Review sách Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Con Không Ngốc, Con Chỉ Thông Minh Theo Một Cách Khác
Tác giả: Lư Tô Vỹ
Về tác giả:
Lư Tô Vỹ sinh năm 1960 tại Đài Loan. Năm lên 8 tuổi, cậu bé Vỹ bị thiểu năng trí tuệ sau trận viêm não Nhật Bản.
Từ một cậu bé không may mắc phải căn bệnh viêm não Nhật Bản dẫn đến bị bại não và chỉ số IQ chỉ còn 70 vươn lên trở thành một thiên tài sở hữu 500 phát minh, tác giả của hơn 50 đầu sách nổi tiếng về giáo dục, một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực khai thác và phát triển năng lực tiềm ẩn, cuộc đời của Lư Tô Vỹ quả thực là một cuộc đời kỳ diệu!
Review sách:
Một cuốn sách rất hay viết về Lư Tô Vỹ một người bị thiểu năng trí tuệ sau một trận viêm não Nhật Bản cuối cùng có thể thi đỗ đại học, trở thành một nhân tài sở hữu 500 phát minh.
“Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác”- gieo hạt mầm tự tin và nỗ lực, sẽ gặt hái được thành công.
Kết thúc 3 tuần nằm viện vì căn bệnh viêm não Nhật Bản, cậu bé Lư Tô Vỹ được cha mẹ đưa trở về nhà cùng lời dặn dò nặng hơn con dấu đỏ cộp xuống tờ y lệnh của bác sĩ: “Thằng bé này sống được là tốt rồi, đừng kỳ vọng rằng nó có thể học được cái gì, và cùng lắm chỉ có thể sống được thêm ba năm mà thôi!”. Nhưng Vỹ không chết, bản năng sống, chinh phục khó khăn để trở thành một Người – bình – thường trong cậu mãnh liệt hơn bao giờ hết.
Tạo hóa vốn khéo trêu đùa hay cố tình thử thách Lư Tô Vỹ? Lư Tô Vỹ – một “đứa con cầu tự” vốn chịu lắm thiệt thòi khi vừa hoài thai thì cha phải nhận án tù, mẹ phải nhọc nhằn đi làm thuê ở mỏ quặng cho đến khi cơn đau trở dạ buộc bà phải dừng để đến bệnh viện sinh nở. Giây phút chuẩn bị chào đời, Vỹ từng bị ông nội dọa bán đi với giá 100 tệ nếu Vỹ là con gái! Vỹ chào đời trong nhiều giọt nước mắt tủi phận lẫn vui mừng của mẹ, của bà, của chị…
Lẽ thường, “đứa con cầu tự” ấy được ba mẹ nuông chiều, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn. Nhưng sự may mắn của Vỹ không trọn vẹn. Sau trận ốm thập tử nhất sinh, Vỹ khiếm khuyết trí não. 8 tuổi, cậu không biết xem đồng hồ, ngay từ việc đếm từ 0 đến 9 cũng vất vả mới làm được. Trong khi bạn bè trang lứa đạt điểm 9 vẫn bị ăn đòn thì Vỹ được thưởng hẳn một chiếc đùi gà vì đã nỗ lực để đạt điểm 1. Câu nói “Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác” không chỉ là tình yêu thương của bố Lư Tô Vỹ đối với núm ruột của mình mà còn là niềm tin, là động lực truyền thêm sức mạnh cho Vỹ.
Vỹ trải qua những tháng năm ngồi trên ghế nhà trường tiểu học bằng cách khó tin nhất. Những giọt nước mắt của cô giáo và cả nước mắt của Vỹ đã rơi khi cậu không thể nhớ được bất cứ điều gì, con số viết chưa ráo mực đã quên, không phân biệt được các chữ cái, thậm chí đến bài học dễ nhất là xem đồng hồ, Vỹ cũng không thể học được: “Trong hành trình của đời mình, có đôi khi tôi lặng người nhìn lên chiếc đồng hồ. Tôi quả thực không hiểu ai đã rảnh rỗi phát minh ra thứ máy móc khiến cả thế giới trở nên căng thẳng đến vậy?”- Vỹ rút ra kết luận sau bao nhiêu nỗ lực học hành không kết quả.
Trong khó khăn đó, cha Vỹ vẫn luôn tin rằng con trai ông không ngốc, nhất định sẽ làm tốt, chỉ cần cố gắng. Niềm tin của ông lan tỏa sang Vỹ và mọi thành viên trong gia đình. Để Vỹ tiếp tục đến trường, cha Vỹ đưa ra sáng kiến để mẹ Vỹ theo con đến lớp. Một bà mẹ mù chữ, chưa từng được đến trường nay dắt tay Vỹ vào lớp học.
Bà nỗ lực bằng tình yêu của một người mẹ dành cho con để nắm bắt bài vở, hỗ trợ con trong từng bài học, phép tính. Giờ học của Vỹ ở nhà là sự chung sức của cả cha mẹ, chị Hai, cùng đưa ra những sáng kiến để bài học trở nên hấp dẫn, thu hút nhất nhằm lôi cuốn sự tập trung của Vỹ. Niềm tin lớn dần lên cho dù kết quả học tập của Vỹ không mấy khả quan.
Thời tiểu học của Vỹ được đánh dấu bằng nỗ lực và niềm tin của cả gia đình, của chị Cả, chị Hai, nhất là cha mẹ Vỹ. Sự đồng hành động viên kịp thời của cô giáo. Những lời khuyến khích đúng lúc vực Vỹ dậy. Có lần Vỹ mang về nhà tới 5 bài kiểm tra điểm 0, ông vẫn mỉm cười và nhẫn nại lật từng bài kiểm tra, không quên khuyến khích con đó là điểm tốt. Có lần, ông bật lên cười sung sướng và không quên gọi vợ khi phát hiện ra bài kiểm tra của Vỹ được… 1 điểm! Mặc lời chê cười mỉa mai của hàng xóm, với người cha ấy, thành quả của con dù chỉ bằng 1/10 bạn học vẫn là một kết quả khả quan.
Như cách ông từng khuyến khích con: “Vỹ rất thông minh, đã thế ngày càng thông minh đấy”, hay “Nếu là con lợn thì em con là con lợn thông minh nhất”… Đó không phải là một niềm tin mù quáng hay ảo tưởng của người cha về đứa con không may khuyết tật của mình, đó là niềm tin của chính ông tiếp sức cho con.
Sau những tháng năm gần như vắng mặt điểm số trong những bài kiểm tra, Lư Tô Vỹ bắt đầu nỗ lực của chính mình trên con đường học tập. Khi bạn bè đồng trang lứa chỉ cần chạy một đoạn ngắn để đến đích thì Vỹ đã phải nỗ lực gấp cả trăm lần. Kết thúc năm học lớp 9, trầy trật đôi ba lần Vỹ mới có một suất dự bị ở Trường nghề Công nông nghiệp Đào Viên. Với nỗ lực miệt mài, đường học của Vỹ dần sáng hơn khi lên lớp 11, Vỹ xuất sắc đứng đầu cuộc thi viết tản văn toàn trường.
24 tuổi, Lư Tô Vỹ đỗ đại học khoa Phòng chống tội phạm, Trường ĐH Cảnh sát Đài Loan, sau liên tiếp 4 lần thi trượt. Với nhiều bạn bè, tuổi ấy nhiều người đã có việc làm ổn định, nhưng với Vỹ – một cậu bé chỉ có chỉ số IQ 70 sau trận sốt viêm não Nhật Bản thì đó là một kì tích. Nói như Lư Tô Vỹ, ước mơ khiến con người trở nên vĩ đại.
Nhưng tự truyện Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác còn có mang một thông điệp lớn hơn. Đó là niềm tin, là sự đồng hành, là tình yêu thương và sự khích lệ bền bỉ mà cha mẹ, gia đình, thầy cô giáo đã trao cho Vỹ trên chặng đường biến một đứa trẻ khiếm khuyết về trí não trở thành một thiên tài. Ở đó, không có áp lực điểm số, vắng mặt những bản thành tích mà chỉ có niềm tin được trao đi một cách đồng đẳng và chân thành.
Trong cuốn sách của mình, ở cuối mỗi chương, Lư Tô Vỹ lại đưa ra một bài học quan trọng từ những hồi ức của mình. Một trong những bài học mà Tô Vỹ nhắc đến chính là việc, mỗi người nên “Nhìn thấy thiên tài trong chính mình“. Ông viết: “Nhìn thấy thiên tài trong mình, thấy được vẻ đẹp độc đáo của bản thân, trong phút chốc cuộc đời chúng ta sẽ đổi khác. Trong xã hội hiện đại, chúng ta theo đuổi quá nhiều những mục tiêu không thuộc về mình, mà không biết bản thân mình thực sự muốn gì. Tại sao không dừng lại xem xét bản thân, rồi mới tiếp tục xuất phát? Nhất định bạn sẽ phát hiện ra rằng, chính bản thân bạn đã là một món quà, một kho báu vô giá“.
Con không ngốc, con chỉ thông minh theo một cách khác không chỉ giúp ích cho các bậc phụ huynh đang loay hoay với khả năng nhận thức của con cái, mà còn có ý nghĩa với các bạn trẻ đang mất phương hướng, niềm tin ở bản thân.
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi