Bình giảng bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến.
Bình giảng bài thơ Cuốc kêu cảm hứng của Nguyễn Khuyến.
Trong các nhà thơ cổ điển Việt Nam chưa có thi sĩ nào trong thơ mình lại xuất hiện nhiều bóng hình con vật đến như thế. Đó là những con vật gắn bó gần gũi với người dân cày Việt Nam, với bà con xóm thôn đồng chiêm trũng. Theo Nguyễn Văn Huyền, tác giả cuốn “Nguyễn Khuyến – Tác phẩm” thì có tới sáu, bảy chục con vật khác nhau xuất hiện trong thơ Yên Đổ. Có “Ngõ tối đêm sâu đóm lập loè”. Có “Ngoài luỹ nhấp nhô cò cụ Tổng”, có “Trâu già gốc bụi phì hơi nắng – Chó nhỏ bên ao cắn tiếng người”
Riêng về con chim cuốc, thấy ba lần xuất hiện. Lần thứ nhất tiếng chim như nhắc nhở, như giục giã chí hăm hở vào đời:
“Quyên đã gọi hè quang quác quác”.
Lần thứ hai là bài thơ “Cuốc kêu cảm hứng”, lần thứ ba là bài “Điệu quyên” (Viếng con cuốc) được viết vào thời gian Nguyễn Khuyến về sống giữa làng xóm quê hương, nơi “Vườn Bùi chốn cũ”. Bài thơ Nôm “Cuốc kêu cảm hứng” là một trong những bài thơ được nhiều người yêu thích và truyền tụng. Giọng thơ thê thiết, réo rắt, thấm một nỗi buồn mênh mông. Tiếng cuốc như gợi lên trong lòng nhà thơ nỗi đau mất nước, nỗi buồn bơ vơ, nỗi xót xa tủi nhục trước cảnh lầm than của dân tộc. Mỗi câu thơ là một tiếng lòng, là một nỗi buồn tê tái:
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
………………………………..
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ”.
Hai câu đề tả âm thanh tiếng cuốc. Tiếng cuốc kêu “khắc khoải” nghe buồn buồn, lặp đi lặp lại triền miên, thê thiết; giọng cuốc “lửng lơ” chơi vơi trong không trung. Càng nghe càng buồn không kể xiết. Nghe tiếng cuốc kêu mà xúc động nhớ đến chuyện Thục Đế xa xưa vì để mất nước mà xót xa tủi hận biến thành con chim cuốc. Một liên tưởng thấm thía, gợi tả tiếng cuốc kêu như một tiếng gọi đau thương của một oan hồn. Ba chữ “thác bao giờ” diễn tả tâm trạng buồn đau cực độ đến ngơ ngác, ngẩn ngơ:
“Khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ,
Ấy hồn Thục Đế thác bao giờ”.
Hai câu đề giới thiệu rất tài tình nhan đề bài thơ. Nghe tiếng cuốc kêu trong hiện tại mà cảm hứng, man mác buồn đau nghĩ về một chuyện xưa đau buồn. Thơ Nguyễn Khuyến tinh tế trong biểu cảm là vậy!
Hai câu thực làm hiện lên một không gian nghệ thuật và một thời gian nghệ thuật khi nhà thơ cực tả tiếng cuốc kêu:
“Năm canh máu chảy đêm hè vắng
Sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ”
Tiếng cuốc gọi hè vô cùng ám ảnh. Nỗi đau như “máu chảy”, nỗi buồn như nát ruột “hồn tan”. Tiếng cuốc kêu mãi, kêu hoài, kêu khắc khoải triền miên suốt năm canh đến sáu khắc, từ ngày này qua đêm khác. “Đêm hè vắng” và “bóng nguyệt mờ” hô ứng, đối xứng diễn tả nỗi đau, nỗi buồn như thấm vào thời gian, toả rộng trong không gian. Đêm hè trở nên “vắng” để nghe rõ tiếng cuốc “khắc khoải đưa sầu…”. Bóng trăng như “mờ” đi trong tiếng cuốc “lửng lơ” đau đớn và tê tái. Đúng là “lời văn thanh thoát, tình nghĩa rất ứng đọng lại”, như Xuân Diệu đã cảm nhận: “Chúng ta tưởng nghe da diết, ám ảnh, chì chiết một tiếng chim kêu, có sắc đỏ, khóc nức nở, gào thảm thiết, tiếng kêu có máu, tiếng huyết kêu mất nước! nhớ nước!”. Trong bài thơ Chữ Hán “Điệu quyên” (Viếng con cuốc), Nguyễn Khuyến cũng diễn tả “tiếng huyết kêu mất nước! nhớ nước!” bằng một tứ thơ rỉ máu, tan nát, bi thương:
“Bi đề dạ dạ huyết triêm y”
(Đêm đêm kêu gào thảm thiết, máu chảy đầm áo)
Hai câu luận nói lên chiều sâu một tâm trạng:
“Có phải tiếc xuân mà đứng gọi,
Hay là nhớ nước vẫn nằm mơ”.
“Có phải” và “hay là” câu hỏi mơ hồ, giả định ấy diễn tả những băn khoăn, những day dứt đè nặng trong lòng. Tiếng cuốc gọi hay vì “tiếc xuân” mà cuốc cất tiếng gọi? Hay là oan hồn Thục Đế “nhớ nước vẫn nằm mơ”. Câu luận rất tinh tế trong biểu cảm, Nguyễn Khuyến mượn tiếng cuốc để giãi bày niềm thao thức của mình. Cuốc thì tiếc xuân mà đứng gọi, kêu khắc khoải suốt đêm. Còn Tam nguyên Yên Đổ thì đêm đêm vẫn nằm mơ mà nhớ nước. Hồn nước đi đâu về đâu? Nỗi buồn bơ vơ nhớ nước như thấm vào câu chữ. Các cặp hô ứng nhau rất chỉnh: Có phải – hay là / tiếc xuân – nhớ nước / mà đứng gọi – nằm mơ, làm cho nỗi buồn thương nhà nhớ nước trở nên thấm thía. Tiếc rồi nhớ, đứng rồi nằm, gọi và mơ, trạng thái nào, tâm trạng nào cũng bồn chồn, xót xa đau đớn.
Giữa thế kỉ XIX, Bà Huyện Thanh Quan đứng trên đỉnh đèo Ngang lúc hoàng hôn, trong nỗi buồn của người lữ khách mà thổn thức:
“Nhớ nước, đau lòng con cuốc cuốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia”.
(Qua Đèo Ngang)
Có điều là Bà Huyện Thanh Quan lúc bấy giờ tuy mang tâm trạng cô đơn, nhưng còn có nước để mà “nhớ nước”, còn có nhà để mà “thương nhà” còn Nguyễn Khuyến, nửa thế kỉ sau sống trong cảnh ngộ, nước mất nhà tan nên ra đi “nhớ nước vẫn nằm mơ”, thao thức, đắng cay, đau buồn…
Nỗi đau buồn nằm mơ… nhớ nước ấy được Yên Đổ gửi gắm trong nhiều bài chữ Hán giàu ý tưởng thâm trầm, kín đáo. Đây là nỗi niềm lưu lạc tha hương “Giang sơn y cựu phong quang cải – Thiếu vọng đê mê dục đoạn hồn ” (Túc Phú Xuyên đồn) – (Sông núi vẫn như xưa nhưng quang cảnh đã đổi thay – Ngắm thấy cảnh lờ mờ mà tâm hồn những muốn nát tan). Trong bài thơ “Hung niên 1 – Năm mất mùa), giọng thơ lại càng thêm đau đớn:
“Cố quốc sơn hà chân thảm đạm
Thu hương hồng nhạn tối bi ai”.
(Núi sông nước cũ âm thầm,
Lạc loài cánh nhạn không cầm nỗi đau)
Bùi Văn Cường dịch
Có thể nói “nhớ nước vẫn nằm mơ” là một tứ thơ hay nhất, cảm động nhất của Nguyễn Khuyến khi luận về “cuốc kêu… ”. Hai câu kết là một lời tự hỏi, một tâm trạng bồi hồi không yên:
“Thâu canh ròng rã kêu ai đó,
Giục khách giang hồ dạ ngẩn ngơ”.
Kêu ai, giục ai, hay lời kêu gọi, thúc giục của ai đó đối với mình. Ngẩn ngơ nghĩa là đờ đẫn như mất hết tinh thần, đau đớn bồn chồn không yên dạ. Chính tiếng cuốc kêu ròng rã thâu canh kiến cho khách giang hồ bồn chồn ngẩn ngơ cả dạ. Yêu nước nhưng bất lực nên mới ngẩn ngơ như thế! Nhà thơ thao thức suốt năm canh, suốt những đêm hò đau xót, tủi buồn, bơ vơ vì nước mất. Tình yêu nước son sắt thuỷ chung nên tâm trạng đầy bi kịch, rối bời, ngẩn ngơ. Một thế kỉ sau, trong vận hội mới đất nước, độc giả ngày nay vẫn còn cảm thấy ngẩn ngơ, bồi hồi nghe tiếng cuốc kêu rỉ máu, tiếng thương tiếng đau, tiếng thở dài và giọt khóc… của Tam Nguyên Yên Đổ, của ông cha thuở ấy…
Qua “Cuốc kêu cảm hứng”, Nguyễn Khuyến đã giãi bày một tấm lòng yêu nước không nguôi, một tâm trạng đầy bi kịch: xót xa đau buồn, tủi nhục vì nước mất nhà tan. Tâm trạng ấy của nhà thơ cũng là tâm trạng của một thế hệ nhà nho yêu nước mà bất lực trước thời cuộc. “Cuốc kêu cảm hứng” là tiếng đồng vọng bi thương, để con cháu cảm thông với nỗi lòng ông cha, trân trọng và tự hào về cái giá của độc lập tự do với bao nhiêu máu, nước mắt mà cả dân tộc phải trả. “Cuốc kêu cảm hứng” tiêu biểu nhất cho hồn thơ Nguyễn Khuyến sau khi đã cáo quan lui về sống giữa xóm làng quê hương: man mác bâng khuâng buồn, cô đơn… Bài thơ thể hiện bút pháp nghệ thuật đặc sắc của Nguyễn Khuyến: điêu luyện, hàm súc, giọng điệu ám ảnh, ngôn ngữ hình ảnh đối xứng hài hoà tạo nên một bài thơ toàn bích, cổ điển, vần thơ chơi vơi lửng lơ man mác: lửng lơ – bao giờ – bóng nguyệt mờ – nằm mơ – dạ ngẩn ngơ. Các từ láy tượng thanh, biểu cảm rất tinh luyện cực tả tiếng cuốc và tâm trạng nhà thơ: khắc khoải, lửng lơ, ròng rã, ngẩn ngơ… Tiếng cuốc kêu hoài lòng ta khi đọc “Cuốc kêu cảm hứng”, ta cảm thấy Tam Nguyên Yên Đổ đang thao thức ngồi dưới “bóng nguyệt mờ” đôi mắt già đẫm lệ, ngẩn ngơ lắng nghe tiếng cuốc “khắc khoải sầu đưa giọng lửng lơ…”
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi