Review sách Chiến Binh Cầu Vồng

0

“Chiến Binh Cầu Vồng” là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trên đảo Belitong, một hòn đảo nhỏ xinh đẹp nằm ở phía Tây Indonesia. Những đứa trẻ ấy sinh ra với cái nghèo, với sự lam lũ của người bản địa nếu không phải cu li cho công ty khai thác thiếc thì cũng là ngư dân bữa được bữa mất trông chờ cả vào biển.

Về tác giả:
Andrea Hirata là nhà văn Indonesia ăn khách nhất từ trước đến nay. Tác phẩm đầu tay của ông, Chiến binh cầu vồng (tiếng Indonesia là Laskar Pelangi) dựa trên câu chuyện có thực về thời thơ ấu của chính nhà văn. Ngay từ lần xuất bản đầu tiên năm 2005, cuốn sách về mơ ước và cuộc đấu tranh bền bỉ của thầy trò trường Muhammadiyah để gìn giữ quyền giáo dục cho
chính mình đã đạt thành công vang dội.

Review sách:
Chiến binh Cầu vồng có cả trong sáng tuổi học trò lẫn những trò đùa tinh quái, cả nước mắt lẫn tiếng cười – một bức tranh chân thực về hố sâu ngăn cách giàu nghèo, một tác phẩm văn học cảm động truyền tải sâu sắc nhất ý nghĩa đích thực của việc làm thầy, việc làm trò và việc học.

Truyện kể về quá trình nỗ lực vượt lên cái đói, cái nghèo để được đi học của 10 cậu học sinh là con của những vị phụ huynh nghèo nhất đảo Belitong. Và nỗ lực để được dạy của 2 giáo viên duy nhất của trường, thầy hiệu trưởng Harfan và cô giáo Mus.

Có lẽ chỉ những nơi mà các cô bé cậu bé oằn mình dưới gánh nặng nghèo khổ, dốt nát thì ước mơ được đến trường mới thật sự cháy bỏng. Ngôi trường Muhammadiyah xiêu vẹo, nghiêng ngả đến nỗi tưởng như một cơn gió thổi ngang qua cũng sẽ đổ lại là nơi gieo mầm và nuôi dưỡng niềm vui ấy.

Một ngôi trường tơi tả. Một cô giáo mười lăm tuổi mới tốt nghiệp trường nghề và vị hiệu trưởng lam lũ luôn chật vật, tất tả. Mười đứa học sinh lôi thôi nhếch nhác. Những giờ học mà lỡ trời có mưa thì cô giáo che tàu lá chuối trên đầu đứng giảng. Cậu học sinh thấp bé lọc cọc đạp chiếc xe cà tàng 80 km ngang qua khu đầm lầy đầy cá sấu, đi về mỗi ngày để tới trường… Có như vậy mới thấy khát khao được học, khát khao được hiểu biết, khát khao có thể thoát khỏi sự ngu dốt, nghèo đói đã cháy lên nồng nhiệt biết chừng nào.

Cứ thế, mỗi ngày đến trường đều thật vui dù rằng trong ngôi trường thiếu thốn đủ thứ ấy, sau mỗi giờ học, giáo viên trầy trụa với những công việc mưu sinh, học sinh tất tả trong cái vòng xoáy cơm áo gạo tiền của gia đình, và cả cái nguy cơ đóng cửa trường treo lơ lửng trên đầu.

Hình ảnh cậu bé Lintang gầy gò, đen nhẻm, mỗi ngày phải dậy từ sớm, đạp xe 40 km để đến trường. Khi xe hư, cậu không có tiền thay vỏ xe và mua cọng dây xích mới, nên phải dậy sớm hơn và đi bộ, đồng thời phải đi đường tắt mới kịp đến lớp. Mà đường tắt này lại phải đi ngang 1 đầm lầy đầy cá sấu. Có thể nói, để có thể đến lớp, mỗi ngày cậu đã phải đặt cược với mạng sống của chính mình.

Cái nghèo quanh quẩn và hiện hữu trên từng câu chữ càng làm cho ước mơ được học, được hiểu biết, được thoát nghèo của những đứa trẻ, những ông bố bà mẹ nơi tận đáy đảo Belitong trở nên đáng quý.

Câu chuyện viết về giáo dục rất sâu sắc và vô cùng đẹp đẽ. Nó đẹp không phải bởi vì từ ngữ hoa mỹ, bay bổng mà bởi vì văn phong vô cùng giản dị và chân thành nhưng lại khiến người đọc vô cùng xúc động.

Xuyên suốt tác phẩm, song song với việc làm nổi bật sự nỗ lực vượt gian khó của học trò và giáo viên trường, tác giả còn đưa người đọc đi du hành về miền ký ức đẹp đẽ của tuổi thơ, với những trò chơi thuở nhỏ, những rung động đầu đời.

Ý nghĩa cuốn sách:
Truyện truyền tải Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC của việc LÀM THẦY, LÀM TRÒ và VIỆC HỌC, xen lẫn trong đó là những khoảnh khắc thơ mộng của thời thơ ấu, về tình yêu trong sáng lẫn những trò đùa tinh quái của tuổi học trò.

“Chiến Binh Cầu Vồng” nhắc nhở chúng ta phải không ngừng cố gắng, không ngừng nỗ lực để không phải hối tiếc.

Đoạn trích hay:
“Điều tôi biết chắc từ những năm tháng học tại ngôi trường nghèo khó ấy là một cuộc sống làm lụng vất vả cũng giống như lấy trái từ trong một cái giỏ mà hai mắt đều bị bịt. Dù cuối cùng ta lấy được trái gì thì ít nhất ta cũng đã có trái. Trong khi đó, cuộc sống mà không phải làm lụng vất vả thì cũng giống như tìm một con mèo đen trong căn phòng tối om với hai mắt nhắm tịt, mà con mèo thì không có ở đấy.”

” Mọi công dân đều có quyền học hành
(Hiến pháp Nước Cộng hoà Indonesia, Điều 33)”

“Có những người không bao giờ tìm thấy bản thân mình và cứ thế đi hết cuộc đời như bao người khác”

“Những thứ đã không thể làm bạn chùn bước thì nhất định sẻ làm bạn mạnh mẽ hơn”

“Chúng tôi đã khuỵu xuống vì một kẻ thù vô hình, mạnh nhất, độc ác nhất, vô nhân tính nhất và khó chống lại nhất. Như một khối u ác tính nó gặm dần những học sinh, những thầy cô giáo, và ngay cả chính hệ thống giáo dục. Kẻ thù đó là chủ nghĩa thực dụng.”

“Chiến Binh Cầu Vồng” – Andrea Hirata

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment