Dàn ý Phân tích bài Thái sư Trần Thủ Độ Ngô Sỹ Liên

0
– Sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử. Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu như văn học nghệ thuật, nhằm cung cấp những sự kiện lịch sử của dân tộc và bày tỏ thái độ khen chê của sử gia đối với các nhân vật lịch sử để đời sau lấy đấy làm gương. Đặc điểm nổi bật của sử là tính xác thực của sự kiện, chiều sâu của tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với trình độ nghệ thuật cao của sự trình bày, diễn đạt sử xưa có hai thể: biên niên và kí sự. Biên niên là lối viết sử theo trình tự thời gian (Đại Việt sử lược – khuyết danh. Đại Việt sử kí – Lê Văn Hưu, Đại Việt sứ kí toàn thư – Ngô Sĩ Liên). Kí sử là lối viết sử theo các sự kiện hoặc theo từng sự việc của nhân vật lịch sử (Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn, Sử kí – Tư Mã Thiên).- Bài Thái sư Trần Thủ Độ được trích từ sách Đại Việt sử kí toàn thư, quyển V, phần Ban kí, của nhóm tác giả Ngô Sĩ Liên chủ biên là một bài văn lịch sử xuất sắc. Bài viết vừa giúp người đọc hiểu rõ thêm phẩm chất chí công vô tư, biết khích lệ cấp dưới giữ vững kỉ cương phép nước của Trần Thu Độ – vị danh quan nhà Trần, vừa cho thấy một lối viết sử trung thành, hấp dẫn của tác giả.

II. Thân bài

A. NỘI DUNG

Kể về cuộc đời cua Trần Thủ Độ, tác giả chọn ra bốn sự kiện phản ánh bốn khía cạnh về nhân cách của vị quan nổi tiếng. Lối viết sử của tác giả hấp dẫn bởi gây được yếu tố bất ngờ, khiến người đọc hồi hộp đợi chờ. Cả bốn sự kiện, bao giờ kết quả cũng ngược với dự đoán của người đọc.

1. Đối với người hạch tội mình: Thông thường, người ta ghét kẻ vạch tội lỗi hoặc khuyết điểm của mình. Nhưng Trần Thủ Độ không như vậy. Trước hết, ông nhận “Đúng như lời người ấy nói” và bất ngờ hơn: Lấy tiền lụa thưởng cho anh ta. Đó không chỉ là sự thẳng thắn, nghiêm khắc với bản thân mà còn khích lệ người trung trực, dũng cảm dám vạch sai lầm hoặc tội lỗi của kẻ bề trên là chính mình.

Xem thêm: Phân tích tác phẩm Thái sư Trần Thủ Độ

2. Sự kiện người quân hiệu giữ thềm cấm cũng vậy. Người đọc hồi hộp chờ đợi khi Thủ Độ giận, sai đi bắt anh ta. Kết quả là Thủ Độ nói: “Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa”. Không những như vậy, ông còn lấy vàng lụa ban thưởng rồi cho về.

3. Sự kiện người xin chức câu đương càng thủ vị. Thực ra câu đương chỉ là một chức xã quan trong thôn xóm, nếu như Quốc mẫu (vợ của Trần Thủ Độ) có xin cho người nhà thì cũng chẳng có gì quá đáng lắm. Hơn nữa, Trần Thủ Độ lại gật đầu và biên lấy họ tên quê quán của người đó. Hành động này khiến người đọc nghi ông đồng ý. Khi xét duyệt ông lại còn gọi người kia đến. Tiếng cười bật ra ở nghịch cảnh người ấy mừng chạy đến, tin chắc mình nhất định sẽ được giữ chức câu đương. Nhưng kết quả thì ngược lại, qua một câu nói của Trần Thủ Độ mà không ai có thể đoán trước được: “Người vì có Công chúa xin cho được làm chức, không ví như người câu đương khác được”. Đến đây, người đọc vẫn tin rằng, người nhà của Công chúa không chỉ được giữ chức câu đương mà chắc còn được ân sủng hơn. Nào ngờ Trần Thủ Độ hạ một câu: “phải chặt một ngón chân để phân biệt…”. Và kết quả là tên kia phải van xin thôi, hồi lâu mới tha cho. Việc làm của Trần Thủ Độ khiến cho từ đó không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

4. Thủ Độ cũng chống lại việc đưa anh em, họ hàng vào nắm chức vụ quan trọng trong triều đình, kéo bè kết đảng. Cách so sánh của ông, giữa mình và người anh thật bất ngờ nhưng cũng thật khảng khái, thể hiện sự chí công vô tư, tất cả vì lợi ích của quốc gia, khiến vua cũng phải tâm phục nghe theo.

B. NGHỆ THUẬT VIẾT SỬ

1. Lối viết sử của tác giả rât hấp dẫn, gây được yếu tố bất ngờ khiến người đọc hồi hộp chờ đợi. Cả bốn sự kiện trên có kết quả luôn ngược với dự đoán của người đọc. Mở nút mỗi sự kiện chỉ bằng hai câu: một câu kể lại lời nói của Trần Thủ Độ. một câu kể về hành động của ông. Sự kiện người giữ thềm cấm cũng vậy. Người đọc hồi hộp chờ đợi khi Trần Thủ Độ giận, sai đi bắt anh ta. Kết quả là Trần Thủ Độ nói: “Người ở chức thấp mà biết giữ phép như thế, ta còn trách gì nữa?”. Không những như vậv, ông còn lấy vàng lụa ban thưởng rồi cho về.

2. Lối viết sử như thế là rất kiệm lời, không miêu tả, phân tích tâm lí mà tính cách nhân vật vẫn thể hiện sâu sắc và thái độ khen chê của tác giả cũng bộc lộ rõ ràng. Hơn nữa, người viết hoàn toàn ngợi ca, khâm phục Trần Thủ Độ nhưng không có một câu ca tụng nào. Người ta gọi lối viết sử như vậy là theo bút pháp Xuân Thu.

III. Kết bài

Qua bốn sự kiện và bốn cách ứng xử trong cuộc đời Trần Thủ Độ, tác giả Đại Việt sử kí toàn thư đã khắc họa sinh động chân dung một nhân cách chí công vô tư, cao thượng, bao dung, không để tình riêng lấn át, luôn giữ kỉ cương phép nước và khuyến khích cấp dưới làm như mình, đồng thời cũng không kém phần thông minh, hóm hĩnh.

Đại Việt sử kí toàn thư nói chung, trích đoạn Thái sư Trần Thủ Độ nói riêng quả đã đạt tới vẻ đẹp của lối văn sử. Nó giúp người đọc càng tự hào về con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam và thêm quý trọng những di sản văn hóa do cha ông ta để lại.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment