Soạn bài Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ
Câu1:
“Ngất ngưởng” là một từ láy tượng hình vốn được dùng chỉ sự vật ở tư thế không vững, chênh vênh, lắc lư như chực đổ, chực ngã, bất ổn định.. Từ đó, ở bài thơ này, tác giả đã sử dụng từ “ngất ngưởng” mang ý nghĩa chỉ sự khác thường, vượt lên thói thường.
Ngoài nhan đề, từ “ngất ngưởng” được nhắc đi nhắc lại 4 lần ở cuối các câu 4, 8, 12 và câu cuối. Và mỗi lần được nhắc lại đó, từ “ngất ngưởng” đều mang một ý nghĩa khác nhau.
– Từ “ngất ngưởng” thứ nhất chỉ sự thao lược, tài năng quân sự, của Nguyễn Công Trứ.
– Từ “ngất ngưởng” thứ hai chỉ sự ngang tàng của tác giả ngay khi đã về hưu, làm dân thường.
– Từ “ngất ngưởng” thứ ba khẳng định cái chơi ngông hơn người của Nguyễn Công Trứ, ông dẫn các cô gái trẻ lên chùa, đi hát ả đào, … và tự đánh giá cao các việc làm ấy.
– Từ “ngất ngưởng” cuối cùng cho thấy sự nổi trội của tác giả so với mọi người trong chiều vì dám coi thường công danh phú quý, coi thường cả dư luận khen chê, thỏa thích vui chơi bất cứ thú gì, không vướng bận đến sự ràng buộc thân phận.
=> Trong bài thơ, Nguyễn Công Trứ đã dùng từ “ngất ngưởng” với một nghĩa rộng hơn, mới mẻ và rất thú vị. Từ đó, nó trở thành biểu tượng cho một phong cách sống, thái độ sống vượt thế tục, lệch chuẩn, vượt lên trên khuôn mẫu, chuẩn mực đời thường trong xã hội phong kiến để hướng tới một cuộc sống tự do, phóng khoáng đậm màu sắc cá nhân, thách thức xung quanh trên cơ sở nhận thức rõ tài năng và nhân cách cá nhân.
Câu 2:
Nguyễn Công Trứ biết làm quan là gò bó, là mất tự do. Ông coi chốn quan trường là cái lồng giam hãm con người “Ông Hi Văn tài bộ đã vào lồng”. Thế nhưng ông vẫn ra làm quan vì ông quan niệm đó là nơi để thể hiện tài năng và gắng sức cho xã hội, cho triều đình, cho đạo vua tôi. Ông biết rõ tài năng của mình đến đâu và như thế nào, cũng như ông biết mình cần phải làm gì để có lợi cho đất nước cũng như nhân dân. Nguyễn Công Trứ vẫn làm bởi ông coi công việc này là điều kiện, là phương tiện giúp ông thực hiện được hoài bão, lí tưởng xã hội vì nước vì dân của mình. Đồng thời đây cũng là cơ hội ông được thể hiện tài năng và cá tính của mình.
Câu 3:
Trong bài thơ, Nguyễn Công Trứ đã tự kể về mình, tự thuật, đánh giá bản thân. Ông biết rõ tài năng của mình đến đâu và như thế nào, cũng như ông biết mình cần phải làm gì để có lợi cho đất nước cũng như nhân dân. Giọng điệu trong bài như một lời tự thuật khẳng khái, đầy cá tính đã cho thấy ông có ý thức về tài năng cũng như phương châm sống của mình. Tác giả đã sử dụng tới hai ngôi xưng để chỉ về mình: ông, tay (ông Hi Văn, tay ngất ngưởng). Đặt trong ngôn ngữ tự xưng thời phong kiến (cả trong thơ văn và cuộc sống thường ngày) như cô, quả, ngu, đệ…đây rõ ràng là cách nói của một người tự tin, ngạo nghễ ý thức rõ về tài năng và nhân cách của mình. Niềm kiêu hãnh ngạo nghễ đó cho phép Nguyễn Công Trứ tự xem mình một cách trang trọng, ngất ngưởng.
Nguyễn Công Trứ tự hào vì đã có một cuộc sống hoạt động tích cực trong xã hội. Ông cũng tự hào vì mình dám sống cho mình, bỏ qua sự gò bó của lễ và danh giáo.
Ba câu thơ cuối của bài cho thấy thái độ tự đề cao của nhà thơ, ông xem mình ngang hàng với các danh tướng được truyền tụng. Từ đó thể hiện một cái tôi ngạo nghễ, ngất ngưởng. Thái độ ấy được nhà thơ đẩy lên khi so sánh với những người đang sống, đang tại vị trong triều. Qua đó, khẳng định cá tính độc đáo, khác người của nhà thơ đề cao một lối sống phóng khoáng, vượt khỏi những khuôn mẫu cứng nhắc cổ hủ.
Câu 4:
Thể hát nói phát triển mạnh bắt đầu từ những năm đầu thế kỉ XIX và nó đã phát triển nhanh chóng, chiếm vị trí độc tôn trong một thời gian dài, trở thành một khuynh hướng văn học của thời đại.
So với thể thơ Đường luật gò bó, chật chội, nhiều quy định về niêm, luật thì thể thơ hát nói đã phóng khoáng và tự do hơn nhiều. Hát nói có quy định về số câu, về cách chia khổ nhưng người viết vẫn có thể phá cách theo ý muốn của mình để tạo nên một tác phẩm tự do về số câu, số chữ, cách gieo vần, nhịp điệu… Sự phóng khoáng của thể thơ đặc biệt thích hợp với những nhà thơ có phong cách mới, cách nghĩ mới về quan niệm nhân sinh, khao khát khẳng định chính mình, sống theo mình, coi thường những ràng buộc của lễ nghi, của xã hội.
Luyện tập
Sự khác biệt về từ ngữ giữa bài “Bài ca ngất ngưởng” của Nguyễn Công Trứ và “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” của Chu Mạnh Trinh.
– Ngôn ngữ của “Bài ca ngất ngưởng” rất phóng khoáng, tự do, ngạo nghễ, mang đậm tính cách của tác giả, chứa đựng nhiều câu kể. Từ đó giúp cho việc truyền tải nội dung cũng như phong cách của Nguyễn Công Trứ được dễ dàng hơn.
– Ngôn ngữ của bài “Bài ca phong cảnh Hương Sơn” nhẹ nhàng, chứa nhiều từ miêu tả cảnh sắc thiên nhiên đống thời có những từ ngữ mang đậm dấu ấn của Phật giáo. Từ đó thể hiện rõ niềm say mê phong cảnh thiên nhiên đất nước cũng như Phật giáo của tác giả.
Giaibaitap.me
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi