Review sách Bắt Trẻ Đồng Xanh

0

Bắt Trẻ Đồng Xanh
Tác giả: J. D. Salinger

Giới thiệu sách:
Bắt Trẻ Đồng Xanh (Tái Bản) là một cuốn sách nhỏ, mỏng và chẳng giống ai. Điều đó cũng là tính cách của nhân vật chính, Holden – nổi loạn, thiếu giáo dục, và lạ lùng.

Cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên tại Hoa Kỳ năm 1951, tác phẩm này đã gây ra tranh cãi lớn vì đã sử dụng nhiều ngôn từ tục tĩu, mô tả tâm lý chán chường và vấn đề tình dục của vị thành niên. Nhân vật chính của Bắt trẻ đồng xanh, Holden Caulfield, đã trở thành hình tượng cho sự nổi loạn và thách thức của thanh thiếu niên Mỹ.

Bắt Trẻ Đồng Xanh đã mượn suy nghĩ của một chàng trai trẻ để nhìn về cuộc sống một cách hài hước và thông minh. Ngôn từ đơn giản, đôi khi rất thô tục thể hiện con người nhân vật, cuốn sách đi vào lòng người bởi những triết lý giản đơn vẫn đang hiện hữu từng ngày trong cuộc sống. Và rồi sẽ đọng lại trong lòng người đọc một ý nghĩ tưởng như đã quên mất từ lâu: Mình là chính mình.

Review sách:
Nhìn tựa đề Bắt trẻ đồng xanh, tôi hình dung ra cảnh đuổi bắt trốn tìm của một bầy trẻ nhỏ trên cánh đồng xanh bát ngát đang vào mùa – thật sinh động, thật hồn nhiên và đẹp tuyệt vời.

Thế nhưng mọi thứ đều trái ngược ngay khi lật những trang đầu tiên. Cảm giác shock vì bị nhấn chìm trong những suy nghĩ chán chường, đầy những câu chửi thề cáu bẳn của Holden – nhân vật chính của truyện, cả cách xưng hô với người khác của Holden cũng rất chói tai, nó thô thiển, vô giáo dục lạ lùng!

Bắt trẻ đồng xanh là tự sự của Holden – sinh viên 18 tuổi, vừa bị đuổi khỏi trường dự bị đại hoc Pencey- Agerstown, thành phố Pennsylvania, vì thành tích bất hảo rớt bốn trên tổng số năm môn môn học .

Nếu có cuộc đuổi bắt nào ghi trong sách, thì có lẽ chính là những suy nghĩ lan man, rối rắm chạy lòng vòng trong đầu Holden sau khi biết mình bị đuổi học. Cậu rời trường, đến thành phố New York nhưng lại chẳng dám về nhà trước ngày bế giảng.

Holden chẳng thích gì, chán ghét tất cả, cậu có thể lảm nhảm hàng giờ liền trong cái đầu chứa đầy những “mắc dịch, dịch hạch, bỏ mẹ, thật thối, ối giời..”. Holden ghét sự giả dối đầy bộ tịch của người đời, ghét cả những thói hư tật xấu đang diễn ra quanh mình. Hãy thử nghe cậu nói.

“Ừ, tôi thì ghét trường học. Ôi giời, tôi ghét cay ghét đắng…”

“Nhưng không chỉ có thế. Tôi ghét sống ở New York các thứ. Xe taxi, xe đò trên Đại lộ Madison, với những thằng lái xe luôn luôn hét vào mặt bảo mình xuống cửa sau,

“Cô phải đi học một trường con trai thử mà xem. Cô thử đi…”

“Đầy cả tụi bộ tịch, và cô chỉ phải học để một ngày kia có thể mua được một chiếc Callidac trời đánh và cứ phải làm ra vẻ mình rất quan tâm đến trận đấu bóng, và suốt ngày chỉ nói về con gái, rượu và tình dục, và mọi người bám lấy nhau trong những bè đảng thối tha ấy”

“Một trong những lý do lớn nhất vì sao tôi rời trường Elkton Hills là vì, ở đấy xung quanh tôi chỉ toàn tụi bộ tịch. Đấy, lý do là thế đấy. Chẳng hạn ông già hiệu trưởng, ông Haas, đấy là thằng cha bộ tịch nhất tôi từng gặp trong đời. Còn bộ tịch gấp mười già Thurmer.”

Cứ lắng nghe Holden càu nhàu mãi rồi tôi cũng hiểu – ở một độ tuổi nhạy cảm, cậu thu người lại trong một góc hẹp mà phán đoán mọi việc quanh mình, cuộc sống với những mặt trái hiện rõ trước mắt làm cậu chán chường rồi sợ hãi, cậu như một giọt nước tinh khiết bám trên thành hồ, nhìn vào lòng hồ đầy những cặn bã, rong rêu mà hoảng sợ không muốn thảy mình vào cái hồ nhơ nhớp đó.

Holden của tuổi trẻ nổi loạn như một con nhím xù gai nhọn nhưng lại đầy tình cảm – cậu luôn nghĩ đến DB – người anh viết văn tài giỏi của mình, nhớ em Allie đã mất với chiếc găng tay trái của cầu thủ bóng chày viết đầy thơ, cậu mong được “cà riềng cà tỏi” với em Phoebe, hay muốn gọi điện thoại để hẹn gặp Jane Gallagher- cô bạn gái láng giềng thích chơi cờ đam. Holden nói về tình dục ngang phè như một tay chơi từng trải, nhưng thực chất vẫn là trai tân, gọi gái lên phòng chỉ để nói chuyện tầm phào, cậu lành đến nỗi bị tay dắt gái và ả gái gọi bắt chẹt đến thương.

Holden vẫn tự trào về mình “Tôi dốt đặc nhưng tôi đọc sách khá nhiều” hay “Tôi là cái thằng nói láo kinh khủng nhất mà bạn từng thấy trên đời. Khủng khiếp lắm ấy. Nếu tôi đang đi đến tiệm mua một tờ báo mà gặp ai hỏi tôi đi đâu, tôi cũng dám nói tôi đi xem hát lắm. Thật khiếp!” và “Tôi là thằng “rất nhát gan. Tôi cố đừng lộ ra thế, nhưng chính ra tôi rất nhát gan.” Điều làm tôi buồn cười nhất, tuy Holden chửi thề luôn miệng nhưng lại phản ứng rất mạnh khi thấy hai chữ “ĐM” viết trên tường trường nơi em Phoebe học “Tôi cứ muốn giết thằng nào đã viết những chữ ấy. Tôi tưởng tượng đấy là một thằng biến thái trời đánh thánh vật nào đã lẻn vào ban đêm rồi viết như thế trên tường. Tôi cứ tưởng tượng tôi đang bắt quả tang nó, và tôi đập cái đầu nó vào những bậc đá như thế nào, cho đến khi nó đầy cả máu me và chết ngoẻo cổ. Nhưng đồng thời tôi cũng biết tôi sẽ không có can đảm làm thế. Tôi biết như vậy. Điều ấy làm tôi càng rầu rĩ hơn. Tôi lại còn không đủ can đảm để chùi nó với bàn tay tôi nữa là khác, nếu bạn muốn biết sự thật. Tôi sợ một ông thầy giáo nào đó sẽ bắt gặp tôi đang xóa và tưởng chính tôi đã viết nó. Nhưng rốt cuộc tôi cũng xóa như thường.”

Holden ơi Holden! Cậu đã dẫn tôi qua mọi cung bậc của cảm xúc, từ bất ngờ, chán ghét, khó chịu, đến thấu hiểu, cảm thông, thích thú, rồi lo lắng, mong mỏi và da diết!

Nhớ Holden với câu hỏi vô cùng vớ vẩn về những con vịt trên hồ ở công viên trung tâm gần đường Nam Công Viên “Tôi đang thắc mắc không biết những con vịt sẽ đi về đâu, khi nước hồ đóng thành băng hết. Tôi tự hỏi có thằng cha nào mang cam nhông lại đem chúng đi đến một vườn thú hay gì không? Hay chúng chỉ bay đi là xong.”

Nhớ Holden chỉ là một đứa trẻ to xác khi bảo với em Phoebe.
“Em biết bài hát ‘Nếu một đứa nào bắt được đứa nào đang đến qua đồng lúa mạch xanh’ không?

Anh cứ tưởng tượng một bầy trẻ con chơi một trò chơi gì đó trong một đồng lúa mạch thật to. Hàng nghìn đứa trẻ con, và không có ai ở đấy – không có ai là người lớn, anh muốn nói vậy – trừ anh. Và anh thì đứng trên một mỏm đá điên khùng nào đó. Điều anh phải làm là, anh phải bắt tất cả những đứa trẻ nào chạy tới gần mỏm đá. Nghĩa là nếu chúng đang chạy mà không coi chừng chúng ở đâu, thì anh sẽ nấp ở một nơi nào đó rồi ra bắt lấy chúng. Anh sẽ làm như thế suốt ngày. Anh sẽ làm người “bắt trẻ đồng xanh các thứ. Anh biết thật là điên khùng, nhưng đấy là điều độc nhất anh muốn làm. Anh biết vậy là thật điên khùng.”

Ước muốn duy nhất đó đã nói lên khao khát bắt giữ những ký ức tuổi thơ của Holden, nhưng ai rồi cũng phải trưởng thành, dù giai đoạn chuyển tiếp này có khó khăn rồ dại đến đâu. Đến cuối cùng thì giọt nước tinh khiết đó cũng không thể bám mãi ở thành hồ, mà phải gieo mình hoà vào lòng hồ “Cuộc sống” nếu muốn tồn tại.

Holden rồi cũng quay về nhà, tiếp tục đi học, làm em của DB, làm anh của Phoebe – cùng khiêu vũ và cà riềng cà tỏi với em.

Holden ớ ẩm, chửi tục, hay lầm bầm phê phán, và chẳng tuân theo khuôn mẫu nào của cuộc sống, cậu cứ là chính cậu thôi. Cậu cũng chẳng bao giờ muốn hứa hẹn bởi cậu cho rằng “làm sao bạn có thể biết được bạn sẽ làm gì cho đến khi bạn làm thật? Câu trả lời là, bạn không thể biết “.

Bắt trẻ đồng xanh là tác phẩm lạ lùng có một không hai, bởi nhân vật chính của truyện – Holden – cũng lạ lùng chẳng giống ai, cậu vừa đáng trách lại vừa đáng yêu!

Theo: Lan Chi

Một số câu trích hay từ cuốn Bắt trẻ đồng xanh:

1.Tôi bất chấp đó là một sự từ biệt buồn thảm hay một sự từ biệt quấy quá thế nào cũng được, nhưng khi tôi từ biệt một nơi nào, tôi muốn biết rằng tôi đang từ biệt nó.

2. Tôi dốt đặc nhưng tôi đọc sách khá nhiều.

3. Rất rất nhiều người đã từng bất an về phương diện đạo đức và tâm hồn hệt như bạn lúc này. Hạnh phúc thay, có một vài người trong số họ đã ghi lại những điều phiền muộn của mình.

4. Dấu hiệu của người chưa trưởng thành là, họ muốn chết một cách cao thượng vì một sự nghiệp, trong khi dấu hiệu của người trưởng thành là, họ muốn sống một cách khiêm nhường vì một sự nghiệp.

5. Tôi luôn nói “Gặp anh tôi vui lắm” với người tôi chẳng thấy vui vẻ gì khi gặp gỡ. Thế nhưng, nếu như bạn còn muốn sống, bạn phải nói mấy câu vớ vẩn như thế.

6. Đó là điều về những cô gái. Mỗi khi họ làm gì đó dễ thương, thậm chí dù trông họ không dễ thương nhiều như vậy, hoặc thậm chí dù họ có phần ngốc nghếch, thì bạn đều phải lòng họ thôi, và sau đó bạn sẽ không bao giờ biết địa ngục ở đâu. Những cô gái, chúa Jesus. Họ có thể làm bạn điên lên. Họ thực sự có thể.

7. Cuộc sống là một trò chơi, cậu bé ạ. Cuộc sống là một trò chơi mà mỗi người đều phải tuân thủ luật chơi của nó.

8. Lũ vịt trong hồ nước đóng băng vào mùa đông biết bay đi phương nào?

9. Ván bài, láo toét, cũng còn tùy chứ, nếu bạn ở bên những kẻ may mắn thì cho đời là một ván bài cũng được đi. Tôi công nhận. Nhưng nếu bạn ở phía kia, phía không có kẻ nào may mắn thì có gì là ván bài đâu ? Không ván bài gì ráo. Đời nào.

10. Nếu bạn làm một điều gì đó quá tốt, rồi sau đó, sau tất cả, nếu bạn không nhìn theo nó, bạn bắt đầu phô trương. Và sau đó thì bạn không còn tốt nhiều như trước nữa.

11. Không ai khác đi cả. Thứ duy nhất biến đổi chính là bạn.

12. Anh muốn được làm người canh giữ lũ trẻ trên cánh đồng lúa mạch. Anh biết, Phoebe ạ, đó là mơ tưởng điên khùng, ngu xuẩn nhưng thực sự anh muốn thế.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment