Bài văn phân tích, cảm nhận về tác phẩm Những ngày đầu của nước Việt Nam
Đề bài: Phân tích và nêu cảm nhận của em khi đọc “Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” trích hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Bài làm
“Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là một trong những hồi kí cách mạng đặc sắc nhất, độc đáo nhất. Những sự kiện chính trị, những mẩu chuyện lịch sử… được tác giả kể lại, bình luận và đánh giá đã thể hiện tầm vóc vĩ đại của nhân dân ta, của Đảng ta và Bác Hồ trong những năm đầu nhà nước công nông bị bao vây bởi thù trong giặc ngoài. Cuốn hồi kí đã thể hiện bản lĩnh chính trị kiên cường, nhân cách vãn hóa của một vị tướng tài ba khi tái hiện những năm tháng không thể nào quên ấy. Tác phẩm này được tác giả viết từ mùa xuân năm 1970 và hoàn thành vào mùa xuân năm 1972.
“Những ngày đầu của nước Việt Nam mới” trích ở chương XII, phần thứ nhất cuốn hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên”. Đoạn đầu, tác giả dùng phép so sánh để nhận diện và đánh giá một chặng đường lịch sử 25 năm (1945-1970) của đất nước ta, dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Hồ Chủ tịch.
Đã rất xa, cái ngày mà nước Việt Nam chúng ta chưa có tên trên bản đồ thế giới. Tổ quốc ta có mấy ngàn năm lịch sử cùng với hai nước láng giéng Căm-pu-chia, Lào “mang một cái tên mơ hồ” do bọn thực dân đặt ra: Ấn-độ-chi-na thuộc Pháp.
Cũng đã xa rồi, cái ngày nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa còn là “một hòn đảo Tự do” hiện lên giữa “những lớp sóng cồn trên biển cả mênh mông” của chủ nghĩa tư bản ở miền Đông Nam châu Á, khi mà “anh em bè bạn còn chưa mấy ai nhận ra ta “…
Ngày nay (năm 1970) thời kì làm mưa làm gió của chủ nghĩa đế quốc đã qua. Mỗi hành động kẻ cướp của chúng trên bán đảo Đông Dương đều “không tránh khỏi bị trừng phạt”; mỗi tội ác của chúng gây ra tại đây đều “động tới lương tri, tình cảm” của hàng trăm triệu con người trên trái đất; mọi cách tô son trát phấn của chủ nghĩa thực dân đối với bọn ngụy quyền tay sai “đều hoài công, vô ích”.
Tiếp đó, tác giả nêu lên một số sự kiện lịch sử như sự ra đời của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam lập tức được sự hân hoan chào đón của cả loài người tiến bộ từ lâu. Sự thành lập Chính phủ vương đoàn kết dân tộc Căm- pu-chia được hàng chục nước gần xa công nhận, để chỉ ra hiện thực cách mạng vô cùng tươi sáng, lạc quan “ngày nay”. Tác giả nhắc lại “bóng ma trong dĩ vãng” của mấy trăm vạn quân Quốc dân đảng Trung Hoa, “những ngày tàn” của Tưởng Giới Thạch trên đảo Đài Loan để chỉ ra sự thay đổi lớn lao của thế và lực cách mạng mà “ta thật khó hình dung lại những giờ phút hiểm nghèo khi gần hai chục vạn quân Tưởng từ mấy ngả ập vào miền Bắc “.
Tác giả trang hồi kí đã mở ra trước mắt chúng ta một bức tranh về chặng đường lịch sử cách mạng Việt Nam. Những tương phản so sánh được nêu lên đầy ấn tượng, tạo ra cảm hứng lạc quan, tin tưởng, tự hào trong lòng độc giả mỗi chúng ta.
Đoạn thứ hai, tác giả nhắc lại muôn vàn khó khăn mà cách mạng và nhân dân ta phải trải qua trong những ngày đầu. Đảng ta mới mười lăm tuổi đã giành được chính quyền, đã đem lại mùa xuân trên dải đất ông cha để lại, nhưng tin vui đó “chưa thể báo với bạn bè xa gần một cách trọn vẹn”. Nước Việt Nam Dân Chủ cộng hòa mới sinh “nằm giữa bốn bề hùm sói” phải mưu trí, dũng cảm đấu tranh để “sống còn”, phải tìm dùng những phương pháp đau đớn “để cứu vãn tình thế”.
Về chính trị còn quá nhiều khó khăn. Tuy đã qua thời kì “ẩn náu, lẩn tránh, về sống giữa đồng bào” nhưng mọi hoạt động của Đảng “vẫn tiến hành theo phương thức bí mật”; những cán bộ của Đảng “chưa ra làm việc công khai”; hầu hết các đảng viên đều công tác “dưới danh nghĩa những cán bộ Việt Minh”, thế mà, “kẻ thù vẫn nhận ra ta”. Chính quyền cách mạng được thành lập nhiều ngày “vẫn chưa được nước nào công nhận”. Bọn tướng lĩnh Tưởng Giới Thạch coi chính quyền của ta là chính quyền “chỉ tồn tại trên thực tế”, không phải là một chính quyền “tồn tại về pháp lí”.
Tình hình kinh tế hết sức khó khăn; ruộng đất bỏ hoang, nạn hạn hán, lụt lội kéo dài, một số nhà máy Nhật trao trả chưa thể cho chạy được, hàng hóa khan hiếm, việc buôn bán với nước ngoài đình trệ.
Về tài chính, ta chưa phát hành được tiền Việt Nam; kho bạc giành được chỉ có một triệu bạc rách; Ngân hàng Đông Dương “luôn gây rối loạn về mặt tiền tệ”; bọn Tưởng tung rất nhiều tiền Quan kim, làm cho tài chính và việc buôn bán của ta “càng nguy ngập”.
Đời sống của nhân dân ta rất thấp và khó khăn: không có công ăn việc làm, nhiều nơi đồng bào phải ăn cháo, lác đác có người chết đói, dịch tả phát sinh; quân Tưởng lại đem thêm vào dịch chấy rận.
Cuộc xâm lăng của giặc Pháp “nổ ra rất sớm” tại Nam Bộ làm cho tất cả mọi khó khăn của đất nước và dân tộc “thêm trầm trọng” làm cho vận mệnh Tổ quốc ta đã có lúc như “ngàn cân treo sợi tóc”.
Có lúc người đọc chúng ta ngày nay, sau hơn nửa thế kí cảm thấy nghẹt thở khi đọc đoạn hồi kí trên đây. Đó là một thời kì vô cùng khó khăn mà “con thuyền cách mạng đang luồn những mỏm đá ghềnh để lướt tới”. Tác giả đã truyền cho thế hệ hôm nay và những thế hệ mai sau biết được một cách cụ thể về những khó khăn hiểm nghèo mà Bác Hồ, và cha anh chúng ta phải gánh chịu, phải đối phó vượt qua để “sống còn”.
Đoạn thứ ba nói về sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ để chiến thắng mọi khó khăn, thử thách.
Cách mạng đã giành được chính quyền, dù “mới bắt tay làm lần đầu”, nhưng tình hình đó “đã khác trước”. Ta phải “củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng” đó là vấn đề cấp bách.
Từ thượng tuần tháng Chín (năm 1945), Chính phủ lâm thời ban hành nhiều sắc lệnh, nghị định.
Tác giả đã kể lại những việc làm to lớn của chính quyền cách mạng trong những ngày tháng khó khăn ấy. Giải tán hệ thống quan lại cũ, đập tan hoàn toàn bộ máy chính quyền của thực dân, phong kiến, quyết định sẽ mở tổng tuyển cử trong cả nước để bầu ra Quốc dân đại hội (Quốc hội), ra sắc lệnh tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính các cấp, tất cả do “chính nhân dân lựa chọn, trực tiếp bầu ra”. Nhờ đó mà chính quyền nhân dân được “củng cố vững chắc ở cơ sở”, khối đoàn kết của toàn dân được “mở rộng” thực hiện “công nông chuyên chính”.
Bản dự án Hiến pháp đầu tiên được công bố để toàn dân đóng góp ý kiến vào Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Chính phủ ra sắc lệnh giảm tô 25%; xóa bỏ tất cả các món nợ lâu đời ở nông thôn; ban hành chế độ ngày làm tám giờ; công nhân có quyền theo học các lớp huấn luyện quân sự, v.v…
Sắc lệnh đặt ra Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam. Việc học chữ quốc ngữ trở thành bắt buộc và không mất tiền.
Thuế thân và nhiều thứ thuế vô lí do chính quyền thực dân đặt ra trước đây “đều bị bãi bỏ”.
Ngày 4 tháng Chín, Chính phủ lập Quỹ Độc lập và tổ chức Tuần lễ vàng. Có biết bao nghĩa cử cao quý cảm động, Chỉ trong một thời gian ngắn, nhân dân cả nước đã quyên góp được hai mươi triệu đồng và ba trăm bảy mươi ki-lô vàng.
Qua đó, ta thấy sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Bác Hồ, nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước của nhân dân ta được khơi dậy, tạo nên một sức mạnh phi thường. Đặc biệt, cách mạng đã mang lại quyền tự do dân chủ, quyền công dân cho cả dân tộc. Hơn bao giờ hết, cách mạng và chính quyền cách mạng là của dân, do dân và vì dân.
Đoạn thứ tư, tác giả nói về vai trò của Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ thiên tài của cách mạng và của dân tộc. Viết thư gửi Uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, huyện và làng, Người nhắc: “Các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc cho đến các làng là đầy tớ của dân”. Người kêu gọi: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”. Người nói: Phải “dựa vào lực lượng của dân, tinh thần của dân” để mưu cầu “hạnh phúc cho dân”, để đem lại “một niềm hạnh phúc trọn vẹn” cho dân. Đại tướng cho biết: “Hạnh phúc cho dân” là “lí tưởng của Người”, là “tấm lòng của Người”. Hạnh phúc cho dân là mục tiêu cao cả và thiêng liêng mà chính quyền cách mạng phải phấn đấu, bởi lẽ như Người đã nói: “Nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập cũng không có nghĩa lí gì”.
Trong bài báo Tự phê bình, Người chỉ ra bốn khuyết điểm của chính quyền cách mạng, rồi Người chân thành nói: “Những sự thành công là nhờ đồng bào cố gắng. Những khuyết điểm kể trên là lỗi tại chúng tôi”.
Tác giả hồi kí đã phân tích và bình luận mới quan hệ tốt đẹp giừa Nhà nước và chính quyền cách mạng với nhân dân. Nhân dân lao động “đã nhận thấy rõ Nhà nước hôm nay đúng là Nhà nước của mình”; Nhà nước “đang hằng ngày, hằng giờ bảo vệ quyền lợi và mang lại hạnh phúc cho dân”. Và nhân dân tin tưởng “Những gì hiện nay nó chưa làm được, thì nhất định nó sẽ làm được trong tương lai”.
Kết thúc chương XII, Đại tướng đã dành những lời tốt đẹp nhốt nói về tấm lòng của nhân dân đối với vị lãnh tụ kính yêu: “Đồng bào đã nhận thấy ở Bác Hồ, hình ảnh tượng trưng cao đẹp nhất của dân, của nước của cách mạng, của chính quyền mới, chế độ mới”.
Hồi kí thường mang đậm dấu ấn cá nhân; người viết hồi kí thường sử dụng phương thức biểu đạt tự sự để kể lại những gì mình đã tham dự, đã sống và hành động, những tâm sự, tình cảm của mình trong quá khứ. Do đó, hồi kí phải hết sức chân thực.
Hồi kí “Những năm tháng không thể nào quên” của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mang đậm dấu ấn dân tộc và chính quyền cách mạng. Tác giả đã sử dụng các phương thức hồi tưởng, tự sự kết hợp với phân tích, bình luận, đánh giá các sự kiện cách mạng và lịch sử. Chủ thể trữ tình trong bản hồi kí của Đại tướng là dân ta, Đảng ta, Bác Hồ; thấp thoáng mới thấy nhân vật trữ tình “tôi” xuất hiện. Màu sắc kí sự, biên niên sử là nét riêng, màu sắc riêng làm nên tính độc đáo “Những năm tháng không thể nào quên”.
Niềm tự hào về Đảng ta, nhân dân ta, lòng yêu kính và biết ơn Bác Hồ vĩ đại là những tình cảm đẹp nhất, sâu sắc nhất tỏa sáng trẽn từng trang hồi kí. Sự trầm tĩnh và khiêm tốn của tác giả là nét đẹp tâm hồn của vị tướng tài ba – tác giả “Những năm tháng không thể nào quên”, làm người đọc gần xa thêm phần ngưỡng mộ.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi