Review sách Tôi Tự Học
Học để làm gì ? và vì sao chúng ta phải học ?
Chúng ta đa phần được người lớn dạy dỗ khi còn nhỏ là phải học thật tốt để xin được việc làm, lương cao, được đi đây đó và không phải lo lắng về cơm áo, gạo tiền. Thật ra mong muốn này rất chính đáng, khi thế hệ của những người bố, người mẹ, của cả ông bà ta đã sống trong đói khổ, thiếu thốn về mọi mặt nên luôn mong muốn thế hệ sau có điều kiện hơn.
Bản thân chúng ta còn nhỏ cũng chưa nhận thức đúng đắn mục đích HỌC ĐỂ LÀM GÌ rồi khi lớn lên, ra trường đi làm chúng ta lại bị chi phối bởi suy nghĩ của đám đông, của những tiêu chuẩn xã hội. Vì thế chúng ta HỌC như một con robot nhiều hơn là tiếp thu và thẩm thấu nó đúng nghĩa.
Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chúng ta bám vào sách giáo khoa, giáo trình đã được chắt lọc, khi tốt nghiệp ra trường chúng ta hài lòng với những bằng cấp đã đạt được và tự mãn với chính mình. Và nếu có nhu cầu học lên cao, thì đa phần là học để nâng lương hoặc thăng chức chứ ít có ai học vì kiến thức, vì đam mê – Benjamin Franklin đã nói: “Chúng ta phần lớn chết ở tuổi 25, nhưng đến 75 tuổi mới được chôn”.
Thực ra việc học có phải là như vậy không ?
Tác giả tỏ ra xem thường lối HỌC vị lợi, học vì bằng cấp, vì chức tước, vì những lợi ích cá nhân, làm giàu cho bản thân, cái học trục vật vì tư lợi mà không đóng góp gì cho xã hội. Ông còn phê phán lối HỌC không tiêu hóa, học nhồi nhét, học vì trí nhớ … chứ không học vì yêu thích, vì đam mê.
Lối HỌC biến con người thành người máy, thành công cụ hơn là phát triển hoàn thiện nhân cách của mỗi người. “Con chiên ăn cỏ, đâu phải để mà nhả cỏ mà là để biến thành những bộ lông mướt đẹp. Con tằm ăn dâu, đâu phải để mà nhả dâu, mà là để nhả tơ…”. Học mà không tiêu hoá, có khác nào con chiên nhả cỏ, con tằm nhả dâu… Học như thế, không có lợi ích gì cho mình mà còn hạ phẩm cách của con người ngang hàng với máy móc.
Vậy theo tác giả, việc HỌC là thế nào ?
HỌC là để nâng cao phẩm cách con người. Mà để thực hiện được thì việc trước tiên là HỌC để “biết mình”, biết mình thì mới biết tự tạo dựng hạnh phúc cho mình và xa hơn là từ “biết mình” ta sẽ “biết người” tức là biết đối nhân, xử thế với những người xung quanh, sao cho hài hòa hợp lý và đó là con đường để đi đến thành công.
Mỗi một con người, cần phải khẩn khoản nhất là học cái “biết mình” – “biết mình là đầu mối của sự khôn ngoan”. Kế đến tác giả cho rằng HỌC là con đường gia tăng sự hiểu biết, có hiểu biết con người mới trở nên phóng khoáng, tránh câu nệ, mới thoát khỏi sự cố chấp, hẹp hòi trong tư tưởng, nhìn sự vật sự việc có trước có sau – “Đầu óc hẹp hòi, hay suy nghĩ có một chiều, nên dễ sanh ra cuồng tín”.
Về phương pháp học, thì tác giả cho rằng HỌC phải đi đôi với hành, có nghĩa là phải tiêu hóa hết những điều đã học “Người có học thức là người, đã thần hoá những cái học của mình”. Ngoài cái học bề sâu, học theo chuyên ngành, chuyên môn, chúng ta cần phải có cái học bề rộng vì mọi sự vật, sự việc trên đời đều có mối liên hệ mật thiết với nhau.
“Tóm lại, người học thức không phải cần biết thật nhiều, mà cần phải thật biết những gì mình đã biết”.
Cách tổ chức việc học sao cho đúng đắn.
Bàn về phương pháp tự học, tác giả cũng đưa ra một số cách tổ chức việc tự học sao cho có hiệu quả như: ông đề cao sự chuyên tâm khổ luyện, đặc biệt là sự khổ luyện của các thiên tài, có lối sống đơn giản, điều độ, có đời sống nội tâm phong phú, biết xúc cảm, biết tự tổ chức xắp xếp công việc, nên học viết văn, học làm thơ, học dịch văn là những cách để đào luyện bản thân.
Việc tự học không thể bỏ qua phương pháp đọc sách, phê bình và chọn lựa sách, phương pháp tập trung tinh thần, kèm theo một vài nguyên tắc làm việc do tác giả đúc kết như: học phải đi từ dễ đến khó, không nên đốt cháy giai đoạn, biết tiết kiệm và tổ chức thời gian, làm việc đều đều, không bỏ dỡ nữa chừng và cuối cùng phải biết quý trọng sức khỏe.
Vì sao lại là “Tôi tự học”
Đây là cuốn sách tự học theo phương pháp của tác giả, vì vậy ngay ở phần lời giới thiệu tác giả có đề cập vì sao tên cuốn sách là “Tôi tự học” mà không phải “Tự học”. Có thể một vài bạn đọc sẽ cho quan điểm của tác giả là khá lỗi thời, ấu trĩ, thiếu tính thực dụng đặc biệt với thời đại nhố nhăng, vàng thau lẫn lộn như hiện nay nhưng bản thân cho rằng, dù thời thế xoay vần, sự vật có lúc vơi lúc đầy nhưng những giá trị, chân lý sẽ vẫn mãi tồn tại theo thời gian. Cuối cùng, sách rất cần thiết và bổ ích không những cho bạn trẻ mà còn cho những người trưởng thành muốn củng cố thêm kiến thức thông qua con đường tự học.
Văn hoá là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được.
Có câu chuyện ngụ ngôn Ả rập hài hước như sau: Một hôm nhà vua gọi các bậc trí giả trong nước, bảo tìm tòi và mang lại cho ông sự khôn ngoan. Các bác học ấy ra sức sưu tầm tất cả sách vở hay nhất trong nước và tóm tắt lại thành một cuốn sách để mang đến cho nhà Vua, nhưng ông vẫn cho là quá nhiều, ông yêu cầu phải gói gọn tất cả tinh hoa của cuốn sách này làm thành một câu thôi và ông chỉ cần học lấy câu ấy là hiểu biết hết thiên hạ.
Cuối cùng nhà thông thái mang theo câu tư tưởng tinh hoa của tất cả sự hiểu biết của con người được viết trên một tấm lụa ngà: “Con người sinh ra, yếu đuối, trần truồng. Càng ngày càng lớn hơn, về sức mạnh cũng như về dục vọng, nhưng lòng tham muốn lại không bao giờ thoả mãn. Rồi tàn tạ, rồi tiêu vong”. Nhà Vua vô cùng giận dữ nói: “Điều ấy có gì mà phải nói. Ta đã biết dư rồi! Chúng anh toàn là bọn láo cá!”.
Câu chuyện này muốn nói gì ? Theo Charles Baudoin, thì trong những ý kiến các trí giả xưa nay, ý kiến sau này của Alain có lẽ là đúng nhất: “Văn hoá là điều không thể truyền được mà cũng không thể tóm tắt lại được”.
Đoạn trích hay:
“Đời sống phức tạp, tản mát, giáo dục hấp tấp vội vàng, thói đọc sách sơ sài ngoài mặt là những nguyên nhân làm cho tinh thần ta thiển bạc, lười biếng, thấy sao hay vậy, không chịu khó tìm xem nguyên nhân sự vật nơi đâu.”
” Sự sung sướng vật chất, học vấn, tự do, tất cả nền văn minh… chỉ là cái khung của một bức tranh. Cái khung đâu phải là bức tranh. Cũng như cái áo choàng đâu có làm thành được nhà tu, bộ quân phục đâu có biến con người thành một nhà chiến sĩ. Bức tranh ở đây tức là con người với tất cả những gì thâm sâu nhất của con người, tức là lương tâm, tính khí và ý chí của mình. Trong khi người ta chăm lo săn sóc và đánh bóng cái khung cho đẹp đẽ, người ta đã quên mất, khinh thường và làm hỏng mất bức tranh. Cũng như ta có thừa thãi về vật chất bên ngoài, nhưng lại hết sức nghèo nàn về cái đời sống bên trong; ta có thừa thãi tiền của mà ta có thể không có cũng không cần, trái lại ta rất nghèo thiếu cái điều cần thiết nhất của đời ta.”
Trích – “Tôi Tự Học”
Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi