Hãy giải thích và chứng minh câu ngạn ngữ của phương Tây: “Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi”

0

Sống trong cảnh gia đình đầy đủ, xa hẳn mọi điều lo lắng khổ cực, chúng ta dễ khinh thường những người lao động, hàng ngày phải lam lũ với nghề nghiệp. Chúng ta lại thường sẵn có thành kiến sai lầm, phân biệt nghề cao quý với nghề ti tiện, trọng lao động trí thức, coi thường lao động chân tay. Để cảnh cáo thái độ đó, phương Tây có câu ngạn ngữ:

Không có nghề nào hèn cả, chỉ có những kẻ hèn mà thôi

Vậy thế nào là nghề hèn và kẻ hèn. Trước hết, theo quan niệm thông thường, nghề hèn là những nghề lao động chân tay nặng nhọc, thu nhập không cao, nơi làm việc còn là nơi không sạch sẽ, thoáng mát, đẹp đẽ. Người ta thường xếp những nghề như: kéo xe ba gác, đạp xích lô, quét rác… là những nghề “hèn”. Điều đó liệu có đúng. Còn kẻ hèn là người ra sao? Trước hết đó là từ chỉ phẩm chất con người, Những người có việc làm, ý nghĩ nhỏ nhen, ích kỉ, không nghĩ đến người khác, thậm chí làm hại người khác hoặc làm những việc xấu mà không giám nhận. Vậy thì “kẻ hèn” ấy có mặt ở đâu, từ những toà nhà sang trọng đầy đủ tiện nghi đến ngoài lề đường, từ những cơ quan công sử đến chỗ chợ búa, lao động chân tay…

Có thể nấp trong một con người có vẻ ngoài lịch lãm, làm những công việc mà thiên hạ phải lác mắt trầm trồ hay là những con người có vẻ ngoài xấu xí, lao động giản đơn… Như vậy, rõ ràng “nghề hèn” và “kẻ hèn” không đồng nhất. Vậy thì tất nhiên “Không có nghề hèn, chỉ có kẻ hèn mà thôi”.

Thực tế đã giúp ta nhận ra chân lí của câu ngạn ngữ đó. Để trả lời chúng ta đưa ra vài thí dụ. Đây là bác phu xe, mặt mũi đen đủi, áo quần lôi thôi, lấy chiếc xe ba gác làm kế sinh nhai. Ta liệt bác vào hạng tầm thường và nghề bác là nghề hèn kém. Còn đây là bác công nhân quét đường, mỗi đêm và sáng bác làm vệ sinh thành phố, đến cửa từng nhà, hốt để lên xe những đống rác thối tha, đầy ruồi nhặng… Có người nhìn bác bằng căp mắt khinh rẻ. Bác phu xe ấy mỗi lần gò lưng đạp xe chở khách, nhận được một món tiền nho nhỏ, mang về nuôi sống gia đình, bác đổi bát mồ hôi lấy bát cơm. Đồng tiền tuy ít ỏi nhưng bác kiếm ra trong sạch. Bác công nhân quét đường cũng vậy. Bác chịu cực khổ, ngày ngày làm bạn VỚI những đống rác bẩn thỉu tanh hôi. Thế rồi, tháng đến, bác vui mừng đưa tay đón lấy đồng tiền lương chưa nhiều, đủ sống mà không dư dật. Nghề của bác thật là lương thiện. Cả hai người – và còn biết bao nhiêu người khác nữa – đều giúp ích cho xã hội một phần không nhỏ. Người thì chuyên chở giúp ta trên quãng đường xa, dưới nắng thiêu, mưa dội. Người thì chịu dơ dáy thân mình để bảo vệ sức khoẻ cho bao người khác. Hãy thử hình dung mỗi ngày đường phố không có người quét dọn. Còn đâu những con đường rộng thênh thang, sạch mát mỗi sáng ta bước ra. Nếu một lần bạn đã đọc bài thơ “Chị lao công” của nhà thơ Tố Hữu hẳn bạn sẽ thấy rằng nghề quét rác ấy không hèn mà ngược lại, chúng ta phải nghiêng mình cám ơn những con người lao động thầm lặng ấy.

Như thế thì sao có thể gọi nghề của họ là “hèn” được? Nghề của họ, tưởng là tầm thường mà thực ra có ích cũng chẳng khác gì nghề nghiệp của những người trí thức. Mà đã có ích thì là cao quý rồi.

Hơn nữa, những người ấy đều đã đặt hết cả lương tâm, trí óc, cũng như sức khoẻ của họ để làm đầy đủ bổn phận mà cuộc đời đã dành cho họ. Ngoài ra họ còn là những người biết tự trọng, biết đem sức lao động mà trả nợ áo cơm, giúp ích xã hội, để sống xứng đáng với danh nghĩa “làm người” của họ. Như thế chẳng đáng cho ta cảm phục hay sao? Có phải người ta đã nông nổi mà xét đoán nghề nghiệp của họ một cách nhầm lẫn không?

Như vậy, ta phải công nhận rằng chẳng có nghề nào là hèn cả, mà chỉ có người hèn thôi, và đó chính là kẻ bĩu môi chê lao động chân tay là nghề hèn kém. Vậy thế nào là người hèn? Đó là những người lười biếng, không nhận thức được bổn phận của họ là phải làm việc cho xã hội. Họ đã cướp công của xã hội, đã lừa cơm, cướp áo của lớp người cần lao kia. Người hèn là những hạng người thiếu lương tâm, thiếu trách nhiệm, làm việc chiếu lệ cho xong, không xứng đáng với đồng tiền mà họ nhận. Người hèn là những người làm dân thì phản nước, làm trò thì phản thầy, chơi bạn thì phản bạn, nói tóm lại những hạng lọc lừa, tham vàng bỏ ngãi, hình người lòng thú, dưới muôn hình vạn trạng, là những kẻ ăn cắp của công để ăn chơi thoả thích lãng phí tiền bạc của nhân dân. Danh từ hèn chỉ dành cho những con người ấy.

Câu ngạn ngữ Tây phương trên thật đã cho ta một bài học quý giá về nghề nghiệp. Nó khuyên ta nên tiêu diệt đầu óc hủ bại, đầy rẫy thành kiến sai lầm về nghề nghiệp. Nên nhớ rằng những nghề đi giúp ích cho xã hội đều là đáng trọng, đều là đáng quý. Vậy ta phải coi trọng sức cần lao của mọi lớp người lao động, cũng như trí thức. Đó là con đường duy nhất đưa ta đến mội xã hội bình đẳng, bác ái thực sự trong công việc kiến thiết xứ sở ngày nay.

Xem thêm nhiều bài hơn tại : Đề Thi

Leave a comment