Review sách Chim Ưng và Chàng Đan Sọt

0

Chim Ưng và Chàng Đan Sọt
Tác giả: Bùi Việt Sỹ

Review sách:
CHÀNG BÁN THAN VÀ CHÀNG ĐAN SỌT, BẠN CHỌN AI?

1.Nghệ thuật xây dựng thương hiệu cá nhân của chàng đan sọt:
Chàng đan sọt Phạm Ngũ Lão là điển hình con nhà nghèo vượt khó. Thuở nhỏ, nhờ tấm lòng nhân hậu, lại thông minh chăm chỉ, nên chàng được cấp học bổng toàn phần của nhà chùa, ăn học thành tài, lên kinh khởi nghiệp.
Thế giới lúc ấy không được phẳng lắm, nên chàng phải bỏ thời gian lê la trà chanh chém gió để thu thập và phân tích dữ liệu. Chàng tính rồi. Nếu đầu quân dưới trướng nhà vua, thì bên đó đã có oppa Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng nổi như cồn đang chỉ huy quân Thánh dực, chàng nhắm mình cạnh tranh không nổi. Bên chỗ Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật thì tiềm lực lại không mạnh bằng Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.

Bên cạnh Hưng Đạo Vương, tuy cao thủ như mây, nhưng chưa có ai sử dụng đại đao như mình, hơn nữa Trần Quốc Tuấn lại cực mát tay, đã lăng xê thành công hai oppa Yết Kiêu, Dã Tượng, thì tương lai mình sáng lắm! Thế là chàng quyết định sắm đạo cụ, diễn một màn đan sọt để đời.

Phải nói rằng, chàng đan sọt rất thông thạo thuật marketing. Nếu như chàng cứ bình thường mà tới nộp đơn, thì chắc cũng sẽ được nhận thôi, nhưng mà không có khán giả, lượt like và share không cao, khó xây dựng thương hiệu cá nhân. Cho nên chàng chủ động chọn sân chơi cho mình, với hình tượng: một anh nông dân ngồi đan sọt lo việc nước. Mọi người cười ồ lên, lo việc nước thì… nho nhã kín đáo tí đi cha, ai đời cởi trần khoe sáu múi ngồi giữa đường thế kia?! Cơ mà…hắn đẹp zai thật . Thôi cho hắn biểu diễn thêm tí, nhân tiện giải lao uống miếng nước rít điếu thuốc lào, đi sáng giờ mỏi chân dồi! Thế là chàng đan sọt nhà ta chỉ chờ có thế, chàng vanh vách thuyết trình đúng chủ đề hot mà nhà tuyển dụng đang quan tâm, chàng loang loáng múa đao trên lưng ngựa, tung người những cú tuyệt đẹp đến không thể hoàn hảo hơn.

Binh lính và dân chúng dậy sóng, gào thét “Bis, bis!”,”Bravo”,”Đan Sọt, I love you!”, không khí trường quay bùng nổ, đúng cái mà Trần Quốc Tuấn đang cần: quảng bá slogan Sát Thát của mình, còn đại diện hình ảnh nào tốt hơn anh nông dân đẹp zai yêu nước này! Cuối cùng, dù giám khảo vai ác Trần Khắc Chung liên tục dìm hàng, nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn thả ra mấy lời vàng ngọc “Tôi thích em, hãy về đội của tôi” . Thế là chàng đan sọt from zero to hero từ đó. Vị thế chàng càng lúc càng cao, fan hâm mộ ngày càng đông đảo, đắt show vô cùng, trận nào cũng đánh. Đời tư trong sạch không scandal, lại được cái tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” cho nên chàng được thầy yêu bạn mến, tiền đồ vô lượng.

2. Badboy Bán Than: Ta giỏi, ta có quyền!
Trái ngược với chàng đan sọt con ngoan trò giỏi là Badboy Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư.
Để làm badboy thật ra không khó mấy, chỉ cần là con nhà giàu, học giỏi, đẹp zai và xấu tính là đủ.
Nhà giàu, đẹp zai thì khỏi bàn. Chàng là hình ảnh đại diện cho giới quý tộc nhà Trần, rảnh rảnh là xách xế xịn (em ngựa bạch rất đẹp) và con di động khủng (một em chim ưng đỏ rực lướt cực êm và… lông cực mượt) giả bộ đi săn, nhưng chủ yếu để đánh bóng tên tuổi là chính.


Nỗi khổ của con nhà giàu là phải vượt sướng. Và chàng đã thành công, vượt hẳn sung sướng để bước vào cảnh giới vô sản. Từ một vương gia, chàng phải đi bán than để kiếm sống qua ngày. Nhưng chàng Bán Than được cái làm gì cũng rất có tâm. Nếu đã đi bán than, thì nhất định phải đạt danh hiệu “chàng trai vàng trong làng bán than”. Biết Hội nghị của các vương gia quý tộc tổ chức ở bến Bình Than, chàng mang nguyên cả thuyền than của mình đến…tiếp thị.

Cơ mà giới quý tộc không hiểu, một nửa thì cười cợt “đồ con buôn”, “đồ bán than”, một nửa thì nhỏ nước mắt khóc thương cho chàng. Chàng bực mình “không mua thì thôi, ông đây đi bán chỗ khác”. Tuy nhiên dưới sự tha thiết của fan hâm mộ, đặc biệt là trưởng fanclub, nhà vua Trần Nhân Tông, cuối cùng chàng Bán Than cũng gật đầu đồng ý quay lại binh nghiệp.
Khổ nỗi, cái máu con buôn nó ăn sâu vào người chàng quá rồi, đến nỗi chàng nhìn đâu cũng ra tiền. Tới Vân Đồn, chàng cho sửa đường xá, thay đổi cách quản lý để phát triển kinh tế, dần dần khiến nơi đây trở thành thương cảng lớn nhất Đông Nam Á thời bấy giờ. Nhận thấy bên Tàu ko có bờ biển, nhu cầu hải sản cao, chàng mua đất, thuê nông dân nuôi tôm rồi xuất sang đó bán, một lời mười. Chàng còn mở tửu lầu, khách điếm, trường đua ngựa, kinh doanh bất động sản…tóm lại tập đoàn của chàng đa lĩnh vực, lại còn kêu gọi các quan góp cổ phần với mình luôn, cứ thế mà giàu nhất nước.

Nhưng dẫu sao chàng Bán Than vẫn thấy có gì đó sai sai, không lẽ mình…đẹp zai quá nên lão kia ưu ái, được ở một chỗ an nhàn, trong khi con cái và đệ tử lão ngày nào cũng chiến đấu, cực khổ như chó gặp bùn?! Nuôi quân ngàn ngày, dùng trong một ngày. Một ngày đẹp zời đó đã đến. Chàng được lệnh…tấn công đoàn thuyền chở lương của Ô Mã Nhi đi qua Vân Đồn. OMG, đúng là lão cáo già, chàng than thầm, 200 chiến thuyền của mình mà chọi với 650 chiến thuyền của địch, thiên lý ở đâu, lại còn bắt mình… solo mà không cho ai trợ chiến cả. Nhưng Trần Quốc Tuấn vẫn cười khùng khục “Chỉ có thằng chân dài ấy làm được thôi”. Khi bạn vừa giỏi vừa lười, thì sếp bạn nhất định sẽ đẩy bạn vào chỗ chết, sự ắt sẽ thành.

Chàng Bán Than đành phải làm đúng như lời mình từng viết “khéo thua thì không chết”. Chàng đưa lính loại hai của mình ra, đánh và diễn một trận thua thảm bại dưới tay Ô Mã Nhi. Màn diễn xuất sắc đến nỗi Ô Mã Nhi cứ tưởng quân chàng tan tành thật, ko cần lo lắng cho thuyền chở lương phía sau nữa, đưa đại quân của mình đi sâu vào đất liền để trợ giúp cho Thoát Hoan đang chật vật phá thành Thăng Long cả tháng chưa xong.

Chỉ chờ có thế, Trần Khánh Dư lúc này mới cho “hàng tuyển” của mình ra dàn trận, như một con rồng lửa tuyệt đẹp sáng rực trong đêm, dũng mãnh đâm thẳng vào đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, nhấn chìm toàn bộ lương thực của quân Nguyên Mông. Chiêu “rút củi đáy nồi” thành công cực mỹ mãn, không có lương thực, nhịn đói, lấy cái gì mà đánh nữa? Một trận Vân Đồn đã quyết định toàn bộ cục diện của cuộc chiến lần thứ 3. Quân Nguyên Mông thua là thua ngay lúc đó rồi.

Chàng bán than vừa giỏi vừa giàu vừa đẹp. Nhưng nếu không đủ xấu xa thì chàng không thể giữ vững danh hiệu badboy nhân dân của mình. Thế nên chàng không thèm che dấu gì sất, để cho ai cũng biết mình xấu xa. Phụ nữ ghét chàng vì chàng quyến rũ nhưng trái tim chàng không dành cho họ, binh lính ghét chàng vì chàng sẵn sàng “nướng lính” cho khổ nhục kế của mình, người dân ghét chàng vì chàng đầu cơ kinh tế, khiến họ tay trắng, giới quý tộc ghét chàng vì chàng đi ngược lại với họ, coi thường lễ nghĩa, quý tộc mà lại đi buôn buôn bán bán, đã thế còn không thèm che dấu, đúng kiểu ngồi xổm lên dư luận…

Thế nhưng miệng thì kêu ca, mà không ai bỏ được chàng. Lính của chàng ăn sung mặc sướng hơn cả quân Thánh dực của nhà vua, nếu có chết thì là chết cho non sông cơ mà, đời lính còn mong gì hơn? Dân chúng đi theo chàng vì chàng đầu tư ở đâu thì nơi đó ắt sẽ sầm uất, làm ăn buôn bán tốt. Giới quý tộc nhịn chàng vì “không có thằng con buôn ấy, lấy ai canh giữ Vân Đồn”, đánh trên sông thì nhiều người làm được chứ đánh trên biển không ai qua được nó đâu, thế là lại…đâu vào đấy😂.

3. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn- Khi chó sói thảo nguyên đụng kình ngư của đại dương.
Thiên hạ cứ ngạc nhiên tại sao Nguyên Mông, đương kim vô địch thế giới lại thua Đại Việt, vốn chưa bao giờ lọt qua vòng loại. Theo tôi, sai lầm lớn nhất của họ là không nghiên cứu đối thủ. Nếu như Nguyên Mông tự hào họ là những con sói Mông Cổ với đức tính tàn bạo, quyết liệt, thông minh, kiêu hùng, khôn ngoan vì bao đời phải kiếm ăn trên trên thảo nguyên khắc nghiệt, thì nhà Trần cũng không hề kém cạnh. Khác với các vương triều khác, trên biển cả mênh mông, những con cá kình của họ Trần cũng quen chống chọi với sóng to, gió lớn, với quy luật “cá lớn nuốt cá bé”, khiến cho các thế hệ luôn có tính cách quyết liệt, mạnh mẽ, dày dạn và dũng mãnh.

Họ không ngờ Đại Việt có một “thế hệ vàng” gồm toàn những tài năng kiệt xuất như vậy, khi vào trận có thể trình diễn tự tin và xuất sắc tại vị trí của mình, lại có thể hỗ trợ bọc lót cho nhau, lên công về thủ nhịp nhàng. Đã thế Đại Việt còn phát huy lợi thế sân nhà, mấy trận quan trọng toàn là thủy chiến, còn lại thì cứ dùng câu liêm mà móc quân địch xuống khỏi lưng ngựa. Người ta chỉ nói “Vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu, cỏ không mọc được ở đó”, chứ..”cặp giò Mông Cổ” thì chả ai nói gì, chắc cỏ vẫn mọc tốt, thế nên cứ việc làm chúng rời khỏi lưng ngựa là xong, còn nếu lôi được chúng xuống nước thì, thôi không cần nói nữa.

Tốc độ hành quân của Nguyên Mông quá nhanh, nên đi tới đâu cướp luôn lương thực tại đó (ăn tạp dễ sợ), thì Đại Việt dùng kế “vườn không nhà trống”, lấy cái gì mà ăn, đói meo râu. Tới lần thứ ba, khi Nguyên Mông rút kinh nghiệm mang theo lương thực, thì Đại Việt cũng update chiến thuật lên một phiên bản mới: Combo Cướp lương thực kèm Vườn không nhà trống luôn. Đói vàng cả mắt, lại thêm hoang mang với lực lượng cổ động viên hùng hậu của đội nhà ngày đêm điên cuồng gào thét “Sát Thát”, khiến Nguyên Mông chỉ có sống dở chết dở.

Và tất cả cơn ác mộng này đều do bàn tay một người xếp đặt: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Nguyên Mông không ngờ Đại Việt đã chuẩn bị nhân sự từ…mấy chục năm trước, khi An Sinh Vương Trần Liễu mời tất cả thầy giỏi nhất về phụ đạo cho Trần Quốc Tuấn để…làm vua. Cũng may, người xưa cứ thích nói văn vẻ, không nói đại ra là “con phải làm vua” cho rồi, cho nên trước lời trăng trối của Trần Liễu “Con không vì cha lấy được thiên hạ thì cha chết dưới suối vàng cũng không thể nhắm mắt”, Trần Quốc Tuấn có thể mắt nhắm mắt mở, giờ vua cũng…phổ cập rồi, không hiếm lạ gì, làm…thánh luôn cho máu, Thánh càng lấy được (lòng) thiên hạ đấy thôi. Và nhờ thế, chúng ta có Đức Thánh Trần bất tử của nhân dân Việt Nam.

4. “Chim ưng và chàng đan sọt” của Bùi Việt Sỹ là một viên ngọc thô chưa được mài
– Cái “được” lớn nhất của tiểu thuyết này là mạch truyện khá hấp dẫn, vẽ lên một bức tranh chiến trận hoành tráng trong thời đại sục sôi cứu nước, gom hết các tích trong chính sử lại mà khá nhuần nhuyễn, hầu như nhân vật nào cũng được xuất hiện. Hồi xưa đọc “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” xong ắt hẳn bạn tự hỏi “Bóp xong quả cam rồi Quốc Toản…ra sao?” hay “Số phận Công chúa An Tư sau khi làm mỹ nhân kế với Thoát Hoan thì thế nào?” thì trong truyện có hết. Đọc truyện thì mới hiểu rõ cái chết của Trần Bình Trọng, bi hùng chả kém phim 300 đâu, chứ sử thì viết có nhõn câu “Ta thà làm quỷ nước nam còn hơn làm vương đất bắc”.

Tuy nhiên, điểm đáng tiếc là nhiều nhân vật chưa sắc nét, trong khi có thể khai thác thêm, sẽ hay hơn nhiều, như Trần Khắc Chung, bị dìm thái quá kiểu như gian thần, hay Trần Nhật Duật, Dã Tượng, Yết Kiêu…nói thật, đọc chính sử còn thấy hay hơn
– Thông điệp của truyện khá rõ ràng. Hình ảnh đại diện cho thông điệp cũng được xây dựng khá tốt, hậu nhân của Trần Khánh Dư, vừa có tâm vừa có tài, hết binh đao lại về với lũy tre làng, đại diện cho người dân Việt bao đời.

– Các trận đánh được mô tả khá công phu, điều ít thấy ở các truyện lịch sử khác. Tác giả ưu ái tả kỹ hai trận, chia đều cho hai nhân vật chính của chúng ta. Một trận là cảnh thủ thành trong mười ngày của Phạm Ngũ Lão, và một trận là hải chiến Vân Đồn. Tuy nhiên, chỉ nhõn hai trận trong khi hai cuộc kháng chiến có tận mấy chục trận và mấy chục tướng tài thì lại là quá ít.

– Truyện có phần nào dựa trên các tư liệu chính sử. Tuy nhiên, khai thác chưa sâu sắc. Ví như chuyện Trần Khánh Dư được phục vị tại bến Bình Than, hay chuyện của công chúa Huyền Trân, hay mối tình oan nghiệt của Trần Khánh Dư, viết rất đơn giản và sơ sài.

– Hai nhân vật chính được xây dựng tương đối tốt. Hai người tưởng chẳng liên quan gì nhau mà lại có mối liên hệ không ngờ, về những người phụ nữ liên quan đến cả hai, về hậu nhân và đồ đệ của họ. Tuy nhiên, điều đáng tiếc lớn nhất là tác giả quá “dìm hàng” Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư. Trần Khánh Dư trong chính sử là một nhân vật đặc biệt. Chàng là một cơn gió chướng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, một tư tưởng và tài năng vượt trên cả thời đại mình đang sống, một nhà quý tộc cô đơn mắc kẹt trong một mối tình oan nghiệt.

Chừng đó đủ để viết lên một tính cách rất hay rồi, mắc gì dìm hàng con người ta dữ vậy tác giả ơi, sợ nổi hơn Phạm Ngũ Lão, đi chệch thông điệp của tác phẩm chớ gì? Đọc truyện mà cứ có cảm giác tác giả cố dìm Trần Khánh Dư để nâng Phạm Ngũ Lão lên, mà không được ấy. Mà có đâu chỉ mình tác giả, nhân dân cũng vậy nè, đền thờ Phạm Ngũ Lão thì nhiều chứ Trần Khánh Dư có mấy đâu, ngay cả…kiếm mấy cái ảnh để minh họa bài viết, mà ảnh chàng đan sọt thì nhiều, ảnh chàng bán than lại ít ỏi không ngờ.

– Văn phong của truyện chưa ổn. Lời nói của các nhân vật quý tộc nhưng lại rất thô thiển và ngô nghê, từ ngữ quá teen, đọc cứ như nhai phải sạn. Thật ra lúc đọc tôi không nghĩ ra tác giả lại lớn tuổi thế đâu, toàn dùng ngôn ngữ teen như: khủng, tịt ngòi…Những từ ấy dùng đời thường, hoặc viết review cho gần gũi thì được, chứ đặt trong bối cảnh lịch sử thế này hoàn toàn phá cảm xúc của người đọc.

Nguồn: Thien Van
fb.com/thienvan.tran.12

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment