Tìm hiểu bài Hồi hương ngẫu thư ( văn lớp 7)

0

Tìm hiểu bài Hồi hương ngẫu thư

Mời các bạn học sinh tham khảo thêm bài:

Soạn bài Côn Sơn Ca

Trong chương trình ngữ văn ở nhà trường (THCS-THPT) có một số bài thơ Đường ngắn rất hay, qua mấy mươi năm đưa vào giảng dạy được thầy cô giáo tâm đắc và học sinh thích thú vì dễ hiểu và cảm nhận được.

Đó là các bài Vọng Lư Sơn bộc bố, Tĩnh dạ tư (THCS), Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng của Lý Bạch. Đặc biệt bài Hồi hương ngẫu thư (THCS) của Hạ Tri Chương để lại ấn tượng sâu sắc cho HS về một áng thơ Đường ra đời hơn một ngàn năm mà đối với các em vẫn như “tựa hôm qua” (thơ Tế Hanh).

Hạ Tri Chương (659-744) tự QuýChân, hiệu “Tứ Minh cuồng khách”, người Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Năm 695 ông đậu tiến sĩ, làm quan trên 50 năm ở Trường An. Ông thích uống rượu, kết thân với Lý Bạch, là một trong “Ngô trung tứ sĩ”, tự xưng “Tứ minh cuồng khách”. Tính tình phóng khoáng, thích đàm tiếu, làm quan lâu năm vì “hoảng sợ bệnh tật” và “muốn về làng” nên sau hơn 50 năm xa quê năm 86 tuổi ông trở về thăm quê ở Vĩnh Hưng, Việt Châu (nay thuộc Tiêu Sơn, tỉnh Chiết Giang). Từ biệt rất lâu nay đến tuổi già lão Hạ Tri Chương mới về quê thăm nên có nhiều cảm xúc ngỡ ngàng và xa lạ. Ông đã làm hai bài thơ nhan đề Hồi hương ngẫu thư (ngẫu nhiên về làng viết). Bài thứ nhất như sau:

Thiếu tiểu ly gia lão đại hồi, Hương âm vô cải mấn mao tồi. Nhi đồng tương kiến bất tương thức, Tiếu vấn: “Khách tòng hà xứ lai?”

Dịch thơ:

Khi đi trẻ, lúc về già Giọng quê vẫn thế, tóc đà khác bao. Trẻ con nhìn lạ không chào, Hỏi rằng: “Khách ở chốn nào lại chơi?” (Phạm Sĩ Vĩ)

Đầu đề bài thơ có 4 chữ (từ), chữ “ngẫu” được hiểu là tác giả trở về làng lúc đã quá già nên chỉ có ý định về làng thăm quê sau hơn nửa thế kỷ xa cách mà không có ý sáng tác. Đây là lần trở về quê đầu tiên và cũng có thể là lần cuối. Nhưng vừa đặt chân đến quê thì cảm xúc dâng trào nên tác giả “ngẫu hứng” mà sáng tác bài thơ này. Bài thơ theo thể thất ngôn tuyệt cú, lời lẽ đơn giản, dễ hiểu nhưng trở nên bất hủ và rất được truyền tụng xưa nay, và nó đều được đưa vào chương trình ngữ văn ở nhà trường phổ thông Trung Quốc (sơ trung), Việt Nam (THCS).

1. Bài thơ có 4 câu, hai câu đầu (1, 2) tác giả nói về sự thay đổi của bản thân và hai câu sau (3, 4) diễn tả cảm nghĩ của mình về sự thay đổi của quê sau bao năm dài xa cách. Ở hai câu đầu tác giả tự đặt mình vào hoàn cảnh vừa quen thân vừa xa lạ đối với quê hương khi trên đường trở về. Tâm tình của tác giả lúc này là “không bình tĩnh” với tâm trạng bồn chồn, lo lắng. Nguyên nhân của sự “không bình tĩnh” ấy là lời “tự thuật” khi từ biệt quê nhà ra đi tác giả còn ấu thơ (thiếu tiểu) và khi trở về thì đã quá già lão (lão đại). Câu thơ chỉ có 7 chữ mà đối từng chữ (thiếu tiểu – lão đại; ly – hồi). Ở câu 1 xuất hiện chữ “gia” (nhà) rất gần gũi và thân quen. Cái nơi gần gũi, thân quen “chôn nhau cắt rốn”, “cất tiếng chào đời” ấy trở nên nghẹn ngào làm sao khi tác giả nhớ lại phải “ly gia” (xa cách ngôi nhà) để ra đi từ lúc còn quá bé nhỏ (thiếu tiểu). Xót xa, ngậm ngùi hơn là chính con người ấy nay lại trở về nhà vào lúc tuổi xế chiều “gần đất xa trời”. Một câu thơ có hai vế đối: “Thiếu tiểu ly gia” đối với “lão đại hồi” vừa chỉnh vừa hay. Câu thơ 1 được chuyển tiếp và làm rõ hơn ở câu 2. Nếu câu 1 là sự thay đổi về thời gian năm tháng thì ở câu 2 tác giả làm nổi bật sự thay đổi rất lớn của bản thân ở hai khía cạnh là tâm hồn bên trong và hình dạng bên ngoài. Trong khi hình dáng bên ngoài sau bao năm ra đi và xa cách nay trở về râu và tóc của tác giả đã bạc phơ và thưa rụng đi rất nhiều (mấn mao tồi). Cái mà tác giả rất tự hào và có thể nói “hành trang” trở về rất quí giá của mình, đó là tấm lòng, tình cảm được thể hiện qua giọng nói của quê nhà vẫn không thể thay đổi (hương âm vô cải).

Nếu câu 1 tác giả gọi “gia” (nhà) là của riêng mình thì ở câu 2 nhà thơ lại dùng chữ “hương” (làng) rộng lớn, bao quát, thân thiết và gắn bó hơn. Câu 2 cũng có hai vế đối. Chữ “hương âm” (giọng quê) không thay đổi (vô cải) cho dù “mấn mao” (râu tóc) đã thay đổi (tồi). Câu thơ này ngụ ý tác giả muốn nói rằng “tôi không quên quê hương nhưng quê hương còn nhớ tôi không?” (Ngã bất vong cố hương, cố hương khả hoàn nhận đắc ngã ma?).

2. Câu 3, 4 miêu tả sự thay đổi của quê hương từ bức tự họa tràn đầy cảm khái tác giả chuyển sang câu chuyện giàu kịch tính mà trọng tâm là sự xuất hiện hình ảnh đứa trẻ (nhi đồng). Hai câu đầu nhân vật chính là tác giả (thiếu tiểu – lão đại), hai câu sau có hai nhân vật, một già (lão đại) và một đứa trẻ của làng (nhi đồng). Nếu như ở hai câu thơ đầu tác giả háo hức và mơ ước được nhanh chóng trở về quê lúc tuổi già sức yếu thì ở hai câu thơ sau nhà thơ cảm thấy bị hụt hẫng, ngỡ ngàng vì quê hương mà mình khắc khoải mong trở về trở nên xa lạ. Đứa trẻ làng (ở tuổi chắt) nhìn thấy một ông lão rất già nhưng nó dửng dưng, xa lạ, không quen biết và không hề chào hỏi một câu (nhi đồng tương kiến bất tương thức). Câu thơ chỉ có 7 chữ với hai từ lặp (tương – nhìn thấy nhau và không quen biết nhau). Kịch tính của bài thơ được mở ra từ đây. Câu thơ không nói nhưng tác giả tỏ ra không vui và trách giận một đứa trẻ làng gặp ông, nhìn thấy ông mà xa lạ, không lễ phép đối với người già đáng tuổi cụ. Từ thái độ giận trách tác giả chuyển sang thái độ là tự trách mình, tự hỏi mình. Ông chợt nghĩ rằng đứa trẻ không có lỗi, thái độ “xử sự” của nó là đúng. Ông đã trở nên xa lạ trên quê hương mình. Bài học rút ra ở ông lúc này chính là cách “xử sự” của đứa trẻ đối với những ai xa quê lại hờ hững mà ít gắn bó với quê bao nhiêu năm xa cách nay mới trở về. Tác giả – một nhà thơ lớn – làm quan lớn rời bỏ quê hương ra đi nay trở về với “tinh chất” là “Hương âm vô cải” nhưng lại trở nên xa lạ ngay trên quê hương thân yêu của mình mà người “chỉ ra” sự xa cách, xa lạ đó là đứa trẻ làng đáng yêu.

3. Câu thơ cuối (câu kết) rất hay, kịch tính được “thắt” (câu 3) và được “mở” với hình ảnh thân thiện hồn nhiên và lễ phép của đứa trẻ. Từ chỗ nhìn thấy (tương kiến) mà không quen biết (bất tương thức) đứa trẻ có một thái độ cởi mở, niềm nở với ông già (tiếu vấn). Sau nụ cười là một câu hỏi cũng phát ra từ miệng của đứa trẻ thơ: “Ông là khách từ nơi đâu đến?” (Khách tòng hà xứ lai?). Câu thơ có một lời thoại – một lời hỏi của đứa trẻ mà người đáp là ông già (tác giả) – không có trả lời. Chữ “khách” tác giả sử dụng ở đây thật tài tình được coi là “thi nhãn” của bài thơ này. Tác giả là chủ làng, già làng ra đi nay trở về là “khách” còn đứa trẻ làng là kẻ hậu bối mấy đời nay trở nên là “chủ”. Nó sẽ rất tự hào và hãnh diện là “chủ” của quê hương trong hiện tại và tương lai. Với những ai từng là “con em” và “chủ” của làng ra đi lâu ngày không còn thân thiết, gắn bó nữa nếu không có ý thức về quê hương sẽ trở nên là “khách” xa lạ ngay trên nơi chôn nhau cắt rốn và cất tiếng chào đời. Nhà thơ không trả lời được câu hỏi đơn giản của đứa trẻ và tác giả cũng nhận thức ra rằng không thể trả lời! Sau câu hỏi này chắc chắn tác giả sẽ lại phải ra đi vì mình là “khách” của quê hương rồi.

4. Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương tuy ngắn mà hay, sâu xa, ý tứ ít có thi phẩm nào sánh kịp. Bài thơ có không gian, thời gian, con người và sự việc. Bài thơ có hai nhân vật, một lời thoại, có kịch tính dâng trào và có sự hài hước. Yếu tố tự vấn, tự trách, giận mà thương thể hiện khá rõ trong bài thơ. Bài thơ như một màn kịch có bối cảnh, nhân vật đọc lên ai nấy cũng có cảm giác là “xem” một vở hài kịch thân thương. Cảm xúc trước bài thơ này sinh thời nhà thơ Chế Lan Viên sau mấy mươi năm xa quê thuở trai trẻ một thời ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định sau ngày giải phóng trở về thăm lại, nhân nhớ đến bài Hồi hương ngẫu thư của Hạ Tri Chương ông đã làm bài thơ Trở lại An Nhơn.

Trở lại An Nhơn tuổi đã lớn rồi, Bạn chơi ngày nhỏ chẳng còn ai? Nền nhà cũ xây cơ quan mới, Chẳng lẽ thăm quê lại hỏi người.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment