Soạn bài Rút gọn câu

0

Soạn bài Rút gọn câu

Bài tập
1. Bài tập 1, trang 16, SGK.
2. Bài tập 2, trang 16-17, SGK.
3. Bài tập 3, trang 17 – 18, SGK.
4. Bài tập 4, trang 18, SGK.

5*. Hãy tìm các câu rút gọn trong đoạn trích sau đây và cho biết vì sao tác giả dùng các câu rút gọn như vậy.
   Cụ bá cười nhạt, nhưng tiếng cười giòn giã lắm ; người ta bảo cụ hơn người cũng bởi cái cười :
–  Cái anh này nói mới hay ! Ai làm gì anh mà anh phải chết ? Đời người chứ có phải con ngoé đâu ? Lại say rồi phải không ?
   Rồi, đổi giọng cụ thân mật hỏi :
–  Về bao giờ thế ? Sao không vào tôi chơi ? Đi vào nhà uống nước.
   Thấy Chí Phèo không nhúc nhích, cụ tiếp luôn :
–  Nào đứng lên đi. Cứ vào đây uống nước đã. Có cái gì, ta nói chuyện tử tế với nhau. […]
(Nam Cao, Chí Phèo)
6. Tìm câu rút gọn trong đoạn trích sau đây và cho biết thành phần câu nào đã được rút gọn.
   Cuộc bắt nhái trời mưa đã vãn. Ai nấy ra về. Anh Duyện xách giỏ vê trước. Thứ đến chị Duyện.
(Tô Hoài, Nhà nghèo)
7. Hãy đọc hai đoạn văn sau :
   Tôi lại biết rằng : lão nói là nói để đó đấy thôi, chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao ?
(Nam Cao, Lão Hạc)
   Con chó tưởng chủ mắng, vẫy đuôi mừng để lấy lòng chủ. Lão Hạc nạt to hơn nữa :
   –  Mừng à ? Vẫy đuôi à ? Vẫy đuôi thì cũng giết ! Cho cậu chết !
(Nam Cao, Lão Hạc)
a) Cho biết những câu nào đã được rút gọn thành phần và thành phần được rút gọn đó là gì.
b) Theo em, việc rút gọn thành phần trong các trường hợp trên đây có tác dụng gì ?
8. Tục ngữ thường biểu đạt những kinh nghiệm sống, được đúc kết qua nhiều thế hệ, có giá trị cho tất cả mọi người. Vì vậy, tục ngữ có thể được rút gọn thành phần chủ ngữ, ví dụ : Đói cho sạch, rách cho thơm ; Học thầy không tày học bạn….
   Theo em, có thể rút gọn chủ ngữ trong câu tục ngữ “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu” không ?
 
Gợi ý làm bài
1. Muốn giải bài tập này, các em cần nắm vững kiến thức về câu rút gọn và mục đích của việc rút gọn câu (xem Ghi nhớ, trang 15, SGK).
  Gợi ý :
–  Trong bốn câu a, b, c, d đã cho, những câu nào thiếu chủ ngừ, thiếu vị ngữ,… ?
–  Tục ngữ nêu lên những kinh nghiệm, những quy tắc ứng xử chung cho mọi người hay chỉ cho riêng một ai đó ?
   Chẳng hạn, tục ngữ b là câu thiếu chủ ngữ (Ăn quả, ai nhớ kẻ trồng cây ?). Chủ ngữ bị lược bỏ để ngụ ý rằng “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” là một quy tắc ứng xử chung cho mọi người.
2. Để giải được bài tập này, cần nắm vững kiến thức về câu rút gọn, đồng thời phải hiểu được nội dung của bài thơ.
   Chẳng hạn, câu đầu tiên là câu rút gọn :
Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
   Ta biết chủ ngữ của câu này bị lược bỏ, bởi vì câu không cho biết : ai bước tới Đèo Ngang…
   Việc đọc toàn bộ bài thơ sẽ giúp các em hiểu chủ ngữ được lược bỏ trong câu trên đây biểu thị tác giả, nhân vật trữ tình của bài thơ.
   Trong thơ, ca dao thường gặp nhiều câu rút gọn bởi vì thơ, ca dao chuộng lối diễn đạt súc tích, thêm vào đó, số chữ trong một dòng rất hạn chế.
3. Cậu bé và người khách trong câu chuyện hiểu lầm nhau bởi vì khi trả lời người khách, cậu bé đã dùng ba câu rút gọn khiến người khách hiểu sai.

Qua câu chuyện này, cần rút ra bài học : phải cẩn thận khi dùng câu rút gọn, vì dùng câu rút gọn không đúng có thể gây hiểu lầm.
4. Trong câu chuyện, việc dùng các câu rút gọn của anh chàng phàm ăn đều có tác dụng gây cười và phê phán, vì rút gọn đến mức không hiểu được và rất thô lỗ.
5*. Trong nhiều trường hợp nói hoặc viết, khi ngữ cảnh cho phép hiểu đúng, người ta có thể lược bỏ một hoặc vài thành phần nào đó trong câu, nhằm làm cho câu gọn hơn. Việc rút gọn câu như vậy thường thấy ở những câu hỏi có liên quan đến hoạt động, trạng thái của người được hỏi hoặc ở những câu mệnh lệnh. Chẳng hạn, trong lời bá Kiến dưới đây, câu in đậm là một câu rút gọn :
–  Cái anh này nói mới hay ! Ai làm gì anh mà anh phải chết ? Đời người chứ có phải con ngoé đâu ? Lại say rồi phải không ?
6. Để giải đúng bài tập này, các em cần tìm chủ ngừ, vị ngữ của từng câu. Trong đoạn đã dẫn, có một câu lược bỏ vị ngữ.
7. a) Trong hai đoạn trích, có một số câu rút gọn chủ ngữ, căn cứ vào ngữ cảnh, có thể khôi phục lại được chủ ngữ được rút gọn đó (lão, cậu).
   b) Việc rút gọn trong những trường hợp này làm cho câu gọn hơn.
8. Trong trường hợp của câu tục ngữ “Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu”, không thể rút gọn chủ ngữ vì việc rút gọn như thế sẽ làm cho người nghe, người đọc hiểu sai hoặc hiểu không đầy đủ nội dung câu nói (so sánh : Nhà giàu trồng lau ra mía, nhà khó trồng củ tía ra củ nâu/ Trồng lau ra mía, trồng củ tía ra củ nâu).

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment