Review sách Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca

0

Sử Việt – 12 Khúc Tráng Ca
Tác giả: Dũng Phan

Giới thiệu sách:
Tác phẩm “Sử Việt – 12 khúc tráng ca” kể về 12 câu chuyện dựng nước và giữ nước thời phong kiến, được chọn lọc theo tính chất quan trọng và hùng tráng trong dòng chảy lịch sử Việt Nam. Tác phẩm kể lại các câu chuyện Sử Việt đầy hấp dẫn bằng một cách tiếp cận hoàn toàn mới, không phải như tiểu thuyết dã sử, nhưng cũng không phải là một tài liệu chuyên khảo khô khan.

“Sử Việt – 12 khúc tráng ca” hệt như một cuốn phim li kì, với hàng loạt câu hỏi về các nghi án lịch sử, những tranh đoạt hoàng quyền trong các triều đại phong kiến Việt Nam. Cuốn sách như một bản nhạc, khi thì dồn dập, khi thì bi ai, khi thì hùng tráng, khi thì trầm mặc. Những câu chuyện trập trùng xen kẽ như các khúc ca thăng trầm của dân tộc Việt Nam.

Về tác giả:
Dũng Phan tên đầy đủ là Phan Trần Việt Dũng, anh sinh năm 1988, tuy còn khá trẻ nhưng anh là một người có kiến thức lịch sử khá sâu rộng. Các bài viết của anh cùng cuốn sách “Sử việt – 12 khúc tráng ca” được GS. Phan Huy Lê đánh giá rất cao.

Review sách:
Cuốn sách nói về các trang sử trầm hùng bi tráng của dân tộc Việt Nam qua các triều đại dưới góc độ khảo cứu và phân tích thuyết phục, hợp lý, chân thực và hé mở nhiều chi tiết mới, những nhân vật chưa được bàn luận xứng đáng với vai trò của họ, phân tích nhiều góc độ, luận bàn đúng người đúng công trạng.

Cuốn sách được chia làm 12 phần ứng với tên gọi 12 khúc tráng ca ở tên sách kể tổng quát về lịch sử Việt Nam giai đoạn phong kiến bắt đầu từ cuối thế kỷ IX gần cuối giai đoạn Bắc thuộc, thời điểm mà dòng họ Khúc với những Khúc Hạo, Khúc Thừa Dụ đem lại những thời kỳ tự chủ đầu tiên cho đất nước cho đến khi nhà Nguyễn sụp đổ ở thế kỷ XVIII kết thúc giai đoạn phong kiến Việt Nam.

Cuốn sách cũng là những thước phim ghi lại những trận đánh oanh dũng, nhưng kế sách đánh giặc, và giải đáp những bí ẩn về chuyện hành quân thần tốc của hoàng đế Quang Trung, cách cắm cọc trên sông Bạch Đằng hay những địa danh bị bụi phủ mờ ( thành Bình Lỗ, đầm Thị Nại),…

Ta cũng sẽ được quay lại ngàn năm xưa để không chỉ biết đến vị anh hùng Lý Thường Kiệt, Hưng Đạo Đại Vương- Trần Quốc Tuấn, thiên tài quân sự Quang Trung- Nguyễn Huệ hay những vị vua tiếng vang muôn đời như Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông mà còn nói đến những nhân vật quan trọng khác đã cùng tạo nên bản hùng ca có thăng trầm, lúc thì hùng tráng, lúc thì bi ai.

Với mỗi khúc tráng ca sẽ kể tương ứng với 1 triều đại của phong kiến Việt Nam. Cuốn sách tập trung nói về các vấn đề đánh giá nhận định các giai đoạn Việt Nam, đồng thời đánh giá khách quan 1 số nhân vật quan trọng trong tiến trình lịch sử Việt Nam. Cuốn sách còn đưa ra các giả thiết lịch sử bao gồm cả việc kể lại những câu chuyện ít biết hoặc thường không được đề cập trong các cuốn sách lịch sử phổ thông cho học sinh.

Với lối viết rất thoải mái trong ngôn từ, sử dụng văn phong của giới trẻ cùng với cách đặt vấn đề rất tự nhiên và cuốn hút, theo bản thân mình thấy tác giả đã khéo léo khi đưa vào cuốn sách những đánh giá nhận định lại công lao, tội trạng, khiếm khuyết của các triều đại lịch sử Việt Nam, đem lại cái nhìn công bằng hơn cho các độc giả mà không gây gò bó hay khô khan – điều mà các cuốn sách lịch sử thường xuyên mắc phải khiến độc giả không chuyên dễ bị nhàm chán. Cuốn sách sẽ kể cho bạn nghe rất nhiều câu chuyện về sử Việt, để rồi bạn sẽ thấy rằng sử ta cũng chẳng hề thua kém sử Tàu.

Cuốn sách rất hay dành cho mọi đối tượng dù bạn là dân chuyên sử hay chỉ là đọc thường thức giải trí thì đều có thể chấp nhận đây là một cuốn sách gối đầu giường. Một điểm cộng nữa cho cuốn sách là tuy viết cho 1 giai đoạn dài lịch sử nhưng cuốn sách không quá dày, chính vì vậy mà không gây ra cảm giác ngại đọc như nhiều cuốn sử khác, rất thích hợp cho những người không có nhiều thời gian nhưng vẫn muốn biết về sử Việt tổng quan nhất.

Một số phân đoạn hay trong cuốn sách:
“Đứng giữa tình thế hung hiểm như vậy, đặt bên sinh mệnh của bản thân và cái chí lớn chưa làm gì nên sự nghiệp, không thể chết vì một mối tình thời niên thiếu trong cuộc chiến chốn quan trường và chốn hậu cung, Lý Thường Kiệt phải lựa chọn, và ông đã lựa chọn cách đau đớn nhất: trở thành hoạn quan”.

“Trần Thủ Độ cũng không kém anh, để giữ vững cơ nghiệp cho nhà Trần, ông sẵn sàng nhổ cỏ tận gốc”……..Một lần Trần Thủ Độ thấy Huệ Tông nhỏ cỏ sau vườn, Thủ Độ nói: “Nhổ cỏ thì phải nhổ cả rễ sâu” Huệ Tông nói: “Điều ngươi nói, ta hiểu rồi” Sau đó, Lý Huệ Tông tự tử ở sau vườn”

“Thủy quân của các tàu buôn phương Tây rất tự hào với hỏa lực trên biển. Thế nhưng khi đụng trận, bị Nguyễn Huệ đánh cho “hồn xiêu, phách lạc”. Quân Tây Sơn với súng trường và hỏa hổ đánh bại ngay súng trường phương Tây trên biển, khiến cai cơ người Pháp Manuel (Mạn Hòe) chết trận. Năm ấy, Nguyễn Huệ 29 tuổi, hệt như một Alexander Đại đế của Hi Lạp cổ đại”

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment