Bài 11 phần 2: Cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống (1075 – 1077)
Tại sao Lý Thường Kiệt lại chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống ?
Trả lời:
Lý Thường Kiệt chọn sông Như Nguyệt làm phòng tuyến chống quân xâm lược Tống vì:
– Sông Như Nguyệt như một chiến tuyến tự nhiên rất khó có thể vượt qua.
– Đây là con sông chặn ngang tất cả các ngả đường bộ từ Quảng Tây (Trung Quốc) và Thăng Long. Việc chọn phòng tuyến Như Nguyệt sẽ thuận lợi cho ta phòng thủ và khó cho địch khi tiến công.
Em hãy nêu những nét độc đáo trong cách đánh giặc của Lý Thường Kiệt.
Trả lời:
– Chặn giặc ở chiến tuyến sông Như Nguyệt.
– Diệt thủy quân của giặc, đẩy giặc vào thế bị động.
– Mở cuộc tấn công khi thời cơ đến.
– Giặc thua nhưng lại giảng hòa với giặc.
Hãy trình bày ý nghĩa của chiến thắng Như Nguyệt.
Trả lời:
– Chiến thắng Như Nguyệt là trận quyết định số phận của quân Tống xâm lược. Đây là một trong những trận đánh có ý nghĩa tuyệt vời trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc. Quân Tống buộc phải từ bỏ mộng xâm lược Đại Việt. Nền độc lập, tự chủ của đất nước được giữ vững. Khẳng định chủ quyền của nước Đại Việt muôn đời.
Em hãy trình bày cuộc chiến đấu trên phòng tuyến Như Nguyệt của nhân dân ta theo lược đồ
Trả lời:
Chờ mãi không thấy thuỷ quân đến, quân Tống nhiều lần tìm cách tấn công quân ta. Chúng bắc cầu phao, đóng bè lớn ào ạt tiến qua sông đánh vào phòng tuyến của ta.
Quân nhà Lý đã kịp thời phản công mãnh liệt, mưu trí, đẩy lùi chúng về phía bờ Bắc. Thất vọng, Quách Quỳ ra lệnh : “Ai bàn đánh sẽ bị chém” và chuyển sang củng cố, phòng ngự. Quân sĩ ngày một chán nản, mệt mỏi, chết dần chết mòn.
Cuối mùa xuân 1077, Lý Thường Kiệt mở cuộc tấn công lớn vào trận tuyến của địch. Đang đêm, quân ta lặng lẽ vượt qua sông Như Nguyệt, bất ngờ đánh thắng vào các doanh trại giặc. Quân Tống thua to, “mười phần chết đến năm, sáu” và chúng đã lâm vào tình thế hết sức khó khăn, tuyệt vọng.
Giữa lúc ấy, Lý Thường Kiệt chủ động kết thúc chiến tranh bằng biện pháp mềm đèo, thương lượng, đề nghị “giảng hoà”. Quách Quỳ chấp nhận ngay. Quân Tống vội vã rút về nước.
Vai trò của các dân tộc ít người trong cuộc kháng chiến chống Tống.
Trả lời:
– Trong kế hoạch “Tiên phát chế nhân”, Lý Thường Kiệt cùng với Tông Đản chỉ huy hơn 10 vạn quân, chia làm hai đường thuỷ, bộ tấn công sang đất Tống. Quân bộ do các tù trưởng Thân Cảnh Phúc, Tông Đản chỉ huy dân binh miền núi đánh vào Ung Châu, góp phần làm nên thắng lợi.
– Các dân (ộc thiểu số còn nỗ lực góp phần làm nên chiến thắng trên sông Như Nguyệt – trận đánh quyết định thắng lợi cho quân dân ta, đánh tan âm mưu xâm lược của quân Tống.
Vì sao nhân dân ta chống Tống thắng lợi ? Ý nghĩa lịch sử của chiến thắng này.
Trả lời:
a) Nguyên nhân thắng lợi
-Thứ nhất, là do tinh thần yêu nước nồng nàn, ý chí bất khuất và lòng tự cường dân tộc của quân dân ta. Trong cuộc kháng chiến chống Tống lần thứ hai, Lý Thường Kiệt đã từ bỏ danh vọng bổng lộc, xin triều đình mời Lý Đạo Thành về Thăng Long nhậm chức Tể tướng, còn ông chỉ tổ chức kháng chiến mà không tham gia các chức vụ trong vương triều.
-Thứ hai, là do khối đại đoàn kết toàn dân vững chắc. Trong cuộc kháng chiến, nhân dân ta đã nhất trí một lòng xung quanh triều đình hoặc bộ tham mưu cùng chung sức đánh giặc.
– Thứ ba, là sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của các tướng lĩnh chỉ huy mà tiêu biểu là Lý Thường Kiệt.
– Thứ tư, nguyên nhân khách quan : khí hậu nóng nực ở phương Nam là một trở lực lớn đối với quân xâm lược ; địa hình của đất nước ta không phù hợp với sự di chuyển và chiến đấu của quân Tống ; việc tiếp tế của giặc gặp nhiều khó khăn, khiến địch lúng túng, tinh thần bị dao động…
b) Ý nghĩa lịch sử
– Thắng lợi của các cuộc kháng chiến đã củng cố chính quyền phong kiến vững mạnh, tạo điều kiện xây dựng đất nước phát triển về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội… Lòng tin của nhân dân với triều đình được nâng cao.
– Thắng lợi của các cuộc kháng chiến đã chứng tỏ lòng yêu nước, bất khuất của dân tộc.
– Để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước của nhân dân ta sau này.
Giaibaitap.me
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi