Review sách Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương tập 3
Vô Cùng Tàn Nhẫn Vô Cùng Yêu Thương tập 3
Tác giả: Sara Imas
Giới thiệu sách:
Lại một cuốn sách nữa của người Do Thái, kể về cách nuôi dạy con của họ. Sách là chấp bút của một bà mẹ Do Thái sinh ra và lớn lên ở Thượng Hải, đã bồi dưỡng con cái của mình trở thành triệu phú. “Vô cùng tàn nhẫn vô cùng yêu thương” là tác phẩm giáo dục xuất sắc, đang được tìm đọc tại thị trường Trung Đông và Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.
Sara là hậu duệ của những người Do Thái đến định cư lâu đời tại Thượng Hải, sinh được 3 người con: 2 trai, 1 gái. Sau khi quan hệ Trung Quốc – Israel được xác lập, trước tiếng gọi trở về cố quốc, Sara đã từ bỏ cuộc sống phồn hoa Thượng Hải, mang theo 3 đứa con trở về Israel – nơi người dân đang ngày ngày phải chịu đựng khói lửa chiến tranh, bắt đầu một trải nghiệm giáo dục ‘’xuyên quốc gia’’ đặc biệt của mình.
Với mong muốn con mình học hành giỏi giang, sau khi tốt nghiệp đại học sẽ tìm được một công việc như ý và sống cuộc sống hạnh phúc. Thế nhưng, những gì mắt thấy tai nghe sau khi trở về Israel đã khiến bà từ bỏ hình ảnh của một ‘’bà mẹ Trung Quốc’’ để trở thành ‘’ Bà mẹ Do Thái’’. Hình ảnh của ‘’Bà mẹ Do Thái’’ này khiến không ít người cho rằng đây là cách giáo dục tàn nhẫn, thế nhưng những gì mà bà mang lại cho các con đã khiến họ mở thêm một tầm nhìn mới về cách yêu thương con cái.
Kết hợp phương pháp giáo dục của Trung Quốc và Do Thái, Sara cho rằng: “Người nào nuông chiều con cái, ắt có ngày người đó phải băng bó vết thương cho con. Mềm mỏng là hại, tàn nhẫn là yêu!”
Review sách:
Trước tập 3, hai phiên bản của cuốn sách đã được ra đời. Bộ sách cung cấp những triết lí, bài học về cách nuôi dạy con, về cách đối nhân xử thế thực sự đáng để tâm và học hỏi của người Do Thái.
Ở tập 3 này, tác giả chia sẻ phương pháp dạy con được thừa hưởng từ chính người cha Do Thái của mình. Mình khá dị ứng với những cuốn sách phương pháp nuôi dạy, chia sẻ kinh nghiệm triết lí thông thường bởi vì những trang sách quá khô khan và có phần hơi lí thuyết, hầu hết là viết dưới dạng thức liệt kê, thống kê báo cáo, khá là khó tiếp thu. Và cuốn sách này có lẽ phần nào khiến mình thấy thích thú bởi nó giống một cuốn hồi kí cá nhân đan xen một cách tự nhiên những bài học về phương pháp nuôi dạy con và bài học làm người của người Do Thái. Chiêm nghiệm về cách sống, phương pháp nuôi dạy con của họ, bản thân nhận được rất nhiều lợi ích về tri thức.
Tác giả thủ thỉ, kể câu chuyện về cuộc đời mình từ khi còn thơ ấu sống bên người cha vỏn vẹn 12 năm cùng với những bài học làm người được cha truyền thụ trong từng khoảnh khắc đời thường của cuộc sống cho tới quãng thời gian trưởng thành, những biến cố tưởng như đánh gục người phụ nữ nhỏ bé ấy: Sự ra đi đột ngột của cha; sự hãm hại ra tù vào tội của bà mẹ nuôi; sự tàn khốc của chiến tranh; sự dằn vặt trong câu chuyện tình cảm… tất cả đều được tái hiện chân thực qua từng trang sách. Tác giả khá tinh tế khi lồng ghép từng triết lí nuôi dạy con thông qua những khoảnh khắc đời thường nhất.
“Cha không bao giờ vội vã mua thức ăn mà luôn chậm rãi lựa chọn, nhưng cuối cùng cha sẽ cố tình mua một số thực phẩm kém chất lượng. Mình hỏi tại sao lại làm vậy, cha mỉm cười: Nếu như ai cũng chọn hết phần tốt, vậy những phần không tốt sẽ bán cho ai? Điều đó có nghĩa chúng ta cần bao dung với khuyết điểm của bản thân và của cả người khác”
Bên cạnh đó, cuốn sách cũng có thể được coi là cuốn tiểu sử về văn hóa với những câu chuyện về lịch sử dân Do Thái, về mối quan hệ Do Thái – Trung Quốc cùng những tri thức về văn hóa sống, văn hóa ứng xử rất đáng tìm hiểu về dân tộc này. Theo dòng hồi ức của tác giả, những câu chuyện về một quá khứ bi thương của dân tộc Do Thái hiện lên, về nạn diệt chủng, tìm diệt, về những lần trốn chạy để tìm cho dân tộc một con đường sống, về quá trình sinh tồn của số người còn sót lại ở Trung Quốc, về con đường tìm trở về Israel không như là mơ… Tri thức về lịch sử đã được cô động trọng cuốn sách này.
Yếu tố văn hóa, cách sống của người Do Thái như đức tính cẩn trọng, sống thận trọng trong đường đi lối ở, đối nhân xử thế, sự tinh tường về những tri thức bậc cao của cuộc sống là một trong số những thứ mình đúc kết cho bản thân khi cuốn sách khép lại.
Cuốn sách có nhiều những tri thức vô giá, thế nhưng, một cách chủ quan mà nói, mình vẫn cảm thấy ở cuốn sách có vài điểm chưa trọn vẹn. Thứ nhất, số lượng triết lí, bài học ở phần đầu cuốn sách được đưa ra quá dày đặc khiến cho tính giáo điều trong cuốn sách dường như được đẩy lên cao nếu không muốn nói là hơi cực đoan trong việc lồng ghép triết lí sống.
Có thể nếu bạn muốn hấp thụ được hết số lượng phương pháp và triết lí sống ấy, bạn cần có một quyển sổ để take note. Thứ hai, mình cảm thấy xuất phát từ đức tính cẩn trọng và giữ mình của người Do Thái nên cách sống và phương pháp dạy con của họ có phần hơi thiển cận. Họ luôn dạy con phải giữ mình, phải hài lòng người khác nhiều hơn là dạy chúng hãy thoải mái thể hiện bản thân và sống là chính mình.
Theo: Ngân Hoàng
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi