
Có thể nói bốn câu thơ cuối đoạn được viết trong cơn mê – tỉnh lẫn lộn với nỗi đau. Bức tranh Đông Hồ đã xếp chồng lên bức tranh đời. Tranh Đông Hồ đã hắt ra một ánh sáng lạ từ niềm đau của tác giả. Hoàng cầm nói về tranh mà ta thấy cảnh tản cư, chạy loạn; ông nói cái ý giặc giày xéo quê hương mà ta thấy lũ hung tàn ấy giày xéo cả nền văn hóa? Cứ một câu thơ sum vầy lại kề cận một câu chia lìa. Hai sự tương phản ấy va đập vào nhau, tạo cảm giác đổ vỡ chua xót…
3. KẾT LUẬN
Chỉ cần qua một đoạn thơ, người đọc đã thấy được ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm trong việc dựng cảnh và bộc lộ tâm tình. Cùng với tiểu trường ca Bên kia sông Đuống, đoạn thơ này đã góp phần khơi sâu thêm tình cảm yêu nước, căm thù giặc trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, nhất là trong tâm hồn những người đang kháng chiến.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi