Review sách Những con đường tơ lụa
Những con đường tơ lụa
Tác giả: Peter Frankopan
Review sách:
Tôi được nghe về Con đường Tơ lụa từ khá lâu rồi, qua sách giáo khoa lịch sử, qua những cuốn sách nghiên cứu (Thành Cát Tư Hãn và sự hình thành thế giới hiện đại, Tại sao phương Tây vượt trội…). Thậm chí cả ngôn tình (Không phụ Như Lai không phụ nàng…) cũng nhắc đến rất nhiều.
Khi cầm cuốn sách này trên tay, tôi hình dung sẽ được đọc về những con đường ấy với nào những tơ lụa, gia vị, nào những nô lệ, những con lạc đà và nhiều khu chợ ồn ào, tấp nập cùng những cuộc chiến liên miên… Nhưng tác giả của “Silk Roads” đã làm những điều xa hơn thế. Ông đã dẫn dắt người đọc về ngọn nguồn khởi thủy của con đường lừng danh ấy, chuyện nó vận hành ra sao và cả những “con đường tơ lụa” trên biển sau này… Cuốn sách nói về lịch sử nhân loại, tôn giáo, các cuộc chiến tranh, dịch bệnh, sự phát triển qua từng cột mốc từ thời Ba Tư cổ đại đến ngày nay.
Từ trung điểm giữa Đông và Tây, trải rộng từ đông Địa Trung Hải tới dãy Himalaya – vùng đất sinh ra năm tôn giáo lớn nhất – đã tỏa đi nhiều con đường, hình thành những con đường tơ lụa – một cái tên thật đẹp do nhà địa chất học người Đức – Ferdinand Von Richthofer đặt ra. Theo những con đường này tơ lụa, lông thú, nô lệ sẽ đến nơi cần đến. Hàng hóa, sản phẩm và ý tưởng được trao đổi. Các đế chế vĩ đại nổi lên và suy tàn. Song đi cùng chúng cũng là chiến tranh, bệnh tật và tai ương.
Nếu nói những đổi mới là đứa con sinh ra sau một cơn đau dữ dội thì những xung đột về tôn giáo và tranh giành quyền lực là sự hoài thai, chiến tranh chính là cơn đau với sự hy sinh biết bao sinh mạng.
Khi đế quốc Ba Tư phát triển cực thịnh cùng Hỏa giáo cũng là lúc họ bắt đầu phải đối mặt với một tôn giáo mới: Thiên Chúa Giáo của những người La Mã. Các vị Shapur của Ba Tư đã có những cuộc chiến lớn với hoàng đế La Mã.
Khi đang thống trị thế giới với hào quang rực rỡ, La Mã đã bị sụp đổ bởi người Hung nô và các bộ tộc ở thảo nguyên.
Chính lúc này Thiên Chúa Giáo phát triển mạnh ở Phương Đông, tới những vùng đất xa xôi… Song họ đã rất khôn ngoan “các giáo sĩ đã làm việc cật lực để dung hòa các tư tưởng của họ với tư tưởng Phật giáo, nếu không phải như một đường tắt, thì ít ra như một cách để đơn giản hóa các rắc rối”.
Vào cuối thế kỷ VII, khắp Địa Trung Hải bị đe doạ bởi nạn dịch hạch, (chỉ riêng ở Constantinople đã có tới 10.000 người chết mỗi ngày) khiến cho nhân lực bị thiếu hụt và niềm tin theo đó bị cạn kiệt. Nhưng chính điều này đã làm mức phí lao động ở châu Âu được tăng cao, sự phân bố của cải được công bằng hơn. Và cũng chính lúc này Hồi giáo xuất hiện.
Vào thế kỷ XV châu Âu đã thay đổi một cách ngoạn mục khi Columbus tìm ra châu Mỹ cùng với lượng của cải khổng lồ. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha – những quốc gia có ưu thế về hải quân trở thành những đế quốc hùng mạnh. Song đổi lại điều đó là những đau khổ khốn cùng của người dân bản địa. Họ mất đất, mất nhà, mất tài sản và ngày càng bị bóc lột một cách tàn bạo bởi sự tham lam của các quý ngài đến từ châu Âu – những kẻ điềm nhiên coi châu Mỹ như một cái túi vàng không có đáy, muốn bao nhiêu lấy bấy nhiêu….
Với con đường tơ lụa trên biển này, châu Âu và thế giới đã phát triển mạnh mẽ về giao thương, hàng hóa từ châu Mỹ đổ về châu Âu, từ châu Phi về châu Âu và ngược lại. Trong quá trình này, Hà Lan và Anh nổi lên là những quốc gia phát triển nhanh nhất với sự tận tâm và chăm chỉ thay cho Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha, vốn đang gây chiến liên miên với ngân quỹ quốc phòng nuốt chửng mọi thu nhập.
Trên hướng phát triển của nhân loại còn xuất hiện khá nhiều những con đường khác:
– Con đường tới diệt chủng gắn với chiến tranh thế giới 2: với con số thương vong khủng khiếp: phe đồng minh 61.000.000, phe trục 12.000.000.
– Con đường Chiến tranh lạnh bắt đầu từ sự đối địch giữa Anh, Mỹ và Nga trên bàn cờ địa chính trị, xoay quanh những vùng đất có chứa vàng đen.
– Con đường tơ lụa mới ở giai đoạn cuối thế kỷ XX đầu XXI. Lại một lần nữa thế giới bất ổn với những điểm nóng xảy ra liên miên ở Lưỡng Hà, Vùng Vịnh hay ngay cả trong lòng châu Âu với sự tranh giành dầu mỏ, vấn đề dân nhập cư, nạn khủng bố…
Những con đường tơ lụa đã bao quát lịch sử thế giới từ 2.500 năm trước tới ngày nay qua gần 1000 trang sách. Lịch sử, tôn giáo, chiến tranh, nghệ thuật cùng với những giai thoại đã làm nên một cuốn sách “choáng ngợp và đáng đọc một cách say sưa”.
Đọc sách không những thu lượm được các kiến thức quý báu về lịch sử, đôi khi còn có những điều thú vị, ví như: Islam =Ikhlas + Salam (Ikhlas: Bình an, Salam: Thuần khiết) hay còn có một từ về các thương nhân trở thành triệu phú khi buôn bán với Ấn Độ: Nabob…
Theo: Huỳnh Thu Giang
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi