Bàn về bài thơ Thuật hoài của Nguyễn Bỉnh Khiêm, nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn nhận định: Nói ngắn gọn, khái quát, bài “Thuật hoài” thể hiện vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại. Phân tích bài thơ để làm rõ nhân định trên
Mỗi sáng tác văn học luôn in đậm dấu ấn sáng tạo của người nghệ sĩ. Nhưng nói như vậy không có nghĩa trong nó không tồn tại dấu ấn thời đại, không phản ánh hình ảnh con người thời đại đó. Bàn về bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, nhà nghiên cứu Lã Nhâm Thìn nhận định: Nói ngắn gọn, khái quát, bài “Thuật hoài” thể hiện vẻ đẹp của con người và vẻ đẹp của thời đại.
Có thể nói, trong các triều đại phong kiến Việt Nam, nhà Trần là triều đại để lại nhiều dấu ấn lịch sử đáng ghi nhớ nhất. Ba lần quân Nguyên Mông – đế quốc phong kiến lớn nhất thời bấy giờ cất quân xâm lược nước ta là ba lần chúng thất bại thảm hại trước sức mạnh của quan quân nhà Trần. Chính thời đại ấy đã hun đúc nên những con người vĩ đại và trở lại, con người lại làm vẻ vang cho thời đại sản sinh ra mình. Trong lịch sử Việt Nam trước đó, có lẽ chưa khi nào người ta bắt gặp hình tượng con người kì vĩ trong văn chương như thế này:
Hoành sóc giang sơn kháp kỉ thu,
Tam quân tì hổ khí thôn ngưu.
Ngay khi mở đầu bài thơ, Phạm Ngũ Lão đã gieo vào lòng người đọc ấn tượng về con người phi thường, con người khổng lồ. Sự phi thường của con người được thể hiện ngay trong hành động hoành sóc. Con người thời Trần không chấp nhận hành động tầm thường (“cầm giáo”, “múa giáo”) mà phải là “cầm ngang ngọn giáo”. Phải hoành sóc thì mới oai phong, lẫm liệt, thì mới dũng mãnh, hiên ngang. Phải “hoành sóc” thì mới đầy thách thức, đầy ngạo nghễ. Phải hoành sóc thì mới thể hiện rõ tinh thần chủ động trấn thủ. Và có lẽ chiến trường, trận địa chưa phải là không gian thể hiện được hết tầm vóc to lớn của con người thời đại này nên Phạm Ngũ Lão lựa chọn cả giang sơn rộng lớn. Tương xứng với không gian cao rộng bao la là thời gian trường cửu khớp kỉ thu. Chiếc giáo của con người thời đại như đo được cả bề rộng, chiều dàỉ vũ trụ. Theo đó, chủ thể của hành động, chủ nhân của cây trường giáo cũng vì thế mà trở nên kì vĩ khôn cùng. Trong câu thơ đầu này, hình tượng con người được khắc hoạ khí phách hiên ngang. Khí phách đó được nhân lên gấp bội khi Phạm Ngũ Lão nói về đội quân hùng mạnh vô song của mình. Chỉ bằng phép so sánh (tì hổ) và nghệ thuật ẩn dụ (khí thôn ngưu), nhà thơ đã lột tả một cách chân xác, hùng tráng về khí thế cường địch, vũ bão của quân đội nhà Trần. Tướng quân Ngũ Lão có phần phóng đại khi đem sức mạnh các loài mãnh thú để nói về sức mạnh con người thời đại mình. Nhưng tất cả có thể lí giải từ niềm tin, niềm tự hào về đội quân của ông.
Con người thời đại Đông A không chỉ đẹp trong tư thế, khỉ phách mà còn đẹp hơn nữa trong tư tưởng, trong nhân cách:
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
Có thể coi hai câu trên là lời tự bạch của nhà thơ. Khi viết những dòng này, Phạm Ngũ Lão đã là một tướng quân, công danh có phần hiển hách, so với đời, có lẽ ông không phải cúi đầu hổ thẹn. Thế nhưng ông vẫn tự nhận mình chưa trọn nợ công danh. Trong tâm niệm của ông, có lẽ hai chữ công danh kia, có lẽ chí làm trai kia phải vẹn đầy hơn nữa. Không thoả mãn với những gì mình đã đạt được là lí do khiến Phạm Ngũ Lão “thẹn” với Gia Cát Khổng Minh. Tự sánh mình với bậc kì tài trong lịch sử để nhận ra những điều mình chưa làm được điều đó thể hiện sự dũng cảm, thể hiện nhân cách cao đẹp của con người. Cái “thẹn” của Phạm Ngũ Lão là cái thẹn làm nên nhân cách. Phạm Ngũ Lão cúi mình trước bậc ki tài thời trước cũng như sau này Cao Bá Quát chỉ cúi mình trước sự thanh cao. của hoa mai (Nhất sinh đê thủ bái mai hoa). Những cái cúi đầu đó không hạ thấp địa vị, nhân cách con người mà càng tôn cao, tôn thêm hơn nhân cách, vẻ đẹp tinh thần của họ. Ta còn có thể đọc trong lời thơ một niềm khao khát mãnh liệt niềm khao khát được lập những chiến công hiển hách cho non sông, cho dân tộc. Hoài bão ấy, ý chí, lí tưởng ấy góp phần khắc hoạ vẻ đẹp tuyệt vời trong hình tượng con người thời đại nhà Trần.
Mỗi con người – theo đúng nghĩa của nó – sinh ra, lớn lên trong thời đại của mình đều mong muốn góp phần tô điểm, làm rạng ngời cho thời đại đó. Theo đó, chân dung mỗi thời đại sẽ được phản ánh qua hình tượng con người trung tâm. Đọc Thuật hoài, chúng ta có thể hình dung thời đại nhà Trần là thời đại khổng lồ, thời đại hào hùng, âm vang hào khí dân tộc. Hào khí đó không chỉ dậy lên từ những tiếng đồng thanh “Đánh! Đánh!” của các bô lão trong hội nghị Diên Hồng, không chỉ được phất lên từ lá cờ thêu sáu chữ vàng Phá cường địch báo hoàng ân của người anh hùng Trần Quốc Toản, không chỉ được khắc bằng hai chữ sát thát trên cánh tay mỗi tráng sĩ… mà còn được được thể hiện đậm nét trong lời thơ Phạm Ngũ Lão. Hình ảnh con người phi thường, kì vĩ, hình ảnh đội quân dũng mãnh, hùng hậu, hình ảnh con người trầm tư suy ngẫm về ý chí, lí tưởng, hoài bão của mình là sự khúc xạ tuyệt đẹp của chân đung thời đại.
Thuật hoài ra đời trước nay hàng ngàn năm nay nhưng dấu ấn về con người, về thời đại Đông A lại hết sức gần gũi, đẹp đẽ trong mỗi chúng ta. Mỗi người mỗi ngày sẽ bận rộn hơn với những công việc của mình, thật khó để có thể lật lại những trang sử cũ, nhưng chỉ cần đọc bài thơ hai mươi tám chữ của Phạm Ngũ Lão, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận được quá khứ của một thời xa xưa.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi