Review sách Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng

0

Sống Thực Tế Giữa Đời Thực Dụng
Tác giả: Mễ Mông

Review sách:
Cuốn “Sống thực tế giữa đời thực dụng” của Mễ Mông mang một triết lí sống trần trụi nhất về cách ứng xử của con người và cũng hoàn toàn thay đổi nhận thức của tôi về cách sống.

“Ai cũng biết thế giới này phức tạp, u ám và đầy những chuyện hoang đường, nhưng mọi người vẫn lựa chọn đối mặt, tiếp tục cuộc sống vui vẻ của chính mình”. Theo bạn, thế nào thì gọi là già? “Là đi mua chuối không dám mua chuối xanh, sợ chuối chưa chín mình đã không còn” ư? Dù bao nhiêu tuổi cũng đều phải nỗ lực, bởi chẳng phải ta muốn trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân sao?

Quyển sách có 8 chương với nhiều câu chuyện khác nhau, từ gia đình đến xã hội và cả tình bạn lẫn tình yêu. Những câu chuyện ấy có thể bạn đã bắt gặp trong cuộc sống hàng ngày, nhưng không phải ai cũng có thể nhìn thấy đến cuối câu chuyện, suy cho cùng chuyện của người khác vẫn do người người khác làm chủ mà thôi. Quyển sách với lối viết dí dỏm, gần gũi, thậm chí còn có một chút ngông cuồng, đa số đều là quan điểm của tác giả. Tuy nhiên những quan điểm ấy hợp lý đến bất ngờ.

Sinh ra không phải là con nhà giàu, giới hạn của bạn lại chỉ là vạch xuất phát của những “con nhà giàu”. Bạn trách thế giới bất công? Không hẳn, ít nhất đời bố mẹ của người ta cũng nỗ lực nhiều hơn bố mẹ bạn. Vậy chẳng phải rất công bằng sao?

Nỗ lực không phải để có nhiều tiền chất đầy núi mà để có tiền sống một cuộc đời ý nghĩa. Nhiều tiền để làm gì? Để giải cứu thế giới chắc? Không, trước tiên là hãy sống hạnh phúc và khiến gia đình mình đủ ba bữa ăn mỗi ngày. Mễ Mông cũng đưa ra quan điểm, làm việc mình thích chưa chắc sẽ thành công nhưng chắc chắn sẽ rất hạnh phúc. Đúng là vậy, có người phấn đấu cả đời lại đến khi về già rồi tự hỏi mình đã đạt được ước mơ hay chưa. Nhưng cũng có những người bình bình tại tại, lại luôn mỉm cười từ tận đáy lòng. Thật ra hạnh phúc rất đơn giản, chính là biết đủ!

Có người nói tôi đã nỗ lực nhiều đến vậy vẫn không thể bằng ai cả, bạn đùa sao? Vậy sao bạn không nỗ lực thêm nữa đi, cái mà bạn bỏ ra đã là gì so với những vĩ nhân hay những người không tiếc mạng mình vì việc lớn, khi bạn nói bạn đã cố gắng, tin tôi đi, bạn vẫn chưa đủ cố gắng đâu. Bạn biết nhạc sĩ thiên tài người Áo Mozart không? Mễ Mông đã cho tôi biết, trước năm 6 tuổi, ông ấy đã phải luyện tập hơn 3500 giờ. Còn cả Bobby Fischer, 17 tuổi đã trở thành kiện tướng cờ vua, nhưng ai biết được trước đó ông đã phải mất 10 năm khổ luyện. Khóc lóc cái gì? Bạn đã bỏ ra 10000 giờ cố gắng hay chưa? Nếu chưa thấy chính mình thành công phải chăng bạn bỏ ra quá trình chưa đủ cố gắng?

Chắc hẳn bạn đã có lúc nghĩ rằng, mình có tài như vậy, tại sao không được chấp nhận? Vậy thì đừng cố chấp nữa, trên đời này làm gì có kiểu tài năng không gặp thời. “Năm chữ “có tài không gặp thời” đậm đặc mùi vị oán trách, mang đầy năng lượng tiêu cực… Thế là một cảm giác bi quan tự nhiên mà thành”. Đừng cố chấp nữa! “Người ở tầng lớp cao càng phải tài giỏi… BẠN KHÔNG THÀNH CÔNG, CHỈ VÌ BẠN CHƯA ĐỦ GIỎI MÀ THÔI”.

Ngưng than thở, sống tích cực hơn, thay đổi nhận thức, cuộc sống sẽ thoải mái hơn. Con người ta cứ trông đợi vào thời thế, nhưng đâu phải lúc nào cũng thiên thời địa lợi nhân hòa? Thật ra, chỉ cần bạn đủ giỏi, ngay cả thời thế cũng sẽ chiều theo ý bạn.

Cuốn sách này, ngay cái tên cũng đã khơi gợi trí tò mò vô tận của người đọc. Để rồi khi lật mở từng chương, cái sự đời tồi tàn một cách tàn nhẫn hiện ra trần trụi trước mặt bạn, rồi bạn cũng dần dần thấu hiểu: “Con người sẽ trưởng thành ba lần. Lần thứ nhất là khi nhận ra mình không phải trung tâm thế giới. Lần thứ hai là khi phát hiện ra dù có gắng đến đâu vẫn có những việc cảm thấy thật bất lực. Lần thứ ba là khi biết rõ có những việc bản thân không thể làm được nhưng vẫn đấu tranh đến cùng”.

“Sống thực tế giữa đời thực dụng” dành cho sự thực tế chứ không dành cho những kẻ mộng mơ về cái thế giới màu hồng. Nó là lời khuyên dẫn lối cho những bạn trẻ còn đang rong ruổi, chìm trong những niềm vui, cuộc chơi. Truyền cảm hứng và sức mạnh cho bản thân trên con đường chinh phục ước mơ.

Trích đoạn hay:
Những người luôn phấn đấu hết mình khiến chúng ta cảm động chính bởi điều đó. Nó cũng giải thích lý do tại sao thiên tài thường được ngưỡng mộ, chứ không thể truyền cảm hứng cho người khác. Chỉ những người bình thường không nổi bật vẫn không chịu khuất phục sự tầm thường của bản thân, biết rõ là không thể nhưng vẫn làm, cuối cùng chiến thắng thiên tài kiệt xuất, những người đó mới khiến chúng ta kích động sôi trào.

So với thiên tài, chúng ta muốn thấy kỳ tích hơn.
Bạn có muốn trở thành một kỳ tích mới không? Nếu muốn, bạn đừng cố gắng nữa, hãy nỗ lực hết mình.

Trích: Sống thực tế giữa đời thực dụng

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment